1. Putin cố ý tiêu diệt một lữ đoàn Nga để che đậy tội ác chiến tranh

Theo tờ Newsweek, trong một bản báo cáo chắc chắn sẽ gây kinh hoàng cho người Nga, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các đơn vị của Nga có liên quan đến vụ giết hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine thuộc vùng Kyiv có thể đã bị “tiêu diệt trong chiến đấu”. ISW cho biết như trên trong một đánh giá vào hôm thứ Sáu 12 tháng 8.

Trích dẫn một báo cáo của Đài Âu Châu Tự do, gọi tắt là RFE, ISW đánh giá rằng Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64 của Quân đoàn vũ trang liên hợp số 35 của Nga có khả năng đã bị tiêu diệt, đặc biệt hơn nữa, đó là “một phần trong nỗ lực cố ý của Điện Cẩm Linh nhằm che giấu tội ác chiến tranh mà họ đã gây ra ở vùng Kyiv.”

Nhóm nghiên cứu đã trích dẫn một cuộc điều tra của RFE về lữ đoàn, được tiến hành sau vụ thảm sát được tường trình diễn ra vào tháng 4 ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kyiv. Cuộc điều tra cho thấy sau những trận giao tranh ác liệt trong khu vực giữa Izyum và Slovyansk, các quân Nga trong lữ đoàn này “phần lớn đã chết.”

Theo phân tích của nhà báo điều tra Mark Krutov của RFE, trong số 1.500 binh sĩ thuộc lữ đoàn trước khi cuộc chiến chống Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, từ 200 đến 300 binh sĩ có thể đã chết ngay trong vùng Kharkiv.

ISW cho biết trong đánh giá mới nhất của mình: “Thông thường, khi các đơn vị Nga bị tổn thất nhân lực nghiêm trọng như thế trong quá trình chiến đấu, các đơn vị của Nga sẽ bị giải tán và những người sống sót được tái bố trí vào các thành phần chiến đấu khác, nhưng ông Krutov lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không giải tán Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64”.

Tổng thống Nga đã trao cho lữ đoàn danh hiệu “cảnh vệ” danh dự vào ngày 18 tháng 4, sau khi xuất hiện bằng chứng cho thấy họ đã phạm tội ác chiến tranh ở Bucha. ISW lưu ý rằng lữ đoàn đã được gấp rút gởi đi tham chiến ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra các cuộc chiến ác liệt nhất vào thời điểm đó, sau khi vừa rút quân khỏi Kyiv. Họ không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái trang bị, nhận thay thế hoặc phục hồi.

ISW cho biết: “Có nhiều suy đoán vào ngay thời điểm đó rằng Điện Cẩm Linh mong muốn lữ đoàn này bị tiêu diệt trong chiến đấu để tránh bị tiết lộ về tội ác chiến tranh của họ”

Hàng trăm thi thể được tìm thấy nằm trên đường phố ở Bucha, một thị trấn gần Kyiv, khiến chính quyền Ukraine thông báo rằng họ đang điều tra các tội ác chiến tranh của lực lượng Nga sau khi họ rút khỏi thị trấn sau khi giao tranh dữ dội.

Vào ngày 28 tháng 4, chính quyền Ukraine đã đệ đơn cáo buộc hình sự đối với 10 binh sĩ Nga bị cáo buộc tham gia vào các hành động tàn bạo ở Bucha. Họ đều là hạ sĩ quan và binh nhì thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ biệt lập số 64 của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 5 tháng 4, trong khi phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, rằng Ukraine có “bằng chứng kết luận” rằng Nga đã thực hiện một vụ thảm sát ở Bucha.

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ giết hại dân thường ở Bucha.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.

2. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đe dọa các đồng minh phương Tây của Ukraine

Hôm thứ Sáu, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời đe dọa đối với các đồng minh phương Tây của Ukraine, những người đã cáo buộc Nga tạo ra nguy cơ thảm họa hạt nhân bằng cách đóng quân trong nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine.

Ukraine đã cáo buộc Nga bắn vào các thị trấn Ukraine từ địa điểm này vì cho rằng các lực lượng Ukraine không thể liều lĩnh bắn trả. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine còn nói rằng chính Mạc Tư Khoa đã nã pháo vào khu vực lân cận của nhà máy điện hạt nhân trong khi đổ lỗi cho Ukraine.

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói: “Kyiv và các đồng minh của họ nói rằng đó là do Nga gây ra. Điều đó rõ ràng là vô nghĩa 100%, ngay cả đối với những công chúng bài Nga ngớ ngẩn nhất,” Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga sau khi đã từng là Tổng thống và Thủ tướng Nga.

“Họ nói rằng tai nạn hạt nhân có thể xảy ra hoàn toàn do tình cờ. Tôi có thể nói gì? Đừng quên rằng Liên minh Âu Châu cũng có các nhà máy điện hạt nhân. Và tai nạn cũng có thể xảy ra ở đó”.

3. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc phản đối kế hoạch phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasyl Nebenzia, cho biết nước này không ủng hộ đề xuất thành lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Đại Sứ Vasyl Nebenzia nói: “Việc phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân này có thể làm cho nó dễ bị tổn thương đối với những người muốn đến thăm nó. Không ai biết mục tiêu và mưu toan của họ sẽ là gì. Chúng tôi không thể loại trừ mọi hành vi khiêu khích, tấn công khủng bố vào một nhà máy điện hạt nhân mà chúng tôi phải bảo vệ.”

Đáp lại, Đại Sứ Sergiy Kyslytsya, là Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng lập trường của Nga là ngớ ngẩn. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là của Ukraine và nằm trên lãnh thổ Ukraine, không cần Nga phải bảo vệ. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga phải cấp cho phái bộ IAEA quyền tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi rút toàn bộ quân nhân và thiết bị quân sự ra khỏi nhà máy điện hạt nhân và tránh triển khai bất kỳ lực lượng quân sự hoặc thiết bị quân sự nào khác trong khu vực.

Tổng thư ký Guterres nói: “Cơ sở này không thể được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần khẩn trương đạt được thỏa thuận ở cấp độ kỹ thuật về việc thiết lập vành đai an ninh và phi quân sự hóa để bảo đảm an ninh cho khu vực.”

4. Tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh

Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh.

Vào ngày 9 tháng 8 năm 2022, các vụ nổ đã xảy ra tại sân bay quân sự Saky ở phía tây Crimea do Nga điều hành. Nguyên nhân ban đầu của các vụ nổ vẫn chưa rõ ràng, nhưng những đám mây hình nấm lớn có thể nhìn thấy trong video của những người chứng kiến gần như chắc chắn là do vụ nổ của đến 4 khu vực cất giữ bom lộ thiên.

Ít nhất 5 máy bay chiến đấu-ném bom Su-24 FENCER và 3 máy bay phản lực đa năng Su-30 FLANKER H gần như chắc chắn đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong các vụ nổ. Khu vực trung tâm dành cho máy bay đậu của Saky đã bị hư hại nghiêm trọng, nhưng sân bay có lẽ vẫn còn hoạt động được.

Việc mất 8 máy bay chiến đấu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số phi đội máy bay mà Nga có sẵn để hỗ trợ chiến tranh. Tuy nhiên, Saky chủ yếu được sử dụng làm căn cứ cho các máy bay của Hạm đội Hắc Hải của Hải quân Nga. Năng lực hàng không hải quân của hạm đội hiện đã xuống cấp đáng kể. Vụ việc có thể sẽ khiến quân đội Nga phải điều chỉnh lại nhận thức về mối đe dọa của mình. Crimea có lẽ đã từng được coi là một khu vực hậu phương an toàn.

Trong một báo cáo khác, Forbes ước tính rằng các chiếc máy bay bị phá hủy tại căn cứ không quân Crimea của Nga trị giá từ 650 triệu đến 850 triệu USD.

Báo cáo cho biết: “Dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau, Forbes ước tính rằng trước khi xảy ra vụ nổ, các thiết bị máy bay trị giá từ 650 triệu đến 850 triệu USD đã được đặt tại sân bay”.

5. Estonia hôm thứ Năm cho biết họ sẽ ngăn chặn hầu hết người Nga

Ngoại trưởng Urmas Reinsalu cho biết trong một tuyên bố rằng từ tuần tới, họ sẽ ngăn hầu hết người Nga nhập cảnh vào nước này. Cho đến nay, người Nga vẫn vào Âu Châu qua ngã Schengen, nơi không cần hộ chiếu của Liên Hiệp Âu Châu.

Trong khi các trường hợp ngoại lệ có thể được áp dụng, Bộ Ngoại giao Estonia, một thành viên Liên minh Âu Châu, cho biết họ cũng sẽ ngừng cấp thị thực cho người Nga đến làm việc, học tập và kinh doanh tại nước này.

Ngoại trưởng Urmas Reinsalu nói: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng công dân Nga đến hoặc đi qua Estonia. Khả năng họ phải đến thăm Estonia, hoặc các khu vực khác của Âu Châu qua Estonia, hàng loạt không phù hợp với các nguyên tắc của các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt,” ông nói và nhấn mạnh rằng lệnh này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 8.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã kêu gọi phương Tây áp đặt lệnh cấm du lịch toàn diện đối với người Nga.

Latvia, Lithuania và Cộng hòa Tiệp đã ngừng cấp thị thực cho hầu hết người Nga, trong khi Phần Lan và Estonia gần đây đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu đồng loạt làm như vậy.

6. Lực lượng Nga tiến hành một cuộc không kích ở miền đông Ukraine

Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 13 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào miền đông Ukraine để “bù đắp cho những thiệt hại về nhân lực và thiết bị” mà họ đã phải gánh chịu.

Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Nga đã pháo kích trên diện rộng vào các lực lượng Ukraine ở phía đông bắc, đông và đông nam của đất nước, cùng với một số nỗ lực của Nga nhằm tiến về phía đông “không thành công” hoặc chỉ “thành công một phần”.

Các lực lượng Nga đã pháo kích vào nhiều thị trấn và làng mạc của Ukraine gần thành phố Slovyansk đang có các cuộc giao tranh ác liệt, trong khi một cuộc không kích xảy ra gần Zaluman.

Quân đội Ukraine suy đoán đợt oanh tạc nặng nề này là một nỗ lực của quân Nga nhằm “bù đắp cho những tổn thất về nhân lực và trang thiết bị” trong các cuộc giao tranh trước đó.

Pháo binh Nga đã bắn trúng một số ngôi làng xung quanh Kharkiv, thành phố thứ hai của Ukraine, mà Nga đã tiến hành một nỗ lực không thành công vào đầu cuộc chiến.

Cherkaski Tyshki, Pytomnyk, Ruski, Sosnivka và Lebyazhe đều bị tấn công bằng pháo thông thường của hỏa tiễn Nga.

Ở phía đông, ngoài việc bị pháo kích dữ dội, quân đội Nga còn tung ra một cuộc tấn công hỗ trợ bộ bình nhằm vào Horlivka-Zaitseve, và “đã thành công một phần”.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công vào các khu định cư của Ivano-Daryivka, Vyimka và Bakhmut đã thất bại, và quân Nga buộc phải rút lui bỏ lại xác đồng đội.

Xa hơn một chút về phía nam, người Nga đã cố gắng tiến vào các làng Spartak và Maryinka, nhưng “không thành công” sau đó “rút lui”.

Tại khu vực phía nam Buh của Ukraine, đối diện với Crimea bị chiếm đóng, nhiều trận pháo kích hạng nặng của Nga đã được báo cáo, cùng với các cuộc không kích gần Osokorivka, Andriivka, Blahodatne và Novohryhorivka.

Tại khu vực này, quân đội của Putin đã được nhìn thấy sử dụng các máy bay không người lái để trinh sát và giúp chỉ đạo các cuộc pháo kích.

Trong khi đó, hải quân Nga tiếp tục phong tỏa “hoạt động vận chuyển dân sự ở khu vực tây bắc của Hắc Hải” trong khi “tấn công các cơ sở quân sự và các yếu tố cơ sở hạ tầng sâu trong lãnh thổ Ukraine”.

Tuyên bố của Ukraine kết thúc rằng “Lực lượng phòng thủ Ukraine đang gây tổn thất cho quân chiếm đóng của Nga trên mọi hướng nơi các cuộc chiến đang diễn ra.

“Chúng tôi tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine! Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng! Niềm tự hào cho Ukraine!”

Hôm thứ Ba, một loạt vụ nổ đã xé toạc một căn cứ không quân của Nga ở Crimea, với hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay và phương tiện bị phá hủy.

Trong khi Nga khẳng định các vụ nổ là một vụ tai nạn, sự hiện diện của nhiều hố sâu đã khiến các chuyên gia độc lập nghi ngờ một cuộc tấn công của Ukraine đã xảy ra.

Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố một video chế nhạo các du khách Nga, những người bị buộc phải cắt ngắn kỳ nghỉ ở Crimea do vụ tấn công.

Đoạn clip lan truyền, thúc giục du khách Nga “về nhà”, đã được xem hơn 2 triệu lần chỉ riêng trên Twitter.

Bộ Quốc phòng Nga đã được Newsweek liên hệ để đưa ra bình luận.

7. Thăm dò ý kiến cho thấy có thêm nhiều người Ukraine hiện mong muốn lấy lại Donbas, Crimea từ Nga

Một cuộc thăm dò mới cho thấy nhiều người Ukraine hiện mong đợi các khu vực Crimea và Donbas sẽ được lấy lại từ Nga.

Cuộc khảo sát của Viện Cộng hòa Quốc tế, gọi tắt là IRI, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đã được công bố hôm thứ Năm, sau khi được thực hiện từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 6 và đã thẩm vấn 2.004 công dân trên khắp đất nước, ngoại trừ khu vực Donbas do Nga chiếm đóng và Crimea.

Cuộc thăm dò cho thấy 91% người Ukraine tán thành mạnh mẽ hoặc đáng kể các hành động của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ tăng đột biến trong vòng hai tháng qua những người Ukraine tin rằng sau chiến tranh Ukraine sẽ giành lại khu vực phía đông Donbas cũng như Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. 64% được hỏi nói rằng từ chiến tranh này Ukraine sẽ lấy lại được tất cả các lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận vào năm 1991. Đây là mức tăng từ 53% vào tháng Tư.

Các Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận được sự ủng hộ gần tuyệt đối của toàn dân, với khoảng 98% mạnh mẽ tán thành các hành động của họ vào tháng Sáu.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.

Trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Năm, Zelenskiy đã nói chuyện với các quan chức nhà nước, địa phương và quân đội, đồng thời kêu gọi họ ngừng trao đổi với giới truyền thông về các chiến thuật quân sự của đất nước ông chống lại Nga.

Bình luận của ông được đưa ra sau các báo cáo của phương Tây trích dẫn các quan chức không rõ danh tính tuyên bố Ukraine chịu trách nhiệm về vụ nổ phá hủy một căn cứ không quân ở Crimea hôm thứ Ba, điều mà Kyiv chưa chính thức xác nhận.

Zelenskiy nói: “Chiến tranh chắc chắn không phải là lúc dành cho những tuyên bố phù phiếm và ồn ào, và nói thêm rằng” bạn tiết lộ càng ít chi tiết về các kế hoạch phòng thủ của chúng ta thì càng tốt.