1. Vụ tấn công bất ngờ gây sửng sốt cho người Nga đã diễn ra như thế nào?

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ tin rằng có tới một chục máy bay Nga đã bị phá hủy trên mặt đất sau các vụ nổ khiến Mạc Tư Khoa kinh hoàng tại căn cứ không quân Saky ở Crimea, mà Nga cho biết đã giết chết một người, 13 người bị thương và làm hư hại hàng chục ngôi nhà gần đó.

Các nguồn tin chính trị ở Ukraine cho biết nước này đã thực hiện vụ tấn công - nhưng Kyiv không công khai tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ việc mà một chuyên gia tin rằng có thể là sản phẩm của một cuộc đột kích táo bạo của biệt kích chứ không phải một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn.

Yuriy Ignat, phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, nói với đài truyền hình quốc gia rằng từ việc nghiên cứu các đoạn phim về vụ việc, rõ ràng là “kho vũ khí máy bay đã bị bắn trúng”. Ông nói: “Và hàng chục máy bay bị phá hủy ở đó, đó là một chiến thắng thực sự.”

Tổng thống Ukraine, Volodoymyr Zelenskiy, đã đề cập đến vụ tấn công trong bài phát biểu quốc gia mới nhất vào tối thứ Tư. Ông nói: “Chỉ trong một ngày, quân xâm lược Nga đã mất 10 máy bay chiến đấu: 9 chiếc ở Crimea và một chiếc nữa ở hướng Zaporizhzhia. Quân xâm lược Nga cũng phải chịu những tổn thất mới về xe bọc thép, các kho chứa đạn dược, các tuyến đường hậu cần.”

Căn cứ không quân Saky là nơi đặt máy bay chiến đấu rất đắt tiền của Nga như Su-30M, máy bay ném bom Su-24 và máy bay vận tải Il-76, được sử dụng thường xuyên để thực hiện các cuộc tấn công hỏa tiễn vào Ukraine, tuần tra Hắc Hải và khu vực xung quanh.

Trong cuộc họp báo vào chiều thứ Tư 10 tháng 8, phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã từ chối không cho biết cuộc tấn công đáng kinh ngạc vào Crimea đã được thực hiện như thế nào. Một đồng nghiệp Ukraine giải thích với chúng tôi rằng nếu nói tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa, thì bất kể Crimea là vùng đất thuộc chủ quyền của Ukraine bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014, đó sẽ là một sự khiêu khích không cần thiết, có khả năng bị Nga lợi dụng để mở rộng quy mô chiến tranh ra bên ngoài Ukraine, và cũng có thể gây ra lo ngại cho các đối tác phương Tây đang hỗ trợ cho Ukraine. Các nguồn tin tại Kyiv tin rằng vụ tấn công này là do biệt kích Ukraine làm, và một tuyên bố công khai hay chi tiết về vụ tấn công có thể ảnh hưởng đến an toàn của họ. Thành ra, bầu không khí ở Kyiv hết sức phấn khởi trước vụ tấn công bất ngờ đáng kinh ngạc này, nhưng người Ukraine tự chế, giữ im lặng.

Các quan sát viên nhận định rằng sự im lặng công khai của Ukraine về cuộc tấn công một phần được thiết kế để bảo vệ một số sự mơ hồ về các phương tiện được sử dụng, khiến dư luận tại Nga còn hoang mang hơn nữa khi không thể chắc chắn về việc làm thế nào Kyiv có thể tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga như thế.

Đã có các đồn đoán cho rằng căn cứ không quân có thể bị tấn công bởi hỏa tiễn tầm xa, chẳng hạn như hỏa tiễn chống hạm Neptune do Ukraine sản xuất, được sửa đổi để tấn công các mục tiêu mặt đất, từ khu vực xung quanh Odesa, cách đó khoảng 265km. Tuy nhiên, Justin Bronk, một nhà phân tích hàng không của viện nghiên cứu quốc phòng Rusi của Anh, nói rằng, sau khi nghiên cứu các video trên mạng xã hội về vụ việc, anh ta không thể thấy bằng chứng nào về hỏa tiễn đang lao tới và anh ta “gần như chắc chắn” có những “vụ nổ thứ cấp” của các kho đạn hoặc nhiên liệu được cất giữ trên hoặc gần đường băng.

Điều đó khiến Justin Bronk kết luận rằng “lý thuyết hiện tại có khả năng nhất đối với tôi là các lực lượng đặc biệt Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công bằng cách xâm nhập đủ gần đến căn cứ này để phóng các máy bay không người lái nhỏ gọn, để bắn trúng máy bay đang đậu hoặc vào các xe tải hay các kho chứa nhiên liệu”.

Các nhận xét và video khác cho thấy thiệt hại gây ra là đáng kể. Sergey Aksyonov, người đứng đầu Crimea do Nga chỉ định, nói rằng 13 người bị thương, 252 phương tiện bị phá hủy và 62 khu chung cư bị hư hại. Một ngày trước đó, anh ta nói một người đã bị giết.

Sergey Aksyonov đã ban hành tình trạng thiết quân luật để tránh một cuộc tấn công khác có khả năng xảy ra.

Một video trên mạng xã hội, được định vị địa lý tại một bãi đỗ xe gần căn cứ, cho thấy một số chiếc xe bị cháy hoặc hư hỏng với cửa sổ bị thổi tung, có vẻ như do sự dữ dội của các vụ nổ. Một đoạn video ngắn khác cho thấy một máy bay phản lực bị phá hủy trên đường băng.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, nói với BBC rằng Vương quốc Anh vẫn đang cố gắng xác minh sự thật về các vụ nổ ở căn cứ không quân, nhưng nói thêm rằng ông tin rằng không có khả năng liên quan đến vũ khí phương Tây. Ben Wallace cho rằng căn cứ không quân này là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Ukraine. Crimea là lãnh thổ của Ukraine và từ căn cứ Không Quân này, Nga đã tung ra các cuộc không kích vào thường dân vô tội.

Cuộc tấn công vào căn cứ không quân ở Crimea đã là một động lực cho Kyiv, vốn đang tìm cách chứng minh rằng họ có thể tổ chức một cuộc phản công ở phía nam đất nước và chiếm lại thành phố Kherson bị chiếm đóng trước khi mùa thu bắt đầu.

2. Quân Nga núp trong nhà máy điện hạt nhân pháo kích khiến 13 người thiệt mạng

Trong bản báo cáo hôm thứ Tư 10 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết 13 thường dân vô tội đã thiệt mạng trong trận pháo kích trong đêm gần Nikopol, bên kia sông Dnipro từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga nắm giữ tại Enerhodar. Ukraine cho biết những kẻ tấn công đang ẩn náu trong khu vực của nhà máy điện để đề phòng bị phản công.

Các ngoại trưởng G7 đã cảnh báo trong một tuyên bố chung rằng Nga mạo hiểm “sự an toàn và an ninh” của địa điểm này và kêu gọi Mạc Tư Khoa cho phép các thanh sát viên an toàn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến thăm ngay lập tức - và giao lại nhà máy hạt nhân cho Ukraine.

Đến lượt mình, trong một diễn biến gây ngỡ ngàng, Nga cho biết họ đã yêu cầu hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận vấn đề vào ngày thứ Năm 11 tháng 8, sau những gì họ nói là “cuộc tấn công của Kyiv” vào cơ sở - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Âu Châu. Một số Đại Sứ tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ kinh ngạc khi Nga hành xử như thể nhà máy điện hạt nhân này là của Nga.

Petro Kotin, chủ tịch của Energoatom - công ty Ukraine sở hữu nhà máy - nói rằng Nga đang cố gắng chuyển nhà máy này sang cung cấp điện cho Crimea thay vì cho Ukraine, điều mà ông mô tả là đầy rủi ro.

Ông nói: “Để làm được điều này, trước tiên bạn phải làm hỏng các đường dây điện của nhà máy kết nối với hệ thống năng lượng Ukraine. Hiện tại, nhà máy chỉ hoạt động với một dây chuyền sản xuất, đây là một cách làm việc cực kỳ nguy hiểm”.

3. Quan chức Điện Cẩm Linh tuyên bố Nga đang chiến tranh với NATO

Theo ông Sergey Kiriyenko, phó chánh văn phòng thứ nhất của Tổng thống Nga, NATO đã gây chiến với Nga trên lãnh thổ Ukraine.

Kiriyenko, người được hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, nhận xét trong lễ khai mạc diễn đàn Digoria dành cho các nhà khoa học chính trị trẻ rằng phương Tây đang tiến hành một “hoạt động quân sự nóng bỏng” chống lại Nga.

Bất chấp thực tế là Nga đã mở cuộc xâm lược vào Ukraine từ ngày 24 tháng Hai, Kiriyenko tuyên bố một cách đáng kinh ngạc rằng: “Chúng tôi hiểu rất rõ rằng trên lãnh thổ Ukraine, chúng tôi không có chiến tranh với Ukraine và tất nhiên, không phải với người Ukraine. Toàn bộ khối NATO đang chiến đấu chống lại Nga, trên lãnh thổ của Ukraine và do bàn tay của người Ukraine.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã né tránh việc gọi cuộc tấn công của mình vào Ukraine là một cuộc chiến tranh, thay vào đó coi đó là một “hoạt động quân sự đặc biệt”. Ông cũng không công bố bất kỳ kế hoạch dứt khoát nào để đưa cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới Ukraine hoặc tuyên chiến chống lại NATO, một liên minh quân sự phòng thủ với 30 quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ quốc gia nào “tạo ra mối đe dọa chiến lược đối với Nga” trong cuộc tấn công Ukraine đều có thể mong đợi “các cuộc tấn công trả đũa” sẽ diễn ra “nhanh như chớp”.

Một số nước NATO đã gửi cho Ukraine vũ khí và các khoản viện trợ quân sự khác. Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp đã thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây khi các lực lượng vũ trang của Ukraine báo cáo các cuộc tấn công thành công vào các mục tiêu của Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Nga vào tháng 4 rằng với việc phương Tây trang bị vũ khí cho Ukraine, “NATO về cơ bản sẽ gây chiến với Nga thông qua một ủy nhiệm và trang bị cho ủy nhiệm đó”.

Kiriyenko cũng cáo buộc lãnh đạo Ukraine hôm thứ Tư đã cho phép đất nước và người dân của họ trở thành ủy nhiệm của NATO.

Ông nói: “Họ đã cung cấp lãnh thổ của Ukraine và người dân Ukraine cho NATO trong một nỗ lực nhằm xây dựng một cuộc đối đầu cơ bản giữa cộng đồng phương Tây chống lại Nga trên lãnh thổ đó. Tất nhiên, NATO sẽ hăng hái chiến đấu, vì bản thân họ không ngần ngại tuyên bố chống lại Nga đến người Ukraine cuối cùng và không một chút hối hận.”

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, truyền hình nhà nước Nga đã gợi ý rằng nước này đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết vào tháng 5 rằng ông tin rằng một cuộc tấn công chống lại liên minh là một rủi ro rất lớn mà Putin không sẵn sàng thực hiện.

“Nếu Nga quyết định tấn công bất kỳ quốc gia nào là thành viên NATO, thì đó là một yếu tố thay đổi cuộc chơi,” Austin nói trong khi điều trần trước Tiểu ban Chuẩn Chi Hạ viện về Quốc phòng cùng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley.

“Nhưng nếu các bạn nhìn vào phép tính của Putin, thì theo quan điểm của tôi - và tôi chắc rằng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cũng có quan điểm của riêng mình - nhưng quan điểm của tôi là Nga không muốn tham gia vào một cuộc chiến với liên minh NATO.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh và NATO để đưa ra bình luận.

4. Trung Quốc sẽ cần hai triệu binh sĩ để xâm lược Đài Loan và có thể kết thúc thất bại giống như Vladimir Putin ở Ukraine.

Căng thẳng đã bùng phát sau chuyến thăm hòn đảo của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Trung Quốc chưa bao giờ ngại ngùng khi thừa nhận họ muốn chinh phục Đài Loan - quốc gia nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ.

Và trong khi Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến chớp nhoáng vượt qua eo biển Đài Loan để đánh chiếm hòn đảo, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến rất khó có thể diễn ra nhanh chóng.

Với những bãi biển hiểm trở, địa hình nhiều đá, quân phòng thủ Đài Loan được tập dượt thường xuyên và những vùng biển đầy trắc trở, Trung Quốc có thể phải đối mặt với cuộc chiến tàn khốc tương tự như cuộc chiến Nga đang sa lầy ở Ukraine.

Theo chuyên gia về Trung Quốc Ian Williams, Bắc Kinh sẽ cần khoảng hai triệu quân để có hy vọng chiếm lấy Đài Loan.

Viết trên tờ The Sunday Times, ông nói: “Ukraine đã chứng minh cách mà một kẻ ở thế yếu hơn nhưng kiên quyết có thể cản trở tham vọng của một đối thủ lớn hơn và mạnh hơn nhiều, và nó đang được nghiên cứu ở cả hai bên eo biển Đài Loan.”

Bắc Kinh đã triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu và hỏa tiễn trong tuần qua để bao vây hòn đảo trong một cuộc phong tỏa.

Williams mô tả đây là một “cơn giận dữ quân sự hóa” - và nói rằng một cuộc phô trương vũ lực như vậy thường không thể chuyển thành một cuộc xâm lược thành công hay dễ dàng.

Đài Loan đã cáo buộc Trung Quốc thẳng tay thực hiện các cuộc tập trận tấn công trên hòn đảo này, trong khi các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Bắc Kinh khoe rằng các cuộc tập trận là diễn tập cho “hoạt động thống nhất”.

Đó là một dư âm lạnh lùng của câu nói được Putin sử dụng trước cuộc xâm lược ở Ukraine, mà ông ta đã coi là một “cuộc hành quân đặc biệt”.

Tuy nhiên, sự khác biệt chính giữa Đài Loan và Ukraine là đảo quốc này là một hòn đảo - có nghĩa là bất kỳ lực lượng đối phương nào cũng phải thành công trong một cuộc đổ bộ hoặc một cuộc không kích lớn.

Và eo biển Đài Loan nổi tiếng đầy sóng gió, ngăn cách hòn đảo với đất liền. Người ta tin rằng chỉ có 14 bãi biển trên đảo thích hợp cho một cuộc đổ bộ với quy mô mà Trung Quốc cần đến.

Các nhà chiến lược cũng tin rằng chỉ có hai thời điểm thực tế cho một hoạt động như vậy, đó là cuối tháng Ba dầu tháng Tư hoặc cuối tháng Chín đầu tháng Mười.

Williams viết: “Các chiến lược gia Đài Loan đã ví vùng biển ngăn cách họ với Trung Quốc như con đường tiến vào Kyiv, nơi quân đội Nga bị đẩy lùi”.

Putin đã kỳ vọng cuộc tấn công của mình vào Ukraine sẽ kết thúc trong một thắng lợi nhanh chóng khi mở một cuộc hành quân quy mô về phía thủ đô trong những ngày đầu của cuộc chiến vào ngày 24 tháng Hai.

Nga đã cử các đội máy bay trực thăng và hàng loạt xe tăng ầm ầm tiến đánh Kyiv – nhưng tất cả các cuộc tấn công này đều bị đẩy lui hoặc trở nên sa lầy.

Những tổn thất đáng kinh ngạc là đặc điểm của những ngày đầu chiến tranh đối với Nga. Và những dự đoán táo bạo rằng Putin sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Ukraine đã được chứng minh là sai lầm một cách đáng xấu hổ khi những người Ukraine anh hùng vẫn đứng vững. Một kết cục như thế cũng sẽ diễn ra với Tập Cận Bình nếu ông ta muốn chiếm Đài Loan.