1. Slovakia gửi máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine

Slovakia và Tiệp đang thách thức Putin trong một kế hoạch táo bạo nhằm hỗ trợ cho Không Quân Ukraine.

Hôm Chúa Nhật 3 tháng 7, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger và Thủ tướng Cộng hòa Tiệp, Petr Fiala, cho biết điều này trực tiếp trên kênh CT24 của Cộng hòa Tiệp. Theo thỏa thuận giữa hai quốc gia, Slovakia sẽ gửi hết số máy bay chiến đấu MiG-29 mà nước này sở hữu cùng với toàn bộ số xe tăng từ thời Liên Xô cho Ukraine. Đổi lại, Cộng hòa Tiệp sẽ phụ trách việc tuần tra lãnh thổ của Slovakia cho đến khi Slovakia nhận được các máy bay F-16 do Mỹ sản xuất để thay thế cho số máy bay được chuyển giao cho Ukraine.

Heger nói rằng Bratislava sẽ chuyển giao các máy bay MiG-29 của họ cho Ukraine cũng như các xe tăng tới Ukraine. Khi được hỏi liệu các phi công Slovakia sẽ lái các máy bay Mig-29 sang Ukraine hay các phi công Ukraine sẽ sang Slovakia lái những chiếc máy bay này về nước, Thủ tướng Heger nói:

“Tôi không muốn đi vào chi tiết, vì Ukraine cũng yêu cầu chúng tôi không tiết lộ thông tin chi tiết về điều này”

Ông kể lại rằng hồi tháng 6, Bratislava đã yêu cầu Praha bảo vệ không phận của đất nước cho đến khi nhận được máy bay chiến đấu F-16. Heger lưu ý rằng nước ông sẽ cần hỗ trợ quân sự từ các đối tácTiệp trong suốt cả năm.

Đến lượt mình, Fiala nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ hỗ trợ như vậy cho các nước láng giềng Slovakia, và các máy bay của Tiệp sẽ tuần tra không phận Slovakia từ tháng 9.

“Chúng tôi sẽ giúp Slovakia cho đến khi họ có máy bay mới. Và chúng tôi mong rằng ai đó cũng sẽ giúp chúng tôi nếu chúng tôi gặp khó khăn,” Fiala nói.

Ông nhấn mạnh rằng phương Tây nên cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này có thể chiến đấu vì độc lập của mình và an ninh Âu Châu.

“Họ cũng đang chiến đấu vì chúng tôi,” Fiala nói.

Ông nói thêm, nếu cần thiết, Cộng hòa Tiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine.

Tiệp và Slovakia là chung một nước, gọi là Tiệp Khắc trước khi tách một cách hòa bình thành hai quốc gia như hiện nay.

Trong các quốc gia Âu Châu, Tiệp và Slovakia đang trở thành các quốc gia dẫn đầu trong việc hỗ trợ quân sự táo bạo cho Ukraine. Trong khi đã có một sự dè dặt của NATO trong việc gởi cho Ukraine các khí tài chiến tranh hạng nặng như máy bay, xe tăng và các loại hỏa tiễn phòng không, vì lo ngại có thể dẫn đến xung đột trực tiếp với Nga; Tiệp và Slovakia đã không ngần ngại cung cấp cho Ukraine xe tăng T-72 và các hệ thống phòng không S-300.

Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Tiệp và Slovakia đang muốn nhân dịp này trả thù cho biến cố Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc vào năm 1968. Các chính trị gia ở hai quốc gia này hiểu rất rõ ràng rằng nếu Nga chiến thắng tại Ukraine, họ sẽ phải đối diện với sự phẫn nộ rất lớn của quần chúng Tiệp và Slovakia.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mùa xuân Praha là một thời kỳ tự do hóa chính trị và phản đối quần chúng ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc. Nó bắt đầu vào ngày 5 tháng Giêng năm 1968, khi nhà cải cách Alexander Dubček được bầu làm Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Thời kỳ này kéo dài cho đến ngày 21 tháng 8 năm 1968, khi Liên Xô và các thành viên Hiệp ước Warsaw khác xâm lược đất nước để đàn áp các cải cách.

Cải cách Mùa xuân Praha là một nỗ lực mạnh mẽ của Dubček nhằm trao thêm quyền cho công dân Tiệp Khắc trong một hành động phân cấp một phần nền kinh tế và dân chủ hóa. Các quyền tự do được cấp bao gồm việc nới lỏng các hạn chế đối với phương tiện truyền thông, cho tự do ngôn luận và đi lại. Sau khi đi xa đến mức chia đất nước thành một liên bang của ba nước cộng hòa, Bohemia, Moravia-Silesia và Slovakia, Dubček quyết định tách thành Tiệp Khắc thành hai nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Slovakia.

Các cải cách dân chủ, đặc biệt là phân cấp quyền hành chính, không được Liên Xô đón nhận, và đã gửi nửa triệu quân và xe tăng của Khối Hiệp ước Warsaw đến chiếm đóng đất nước. New York Times trích dẫn các báo cáo có đến 650,000 quân trang bị vũ khí hiện đại và tinh vi nhất của Liên Xô lúc bấy giờ đã nhào vào Tiệp Khắc. Một làn sóng di cư khổng lồ đã diễn ra. Các cuộc kháng chiến đã bùng lên khắp cả nước, đập tan các trụ sở của đảng cộng sản, săn lùng và giết chết các đảng viên cộng sản, bất chấp lệnh giới nghiêm. Quân đội Liên Xô dự đoán rằng chỉ cần mất bốn ngày để khuất phục đất nước này, nhưng cuộc kháng chiến đã diễn ra trong tám tháng. Nó đã trở thành một ví dụ điển hình về quốc phòng dựa vào toàn dân. Có cả một số cuộc biểu tình phản đối bằng cách tự thiêu, nổi tiếng nhất là của Jan Palach.

Sau cuộc xâm lược, Tiệp Khắc bước vào thời kỳ được gọi là bình thường hóa, trong đó các nhà lãnh đạo mới cố gắng khôi phục các giá trị chính trị và kinh tế đã chiếm ưu thế trước khi Dubček lên nắm quyền. Gustáv Husák, người thay thế Dubček làm Bí thư thứ nhất và cũng trở thành Tổng thống, đã đảo ngược gần như tất cả các cải cách.

Dù thất bại, Mùa xuân Praha đã truyền cảm hứng cho âm nhạc và văn học bao gồm tác phẩm của Václav Havel, Karel Husa, Karel Kryl và cuốn tiểu thuyết lừng danh “Ánh sáng không thể chịu đựng được” của Milan Kundera.

Tiệp Khắc vẫn do Liên Xô kiểm soát cho đến năm 1989, khi Cách mạng Nhung kết thúc một cách hòa bình chế độ cộng sản; những người lính Liên Xô cuối cùng đã rời khỏi đất nước vào năm 1991.

2. Bộ Tổng tham mưu cho biết Lực lượng Ukraine phải di tản chiến thuật khỏi Lysychansk

Trong bản báo cáo hôm thứ Hai 4 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết sau những trận đánh nặng nề giành thành phố Lysychansk, Các lực lượng vũ trang Ukraine buộc phải rút lui khỏi các vị trí của họ để bảo toàn lực lượng.

“Trong điều kiện quân xâm lược Nga có ưu thế vượt trội về pháo binh, không quân, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt, đạn dược và nhân lực, việc tiếp tục bảo vệ thành phố sẽ dẫn đến hậu quả cbi thảm.”

Theo Bộ Tổng tham mưu, quân trú phòng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng “ý chí thép và lòng yêu nước là không đủ để thành công: cần có nguồn lực vật chất và kỹ thuật”.

“Những người bảo vệ Vùng Luhansk và các vùng khác của Ukraine đã anh dũng thực hiện các nhiệm vụ dân sự và quân sự của họ. Chúng tôi sẽ trở lại và nhất định sẽ giành chiến thắng”, Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tuyên bố trước đó rằng tình hình thách thức nhất là ở Vùng Luhansk. Các lực lượng Ukraine dù phải di tản chiến lược khỏi vùng này nhưng đã có những thành công ở vùng khác.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhận định nền kinh tế Nga phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 50 năm qua

Các từ “sụp đổ”, “thâm hụt” và “nghèo đói” sẽ mô tả cuộc sống ở Nga trong khi nước này muốn trở thành một quốc gia khủng bố. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đưa ra lập trường trên trong một diễn văn gởi quốc dân đồng bào tối Chúa Nhật 3 tháng 7.

Ông Zelenskiy nói: “Nền kinh tế Nga rơi vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 50 năm qua. Thế giới cắt đứt quan hệ với Nga. Các từ “sụp đổ”, “thâm hụt” và “nghèo đói” sẽ là những mô tả về cuộc sống của người Nga chừng nào nhà nước này còn muốn trở thành một nhà nước khủng bố.”

Ông nói thêm rằng Nga đã mất hơn 35.000 binh sĩ, “và đây là một ước tính thận trọng.”

“Tất cả những thứ này để làm gì? Chẳng qua chỉ vì lợi ích của các nhà tuyên truyền điên rồ muốn hiển thị một lá cờ Nga hoặc Liên Xô trên đống đổ nát ở đâu đó trong các chương trình phát sóng của họ... Đơn giản là không có câu trả lời nào khác,” ông nói.

Zelenskiy lưu ý rằng “tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu rõ - và tôi chắc chắn với tất cả những người lành mạnh ở chính nước Nga - rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng”.

“Đó chỉ là vấn đề thời gian. Thật không may, đó là một vấn đề trong số những mất mát mà chúng ta phải gánh chịu, chủ yếu là mất mát con người. Đó là vấn đề về vũ khí hiện đại, mà chúng ta phải có được và chắc chắn sẽ có được,” ông nói.

4. Quân đội Ukraine đánh giá cao các xe thiết giáp Bushmasters người Úc

Úc Đại Lợi là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp hỗ trợ cho Ukraine để chống lại sự xâm lược của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết điều này tại cuộc họp chung với Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese tại Kyiv hôm Chúa Nhật 3/7.

“Úc Đại Lợi ủng hộ nhà nước của chúng ta và trật tự luật pháp quốc tế. Úc cung cấp hỗ trợ đáng kể cho Ukraine, bao gồm cả hỗ trợ quốc phòng. Úc là một trong những quốc gia đứng đầu về khối lượng viện trợ. Quân phòng vệ của chúng ta đánh giá cao các thiết giáp Bushmaster của Úc và các hỗ trợ cụ thể khác từ Úc,” Ông Zelenskiy nói.

“Tôi vui mừng chào đón Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese đến Kyiv. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Úc Đại Lợi tới thủ đô của chúng ta trong lịch sử quan hệ bang giao giữa hai nước. Chúng tôi đánh giá cao và biết ơn sự hiện diện của các bạn ở đây với chúng tôi vào thời điểm này khi cuộc chiến của Nga chống lại nhân dân Ukraine đang rất ác liệt.”

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đang có chuyến thăm và làm việc với Ukraine vào ngày 3 tháng 7 năm 2022. Ông đã đến thăm các khu vực giải phóng của Vùng Kyiv, đó là Bucha, Irpin và Hostomel.

Ông Zelenskiy đã thông báo tóm tắt cho thủ tướng Úc Đại Lợi về tình hình ở mặt trận và khả năng của Ukraine trong việc chống lại quân xâm lược Nga.

Zelenskiy cũng kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để “phá vỡ tiềm năng hung hăng của Liên bang Nga” và tăng cường áp lực trừng phạt đối với kẻ xâm lược.

Người đứng đầu nhà nước nói rằng với hành động gây hấn với Ukraine, Nga đã tạo ra những mối đe dọa mà ngày nay có thể cảm nhận được ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Theo Zelenskiy, ông và Thủ tướng Albanese đã thảo luận, trong số những thứ khác, về cuộc khủng hoảng lương thực do người Nga gây ra và cách giải quyết nó.

Ngoài ra, Zelenskiy đề nghị Úc Đại Lợi tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh, và Thủ tướng Úc tuyên bố “sẵn sàng tham gia thực hiện các dự án”.

5. Úc cam kết hỗ trợ thêm 100 triệu đô la Mỹ về quân sự và kỹ thuật cho Ukraine

Úc Đại Lợi cũng sẽ cung cấp cho Ukraine 100 triệu đô la hỗ trợ quân sự và kỹ thuật, cũng như 14 thiết giáp và 20 xe bọc thép Bushmaster.

Thủ tướng Úc Đại Lợi Anthony Albanese đã cho biết như trên trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv

Đến nay, Úc Đại Lợi đã viện trợ 390 triệu USD cho Ukraine. Tổng số xe Bushmaster bàn giao cho Ukraine sẽ lên tới 60 chiếc.

Theo Thủ tướng Albanese, Ukraine cũng sẽ nhận thêm thiết bị quân sự và máy bay không người lái từ Canberra theo yêu cầu.

Ngoài ra, phía Úc Đại Lợi sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng bảo vệ biên giới của Ukraine, cụ thể là cung cấp cho họ trang thiết bị tốt hơn, nâng cao mức độ an ninh mạng và kiểm soát biên giới.

6. Tổng thống Belarus công khai ủng hộ Putin trong cuộc xâm lược Ukraine

Tổng thống Belarus, một đồng minh thân cận nhất của Vladimir Putin nói rằng nhà nước Xô Viết cũ của ông hoàn toàn đứng sau Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine như một phần trong cam kết lâu dài về một “nhà nước liên minh” với Mạc Tư Khoa.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm cuộc giải phóng Minsk của quân đội Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Alexander Lukashenko cho biết ông hết lòng ủng hộ chiến dịch của Putin chống lại Ukraine “ngay từ ngày đầu tiên” vào cuối tháng Hai.

“Ngày nay, chúng ta đang bị chỉ trích vì là quốc gia duy nhất trên thế giới ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Quốc xã. Chúng tôi ủng hộ và sẽ tiếp tục hỗ trợ Nga”, Lukashenko nói như trên trong một đoạn video được hãng thông tấn BelTA của nhà nước công bố.

“Và những người chỉ trích chúng tôi, họ không biết rằng chúng tôi có một liên minh chặt chẽ như vậy với Liên bang Nga sao?… Thực tế chúng tôi đã có một quân đội thống nhất. Chúng tôi sẽ ở lại bên nhau, bên nước Nga huynh đệ”.

Lukashenko đã cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ của đất nước mình để xâm lược Ukraine. Một số quan chức Ukraine cho rằng Belarus có thể sớm tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, cho biết tuyên bố của nhà lãnh đạo Belarus giống như một “tín hiệu”, với các hành động của ông cần được theo dõi cẩn thận.

Zelenskiy, được truyền thông Ukraine trích dẫn, nói với các phóng viên ở Kyiv rằng bình luận của Lukashenko là một diễn biến “nguy hiểm”.

Tuyên bố của ông Lukashenko về một quân đội thống nhất với Nga trên hết là nguy hiểm cho người dân Belarus.

Ông ta không được kéo Belarus vào cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraine. Tôi tin rằng đây là một tín hiệu nguy hiểm. Và tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ thấy kết quả của tín hiệu này.”