Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 55 đã diễn ra lúc 10g sáng ngày đầu năm mới 1/1/2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Năm ngoái, do bất ngờ bị đau thần kinh tọa gây ra đau đớn và khó khăn trong việc đi lại, Đức Thánh Cha đã không thể chủ tế Thánh Lễ này. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ thay cho ngài.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Các mục đồng tìm thấy “Đức Maria, Thánh Giuse, và hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đối với những mục đồng, máng cỏ là một dấu chỉ vui mừng: đó là sự xác nhận sứ điệp mà họ đã nghe từ thiên sứ (xem câu 12), và là nơi họ đã tìm thấy Đấng Cứu Rỗi. Đó cũng là bằng chứng về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với họ, vì Ngài được sinh ra trong máng cỏ, một đồ vật mà họ biết rõ, như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi và thân thuộc của Ngài. Máng cỏ cũng là một dấu chỉ vui mừng cho chúng ta. Chúa Giêsu chạm đến trái tim chúng ta bằng cách sinh ra trong sự bé nhỏ và nghèo hèn; Ngài lấp đầy chúng ta bằng tình yêu, chứ không phải là sự sợ hãi. Máng cỏ tiên báo Đấng tự làm lương thực cho chúng ta. Sự nghèo khó của Ngài là một tin tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề, những người bị từ chối và những người không được coi trọng trong mắt thế gian. Đó là cách Thiên Chúa đến: không chút ưu tiên, và thiếu ngay cả một cái nôi! Thật là một điều tuyệt vời khi nhìn thấy Ngài ở đó, nằm trong máng cỏ.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Mẹ đã phải chịu đựng “tai tiếng của máng cỏ”. Từ lâu trước những mục đồng, Mẹ đã nhận được thông điệp của một thiên sứ đã nói với Mẹ một cách long trọng về ngai vàng của Đavít: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.” (Lc 1:31-32). Và bây giờ, Đức Maria phải đặt Ngài trong một cái máng dành cho gia súc. Làm sao Mẹ có thể dung hòa được ngai vàng của một vị vua và một máng cỏ thấp hèn? Làm thế nào Mẹ có thể dung hòa giữa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự nghèo khổ cay đắng của một chuồng gia súc? Chúng ta hãy nghĩ đến sự đau khổ của Mẹ Thiên Chúa. Còn gì đau đớn hơn đối với một người mẹ khi chứng kiến cảnh con mình phải chịu cảnh bần hàn? Nó thực sự bẽ bàng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Đức Maria, nếu Mẹ lên tiếng phàn nàn về những rắc rối ngỡ ngàng đó. Tuy nhiên, Mẹ không ngã lòng. Mẹ không phàn nàn, nhưng giữ im lặng. Thay vì phàn nàn, Mẹ chọn một cách khác. Tin Mừng cho chúng ta biết: Về phần mình, Mẹ Maria “đã ghi nhớ tất cả những điều đó, suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:19).

Đó không phải là điều mà những mục đồng và dân chúng làm. Những mục đồng kể cho mọi người nghe về những gì họ đã thấy: thiên thần hiện ra giữa đêm đen và những lời của sứ thần liên quan đến Hài Nhi. Và dân chúng, khi nghe những điều này, rất kinh ngạc (xem câu 18). Bàn tán và ngạc nhiên. Trái lại, Đức Maria trầm ngâm; Mẹ ghi nhớ tất cả những điều này, suy đi nghĩ lại trong lòng. Bản thân chúng ta cũng có thể có cùng hai phản ứng khác nhau đó. Câu chuyện do những mục đồng kể lại, và sự kinh ngạc của chính họ, nhắc nhở chúng ta về sự khởi đầu của đức tin, khi mọi thứ dường như dễ dàng và đơn giản. Chúng ta vui mừng trong sự mới mẻ về Thiên Chúa, Đấng bước vào cuộc sống của chúng ta và làm chúng ta đầy kinh ngạc. Trái lại, sự trầm ngâm của Đức Maria là biểu hiện của một đức tin trưởng thành, trưởng thành, chứ không phải một đức tin của những người mới bắt đầu. Không phải là một đức tin mới sinh, nhưng đúng hơn là một đức tin đã sinh hoa kết quả. Vì hoa trái thiêng liêng được phát sinh từ những gian truân và thử thách. Từ sự yên tĩnh của Nazareth và từ những lời hứa chiến thắng nhận được từ Thiên thần – nghĩa là từ những ngày đầu tiên - Đức Maria giờ đây thấy mình trong chuồng bò tối tăm của Bêlem. Tuy nhiên, đó là nơi Mẹ trao Chúa cho thế giới. Những người khác, trước tai tiếng của máng cỏ, có thể cảm thấy vô cùng đau khổ. Mẹ thì không: Mẹ ghi nhớ những điều ấy, suy đi nghĩ lại trong lòng.

Chúng ta hãy học nơi Mẹ Thiên Chúa cách thức để có cùng một thái độ: đó là ghi nhớ và suy ngẫm. Bởi vì chúng ta cũng có thể phải chịu đựng một số “vụ tai tiếng của máng cỏ”. Chúng ta hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa và sau đó, hết sức ngỡ ngàng, một vấn đề bất ngờ phát sinh. Những kỳ vọng của chúng ta đụng độ với thực tế một cách đau đớn. Điều đó cũng có thể xảy ra trong đời sống đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị đem ra thử thách trong những hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay Mẹ Thiên Chúa dạy chúng ta cách thu lợi từ cuộc đụng độ này. Mẹ cho chúng ta thấy điều đó là cần thiết: đó là con đường hẹp để đạt được mục tiêu, là thập giá, không có thập giá thì không thể có sự phục sinh. Giống như sự đau đớn của việc sinh nở, nó tạo ra một đức tin trưởng thành hơn.

Thưa anh chị em, tôi xin hỏi, làm thế nào để chúng ta thực hiện đoạn văn này, làm thế nào để giải quyết cuộc xung đột giữa lý tưởng và thực tế? Thưa: Bằng cách làm chính xác những gì Đức Maria đã làm, nghĩa là bằng cách ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đầu tiên, Đức Maria “ghi nhớ”, tức là Mẹ giữ lấy những gì xảy ra; Mẹ không quên hoặc khước từ nó. Mẹ giữ trong tim tất cả những gì Mẹ đã thấy và nghe. Những điều đẹp đẽ, như những điều thiên thần và những mục đồng đã nói với Mẹ, nhưng cũng có những điều rắc rối: nguy cơ bị phát hiện có thai trước khi kết hôn và bây giờ là chuồng gia súc tồi tàn nơi Mẹ đã phải sinh con. Đó là những gì Đức Maria làm. Mẹ không chọn cái này cái kia; Mẹ ghi nhớ. Mẹ chấp nhận cuộc sống như nó đến, mà không cố gắng ngụy trang hay tô điểm nó; Mẹ giữ những điều đó trong tim mình.

Sau đó, thái độ thứ hai của Đức Maria là về cách Mẹ gìn giữ: Mẹ ghi nhớ và Mẹ suy ngẫm. Tin Mừng nói về việc Mẹ Maria “tập hợp lại”, so sánh, những trải nghiệm khác nhau của Mẹ và tìm ra những sợi dây tiềm tàng kết nối chúng lại với nhau. Trong thâm tâm, trong lời cầu nguyện của mình, Mẹ thực hiện chính xác điều đó: Mẹ gắn kết những điều đẹp đẽ và những điều khó chịu lại với nhau. Mẹ không giữ chúng tách biệt nhau, nhưng mang chúng lại với nhau. Chính vì lý do này mà người ta cho rằng Đức Maria là Mẹ của Đạo Công Giáo. Về điểm này, chúng ta có thể dám khẳng định rằng chính vì thế mà người ta nói Đức Maria là người Công Giáo, vì Mẹ hợp nhất, không chia rẽ. Và theo cách này, Mẹ nhận ra ý nghĩa to lớn hơn của chúng, từ quan điểm của Thiên Chúa. Trong lòng mình, Đức Maria nhận ra rằng vinh quang của Đấng Tối Cao xuất hiện trong sự khiêm nhường; Mẹ hoan nghênh chương trình cứu độ, theo đó Chúa phải nằm trong máng cỏ. Mẹ nhìn thấy Chúa Hài Đồng yếu đuối và run rẩy, và Mẹ chấp nhận sự giao thoa thần thánh kỳ diệu giữa sự vĩ đại và nhỏ bé. Đức Maria ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Cách nhìn nhận mọi thứ một cách toàn diện này, vượt qua những căng thẳng bằng cách “gìn giữ” và “suy đi nghĩ lại”, là cách của những người mẹ, những người mà trong những khoảnh khắc căng thẳng, họ không chia rẽ, họ vẫn giữ và bằng cách này họ giúp cuộc sống phát triển. Đó là cách mà rất nhiều bà mẹ đón nhận những vấn đề của con mình. “Cái nhìn” từ mẫu không khuất phục trước căng thẳng; không bị tê liệt trước những vấn đề đó, mà nhìn chúng ở một góc độ rộng lớn hơn. Và đây là thái độ của Mẹ Maria: Mẹ gìn giữ và suy nghĩ cho đến tận đồi Canvê. Chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của tất cả những người mẹ chăm sóc đứa trẻ bị bệnh hoặc gặp khó khăn. Tình yêu tuyệt vời mà chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt của họ! Ngay cả giữa những giọt nước mắt của họ, họ vẫn có thể khơi dậy hy vọng. Ánh mắt của họ là một cái nhìn có ý thức và thực tế, nhưng đồng thời mang đến cho người khác một bức tranh lớn hơn, một sự quan tâm và tình yêu mang đến hy vọng mới. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ biết cách vượt qua những trở ngại và bất đồng, để truyền hòa khí. Bằng cách này, họ biến các vấn đề thành cơ hội để tái sinh và phát triển. Họ có thể làm được điều này bởi vì họ biết cách “gìn giữ”, cùng nhau nắm giữ những sợi dây cuộc sống. Chúng ta cần những người như vậy, có khả năng dệt những sợi dây của sự hiệp thông thay cho hàng rào thép gai của xung đột và chia rẽ. Các mẹ biết cách làm này.

Năm mới bắt đầu dưới sự chỉ dẫn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, dưới sự chỉ điểm của Đức Mẹ. Cái nhìn của người mẹ là con đường dẫn đến sự tái sinh và lớn lên. Chúng ta cần những người mẹ, những người phụ nữ biết nhìn ra thế giới không phải để khai thác nó mà để nó có sự sống. Những người phụ nữ, nhìn bằng trái tim, có thể kết hợp những ước mơ và khát vọng với thực tế cụ thể, mà không bị trôi dạt vào những chủ nghĩa trừu tượng và thực dụng vô sinh. Và Giáo hội là Mẹ, đây là điều làm nên nữ tính của Giáo hội. Vì lý do này, chúng ta không thể tìm thấy một chỗ đứng cho phụ nữ trong Giáo hội nếu không để cho trái tim của Người Phụ nữ và Người Mẹ được tỏa sáng. Đây là nơi dành cho những người phụ nữ trong Giáo hội, một nơi tuyệt vời, từ đó phát sinh ra những nơi khác, cụ thể hơn và ít quan trọng hơn. Giáo hội là Mẹ, Giáo hội là phụ nữ. Và vì các bà mẹ ban tặng cuộc sống, và phụ nữ “gìn giữ” thế giới, tất cả chúng ta hãy nỗ lực hơn nữa để nâng đỡ các bà mẹ và bảo vệ phụ nữ. Biết bao nhiêu bạo lực nhắm vào phụ nữ! Đã quá đủ! Làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm Thiên Chúa, Đấng từ một người phụ nữ đã mang lấy nhân tính của chúng ta. Ngài đã không làm điều đó thông qua một thiên thần; Ngài cũng không đến trực tiếp; Ngài đã làm điều đó thông qua một người phụ nữ. Giống như một người phụ nữ, Giáo hội Mẹ mang đến nhân tính cho những người con trai và con gái của mình.

Vậy thì vào đầu năm mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự che chở của người phụ nữ này, Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta gìn giữ và suy ngẫm mọi sự, không ngại thử thách và vui mừng tin chắc rằng Chúa là Đấng thành tín và có thể biến mọi thập tự giá thành sự Phục sinh. Hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ cũng như dân Chúa tại Êphêsô. Chúng ta hãy đứng lên và hướng về Đức Mẹ như D ân Chúa ở Êphêsô xưa, chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần danh hiệu Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”! Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana