Điều kiện cần và đủ trong sứ vụ loan báo Tin mừng

(Suy niệm Chúa nhật 26 TNB)

Như chúng ta biết tại sao sứ vụ loan báo Tin mừng trên toàn thể Giáo hội, nhất là tại Việt Nam không được phát triển mạnh mẽ không? Phải chăng phần nào do tính bảo thủ, ghen tỵ, phe đảng trong nội bộ hay trong cộng đoàn? Phải chăng chúng ta chỉ thoả mãn với phương cách loan báo Tin mừng theo cá nhân, cục bộ hay nhóm riêng của mình mà loại trừ hay không đón nhận sự khác biệt nơi người khác? Các Bài đọc hôm nay sẽ như là phương thế tốt mà Chúa và Giáo hội mong muốn dạy chúng ta để việc loan báo Tin mừng được nở rộ và lan toả khắp mọi nơi trong bối cảnh đầy gian nan và khó khăn này. Đó là phải diệt trừ tính phe đảng, ghen tị, ngăn cản và tham lam. Đó là phải trở nên gương lành gương sáng và sống bác ái đối với tha nhân? Đó là phải cố gắng dứt khoát diệt trừ mọi tội lỗi trong con người chúng ta?

1/Phe đảng và ngăn cản là lối sống xa Tin mừng

Trong Bài Đọc I, ông Môsê ước mong ơn Thánh Thần được ban cho mọi con cái Israel, để họ đừng than phiền, kêu trách Thiên Chúa, và kêu trách ông nữa, ngang qua đoạn trích:“Một người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Mô-sê rằng : “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!” Ông Giô-suê con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng ông Mô-sê trả lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ.” (Ds 11, 27-29). Trong Phúc Âm, khi Gioan nói với Chúa Giêsu ông ngăn cấm một người đã lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ, vì người đó không ở trong nhóm môn đệ của Chúa. Ngài trả lời ông: đừng ngăn cản họ vì “ai không chống đối chúng ta là thuộc về chúng ta.” (x.Mc 9, 38-40). Quả thật, ghen tỵ là so bì và khó chịu, bực bội khi thấy người khác được hơn mình, và ngăn cản là gì? Là gây trở ngại, không cho tiếp tục. Phe đảng, ghen tỵ, ngăn cản là thái độ tiêu cực, trước hết đi ngược lại với luân thường đạo lý, thứ đến đi ngược lại với giáo lý đức tin, giáo lý Tin mừng hay giới răn của Chúa. Thái độ sống như vậy đang đi ngược lại với lối sống loan báo Tin mừng.

Bên cạnh đó, thái độ tham lam và ích kỷ theo Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ nơi bài đọc II cũng là cung cách sống trái với lối sống Tin mừng Đức Giê-su Ki-tô. Thật vậy, “Tài sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.”(Gc 5, 2-4). Vì thế,

2/Bác ái và gương sáng là lối sống phù hợp cho sứ vụ loan báo Tin mừng

Bác ái, yêu thương và giúp đỡ tha nhân sẽ là lối sống phù hợp với sứ vụ loan báo Tin mừng. Thay vì chỉ lo ngăn cản, ghen tỵ hay kéo bè kết phái để tranh giành và hạ bệ người khác, Đức Giê-su mời gọi chúng ta biết sống tinh thần liên đới và nối kết hầu trở nên dấu chỉ loan báo Tin mừng cho mọi người. Quả thật, phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mc 9, 41). Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Đạo Công Giáo là đạo bác ái. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x.Mt 25). Đó là nếu ai làm cho tha nhân, nhất là cho những người nghèo, người bất hạnh và khó khăn là làm cho chính Chúa, người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời.

Mặt khác, Chúa Giê-su dạy mỗi chúng ta là phải làm gương lành gương sáng cho người khác:“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Như thế, khi chúng ta không làm cho tha nhân, nhất là cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, những người bị loại ra khỏi xã hội, già cả neo đơn, là chúng ta không làm cho chính Chúa vậy. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài. Thật vậy, nếu đã không làm điều tốt cho tha nhân, đôi khi chúng ta lại còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng gương xấu chúng ta làm, chắc chắn chúng ta sẽ phải sống xa Thiên Chúa. Do vậy, thay vì sống tốt để trở nên gương sáng cho anh chị em đồng loại, thì mỗi chúng ta lại vô tình hay hữu ý đã trở nên ‘vật cản’, hay bức tường ngăn cách người khác đến với Chúa và Chúa đến với người khác ngang qua cách sống bất xứng của chính mình. Đúng như câu nói ‘hữu xạ tự nhiên hương’, nghĩa là một khi chúng ta sống thực hành các giới răn của Chúa là đương nhiên chúng ta trở thành ‘hoa thơm cỏ lạ’ toả lan ‘mùi Giê-su’, ‘mùi niềm vui và bình an’ cho những ai đang sống bên cạnh chúng ta. Như vậy, câu ‘lời nói lung lay, gương bày lôi kéo’ phải luôn luôn là châm ngôn sống của mỗi chúng ta nếu thật sự chúng ta những ki-tô hữu đích thực của Chúa Ki-tô. Nhờ đó, việc loan báo Tin mừng và việc giới thiệu Chúa Ki-tô cho những đồng bào chưa cùng niềm tin sẽ luôn đạt được hiệu quả. Tuy nhiên để được như vậy,

3/Phải đoạn tuyệt với tội lỗi

Để sống bác ái và gương sáng trong sứ vụ Tin mừng cách hiệu quả, tiên vàn mỗi ki-tô hữu đều được mời gọi hãy đoạn tuyệt với tội lỗi của mình trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su mời gọi: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9, 43-48). Quả thật, Đức Giê-su đòi buộc người môn đệ của Ngài là phải nhận ra nguy hiểm của tội vì tội lỗi làm con người có nguy cơ sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo nghĩa đen như trên, chúng ta chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì chúng ta vẫn thường xuyên phạm tội. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận ra nguy hiểm của tội, vì tội có thể làm chúng ta sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời. Vì thế, cách thức trở nên con người tốt, trở nên chứng nhân đích thực cho người khác, là trước tiên chúng ta phải cố gắng nhìn nhận những bất toàn, yếu đuối, tội lỗi của mình mà chê ghét và diệt trừ nó, sau nữa, ngang qua đời sống đượm tình bác ái yêu thương, chúng ta dễ dàng trở nên men, nên ánh sáng và muối cho trần gian.

Câu hỏi suy niệm:

1/ Tôi có thường xuyên thể hiện mình để rồi ghen tỵ, ngăn cản và hạ bệ người khác không?

2/ Tôi đã bao giờ nghĩ đến sống là sống cho, sống với, sống cùng người khác ngang qua lối sống bác ái và gương lành gương sáng không?

3/ Tôi có ý thức rằng tôi cũng là kẻ tội lỗi cần phải sửa trị và cần được Chúa xót thương không?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương