Nén hương cho Bửu Uy

Cán bộ VNCH trẻ tuổi nhất đóng cửa tù Cộng sản năm 1992, vừa qua đời tại Portland, Oregon

Bửu Uy đang chuẩn bị hành trang

Tối thứ Ba 27-10-2020, người con duy nhất của Bửu Uy là cháu Vĩnh Thục gọi TV để báo tin: các bác sĩ không còn cách nào chữa trị cho ba Bửu Uy của cháu nữa. Ngay sau đó, TV chuyển tin này tới các bạn đồng đội xưa.

Một tuần sau, thứ Ba 03-11-2020, Chủ tịch BĐD Văn khoa Nguyễn Hữu Tâm liên lạc được với chị Kiều là bà xã của Bửu Uy và cho biết thêm chi tiết như sau: “… hôm nay tôi có gọi đt và nói chuyện được với cả con và và bà xã của BỬU UY. Cả hai đều cho biết BỬU UY càng ngày càng yếu, chỉ nằm và ăn uống rất ít, hầu như không đi được nữa, mỗi lần đứng lên là cả hai mẹ con phải đỡ rất vất vả. Bệnh gốc là ung thư phổi rồi di căn lên óc, xuống tay và vào gan. Đã mổ óc một lần nhưng nay óc mọc rễ lại và phát triển nhanh. Bửu Uy hầu như không còn nhớ gì nữa.

Bác sĩ bó tay có nghĩa là BỬU UY được đưa vào chương trình Hospice, ở đây người ta không chữa nữa mà chỉ cho uống thuốc để khỏi đau đớn…”

Chuyện gì phải đến, đang đến. Chúng ta sắp mất thêm một đồng đội nữa rồi. Chúng ta chứng kiến ông bạn Bửu Uy đang chuẩn bị hành trang để lên đường. Trong ngậm ngùi thương cảm, xin dâng lời cầu nguyện thiết tha lên Trời Cao ban cho Bửu Uy được ra đi bình an. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha đón nhận Bửu Uy vào vòng tay nhân hậu của Ngài. Xin cho chị Kiều và cháu Vĩnh Thục được thêm sức khỏe, thêm nghị lực trong giai đoạn khó khăn này.

Thân con là bụi đất

Thân con là bụi đất.

Nay con trở về, về bụi tro.

Lậy Chúa! Bao năm qua con hằng lo kiếm sống, thế mà giờ đây có gì đâu?

Chỉ là cát bụi bể dâu.

(lời bài thánh ca trong lễ an táng Bửu Uy)

Bửu Uy đã yên nghỉ hồi 3 giờ sáng Chủ nhật 08-11-2020.

Tang lễ đã cử hành ngày thứ Năm 12-11-2020, trong thánh đường La Vang Portland đông tín hữu hơn quy định của chính quyền (do cơn đại dịch), bởi giáo dân quý mến Bửu Uy nên đã “xé rào” đến dự lễ tang.

Những tấm hình của chiến hữu Bạch Văn Nghĩa chụp tại nghĩa trang, nơi Bửu Uy trở về cát bụi, thật buồn bã, vào mùa Thu lại càng thêm ảm đạm. Trời lạnh căm căm, cây cối trụi lá, trơ cành.

Bửu Uy ơi! Hãy thức dậy mà nghe Thái Thanh hát bài Serenade của F. Schubert. Có ai chia lìa nhau… Chỉ còn thương nhớ mà thôi…(lời PD).

Vĩnh biệt Bửu Uy nhé! Tấm chân dung của Bửu Uy trong trang cáo phó gửi đi muôn phương sẽ còn được gìn giữ mãi mãi trong lòng bạn hữu và đồng đội xưa.

Xin cho linh hồn Bửu Uy được nghỉ yên muôn đời trong Tình Thương Yêu của Thiên Chúa. RIP.

Một nhân cách và một thân phận đặc biệt

Bửu Uy đi rồi, thử ngồi nhớ lại xem, nói thật đi, trong số tất cả các bạn bè và đồng đội ngày xưa, có ai đã từng phải buồn lòng vì Bửu Uy không? Bửu Uy có gây khó xử, gây khó chịu cho ai không? Câu trả lời chắc chắn là không. Bửu Uy là như thế, nhiệt tình, thật tình với mọi người, chịu thương chịu khó trong mọi công tác chung, từ hồi nào cho tới tận những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.

Giới sinh viên trẻ thế hệ chúng ta, thời VNCH, mấy ai có thể đem thành tích sinh hoạt ra để sánh với Bửu Uy. Bửu Uy đậu Cử nhân giáo khoa Pháp văn, đã lần lượt giữ chức chủ tịch Đoàn Sinh Viên Công Giáo Văn Khoa, chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Công Giáo Đại học Sài Gòn, chủ tịch Ban đại diện Sinh viên Văn khoa 1972-1973, chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đại học Sài Gòn 1972-1973, tùng sự tại Nha HCNV Phủ Tổng thống.

Sau 30-4-1975, Bửu Uy đi tù Cộng sản 17 năm, là người trẻ tuối nhất trong số 20 tù nhân quân cán chánh cuối cùng được Cộng sản thả ra vào năm 1992. Trong số 20 đó, có các vị tướng như Đỗ Kế Giai, Lê Minh Đảo, Lê Văn Thân, Trần Bá Di… Cũng may, với sự can thiệp đặc biệt của chính phủ HK, ngay năm sau (1993), Bửu Uy được xuất cảnh, cùng vợ mới cưới, sang HK và sống tại Portland, Oregon.

Say mê hát, say mê phục vụ

Sát cánh cùng Bửu Uy qua bao năm hoạt động trong giới sinh viên, tôi chưa bao giờ thấy Bửu Uy có girl friend, chỉ thấy Bửu Uy ham hoạt động và mê hát.

Bửu Uy hát từ ca đoàn An Phong Dòng Chúa Cứu Thế đến ca đoàn Trùng Dương (Bửu Uy là ủy viên nội vụ của ca đoàn). Bửu Uy đặc trách hát các thánh lễ Chúa nhật cho sinh viên CG tại nguyện đường Mai Khôi Tú Xương cùng các sinh viên Trần Chúc, Ngô Bảo Tín, Phạm Long, Hoàng Quý, Trần Ngữ, Trần Hữu Cư, Nguyễn Quang Anh Thư, Nguyễn Quang Thái Ninh, Trần Thị Minh Tâm, Trần Thị Diệu Thanh, Bạch Quang Cậy, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Hữu Thân… Nhớ mãi những lần tôi cùng Bửu Uy đi tham dự tĩnh tâm hay đại hội SVCG, nửa đêm thức giấc, thấy Bửu Uy vẫn còn đang say sưa đàn hát cùng nhóm bảy tám anh chị em sinh viên. Tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang Portland, Bửu Uy hát trong tất cả các ca đoàn nhà thờ, ca đoàn nào cần thì Bửu Uy sẵn sàng tham gia ngay; thậm chí, đến những ngày tháng phải ngồi xe lăn, Bửu Uy vẫn “lái” xe lăn tới hát lễ!

Chẳng những cộng tác với các ca đoàn nhà thờ, mỗi cuối tuần, Bửu Uy còn tình nguyện làm người quét dọn nhà thờ và phục vụ bưng phở trong bếp của câu lạc bộ giáo xứ.

Sang HK được ít lâu, Bửu Uy đi làm công nhân trong một hãng điện tử, nhưng vẵn hi sinh thời giờ nghỉ ngơi để làm thiện nguyện trong chương trình Habitat xây dựng nhà ở cho người ít lợi tức. Có một dạo, Bửu uy cùng nhạc sĩ Vũ Thành An thực hiện chương trình phát thanh tranh đấu hướng về Việt Nam.

Vì thế, khi ra đi, Bửu Uy đã để lại một tấm gương sáng, để lại bao mến thương…

Ngày miền Nam sập trời, không đành bỏ mẹ và chị để ra đi một mình

Nhân cuộc hội ngộ đồng đội A 17 tại Dallas mấy năm trước đây, Bửu Uy từ Portland bay sang ở với tôi trước mấy ngày. Hai mái đầu sương điểm có dịp hàn huyên về những khổ nhục dàn trải suốt 17 năm tù đằng đẵng, về những bước đầu gian nan khi mới chân ướt chân ráo tới HK… Trong các chuyện tâm tình ấy, tôi không bao giờ có thể quên một chuyện.

Bửu Uy kể, ngày 29-4-1975, Bửu Uy và vài người bạn chạy lên Tân Cảng trên xa lộ Biên Hòa và đã xuống được một chiếc tầu Đại Hàn. Trên sàn tầu, Bửu Uy viết vội vài hàng từ biệt, tính nhờ ai đó chuyển về cho mẹ ở đường Trương Minh Giảng. Sau đó, Bửu Uy suy nghĩ, chẳng lẽ đến giờ phút nguy kịch lại ra đi một mình, bỏ lại mẹ già và chị Hương sao, thôi hãy trở về, có chết thì chết chung. Thế là Bửu Uy xé bức thư và lên bờ. Song vì mấy người bạn níu kéo, Bửu uy lại xuống tầu, và rồi lại viết thư từ giã mẹ và chị Hương. Nhưng mà lòng vẫn không yên, tâm trí rối bời. Vì quá thương mẹ, thương chị, Bửu Uy lại xé thư; thôi, cứ trở về, sống chết bên mẹ và chị. Tất cả 3 lần như thế. Kết cục, Bửu Uy ở lại để rồi phải chịu 17 năm tù đày, hầu hết thời gian là ở các nhà tù khét tiếng trên đất Bắc xa xôi.

Tại sao Bửu Uy đi tù Cộng sản tới 17 năm

Như đã thuật trên đây, Bửu Uy đi tù Cộng sản 17 năm, là người trẻ tuối nhất được thả về trong đợt cuối cùng vào năm 1992.

Thực ra, có 3 người tù trẻ trong số 20 người được thả về trong đợt cuối cùng này. Đó là Lê Anh Kiệt (Ban A 17, Phủ Đặc Ủy TƯTB/VNCH) và Phạm Gia Đại (nhân viên Toà Đại sứ HK) đều sinh năm 1945; Bửu Uy trẻ nhất, sinh năm 1946.

Có dịp hàn huyên tâm sự lâu, tôi hỏi Bửu Uy: Tại sao đa số đồng đội Ban A 17 đi tù sấp sỉ 10 năm, một số ít phải bóc 13 cuốn lịch trong tù (trong đó có tôi, có Phan Nhật Tân, Huỳnh Ngọc Điệp và Nguyễn Tường Quang), nhưng tại sao Lê Anh Kiệt và Bửu Uy lại lãnh tới 17 năm. Bửu Uy bảo tại vì tội không chịu hợp tác với cơ quan tình báo quốc ngoại của Cộng sản. Bửu Uy kể, có một dạo, mấy tay cán bộ từ Hà Nội lên trại cho biết, vì Bửu Uy biết tiếng Pháp, họ sẽ thả Uy về và cho đi Pháp, nhưng phải kí hợp tác với họ. Bửu Uy không đồng ý. Họ còn lên gặp Bửu Uy vài lần nữa, Bửu Uy dứt khoát từ chối. Vì lẽ đó mà họ trả đũa tội ngoan cố và bất hợp tác của Bửu Uy.

Tôi tin cách giải thích của Bửu Uy, nhưng tôi cũng kể cho Bửu Uy nghe câu chuyện mà tôi ghi nhận. Chuyện xẩy ra vào đêm ngày 30-4-1975. Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng. VNCH đã sụp đổ. Nhà tôi ở Phú Nhuận, gần Tổng Tham Mưu. Tôi đoán Việt Cộng sẽ pháo kích vào Tổng Tham Mưu, có thể lạc đạn vào khu dân cư sát bên, cho nên tôi đưa gia đình lên Tân Định, xin tạm trú trong nhà của các soeurs Dòng Phaolô Thiện Bản (góc Hai Bà Trưng - Yên Đổ). Tôi nghĩ, chắc Cộng sản sẽ tái diễn một cuộc tàn sát các quân cán chánh VNCH như hồi tết Mậu Thân 1968 ở Huế, cho nên tôi chuẩn bị một ít đồ cần thiết, dự định trốn vào rừng gần Gia Kiệm, Túc Trưng. Tôi nói cho mẹ tôi biết ý định của tôi. Mẹ tôi lo lắng, bắt tôi phải hỏi ý kiến Soeur Bảo là bề trên tu viện. Soeur Bảo nói soeur không rành chuyện chính trị quân sự. Soeur khuyên tôi đến nói chuyện với Lm Huỳnh Công Minh cũng đang ở đó. Lm Huỳnh Công Minh bảo chính quyền mới có chính sách, khuyên tôi ở lại đi trình diện học tập cải tạo và đừng tới nhửng chỗ sinh viên tụ họp; ông nói thêm “anh không sao đâu, chỉ có những người như Bửu Uy mới đáng ngại”. Lm Huỳnh Công Minh còn giới thiệu tôi đến gặp Nguyễn Văn Chín. Anh này mới từ Pháp về nước vào ngày 26-4-1975 và hiện nắm chức trưởng nhóm Công Giáo và Dân Tộc. Tôi cũng kể cho Nguyễn Văn Chín ý định trốn tránh của tôi. Nguyễn Văn Chín bảo anh ta không phải là đảng viên, nhưng anh có nhiều bạn là đảng viên Cộng sản. Chín nói anh cũng là người Huế cho nên đã tìm hiểu nhiều về cuộc thảm sát hàng ngàn đồng bào thời Tết Mậu Thân Huế. Theo Nguyễn Văn Chín, vụ thảm sát Mậu Thân Huế là do nhu cầu hành quân, không phải là chính sách từ trung ương, vì thế, Nguyễn Văn Chín cũng nói giống như Lm Huỳnh Công Minh đã khuyên tôi: ở lại, đi trình diện, tránh đám đông sinh viên và “chỉ những người như Bửu Uy mới đáng ngại!” Vậy ra bọn họ ghim Bửu Uy chết cứng rồi còn gì.

Hai đồng đội Bửu Uy (Văn Khoa) và Lê Anh Kiệt (Khoa Học) đều lãnh 17 năm tù, cho nên nhân nói chuyện tù lâu, thử coi lại trong cuốn hồi kí Một cuộc đổi đời của Kale, tức Lê Anh Kiệt, xem tác giả đã nói gì, Kiệt viết: “Tối ngày 18 (?) tháng giêng năm 1988, Điệp và tôi còn phải ở lại trễ trong phòng vẽ vì Nhu (trưởng trại giam Z30 D) đang ở đó để xem chúng tôi làm việc. Đột nhiên, hắn hỏi tôi: “Không biết trước kia mày làm gì mà các ông ấy nhất định không chịu thả mày mặc dù tao đã đề nghị nhiều lần?” “Mày tao” là cách nói chuyện của Nhu với các trại viên. Tôi ngạc nhiên và cũng có hơi ngỡ ngàng trả lời hắn: “Tôi làm gì thì chắc là ban (tù nhân phải gọi các cán bộ trong ban giám thị là “ban”) cũng đã biết vì tất cả đều nằm trong hồ sơ! Tôi nghĩ chắc là ban chưa đề nghị đúng mức mà thôi!”

Hắn không nói gì thêm mà cũng không đề cập gì đến Điệp dù lúc ấy thì Điệp cũng đứng gần đó. Tuy nhiên lời nói của hắn đã đủ cho tôi biết rằng lần này cũng sẽ không có tên của tôi trong danh sách ra trại. Đó là lần đầu tiên trong trại cải tạo tôi biết trước số phận của mình, và cũng là lần đầu tiên mà tôi cãm thấy buồn vì mình sẽ không được ra về cùng với bạn bè”. (Hồi ký Kale. Một cuộc đổi đời. Chương 48. Đợt Thả Năm 1988).

Như thế, Lê Anh Kiệt không giải thích rõ tại sao anh ở tù lâu đến thế.

Sau khi Bửu Uy qua đời, trong cuộc gọi vào ngày thứ Ba 10-11-2020 để thăm hỏi và chia buồn với anh Bửu Uyển đang sống ở San Diego, tôi cũng đề cập nguyên do tại sao Bửu Uy lãnh tới 17 năm tù. Anh Bửu Uyển bảo, theo lời kể của các bạn tù chung trại với Bửu Uy ngoài Bắc, thì Bửu Uy quá cứ cỏi, thường hay có thái độ và lời nói chống đối, cho nên bị “chúng” liệt vào loại ngoan cố, không thể “cải tạo”.

Thực ra, khó mà biết chính xác thời hạn các quân cán chánh VNCH bị Cộng sản giam giữ sau ngày 30-4-1975. Tất cả đều bị giam giữ dưới ngụy danh “học tập cải tạo”, cho nên không cần tòa án, không có bản án, thời hạn giam là “dây thun”.

Mặc dù khó mà biết cách làm việc của Cộng sản, nhưng căn cứ vào câu nói của Lm Huỳnh Công Minh và Nguyễn Văn Chín mà tôi thuật trên đây, tôi cho rằng những sinh viên Việt Cộng trong Thành Đoàn Cộng Sản có vai trò khá quyết định trong việc đề nghị thời hạn “cải tạo” cho các đồng đội chúng tôi trong Ban A 17 (Mặt trận Đại học). Có thể bọn cán bộ Đại học trong Thành Đoàn Cộng Sản, ngay từ đầu, đã ghim chết Bửu Uy và Lê Anh Kiệt. Bởi lẽ Bửu Uy là sinh viên Quốc gia đầu tiên nắm được chức chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Văn khoa sau nhiều niên khóa nằm trong tay các sinh viên Việt Cộng; đồng thời, Bửu Uy còn đắc cử chức chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn cùng niên khóa 1972-1973. Tội ấy không thể tha. Về trường hợp Lê Anh Kiệt, chính Kiệt đã thuật lại trong một cuộc phỏng vấn về cuộc chiến đấu gay go của anh với nhóm sinh viên Bừng Sống ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn và đã chiến thắng, giành lại quyền kiểm soát Ban Đại diện Sinh viên Khoa học cho các sinh viên khuynh hướng Quốc gia. Đó cũng là tội rất lớn của Lê Anh Kiệt đối với Thành Đoàn Cộng Sản (Nhà báo Hoàng Lan Chi, cựu sinh viên Khoa học SG, phỏng vấn Lê Anh Kiệt. Báo Bút Tre, Tháng 9 năm 2014).

Tóm lại, tôi muốn kể lại vài mầu chuyện về Bửu Uy như cách tưởng niệm một người bạn hiền, một đồng đội kiên cường bất khuất. Ngoài ra, biết đâu là đúng là sai. Có thể tất cả các cách lí giải trên đều có phần đúng. Song, dù thế nào, nay mọi chuyện đã qua rồi. Dòng đời như nước chảy qua cầu, sẽ trôi về đâu. Bửu Uy đã đi trước chúng ta một bước. Thế thôi.

Chuyện ít ai biết

Còn một chuyện ít ai biết, xin một lần “bật mí” luôn. Không mấy ai biết ông cụ thân sinh của Bửu Uy là một đảng viên Cộng sản. Vâng, đúng như vậy. Bửu Uy kể, ba của Bửu Uy là cụ Ưng Trí đã thoát li theo Việt Minh ngay từ khi Bửu Uy mới lên 3 tuổi. Bà cụ một mình tần tảo, làm nghề bán thuốc Tây ở Đà Nẵng, nuôi 3 người con khôn lớn, trưởng thành: Anh Bửu Uyển, khóa 11 Quốc Gia Hành Chánh, Phó quận Hương Thủy, Phó tỉnh Quảng Trị, Trưởng ty Tài chánh thị xã Cần Thơ; kế là chị Hương làm giáo viên, Bửu Uy nhỏ nhất. Cụ Ưng Trí, cũng như bao thanh niên trí thức thời 1945 - 1946, sôi sục nhiệt huyết đấu tranh chống thực dân Pháp. Thế nhưng, khi theo Việt Minh một thời gian, nhiều người đã nhận ra bộ mặt thật Cộng sản của Việt Minh, họ tìm cách “dinh tê” trốn thoát về thành. Cụ Ưng Trí thì không, cụ quyết theo đảng. Cuối cùng, cụ không được đảng đền đáp công lao kháng chiến của cụ. Sau 30-4-1975, cụ tìm về nương nhờ cụ bà với hai bàn tay trắng và hát câu “chàng về nay đã cụt tay”. Năm 1988, tôi được thả về, có đến thăm bà cụ và nhân tiện, nhờ bà cụ gửi cho Bửu Uy chút quà. Tại nhà bà cụ, tôi đã thấy ông cụ Ưng Trí, vóc dáng giống Bửu Uy, nhưng mập mạp hơn, da dẻ hồng hào, có vẻ dân ăn học, nhưng cụ bị cụt một cánh tay. Tôi chỉ chào hỏi mà không nói chuyện gì với cụ. Dường như cụ ngại không muốn nói chuyện với tôi? Tiếc rằng cụ là dân Tây học, dòng dõi hoàng tộc thì chính ra cụ phải hiểu rõ: Cộng sản tối kị tầng lớp trí, phú, địa, hào, kể cả hoàng phái nữa chứ?

Rốt cuộc, sau bao năm cúc cung tận tụy với đảng, năm 1975, cụ chỉ gửi vào trong trại cho Bửu Uy được một tờ giấy chứng nhận đóng nhiều con dấu của nhiều tổ chức, đoàn thể mà cụ đã phục vụ, để làm bảo lãnh cho Bửu Uy. Bửu Uy cho tôi coi xong thì xếp xó, không bao giờ Bửu Uy sử dụng đến, vì Bửu Uy không tin những con dấu ấy có giá trị bảo lãnh.

Dallas, đêm 13-11-2020

Nhớ bạn hiền Bửu Uy

Trần Vinh

(Bạch Diện Thư Sinh)