Video sẽ bắt đầu từ 6g tối ngày 07-March-2021 theo giờ Việt Nam


1. Tại Iraq, Đức Giáo Hoàng tưởng nhớ Các Vị Tử Đạo Iraq, cho hay bạo lực không thể tương hợp với tôn giáo

Nữ ký giả Inés San Martín của tạp chí Crux, ngày 5 tháng 3, khi tường thuật chuyến tông du Iraq của Đức Phanxicô, đã cho hay

Bên cạnh các bức ảnh của 48 vị tử đạo Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu đã định nghĩa các ngài như một lời nhắc nhở rằng việc kích động chiến tranh và bạo lực không phù hợp với giáo huấn tôn giáo chân chính.

Trong cuộc họp với các giám mục, tu sĩ và giáo lý viên tại Nhà thờ Đức Mẹ Cứu rỗi ở Baghdad, Đức Phanxicô nói rằng cái chết của các vị tử đạo vào ngày 31 tháng 10 năm 2010, “là một lời nhắc nhở rằng việc kích động chiến tranh và bạo lực không phù hợp với giáo huấn tôn giáo chân chính”.

Đức Hồng Y Louis Sako, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Chaldean, thúc giục Đức Giáo Hoàng nhanh chóng phong hiển thánh cho họ, nghĩa là công khai thừa nhận rằng 48 người Công Giáo bị 5 kẻ khủng bố sát hại trong Thánh lễ đã bị sát hại vì odium fidei, nghĩa là vì lòng căm thù đức tin.

Hai trong số những vị bị sát hại là các linh mục trẻ, cùng với một số trẻ em và một phụ nữ mang thai.

Đức Hồng Y Sako nói, “Bất kể điều gì đã xảy ra với chúng con và nỗi đau của chúng con, chúng con vẫn kiên trì trong đức tin, sự thanh thản tâm linh và tình liên đới huynh đệ của chúng con, với tất cả các nhà thờ đã cố gắng hết sức trong việc gần gũi với những người bị thương, để giúp đỡ họ và xoa dịu nỗi đau của họ”.

Đức Phanxicô cũng nói rằng ngài muốn tưởng nhớ tất cả các nạn nhân của bạo lực và bách hại, bất kể họ thuộc nhóm tôn giáo nào, điều mà ngài sẽ làm vào thứ Bảy, khi ngài đến thành phố Ur, nơi sinh của Abraham, cha của các tín hữu. Tại đó, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các truyền thống tôn giáo đang hiện diện ở Iraq, để tuyên bố “xác tín của chúng ta rằng tôn giáo phải phục vụ chính nghĩa hòa bình và thống nhất giữa tất cả con cái của Thiên Chúa”.

Đức Phanxicô nói, “Tối nay, tôi muốn cảm ơn anh chị em đã nỗ lực trở thành những người kiến tạo hòa bình, trong cộng đồng của anh chị em và với tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác, bằng cách gieo hạt giống hòa giải và chung sống huynh đệ vốn có khả năng dẫn đến sự tái sinh niềm hy vọng cho mọi người”.

Cuộc tấn công năm 2010 kéo dài hơn bốn giờ, cho đến khi cảnh sát đột kích vào nhà thờ. Tại thời điểm này, những kẻ khủng bố đã tự nổ tung. Chúng không bao giờ được nhận diện chính thức.

Các cha Thaer Saadulla Abdal, 32 tuổi và Waseem Sabih Kas Boutros, 27 tuổi, đã được truyền chức lần lượt vào năm 2006 và 2007, trong cùng một nhà thờ chính tòa nơi họ chịu tử đạo.

Phía sau bàn thờ trên bức ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh bồng Chúa Giêsu là ảnh các vị tử đạo, đứng quanh cây thánh giá màu đỏ, biểu thị máu họ đổ ra. Trên mái nhà và sàn nhà, các ô vuông bằng kim loại và đá granit đánh dấu những nơi tìm thấy thi thể của các vị.

Ở bình diện giáo phận, ở Baghdad, án tử đạo của họ đã kết thúc năm 2019 khi nó được gửi đến Rôma. Trong chuyến bay từ Ý đến Iraq hôm thứ Sáu, Đức Phanxicô đã nhận được một cuốn sách biên soạn câu chuyện về các vị tử đạo này.

Đức Phanxicô nói, Nhà thờ chính tòa được “mang hào quang nhờ máu của các anh chị em của chúng ta, những người, ngay ở đây, đã trả cái giá tối hậu cho lòng trung thành với Chúa và với Giáo hội của Người”.

Ngài nói: “Cầu mong ký ức về sự hy sinh của các ngài sẽ gợi hứng để chúng ta đổi mới niềm tín thác của chúng ta vào sức mạnh của thập giá và sứ điệp cứu rỗi của nó về sự tha thứ, hòa giải và tái sinh. Vì các Kitô hữu được kêu gọi làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô mọi lúc và mọi nơi”.

Đức Giáo Hoàng được chào đón vào một nhà thờ chỉ đầy một nửa để bảo đảm sự gián cách xã hội, nhưng giọng hú réo của các phụ nữ có mặt đã tạo ra cảm giác rằng nhà thờ đã chật cứng. Trước khi vào trong, ngài đã dành vài phút để chào hỏi những người khuyết tật ở cửa ra vào.

Ngài nói, gian khổ là một phần trong kinh nghiệm hàng ngày của các tín hữu Iraq, lưu ý rằng trong những năm gần đây, họ đã phải đối phó với những hậu quả của chiến tranh và bách hại, cũng như sự mong manh của cơ sở hạ tầng cơ bản và cuộc đấu tranh kinh tế “thường xuyên dẫn đến đến những cuộc di tản trong nước và sự di cư của nhiều người, bao gồm các Kitô hữu, đến những nơi khác trên thế giới”.

Đức Phanxicô cũng mời gọi những người có mặt đừng “bị lây nhiễm bởi vi-rút chán nản,” có thể lây lan “khắp nơi xung quanh chúng ta,” vì Thiên Chúa đã ban cho các tín hữu một “liều vắc-xin hữu hiệu” chống lại nó: niềm hy vọng phát sinh từ sự cầu nguyện bền bỉ và lòng trung thành với các việc tông đồ”.

Ngài nói: “Với vắc-xin này, chúng ta có thể ra đi với sức mạnh đổi mới, để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng như những môn đệ truyền giáo và những dấu hiệu sống động của sự hiện diện của vương quốc thánh thiện, công bằng và hòa bình của Thiên Chúa”.

Khi nói chuyện với các giám mục, ngài kêu gọi các ngài sống gần gũi với các linh mục của mình, để họ không coi các ngài như những nhà cai trị hay quản lý mà là “những người cha thực sự”, lo lắng cho phúc lợi của các linh mục được giao phó cho các ngài chăm sóc, sẵn sàng hỗ trợ và khuyến khích họ.

Nói chuyện với các linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên và chủng sinh, ngài kêu gọi họ can đảm và nhiệt thành loan báo Tin Mừng, không bị tiêu hao bởi yếu tố “hành chính” trong các nhiệm vụ của họ, nghĩa là, không dành toàn bộ thời gian cho các buổi nhóm họp hoặc sau bàn làm việc, để thay vào đó đồng hành với các tín hữu.

Ngài nói: “Hãy là những mục tử, đầy tớ của dân, không phải là công chức”.

Tổng hợp án tử đạo của 48 người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố đã mất hơn 9 tháng để nghiên cứu. Các thông tin về mỗi vị đều khác nhau, và có hai vị mà án tử đạo chỉ có tên và sự hiện diện mà thôi.

Việc Baghdad mất 2/3 dân số Công Giáo trong hai thập niên qua, do họ bị giết hoặc buộc phải chạy trốn, khiến cuộc điều tra trở nên phức tạp hơn. Nhiều thành viên trong các gia đình của những người bị giết, những người thường được phỏng vấn cho án phong thánh, đang sống như những người tị nạn, hoặc không muốn hoặc không thể được nhận diện.

Các nhân chứng đến từ khắp nơi: Lebanon, Pháp, Canada, Úc và cả Baghdad nữa. Hầu hết kể từ đó đã chạy trốn khỏi đất nước của họ, một trong những cái nôi của Kitô giáo. Nhiều người trong số họ nói rằng những kẻ khủng bố, khi bóp cò súng hoặc trước khi kích hoạt thắt lưng chất nổ mà chúng mang theo, đã hét lên “Allahu Akbar”, có nghĩa là “Thiên Chúa vĩ đại”.

Khi quyết định mở án tử đạo, Đức Tổng Giám Mục Yousif Abba, Tổng Giám mục Công Giáo Syriac của Bagdad, đã dự tính chỉ theo đuổi án phong thánh cho hai linh mục, vì Giáo hội đã có đủ thông tin về họ. Nhưng cuối cùng, tất cả đều được bao gồm vì tất cả đều chết vì cùng một nguyên do: Họ đang tham dự Thánh lễ.

Tất cả những người mất mạng đều làm như vậy trong nhà thờ. Nhiều người bị thương nặng và phải nhập viện, nhưng đã sống sót. Ước tính có khoảng 50 người đã ẩn náu trong phòng áo nhà thờ cùng với một linh mục lớn tuổi và một phụ nữ mang thai bị trọng thương trước khi đến nơi ẩn náu an toàn. Một nhóm khoảng 20 người đã tìm thấy nơi ẩn náu ở giếng rửa tội. Họ cũng đã được cứu.

2. Kitô hữu Iraq ấm lòng vì sự quyết tâm, ngoan cường của Đức Phanxicô

Ký giả Paulina Guzik của Tạp Chí Crux, ngày 5 tháng 3, khi tường thuật chuyến tông du Iraq của Đức Phanxicô, đã cho rằng

Trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành chuyến tông du lịch sử tới Iraq, một số nhà quan sát đã lo ngại đối với các rủi ro ngài đang chấp nhận, vì tình hình an ninh và đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn. Tuy nhiên, một người Mỹ đang làm việc tại đất nước này cho biết, “chưa bao giờ có thời điểm tối ưu để đến đây. Nếu bạn đợi cho đến khi an toàn và ổn định, bạn sẽ không bao giờ đến đây, bởi vì tình thế vốn không ổn định trong nhiều thập niên rồi”. Stephen Rasche, một luật sư người Mỹ, người vào năm 2015 đã quyết định cống hiến sự nghiệp của mình cho Tổng giáo phận Erbil ở khu Kurdistan của Iraq, nói như thế. Ông hiện là phó viện trưởng tại Đại học Công Giáo ở Erbil.

Rasche là tác giả cuốn The Disappearing People. The Tragic Fate of Christians in the Middle East (Những người đang biến mất. Số phận bi thảm của các Kitô hữu ở Trung Đông), và đã nói chuyện với Crux và Đài truyền hình Ba Lan trước chuyến đi của Đức Giáo Hoàng trong khi ông đang chuẩn bị cho Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ở Erbil vào Chúa nhật.

Rasche cho hay đại dịch COVID, các đợt cấm cửa, và các lệnh cấm đi lại trong khu vực là trở ngại lớn. Ông cho biết, “Tôi muốn nói rằng tôi rất ngạc nhiên trước ơn thánh và lòng dũng cảm của người dân địa phương ở đây trong việc thực hiện công việc cần phải làm giữa nghịch cảnh này”.

Ông nói thêm, “Nhưng tôi không ngạc nhiên vì đây là những gì họ đã phải đối phó trong nhiều năm, chỉ có điều họ rất kiên trì, và tôi không mong đợi gì hơn”.

Rasche cho biết, nhóm đang chuẩn bị cho chuyến thăm cũng cảm thấy ấm lòng trước sự ngoan cường của Đức Thánh Cha Phanxicô “dù với tất cả những khó khăn của chuyến đi này trong việc cố gắng sắp xếp nó với đội ngũ nhân viên nhỏ bé của chúng tôi - thấy được sự can đảm không ngừng của Đức Thánh Cha, liên tục nói, 'Tôi sẽ đến' - bạn biết đấy với các cuộc tấn công hoả tiễn và bất cứ điều gì – ngài vẫn đã không thối chí”.

Ông nói rằng có một đà thúc đẩy lớn phát xuất từ thái độ của Đức Giáo Hoàng khiến “có một cảm thức liên đới và can đảm thực sự được chúng tôi cảm nhận lúc này - một tháng trước… đây quả là một công việc bề bộn. Làm thế nào để hủy bỏ đây? Nhưng bây giờ quyết tâm của Đức Thánh Cha đang có một tác động, một tác động rất tích cực”.

Tầm lớn lao của lịch sử Kitô giáo của Iraq cũng ngang tầm như tầm lớn lao của đau khổ hiện nay của các cộng đồng Kitô giáo của đất nước. Năm 2003, trước khi Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq, ước tính có khoảng 1.5 triệu Kitô hữu sống ở nước này. Sau những năm chiến tranh, mà đỉnh cao là vụ diệt chủng của ISIS, con số người theo Kitô giáo ở Iraq hiện chỉ còn 500,000 người.

Rasche cho biết ông hy vọng rằng chuyến tông du sẽ gửi một thông điệp đến các chính phủ địa phương và khắp thế giới “rằng các Kitô hữu này cần được bảo vệ, cần được đối xử như những người có quyền bình đẳng, có phẩm giá, để họ có thể tiếp tục ở lại như là một phần của tấm vải dệt nên vùng đất này”.

Đối với Rasche, tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với Iraq không nằm ở những khoảnh khắc huynh đệ với các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong nước, mà ở những khoảnh khắc chia sẻ với các Kitô hữu đau khổ của vùng đất cổ kính.

Ngài nói: “Đối với các Kitô hữu ở Iraq, điều quan trọng nhất là đó là lời tuyên bố với họ rằng Đức Thánh Cha, Tòa Thánh, Giáo hội Hoàn vũ không quên họ”.

Rasche nói thêm, các Kitô hữu Iraq hy vọng thông điệp sẽ được chuyển đến Hoa Kỳ, đến Liên minh Châu Âu và các chính phủ trên toàn thế giới: “Họ hy vọng và cầu nguyện rằng đây là sự suy nghĩ cho mọi người trên thế giới - hãy nhìn nhóm nhỏ này, những Kitô hữu còn lại ở đây - họ quan trọng đối với Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha ở cùng những người này và vì vậy họ nên được các bạn coi là quan trọng”.

Rasche cho rằng phản ứng của Giáo hội Phổ quát đối với chế độ khủng bố của ISIS trong các năm 2013-2017 hết sức chậm chạp và rất khiêm nhường. Ngoại trừ các tổ chức Kitô giáo đang hoạt động tại chỗ, bao gồm tổ chức Giúp đỡ Các Giáo hội Túng thiếu, hội Hiệp sĩ Columbus, Missio, và nhiều tổ chức Kitô giáo tư nhân khác, các Kitô hữu cảm thấy bị bỏ rơi.

Dấu hiệu liên đới từ Vatican xuất hiện vào năm 2018, khi Thượng phụ Babylon của người Chaldeans và đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Chaldean, Louis Raphaël I Sako, được phong Hồng Y.

Rasche nói: “Đấy là một lời tuyên bố”, và nói thêm rằng các Kitô hữu Iraq” đã có chuyến thăm lịch sử của Đức Hồng Y Parolin vào dịp Giáng sinh hai năm trước “, đây là” một sự kiện lớn và rất cần thiết “đối với các Kitô hữu đang cảm thấy họ chỉ là một phần của cuộc thảo luận về những người tị nạn trong khu vực, và thất vọng khi thấy Vatican đã không quan tâm nhiều hơn đến những anh chị em đang đau khổ của họ.

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân lên vùng đất của Abraham, mặc dù Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dự định đến đây vào năm 2000, nhưng sự gia tăng thù nghịch khiến chuyến đi không thể xảy ra.

Rasche nói rằng quyết tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq có thể so sánh với tinh thần của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô viếng thăm Ba Lan cộng sản vào năm 1979.

“Đất nước đang tan rã, rất nhiều khó khăn và ở đây ở Iraq - đó là một đất nước tan vỡ nhưng há đó không chính xác là đất nước mà Giáo hoàng nên đến thăm hay sao?”