Ký giả Paulina Guzik của Tạp Chí Crux, ngày 5 tháng 3, khi tường thuật chuyến tông du Iraq của Đức Phanxicô, đã cho rằng



Trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành chuyến tông du lịch sử tới Iraq, một số nhà quan sát đã lo ngại đối với các rủi ro ngài đang chấp nhận, vì tình hình an ninh và đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn. Tuy nhiên, một người Mỹ đang làm việc tại đất nước này cho biết, "chưa bao giờ có thời điểm tối ưu để đến đây. Nếu bạn đợi cho đến khi an toàn và ổn định, bạn sẽ không bao giờ đến đây, bởi vì tình thế vốn không ổn định trong nhiều thập niên rồi”. Stephen Rasche, một luật sư người Mỹ, người vào năm 2015 đã quyết định cống hiến sự nghiệp của mình cho Tổng giáo phận Erbil ở khu Kurdistan của Iraq, nói như thế. Ông hiện là phó viện trưởng tại Đại học Công Giáo ở Erbil.

Rasche là tác giả cuốn The Disappearing People. The Tragic Fate of Christians in the Middle East (Những người đang biến mất. Số phận bi thảm của các Kitô hữu ở Trung Đông), và đã nói chuyện với Crux và Đài truyền hình Ba Lan trước chuyến đi của Đức Giáo Hoàng trong khi ông đang chuẩn bị cho Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ở Erbil vào Chúa nhật.

Rasche cho hay đại dịch COVID, các đợt cấm cửa, và các lệnh cấm đi lại trong khu vực là trở ngại lớn. Ông cho biết, “Tôi muốn nói rằng tôi rất ngạc nhiên trước ơn thánh và lòng dũng cảm của người dân địa phương ở đây trong việc thực hiện công việc cần phải làm giữa nghịch cảnh này”.

Ông nói thêm, “Nhưng tôi không ngạc nhiên vì đây là những gì họ đã phải đối phó trong nhiều năm, chỉ có điều họ rất kiên trì, và tôi không mong đợi gì hơn”.

Rasche cho biết, nhóm đang chuẩn bị cho chuyến thăm cũng cảm thấy ấm lòng trước sự ngoan cường của Đức Thánh Cha Phanxicô “dù với tất cả những khó khăn của chuyến đi này trong việc cố gắng sắp xếp nó với đội ngũ nhân viên nhỏ bé của chúng tôi - thấy được sự can đảm không ngừng của Đức Thánh Cha, liên tục nói, 'Tôi sẽ đến' - bạn biết đấy với các cuộc tấn công hoả tiễn và bất cứ điều gì – ngài vẫn đã không thối chí".

Ông nói rằng có một đà thúc đẩy lớn phát xuất từ thái độ của Đức Giáo Hoàng khiến “có một cảm thức liên đới và can đảm thực sự được chúng tôi cảm nhận lúc này - một tháng trước… đây quả là một công việc bề bộn. Làm thế nào để hủy bỏ đây? Nhưng bây giờ quyết tâm của Đức Thánh Cha đang có một tác động, một tác động rất tích cực”.

Tầm lớn lao của lịch sử Kitô giáo của Iraq cũng ngang tầm như tầm lớn lao của đau khổ hiện nay của các cộng đồng Kitô giáo của đất nước. Năm 2003, trước khi Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq, ước tính có khoảng 1.5 triệu Kitô hữu sống ở nước này. Sau những năm chiến tranh, mà đỉnh cao là vụ diệt chủng của ISIS, con số người theo Kitô giáo ở Iraq hiện chỉ còn 500,000 người.

Rasche cho biết ông hy vọng rằng chuyến tông du sẽ gửi một thông điệp đến các chính phủ địa phương và khắp thế giới “rằng các Kitô hữu này cần được bảo vệ, cần được đối xử như những người có quyền bình đẳng, có phẩm giá, để họ có thể tiếp tục ở lại như là một phần của tấm vải dệt nên vùng đất này”.

Đối với Rasche, tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với Iraq không nằm ở những khoảnh khắc huynh đệ với các nhà lãnh đạo Hồi giáo trong nước, mà ở những khoảnh khắc chia sẻ với các Kitô hữu đau khổ của vùng đất cổ kính.

Ngài nói: “Đối với các Kitô hữu ở Iraq, điều quan trọng nhất là đó là lời tuyên bố với họ rằng Đức Thánh Cha, Tòa Thánh, Giáo hội Hoàn vũ không quên họ”.

Rasche nói thêm, các Kitô hữu Iraq hy vọng thông điệp sẽ được chuyển đến Hoa Kỳ, đến Liên minh Châu Âu và các chính phủ trên toàn thế giới: “Họ hy vọng và cầu nguyện rằng đây là sự suy nghĩ cho mọi người trên thế giới - hãy nhìn nhóm nhỏ này, những Kitô hữu còn lại ở đây - họ quan trọng đối với Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha ở cùng những người này và vì vậy họ nên được các bạn coi là quan trọng”.

Rasche cho rằng phản ứng của Giáo hội Phổ quát đối với chế độ khủng bố của ISIS trong các năm 2013-2017 hết sức chậm chạp và rất khiêm nhường. Ngoại trừ các tổ chức Kitô giáo đang hoạt động tại chỗ, bao gồm tổ chức Giúp đỡ Các Giáo hội Túng thiếu, hội Hiệp sĩ Columbus, Missio, và nhiều tổ chức Kitô giáo tư nhân khác, các Kitô hữu cảm thấy bị bỏ rơi.

Dấu hiệu liên đới từ Vatican xuất hiện vào năm 2018, khi Thượng phụ Babylon của người Chaldeans và đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Chaldean, Louis Raphaël I Sako, được phong Hồng Y.

Rasche nói: “Đấy là một lời tuyên bố”, và nói thêm rằng các Kitô hữu Iraq“ đã có chuyến thăm lịch sử của Đức Hồng Y Parolin vào dịp Giáng sinh hai năm trước ”, đây là“ một sự kiện lớn và rất cần thiết ”đối với các Kitô hữu đang cảm thấy họ chỉ là một phần của cuộc thảo luận về những người tị nạn trong khu vực, và thất vọng khi thấy Vatican đã không quan tâm nhiều hơn đến những anh chị em đang đau khổ của họ.

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên đặt chân lên vùng đất của Abraham, mặc dù Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dự định đến đây vào năm 2000, nhưng sự gia tăng thù nghịch khiến chuyến đi không thể xảy ra.

Rasche nói rằng quyết tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq có thể so sánh với tinh thần của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô viếng thăm Ba Lan cộng sản vào năm 1979.

"Đất nước đang tan rã, rất nhiều khó khăn và ở đây ở Iraq - đó là một đất nước tan vỡ nhưng há đó không chính xác là đất nước mà Giáo hoàng nên đến thăm hay sao?"