1. Đức Bênêđíctô thứ 16 khẳng định: Không có hai vị Giáo hoàng

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhắc lại rằng việc thoái vị của ngài là một “lựa chọn khó khăn” nhưng được thực hiện “với lương tâm đầy đủ”, và tin rằng ngài đã làm đúng.

Việc thoái vị ngôi giáo hoàng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, có hiệu lực cách đây tám năm, vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, là một “lựa chọn khó khăn”, nhưng được thực hiện “với lương tâm đầy đủ” - một điều mà ngài không hề hối tiếc.

Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Danh dự, mặc dù với một giọng rất yếu, đã lặp lại những gì ngài đã nói nhiều lần để loại bỏ những “người bạn có phần cuồng nhiệt”, những người tiếp tục ủng hộ “các thuyết âm mưu” đằng sau quyết định rời khỏi ngai tòa Thánh Phêrô bằng cách nghỉ hưu vì lý do tuổi già.

Điều này đã được Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera.

Một quyết định khó khăn nhưng đúng đắn

“Đó là một quyết định khó khăn,” Đức Giáo Hoàng danh dự giải thích, “nhưng tôi đã thực hiện nó với lương tâm ngay thẳng, và tôi tin rằng mình đã làm tốt. Một số bạn bè của tôi, những người hơi 'cuồng nhiệt' vẫn còn tức giận; họ không muốn chấp nhận sự lựa chọn của tôi. Tôi đang suy nghĩ về các thuyết âm mưu theo sau nó: những người nói đó là vì vụ bê bối Vatileaks, những người khác nói đó là vì trường hợp của nhà thần học bảo thủ theo phái Lefebvre, Richard Williamson. Họ không muốn tin rằng đó là một quyết định có ý thức, nhưng lương tâm của tôi rất rõ ràng”.

Chuyến thăm của Giáo hoàng tới Iraq

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Bênêđíctô XVI cũng nói về chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq.

“Tôi nghĩ đây là một chuyến đi rất quan trọng,” ngài nói, “Thật không may, nó đến vào một thời điểm rất khó khăn, khiến nó trở thành một chuyến đi nguy hiểm vì lý do an ninh và cả vì Covid-19. Ngoài ra còn có tình hình bất ổn ở Iraq. Tôi sẽ đồng hành với Đức Phanxicô qua những lời cầu nguyện của mình”.
Source:Vatican News


2. Nữ tu Công Giáo anh hùng cứu những người biểu tình trẻ tuổi: Đức Hồng Y Bo muốn đất nước được “biến hình”

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết một nữ tu Công Giáo đã xuống đường ở thành phố Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin ở phía bắc Miến Điện, và yêu cầu lực lượng an ninh đừng bắn vào những người biểu tình trẻ tuổi đang phản đối một cách ôn hòa. Nữ tu Ann Nu Thawng của Dòng Thánh Phanxicô Xaviê ở giáo phận Myitkyina, đã trở thành nữ anh hùng của ngày 28 tháng 2, được đánh dấu bằng sự đàn áp khắc nghiệt của cảnh sát Miến Điện. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, cảnh sát đã nổ súng giết chết 18 người và làm hơn 30 người bị thương trên toàn quốc.

“Tại khu vực Myitkyina, các cuộc biểu tình từ trước đến nay luôn diễn ra trong hòa bình và không có vấn đề gì. Tuy nhiên, các đợt bạo lực ngày hôm qua có nguy cơ làm tình hình thêm trầm trọng”, theo anh Joseph Kung Za Hmung, biên tập viên của “Gloria News Journal”, tờ báo trực tuyến Công Giáo đầu tiên ở Miến Điện. “Hành động của nữ tu và phản ứng dừng lại của cảnh sát khi nhìn thấy lời cầu xin của người nữ tu đã khiến nhiều người trong chúng tôi ngạc nhiên. Sơ Ann Nu Thawng ngày nay là một hình mẫu cho các nhà lãnh đạo Giáo hội: các giám mục và linh mục được kêu gọi bước ra khỏi vùng an toàn của họ và noi gương lòng can đảm của sơ”. Nhiều người không theo Công Giáo cũng ca ngợi những nỗ lực dũng cảm của Sơ Thawng, bài viết đã lan truyền trên mạng xã hội. “Hơn 100 người biểu tình đã có thể tìm thấy nơi trú ẩn trong tu viện của sơ. “Sơ đã cứu họ khỏi bị cảnh sát đánh đập và bắt giữ dã man”, Hmung nói.

Trong bài giảng Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay, nhận xét về cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị trong nước, Đức Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng Giám Mục Yangon, lưu ý: “Tin Mừng về biến cố Biến Hình rất thời sự và nó phản ánh những sự kiện của những ngày này: Chúng ta đang tìm kiếm sự biến hình nào ở Miến Điện ngày nay? Nếu chúng ta tìm kiếm nó, mọi rối ren, mọi bóng tối, mọi hận thù sẽ biến mất và đất nước chúng ta, vùng đất vàng nổi tiếng, sẽ được biến đổi thành một vùng đất của hòa bình và thịnh vượng”.

Đức Hồng Y nói tiếp “Tháng trước, chúng ta đã cầu xin mọi người: hòa bình là con đường duy nhất; hòa bình là có thể. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi giải quyết mọi xung đột thông qua đối thoại. Những người muốn xung đột không muốn điều tốt đẹp cho quốc gia này. Tất cả chúng ta hãy trở thành những Ê-li-a loan báo hòa bình, bằng cách thắp lên ngọn đèn hy vọng giữa bóng tối”.

Đức Hồng Y Bo đã cầu nguyện cho đất nước “đã chứng kiến quá nhiều đau khổ, quá nhiều chiến tranh, quá nhiều chết chóc”. Ngài nói: “Giống như Tổ phụ Áp-ra-ham, chúng ta tìm kiếm một miền đất hứa. Miền đất hứa đến khi chúng ta sẵn sàng hy sinh những gì mà chúng tôi cho là rất thân thương”.

Ngài kết luận thông điệp của mình rằng: “Sự hoán cải là thông điệp trọng tâm của Mùa Chay. Hãy thách đố bản thân. Chúng ta hãy nhìn nhau trong một ánh sáng tốt hơn. Có thể có một thế giới mới, một Miến Điện mới là khả thi, một quốc gia không có xung đột là có thể xảy ra nếu quốc gia đó được biến đổi sang vinh quang mà nó xứng đáng có được. Chúng ta hãy biến đổi số phận của mình sang hòa bình, không xung đột. Vũ khí là không cần thiết. Chúng ta phải điều chỉnh lại chính mình thông qua hòa giải và đối thoại. Núi Tabor của Miến Điện phải được leo lên với sự kiên nhẫn và lòng khoan dung, nếu chúng ta muốn chứng kiến sự biến hình này. Cái ác phải biến mất, nhưng nó không thể bị tiêu diệt bởi một cái ác khác”.

Quân đội Miến Điện lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 trong một cuộc đảo chính, và tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” kéo dài một năm, sau khi cáo gian cho Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, là đảng của nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, là gian lận trong cuộc bầu cử.
Source:Fides

3. Ai sẽ thay thế Đức Hồng Y Robert Sarah?

Sau khi Đức Hồng Y Robert Sarah nghỉ hưu khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, câu hỏi lớn xung quanh Vatican là ai sẽ thay thế vị trí của ngài.

Các nguồn tin thông thạo nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ xem xét ba lựa chọn khả thi.

Đầu tiên là việc Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nâng Tổng Giám mục Arthur Roche, 70 tuổi, từ thư ký của bộ lên làm tổng trưởng.

Đức Tổng Giám Mục Roche được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích vào năm 2012. Trước đó, ngài là chủ tịch của Ủy ban Quốc tế về Phụng vụ của Anh từ năm 2002 đến năm 2012. Ngài cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Westminster từ 2001 đến năm 2002, Giám mục phó của giáo phận Leeds từ 2002 đến 2004, và Giám mục Leeds từ 2004 đến 2012.

Trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài là người đi giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Sarah trong các vấn đề phụng vụ. Ngài được giao phó viết bài bình luận cho Tự Sắc Magnum Principium – Nguyên tắc Chính yếu, trong đó chuyển giao trách nhiệm dịch các bản văn phụng vụ cho các hội đồng giám mục khu vực và quốc gia. Bản nhận xét này được đưa ra cùng với việc công bố Tự Sắc.

Vào năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Roche làm thành viên của nhóm xem xét các kháng cáo về delicta graviora, tức là những tội ác nghiêm trọng thuộc trách nhiệm phán quyết của Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm cả tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Lựa chọn thứ hai là Đức Cha Claudio Maniago, Giám Mục giáo phận Castellaneta. Đức Cha Maniago, 62 tuổi, là chủ tịch Ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Ý từ năm 2015. Với cương vị đó, ngài giám sát bản dịch mới sang tiếng Ý của Sách lễ Rôma, trong đó có phiên bản mới của Kinh Lạy Cha.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Maniago làm thành viên của Bộ Phụng tự vào năm 2016.

Lựa chọn thứ ba sẽ là Đức Cha Vittorio Viola, Giám Mục giáo phận Tortona. Một thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn, Đức Cha Viola, 55 tuổi, đã trở thành giám mục từ năm 2014.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng Cha Viola lên hàng giám mục lên từ vị trí của ngài là chủ tịch của Assisi Caritas. Ngài cũng từng là Bề trên dòng Phanxicô tại Vương cung thánh đường Đức Maria Nữ vương các Thiên thần ở Assisi. Ngài quen biết Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm Assisi vào ngày 4 tháng 10 năm 2013, khi ngài ngồi bên cạnh Đức Thánh Cha trong một bữa ăn trưa với người nghèo.

Trước đó ngài được Đức Cha Luca Brandolini, một trong những cộng tác viên thân cận nhất của Đức Tổng Giám Mục Annibale Bugnini, truyền chức linh mục.

Đức Cha Viola cũng là bạn thân của Đức Cha Domenico Sorrentino của Assisi, người từng là thư ký của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích từ năm 2003 đến năm 2005.

Được biết, Đức Thánh Cha Phanxicô đánh giá cao cách Đức Cha Viola tái tổ chức các giáo xứ ở Tortona, và ngài đã thể hiện kỹ năng ra những quyết định mạnh mẽ. Truyền thông Ý cho rằng Đức Cha Viola nằm trong số các ứng viên cho chức vụ Tổng giám mục Genova. Tuy nhiên, vào ngày 8 tháng 5 năm ngoái 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn một tu sĩ Dòng Phanxicô ở Genoa, là Cha Marco Tasca làm Tổng Giám Mục Genoa. Nay truyền thông Ý giải thích quyết định này của Đức Thánh Cha là vì ngài quyết định gọi Đức Cha Viola đến Vatican.
Source:Catholic News Agency


4. Sóng gió: Sứ Thần Tòa Thánh tại Iraq nhiễm coronavirus

Trong thông báo đưa ra hôm 8 tháng Hai, Tòa Thánh đã cho biết chương trình tổng quát chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Iraq. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong các chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng, Tòa Thánh đã không nói rõ chi tiết ngài rời khỏi Rôma lúc mấy giờ, và đáp xuống phi trường Baghdad lúc mấy giờ, cũng như không công bố các thời biểu cụ thể khác. Điều này là dấu chỉ cho thấy có những lo lắng về an ninh cho chuyến tông du.

Quân Iraq tuần tra trên đường phố
Giới nghiêm trong ba ngày từ thứ Sáu đến Chúa Nhật
Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Qaraqosh
Những lo lắng này được khẳng định chỉ một tuần sau đó khi quân khủng bố pháo kích vào thành phố Erbil hôm 15 tháng Hai. Erbil là thành phố nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Ba.

Một sóng gió khác cũng vừa nổi lên. Đức Tổng Giám Mục Slovenia Mitja Leskovar, Sứ Thần Tòa Thánh tại Iraq, người được tường trình là sẽ tháp tùng Đức Phanxicô trong suốt chuyến tông du từ ngày 5 đến 8 tháng 3, đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào hôm thứ Bảy 27 tháng Hai và hiện đang bị cách ly.

Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Baghdad, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ cư trú trong ba ngày ở Iraq, đã cho biết như trên.

Đây sẽ là chuyến tông du đầu tiên sau 15 tháng gián đoạn của Đức Thánh Cha Phanxicô kể từ khi ngài viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản vào tháng 11 năm 2019, và khả năng chuyến đi bị hủy bỏ do đại dịch coronavirus hoặc lo ngại về an ninh luôn có nguy cơ rất cao.

Đầu tháng này, trong một cuộc gặp gỡ với các nhân viên tùng sự tại Rôma của Catholic News Service, hãng thông tấn của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, ngài nói rằng ngài thực sự muốn thực hiện chuyến đi và điều duy nhất có thể ngăn cản ngài là sự gia tăng của các trường hợp coronavirus ở Iraq.

Cả Đức Giáo Hoàng và tất cả những người cùng đi với ngài đều đã được tiêm phòng, bao gồm gần 70 phóng viên tháp tùng. Tuy nhiên, những người sẵn sàng chào đón ngài, bao gồm cả Đức Tổng Giám Mục Leskovar, thì chưa được chích.

Vị Tổng Giám Mục hiện đang bị cô lập, không còn ở trong Tòa Sứ thần Tòa Thánh nữa, và tất cả nhân viên đã được kiểm tra coronavirus và cách ly trong khi chờ kết quả. Trong khi đó, Tòa Sứ thần Tòa Thánh đã được làm sạch hoàn toàn, và Vatican không đưa ra tuyên bố chính thức nào về việc có thể hoãn chuyến tông du do những diễn biến mới nhất này hay không.

Nếu chuyến tông du vẫn được thực hiện theo dự trù, Đức Phanxicô sẽ trở thành vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử đến thăm Iraq, một nơi đã từng nằm trong chương trình nghị sự của cả Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, nhưng các cuộc đàm phán đã thất bại vào phút cuối, hay tình hình chiến sự đã không cho phép.

Trong chuyến thăm bốn ngày của mình, Đức Phanxicô dự kiến sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh, có bài phát biểu trước cộng đồng tôn giáo địa phương, các linh mục và giám mục trong cùng một nhà thờ, nơi mà vào năm 2010, năm kẻ khủng bố đã sát hại 48 người, trong đó có hai linh mục, trong Lễ Vọng Kính Các Thánh Nam Nữ.

Đức Tổng Giám Mục Leskovar không phải là người đầu tiên tham gia vào việc chuẩn bị chuyến tông du đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong những ngày gần đây: Ahmed Al Safi, phát ngôn viên của Đại Giáo Trưởng Ali Al Sistani của Hồi Giáo Shiite, người sẽ tiếp đón Đức Giáo Hoàng tại dinh thự riêng của mình, cũng có kết quả dương tính với coronavirus vào tuần trước.

Iraq đang trải qua làn sóng virus thứ hai khi lần đầu tiên, sau nhiều tuần lễ, số ca nhiễm coronavirus hàng ngày vượt quá 4,000 trường hợp.

Đức Phanxicô sẽ gặp al-Sistani ở thành phố phía nam Najaf, được coi là thành phố linh thiêng thứ ba của Hồi giáo Shiite sau Mecca và Medina.

Sự gia tăng số ca nhiễm coronavirus, không xa so với mức cao nhất là 5,025 ca một ngày từ cuối tháng 9, đã buộc chính quyền địa phương phải thực thi lại các biện pháp nghiêm ngặt trên toàn quốc bao gồm lệnh giới nghiêm hoàn toàn vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chúa Nhật.

Đối với các ngày còn lại trong tuần, giới nghiêm bắt đầu lúc 8 giờ tối và kết thúc lúc 5 giờ sáng. Các trường học bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới, và tất cả các nơi thờ phượng, bao gồm cả đền thờ Hồi Giáo và các nhà thờ Kitô Giáo, đều bị đóng cửa.

Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng nhằm gửi một thông điệp khích lệ tới những người Iraq vẫn đang vật lộn để phục hồi sau cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo ISIS, trong khi họ ngày càng mất niềm tin vào chính phủ hiện tại.

Trong chuyến đi kéo dài 4 ngày, Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ gặp thủ tướng Iraq, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các thành viên của cộng đồng Kitô Giáo Iraq, là những người đã chịu đựng sự đàn áp và bức hại chết người dưới thời IS vào năm 2014.

Ngoài Najaf, Đức Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm vùng đồng bằng Ur, được coi là vùng đất của Tổ Phụ Abraham, Tổ Phụ chung của người Do Thái, các Kitô hữu giáo và người Hồi giáo. Ngài cũng viếng thăm vùng đồng bằng Niniveh, từng là nơi sinh sống của một cộng đồng Kitô hữu, ngày nay là nơi vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau khi ISIS đã gây ra tội ác diệt chủng chống lại những người theo đạo Kitô Giáo, người Yazidis và các dân tộc thiểu số khác.
Source:Crux


5. Đức Thánh Cha có thể phải dùng xe thiết giáp để di chuyển tại Iraq để tránh khủng bố

Đức Thánh Cha Phanxicô quyết tâm thăm Iraq từ ngày 5 đến 8 tháng 3, không hề nao núng trước mối đe dọa khủng bố, bất ổn chính trị và xã hội, và số lượng COVID-19 đang gia tăng tại nước này. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, đã đưa ra lập trường trên vào hôm thứ Ba 2 tháng Ba.

Khi liên tục bị các nhà báo chất vấn tại sao chuyến đi tiếp tục được tiến hành, không thể dời lại vào một thời điểm khác thích hợp hơn, phát ngôn viên của Vatican trả lời rằng đó là “hành động xuất phát từ tình yêu đối với vùng đất này, đối với người dân và các Kitô hữu trong vùng”.

Đây là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo hoàng trong một trận đại dịch toàn cầu.

Vì lý do này, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói rằng tất cả các biện pháp phòng ngừa có thể đã được thực hiện để tránh chuyến đi trở thành một tai họa lây nhiễm COVID-19. Các biện pháp bao gồm việc Đức Giáo Hoàng di chuyển trong một chiếc xe kín mít thay vì chiếc popemobile truyền thống, để tránh các đám đông trên đường phố; số lượng người tham dự mỗi sự kiện bị cắt giảm mạnh để tạo khoảng cách xã hội; và việc sử dụng khẩu trang sẽ là bắt buộc.

Sự kiện lớn nhất sẽ diễn ra vào Chúa Nhật, khi Đức Phanxicô cử hành Thánh lễ tại sân vận động “Franso Hariri” ở Erbil. Chỉ có 10,000 người được phép vào cơ sở có thể chứa đến 30,000 chỗ ngồi và họ sẽ ngồi ở chỗ được chỉ định trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chủng ngừa COVID-19, cũng như hơn 70 nhà báo đi cùng ngài trên máy bay của Giáo hoàng.

Tuy nhiên, Iraq mới chỉ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào thứ Ba, có nghĩa là hầu hết những người tham dự các sự kiện với Đức Giáo Hoàng sẽ không được tiêm vắc xin coronavirus.

Ông Matteo Bruni đã đề cập trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng 57% dân số của đất nước dưới 25 tuổi, điều này có thể giúp giải thích tại sao nước này chỉ có 341 ca tử vong liên quan đến coronavirus trên một triệu người, so với 1,561 ca tử vong trên một triệu người ở Hoa Kỳ và 1,624 người chết trên một triệu người ở Ý.

Điều mà ông Bruni không muốn đề cập đến là các tín hữu Kitô, và các dân tộc thiểu số khác tại Iraq, vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù ISIS đã chính thức bị đánh bại, nhưng chủ nghĩa thánh chiến ở Iraq thì không, và các cuộc tấn công và tội ác bạo lực của các lực lượng dân quân chống lại các nhóm thiểu số vẫn diễn ra hàng ngày.

Các nhà tổ chức có những lo ngại khác ngoài đại dịch, và người phát ngôn của Đức Giáo Hoàng thừa nhận có khả năng Đức Phanxicô sẽ tuân thủ yêu cầu của chính phủ Iraq yêu cầu ngài sử dụng một chiếc xe thiết giáp.

Khi được hỏi tại sao chuyến đi không thể bị hoãn lại, người phát ngôn cho biết nếu không có gì khác, nó đáng lẽ phải xảy ra sớm hơn, nhưng khoảng thời gian này là “thời điểm đầu tiên có thể xảy ra cho một cuộc hành trình như thế này”.

“Mọi thứ đều có sự cấp bách của nó, tất cả các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện liên quan đến vấn đề sức khỏe, nhưng có lẽ cách tốt nhất để giải thích cuộc tông du này là nói rằng đó là một hành động của tình yêu đối với vùng đất này, đối với người dân và các tín hữu Kitô Iraq,” ông Bruni nói. “Mọi hành động yêu thương đều có thể được hiểu là cực đoan, nhưng điều đó cũng là một sự xác nhận cho một tình yêu cực độ và người được yêu được củng cố trong tình yêu đó”.

Ông Bruni nói: “Rõ ràng là Đức Giáo Hoàng cũng đã nhìn ra nhu cầu “củng cố người dân Iraq về mặt đức tin của họ”, nhưng ngài cũng muốn củng cố họ “về mặt yêu thương, như sứ mệnh của người kế vị thánh Phêrô đòi buộc”.

Chính quyền Iraq đang lúng túng trước các khó khăn rất lớn để tìm cách vực dậy nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh trong bối cảnh phải đương đầu với đại dịch coronavirus. Họ rất chờ mong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô. Những lời chỉ trích chống báng chuyến tông du của Đức Thánh Cha chỉ nổi lên từ một số thành phần bên ngoài Iraq. Càng gần đến chuyến tông du, những lời chỉ trích càng tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, cũng có 29 tổ chức dựa trên đức tin hoạt động trên thực địa đã đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ chuyến thăm.

“Iraq là cái nôi của nền văn minh nhân loại và là một đất nước xinh đẹp với sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo”, tuyên bố được công bố vào cuối ngày thứ Ba nhận định. “Trong nhiều thế kỷ, nhiều cộng đồng dân tộc và tín ngưỡng sống cạnh nhau ở vùng đất này. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Iraq đã phải hứng chịu chiến tranh, mất an ninh và bất ổn và gần đây nhất là sự trỗi dậy của ISIS. Một chuỗi các cuộc xung đột như vậy đã làm căng thẳng sâu sắc mối quan hệ giữa các cộng đồng và làm hỏng cấu trúc xã hội của đất nước”.

Các bên ký kết bao gồm Tổ chức Cứu trợ Hồi giáo trên toàn thế giới, Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên, Liên đoàn Thế giới Luther, Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo và Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông thuộc quỹ giáo hoàng.

Tuyên bố cho biết Iraq vẫn phải đối mặt với những thách thức khó khăn: Có 1.2 triệu người Iraq phải di tản bên trong nội địa và hơn 4.8 triệu người hồi hương đã trở về nhà ở các thành phố và làng mạc cần được xây dựng lại.

“Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, do đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm, đang đẩy nhiều người vào cảnh nghèo đói và tước đi các nguồn lực cần thiết của chính phủ để hỗ trợ người dân của mình”.

“Là các tổ chức dựa trên đức tin, chúng tôi hoàn toàn chấp nhận thông điệp về tình huynh đệ và đối thoại mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang mang đến cho Iraq. Chúng tôi tin chắc rằng chuyến tông du này đại diện cho một con đường cần thiết để chữa lành vết thương trong quá khứ và xây dựng tương lai cho các cộng đồng đa dạng của đất nước. Chúng tôi phối hợp với các Chính quyền địa phương và quốc gia để giúp các cộng đồng hòa giải, xây dựng lại hòa bình và đòi lại các quyền tập thể của họ về an toàn, dịch vụ và sinh kế”.
Source:Crux

6. Các con số thống kê về quốc gia Iraq

Theo thống kê vào tháng 7, 2020, Iraq có 39,650,000 dân trên một diện tích là 438,317 km2 trong đó có 950 km2 là lãnh hải, xếp thứ 60 trên thế giới. 69.36% dân số sống trong các thành thị và 30.64% sống trong các vùng nông thôn. Tỉ lệ người nhập cư ước tính 1.0% dân số.

Mức độ tham nhũng của các công chức trong bộ máy công quyền (Level of Public Corruption) đứng hàng 166. Để so sánh, các quốc gia có mức độ tham nhũng của các công chức trong bộ máy công quyền cao nhất thế giới, tức là xếp hạng 176 là Bắc Hàn, Yemen, Nam Sudan, và Somalia. Việt Nam đứng hàng 117. Trung Quốc xếp thứ 87.

Trung bình một phụ nữ Iraq có từ 4 đến 5 đứa con.

Số trẻ em không sống quá 5 tuổi lên đến 3.20%

Tuổi thọ trung bình 70 tuổi.

Tỷ lệ biết đọc biết viết là 79.25%

Số người dùng Internet chiếm 11%

Bình quân thu nhập đầu người là 6,500 Mỹ Kim.
Source:Catholic World News