Các nhà lãnh đạo Công Giáo cho biết chính phủ Sri Lanka phải công bố báo cáo của mình về các vụ tấn công khủng bố vào Lễ Phục sinh 2019 vào các nhà thờ Kitô Giáo và các khách sạn.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith của Colombo cho biết ngài sẽ không gặp bất kỳ chính trị gia Sri Lanka nào do sự chậm trễ này. Ngài đã hoãn các cuộc họp với các thành viên Công Giáo trong quốc hội của liên minh cầm quyền và phe đối lập, tờ The Island của Sri Lanka đưa tin, trích dẫn các nguồn tin trong văn phòng của Đức Hồng Y.

Các giám mục khác cũng đã lên tiếng về việc không công bố báo cáo từ cuộc điều tra của tổng thống về các cuộc tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh, khiến hơn 260 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.

“Chúng tôi có rất nhiều nghi ngờ về toàn bộ quá trình này, và muốn biết tại sao toàn bộ mọi sự đã bị đình lại”, Đức Cha Winston Fernando, Giám Mục giáo phận Badulla, người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công Giáo Sri Lanka, nói với hãng tin AP.

Chín kẻ đánh bom liều chết đã tấn công hai nhà thờ Công Giáo, một nhà thờ Tin lành, bốn khách sạn và một khu nhà ở vào ngày 21 tháng 4 năm 2019. Các cuộc tấn công vào nhà thờ xảy ra vào giữa lúc các cử hành Chúa Nhật Phục sinh đang diễn ra. Hai nhóm người Sri Lanka có liên quan đến quân khủng bố Hồi Giáo IS đã bị quy trách nhiệm trong các vụ tấn công.

Những người chỉ trích cuộc điều tra của chính phủ lo ngại tham nhũng hoặc sơ suất đã ngăn cản việc truy tố những người cộng tác trong vụ tấn công.

Đức Cha Fernando cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Sri Lanka đã rất hoảng hốt trước quyết định của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chỉ định một ủy ban mới gồm sáu thành viên để nghiên cứu lại báo cáo mà không chia sẻ báo cáo này với Giáo hội hoặc với Bộ trưởng Tư Pháp để truy tố các nghi phạm.

“Nếu có những người liên quan mà họ muốn bảo vệ họ, tôi cho rằng còn xảy ra nhiều chuyện nữa?” vị giám mục nói.

Ủy ban nghiên cứu chỉ bao gồm các bộ trưởng chính phủ là thành viên của liên minh cầm quyền.

Đức Cha Fernando chỉ trích cách hình thành ủy ban. Nó không được cân bằng và tính liêm chính của nó có thể bị nghi ngờ vì một số thành viên đang dính líu vào các vụ kiện tụng khác chống lại họ.

Đầu tháng 2, Đức Hồng Y Ranjith đã viết thư cho tổng thống Rajapaksa để yêu cầu một bản sao của báo cáo. Đức Hồng Y đã cảnh báo rằng ngài sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ quan Giáo hội quốc tế nếu chính phủ không nhanh chóng hành động.

Vào tháng 10 năm 2020, 5 trong số 7 nghi phạm bị bắt liên quan đến các vụ tấn công đã được chính phủ trả tự do, với lý do thiếu bằng chứng.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng Y Ranjith cho biết các quan chức an ninh đã xác nhận với ngài rằng họ có đầy đủ bằng chứng chống lại nhiều nghi phạm đã bị bắt giữ và đã được phóng thích. Đức Hồng Y cùng với bạn bè và gia đình của các nạn nhân cho biết họ lo ngại việc thả các nghi phạm vì tham nhũng, hoặc thiếu một cuộc điều tra kỹ lưỡng, về phía Cục Điều tra Hình sự Sri Lanka.

Việc thả Riyaj Bathiudeen, anh trai của nghị sĩ Rishad Bathiudeen, người lãnh đạo đảng Đại hội Makkal Toàn Ceylon ở Sri Lanka, được xem là đáng ngờ nhất. Vào tháng 9 năm 2020, một phát ngôn viên của cảnh sát nói với các nhà báo rằng Riyaj Bathiudeen đã gặp một trong những kẻ đánh bom liều chết trước một trong những vụ tấn công vào một khách sạn và anh ta bị cáo buộc có những hành vi cộng tác khác với những kẻ đánh bom.

Sri Lanka là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương, phía tây nam của vịnh Bengal. Dân số hơn 21 triệu người. Hơn 70% người Sri Lanka theo đạo Phật, khoảng 13% theo Ấn Giáo, gần 10% theo đạo Hồi và chưa đến 8% theo Công Giáo. Có 1.5 triệu người Công Giáo trong nước.

Đất nước này đã phải hứng chịu bạo lực định kỳ kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 26 năm kết thúc vào năm 2009.
Source:Catholic News Agency