Mùa Thu Tri Ân

Buổi sáng tháng 11, vừa thức dậy, trong không khí se se lạnh, nhìn ra ngoài khung cửa sổ, dưới ánh nắng chói chan, đã thấy sắc vàng cam rực rỡ của những nhánh cây hồng dòn đang vào mùa thay lá trước khi rời cành rụng xuống. Thì ra thu vừa sang, với sắc mầu tươi đẹp của riêng nó, chỉ một lần trong năm. Điều đáng nói là cứ mỗi độ thu về, tâm tình tri ân lại dấy lên trong lòng, bởi mùa Lễ Tạ Ơn cũng đang về theo với dáng thu kia, trong nỗi rạo rực của mọi người dân Hoa Kỳ.

Không dưng câu nói của bình luận gia Michael Josephson vọng về thật rõ ràng: “Thế giới này có quá nhiều phong cảnh núi đồi trùng điệp, thảo nguyên xanh ngắt, dưới khung trời trong vắt và cảnh sông hồ bình yên phẳng lặng. Đó là chưa nói đến những rừng thông ngút ngàn, những cánh đồng đầy hoa thơm cỏ lạ, cũng như những bải biển với bờ cát trắng mênh mông vươn dài tới tận chân trời xa. Lại còn những buối bình minh rực nắng và những cảnh hoàng hôn lặng lẽ diễm tuyệt. Chỉ còn thiếu một điều là con người biết dừng lại để chiêm ngưỡng và thưởng thức trong tâm tình cảm tạ Thượng Đế toàn năng.”

Đúng thế, chỉ cần nhìn vào cuộc sống và cảnh vật chung quanh với cặp mắt tri ân, thì thế giới này sẽ trở thành một cõi huyền diệu đầy vẻ kinh ngạc. Tại sao tâm tình biết ơn lại có thể đem lại điều kỳ diệu ấy?

Marcus Tullius Cicero--thường gọi tắt là Cicero—chính trị gia, học giả nổi tiếng thời Rôma cổ đại đã viết rằng: “Lòng tri ân không chỉ là nhân đức lớn nhất, mà còn là cha đẻ của mọi nhân đức.” Triết gia, văn sĩ và thần học gia G.K Chesterton cũng có cùng ý tưởng khi nói rằng: “Biết ơn là hình thức tư duy cao thượng nhất, và lòng tri ân chính là niềm hạnh phúc được nhân đôi lên một cách kỳ diệu.”

Rõ ràng là giữa hạnh phúc và lòng biết ơn quả là có một mối liên hệ hết sức mật thiết. “Một trái tim biết tri ân thì chắc chắn sẽ hạnh phúc, bởi lẽ ta không thể mang lấy tâm tình biết ơn mà cùng một lúc lại cảm thấy cuộc đời nặng trĩu những bất hạnh được.” Lời tuyên bố này của tác giả sách thiếu nhi, Douglas Wood, dường như đã gợi ý cho một ai đó hằng truyền tải câu nói này trên các trang mạng xã hội: “Tạ ơn Trời mỗi buổi mai thức dậy, ta có thêm một ngày để yêu thương.” Thật đúng như lời nhắn nhủ của Tecumseh, vị Tù Trưởng dân da đỏ thời chiến tranh cách mạng Hoa Kỳ đầu thế kỷ 19: “Mỗi sáng khi thức dậy, bạn hãy dâng lời cảm tạ vì bạn có bánh ăn trên bàn, và có niềm vui cho cuộc sống. Nếu bạn không tìm ra lý do gì để cảm tạ, thì trong chính bản thân bạn--chứ không ở đâu khác—đã có một sự gì đó bất ổn, cần chấn chỉnh lại.” Quả vậy, nếu có tâm tình biết ơn thì bất cứ điều gì cũng khiến ta cảm thấy thanh bình thoải mái. Còn nếu suốt ngày cứ than thân trách phận thì chẳng có gì làm ta vui sướng khuây khỏa được.

Hài lòng với cuộc sống, tạ ơn vì những điều đang có, kể cả những gì tầm thường nhỏ bé nhất, đó chính là bí quyết để sống vui và trở thành khôn ngoan. Hình như bí quyết này đã được các bậc hiền triết nói lên từ lâu lắm rồi, tỉ như triết gia cổ đại Hy Lạp Epictetus đã từng thốt lên: “Người khôn ngoan là người không hề than trách vì những gì mình không có được, nhưng lại vui tươi đón nhận những gì mình đang có.” Một triết gia khác, nổi tiếng về lập trường “vui với đời thường”, đã cho ta những lời căn dặn chí lý: “Đừng làm hư hoại những gì bạn đang sở hữu bằng những ước mơ viễn vông về những gì bạn không có được. Đừng quên rằng điều bạn đang sở hữu hôm nay đã là điều bạn đã từng mơ ước một lần trong đời.” Chỉ cần nhớ đến những ngày tháng còn kẹt lại trong nước sau biến cố “giải phóng,” hoặc những năm dài quằn quại trong lao tù của chế độ, trước khi đặt chân lên miền đất hứa này, mới thấy thấm thía lời tuyên bố trên của nhà hiền triết Epicurus.

Một nhà văn nổi tiếng hiện nay tại Hoa Kỳ--Melody Beattie—sau một quãng đời trôi nổi trong kiếp bợm nhậu và nghiện ngập, đã cho ta một đúc kết thật đẹp về tâm tình biết ơn: “Niềm tri ân làm cho những gì ta có trở thành đầy đủ, nhiều khi còn dư thừa nữa. Nó chuyển cái ta chối bỏ trở thành điều ta mở lòng đón nhận, đổi cái hỗn mang sang trật tự, biến điều u mê lẫn lộn trở thành sáng tỏ; nó khiến ta hiểu hơn về quá khứ, đem lại bình an cho hiện tại, và mở ra một viễn kiến cho tương lai.”

Trước thềm đệ nhất chu niên ngày cả thế giới bị hoành hành bởi cơn đại dịch COVID-19, mà ngay bây giờ, tại nơi ta ở, đang trải qua giai đoạn tột đỉnh, mang đậm nét “mầu tím hoa sim,” khiến cho đời sống đã bất ổn cả năm trời nay, lại càng thêm trĩu nặng nét hoang mang lo lắng, thế thì niềm tri ân có thể mang lại lợi ích gì cho ta chăng? Về điểm này, một nhà bác học lừng danh của nhân loại đã cho ta một câu trả lời đơn giản nhưng sâu sắc: “Sống trong cuộc đời, ta chỉ có thể chọn một trong hai thái độ: một, là sống như không có gì được coi là phép lạ cả, và hai, là sống y như thể mọi sự đều là phép lạ hết.” Lời nói trên của

align=center>
Albert Einstein thật đáng cho ta suy nghĩ về vai trò quan phòng và quyền phép khôn lường của Thượng Đế trong một thời đại chỉ biết thượng tôn tiến bộ của khoa học và thành tựu không ngừng của kỹ thuật, đến độ Thiên Chúa hoàn toàn bị xóa sổ. Một lần nữa G. K. Chesterton lại nhắc cho ta một sự thật, qua kiểu đối chữ như sau: “Nói về cuộc đời, điều quan trọng chính là: hoặc bạn coi mọi sự đều “là tất nhiên—take things for granted” hay là đón nhận chúng “với niềm tri ân—take them with gratitude.”

Với những người có niềm tin, lời Thánh Phaolô: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Chúa” (Roma 8:28) khiến ta coi “tất cả đều là hồng ân” (cf. Ep 2: 9). Hiển nhiên, ta cần phải đếm tất cả những phúc lành Chúa ban xuống hàng ngày (to count God’s blessings) để cảm tạ tinh thương hải hà của Ngài, bởi tình thương Chúa vượt trên tất cả mọi xấu xa, gian ác của trần gian. Chính tình thương ấy có khả năng giúp ta khám phá ra cái tốt từ trong cái xấu, rút lấy điều hay từ trong điều dở, và biến đổi âu lo buồn tủi trở thành niềm vui hy vọng. Thế nhưng, điều quan trọng không kém là phải làm sao cho

những phúc lành ấy biến đổi chính con người chúng ta (to make God’s blessing count). Thật vậy, đứng trước mọi biến cố xẩy đến trong cuộc đời, tri ân luôn luôn phải là thái độ và tâm tình thường hằng bất biến của ta, từ buổi sáng tinh mơ cho đến khi chiều về. Thi sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ--Maya Angelou—đã vẽ cho ta một hình ảnh đơn sơ nhưng tuyệt đẹp: “Ước gì tâm tình tạ ơn sẽ mãi là chiếc gối êm ái, trên đó ta quỳ xuống, thầm thì lời kinh tối trước khi lên giường ngủ.” Vâng, tạ ơn sẽ phải là nội dung câu kinh ta đọc mỗi ngày và mọi ngày, đúng như lời nhà thần bí Meister Eckhart đã kết luận: “Nếu lời nguyện duy nhất bạn đọc hàng ngày là lời “kinh Cám Ơn,” thì đó đã là việc làm đầy đủ lắm rồi.”

Lậy Chúa, chúng con xin tạ ơn Chúa muôn đời!

Mùa Thanksgiving 2020

Nguyễn Kim Ngân