Austen Ivereigh, người nổi tiếng nhờ cuốn tiểu sử viết về Đức Phanxicô, dịp mùa hè vừa qua, tiếp theo vụ cấm cửa vì đại dịch cúm Tầu, đã có dịp trao đổi nhiều với ngài qua phương tiện Zoom. Nay ông thu thập và san định các trao đổi này thành cuốn sách tựa là “Let Us Dream: The Path to a Better Future” (Tay Hãy Mơ Ước: Nẻo Đường Dẫn Đến Một Tương Lai Tươi Đẹp Hơn) và sẽ cho xuất bản nay mai.



Có thể coi cuốn sách này như một đáp ứng của Đức Giáo Hoàng đối với cuộc khủng hoảng hiện nay và là những hướng dẫn cụ thể của ngài về việc phải suy nghĩ ra sao về đại dịch. Đối với ngài, đây là dịp làm cho thế giới trở thành nơi tươi đẹp hơn.

Nhà xuất bản Simon & Schuster sẽ phát hành cuốn sách trên vào ngày 1 tháng 12, năm 2020 bằng hai thứ tiếng cùng một lúc là tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

Theo Hãng tin Zenit, Austen cho hay các phát biểu của Đức Phanxicô rút tỉa từ chính kinh nghiệm và các tình tiết trong cuộc sống riêng của ngài. Vì đại dịch cúm Tầu, hai vị không thể gặp nhau bằng thể lý. Nhưng Austen hoan nghinh lối hoạt động mới mẻ này trong đó, ông thường gửi email bằng tiếng Tây Ban Nha cho ngài và ngài thường gửi cho ông nhiều tin nhắn khá dài bằng giọng nói, đôi khi dài cả tiếng đồng hồ. Ông ca ngợi sự tin tưởng và đức khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng trong các cuộc trao đổi này.

Ông coi công trình này như “sách hướng dẫn thiêng liêng cho một thế giới đang gặp khủng hoảng, như tuyên ngôn bản thân cho một thay đổi xã hội sâu rộng, và như lời kêu gọi mọi người nên chọn một tương lai tươi đẹp hơn”.

Trong một thông cáo báo chí của nhà xuất bản, cuộc đàm đạo trong cuốn sách đề cập tới “các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd; tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô nghĩ trong cuộc khủng hoảng này, phụ nữ đã chứng tỏ là những nhà lãnh đạo tốt hơn, và tại sao các nhà kinh tế phụ nữ đưa ra các cương lãnh cho một loại kinh tế mới mà cuộc khủng hoảng cho thấy chúng ta cần đến; các nguồn gốc của cuộc khủng hoảng lạm dụng trong Giáo Hội – và các song hành của Phong trào #MeToo”.

Sách cũng thảo luận “tại sao thay đổi chỉ có thể xuất hiện từ các khu ngoại vi của xã hội – và một nền chính trị tập chú vào tình hữu nghị và tình liên đới; sự phân cực trong Giáo Hội và xã hội, và các dị biệt có thể trở thành hửu hiệu ra sao; tại sao Đức Giáo Hoàng lại ủng hộ Lợi tức Căn bản Phổ quát, và phải mạnh mẽ hạn chế thị trường tân tự do; kinh tế phải giúp người ta có việc làm và bình đẳng hơn, và phục hòi môi trường; cần một nền chính trị mới vượt quá chủ nghĩa duy quản trị và dân túy dựa trên nguyên tắc phục vụ xã hội và thiện ích chung; và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng môi trường”.

Ngoài ra, các cuộc đàm đạo này cũng chia sẻ “các Covid” bản thân của Đức Giáo Hoàng, tức các “giai đoạn khủng hoảng trong đời của ngài từng thay đổi ngài một cách sâu xa”.

Ba trận “Covids” trong đời Đức Phanxicô

Devin Watkins của Vatican News cho hay trước khi tác phẩm trên được chính thức phát hành, nhật báo Ý “La Repubblica” có đăng tải một trích đoạn trong tác phẩm đó, trong đó, Đức Giáo Hoàng đề cập đến ba trận “Covids” của chính ngài trong thời gian ngài chưa làm Giáo Hoàng.

Chính lời ngài: “tôi đã kinh qua ba ‘Covids’ trong đời sống của tôi: lúc mắc bệnh, lúc ở Đức, và lúc ở Córdoba”.

Bệnh tật lúc còn trẻ

Khoảnh khắc giống Covid đầu tiên của ngài diễn ra vào năm 21 tuổi, khi ngài lâm bệnh gần chết vì nhiễm trùng phổi trong năm thứ hai tại chủng viện ở Buenos Aires. Ngài nói rằng trải nghiệm này đã thay đổi cách ngài nhìn cuộc sống và cho ngài một ý tưởng hay về cách những người mắc bệnh Covid-19 cảm thấy như thế nào khi họ phải vật lộn để thở trên máy thở. “Tôi nhớ tôi đã ôm chầm lấy mẹ và nói: ‘Mẹ nói cho con hay đi liệu con có sắp chết không’".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng hai y tá đã giúp đỡ ngài rất nhiều trong thời gian ngài nằm trong bệnh viện. Một, là Dì Cornelia Caraglio, đã cứu sống ngài vì dì đã tăng liều lượng thuốc cho ngài mà bác sĩ không biết. Một dì khác, Micaela, đã thực hiện một cử chỉ thương xót tương tự với thuốc giảm đau khi ngài bị đau dữ dội. "Họ đã chiến đấu vì tôi đến cùng, cho đến khi tôi bình phục hẳn".

Đức Giáo Hoàng nói rằng từ trải nghiệm cận kề cái chết đó, ngài đã học được tầm quan trọng của việc tránh những nguồn an ủi rẻ tiền. Nhiều người đã đưa ra những lời hứa trống rỗng về việc phục hồi nhanh chóng, mặc dù họ nói với ý định tốt.

Nhưng một nữ tu đã dạy ngài khi còn nhỏ, Dì María Dolores Tortolo, vừa bước vào, nắm tay ngài, hôn ngài và ngồi im lặng. Cuối cùng dì nói, "Con đang bắt chước Chúa Giêsu". Lời nói và sự hiện diện của dì đã dạy ngài nói càng ít càng tốt khi đến thăm người bệnh.

Cô độc do không thuộc về đâu

Quay trở lại thời gian ở Đức vào năm 1986, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ngài cảm thấy mất thăng bằng trong một kiểu cô độc không thuộc về đâu.

Ngài đã dành nhiều thời gian để ngắm máy bay hạ cánh từ một vị trí thuận lợi tại nghĩa trang Frankfurt, hướng về quê hương của mình. Khi Argentina thắng giải World Cup trong thời gian ngài ở đó, ngài cảm thấy sự cô độc trước chiến thắng mà bạn không được chia sẻ.

Cuộc cấm cửa tự áp đặt

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục mô tả trải nghiệm Covid thứ ba của ngài về sự cô độc, xảy ra từ năm 1990 đến năm 1992 trong thời gian ngài ở Córdoba, Argentina. Ngài nói rằng việc bị bứng gốc này là một sự chữa lành dưới dạng một sự thay đổi hoàn toàn, đặc biệt tập trung vào cách ngài thi hành vai trò lãnh đạo.

Đức Giáo Hoàng đã sống một năm, mười tháng và mười ba ngày trong trú sở của Dòng Tên ở đó, cử hành thánh lễ, ngồi tòa giải tội và đưa ra sự hướng dẫn tâm linh.

Ngài hầu như không ra khỏi nhà, gọi đó là một kiểu cấm cửa tự áp đặt, một điều tốt cho ngài. Ngài đã viết và cầu nguyện rất nhiều, và khai triển nhiều ý nghĩ.

Ngài nói, ba điều đã gây ấn tượng với ngài kể từ thời điểm đó. Đầu tiên là khả năng cầu nguyện của ngài, và thứ hai là những cơn cám dỗ ngài đã trải qua. Thứ ba, ngài cảm thấy Thiên Chúa truyền cảm hứng cho ngài đọc tất cả 37 tập History of the Popes (Lịch sử Các Vị Giáo Hoàng) của Ludwig Pastor. Ngài nói rằng bộ sách này đã giúp ích rất nhiều đối với ngài khi làm Giáo hoàng, vì, nhờ biết lịch sử các vị Giáo hoàng, không có bao điều xảy ra ở Vatican và Giáo triều La Mã có thể khiến người ta phải ngạc nhiên.

Đau khổ và thanh luyện

Đức Giáo Hoàng nói, Córdoba thực sự là một cuộc thanh luyện. Nó mang lại cho ngài sự bao dung lớn hơn, khả năng tha thứ, thấu hiểu, cảm thông hơn với những người không có quyền lực, và đặc biệt là sự kiên nhẫn.

Bài học cuối cùng này - sự kiên nhẫn - đã dạy ngài rằng sự thay đổi có tính hữu cơ và diễn ra trong những giới hạn nhất định, mặc dù chúng ta phải luôn để mắt tới chân trời, như Chúa Giêsu đã làm.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng ngài đã học được tầm quan trọng của việc nhìn thấy cái lớn trong những việc nhỏ, và chú ý đến cái nhỏ trong những việc lớn. Ngài nói, thời gian ở Córdoba là một kiểu lớn lên, một điều xảy ra sau một đợt cắt tỉa khắc nghiệt.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng ba Covids bản thân này đã dạy ngài rằng sự đau khổ lớn lao có sức mạnh thay đổi bạn trở nên tốt đẹp hơn, nếu bạn để nó xẩy đến.