Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa
Nguyên tác: Jaroslav Pelikan,
Bản tiếng Việt: Vũ Văn An





Lời giới thiệu

Jaroslav Pelikan là nguyên giáo sư tại đại học Yale, chuyên về lịch sử Kitô Giáo. Từng được trao tặng 35 bằng tiến sĩ danh dự của các đại học khắp thế giới, Ông là tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng và là người san định rất nhiều công trình nghiên cứu về Kitô Giáo. Ông giữ vai chủ bút mục viết về Đức Maria trong Bộ Bách Khoa Từ Điển Anh. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông chính là cuốn Jesus Through the Centuries xuất bản năm 1985 và cặp bài trùng Mary Through the Centuries (tác phẩm thứ 34 của ông) xuất bản năm 1996. Cả hai đều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Riêng cuốn Mary Through the Centuries, chúng tôi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt và phổ biến trên Vietcatholic từ ngày 29/11/09 tới ngày 23/02/10, dưới tựa đề Đức Maria Qua Các Thời Đại.

Vốn là một tín hữu Luthêrô, nhưng quan điểm của ông lại thiên nhiều về Chính Thống Giáo và là người không hẳn cực đoan bám vào khẩu hiệu “Sola Scriptura” của Luther, trái lại đã là một trong các học giả tin vào việc khai triển học lý Kitô Giáo qua các thời đại. Và cuối cùng, về cuối đời, ông đã gia nhập Giáo Hội Chính Thống.

Riêng về cuốn “Chúa Giêsu Qua Các Thế Kỷ” với phụ đề “Chỗ Đứng Của Người Trong Lịch Sử Văn Hóa”, ông cố gắng bám sát lịch sử văn hóa Tây Phương để trình bày ảnh hưởng của Người, không bị vướng vào suy nghĩ bản thân hay tuyên tín hệ phái. Ông trích dẫn lời Clemenceau nói rằng chiến tranh là một vấn đề hết sức quan trọng, không thể để mặc mấy ông nhà binh. Cũng thế, Chúa Giêsu là một nhân vật quan trọng đến nỗi không thể phó mặc cho các thần học gia và các giáo hội. Người cũng thuộc lịch sử văn hóa nữa.

Về cuốn sách này, chúng tôi có lược dịch một số chương và cho phổ biến trên Vietcatholic đã từ lâu, nhưng nay đã bị thất lạc trong database, có thể là vì trục trặc kỹ thuật. Nên xin được dịch lại trọn vẹn hơn theo nguyên bản của tác giả. Thiển nghĩ, trào lưu lấy mình làm trung tâm đang xâm lấn cả vào tư duy tôn giáo, khiến họ, kể cả Kitô hữu, thường chỉ biết nói về mình, về “phe” mình. Các hệ phái Kitô giáo rất năng nổ trong việc nói về mình đến quên cả nguồn cội chung là Chúa Giêsu. Muốn đại kết, họ nên nói nhiều hơn đến Người.

Lời nói đầu của tác giả

Tôi nghĩ tôi luôn luôn muốn viết cuốn sách này. Trong cuốn The Christian Tradition, sau khi mô tả lịch sử ý nghĩa con người và việc làm của Chúa Giêsu Kitô đối với đức tin và giáo huấn của giáo hội Kitô giáo, ở đây tôi hướng tới nửa kia của câu truyện: vị trí của Người trong lịch sử văn hóa tổng quát.

Clemenceau có lần nhận xét rằng chiến tranh là một vấn đề hết sức quan trọng, không thể để mặc mấy ông nhà binh. Cũng thế, Chúa Giêsu là một nhân vật quan trọng đến nỗi không thể phó mặc cho các thần học gia và các giáo hội. Và lời mời giảng các giảng khóa William Clyde Devane tại Yale, một loại giảng khóa trong một khung cảnh học thuật, đã cho tôi cơ hội tôi cần để viết cuốn sách tôi luôn muốn viết. Các thính giả tại các giảng khóa đại diện cho cả giới học thuật lẫn không, thuộc đủ lớp tuổi, hậu cảnh xã hội, trình độ giáo dục, và xác tín tôn giáo. Đây cũng là loại thính giả mà cuốn sách muốn nói với. Bởi thế, khi trích dẫn các nguồn tài liệu của mình, tôi đã tìm cách tận dụng, bao nhiêu có thể, các ấn bản có sẵn cách chung, tiếp nhận và thích ứng các bản dịch trước đây (kẻ cả của chính tôi) mà không mỗi lần cứ phải giải thích một cách mô phạm; các trích dẫn Thánh Kinh thường là từ bản Revised Standard Version.

Tôi đã được sự giúp đỡ rất nhiều của các thính giả và sinh viên, đồng nghiệp và các nhà phê bình, với tất cả, tôi rất vui được ngỏ lời cám ơn. Đặc biệt cám ơn các nhà hiệu đính của tôi, John G. Ryden và Barbara Hofmaier, đả để những lỗ tai rất nhậy cảm và khiếu tu chính tuyệt vời đối với các bản thảo của tôi và đã cứu tôi khỏi nhiều lỗi thô thiển và sai lầm lớn.

Tôi xin ngỏ lời tôn kính huynh đệ tới các fratres (tôn huynh) thuộc Đan Viện Thánh Gioan Tẩy Giả ở Collegeville, Minnesota, mà gia đình Biển Đức của họ tôi rất hân hạnh được nhận làm con nuôi.

Lời nói đầu có tính bản thân đối với cuốn Jesus Through the Centuries năm 2000

Một số bạn bè và đồng nghiệp của tôi đã gợi ý, chỉ một cách nửa khôi hài, với tôi rằng tái bản cuốn sách này gần năm 2000 thực sự cũng cần phải đặt tựa lại cho nó là Jesus Through the Millenia (Chúa Giêsu qua các Thiên Niên Kỷ) hay, hoàn toàn khôi hài, là Jesus at Y2K (Chúa Giêsu vào Thiên Niên Thứ 2). Tuy nhiên, một ít người bạn khác, thúc giục tôi nên dành lời nói đầu cho một mục đích nghiêm túc và có tính bản thân hơn.

Trong lần phát hành đầu tiên năm 1985, phần lớn tôi đã tránh cung giọng bản thân và tín phái, ngoại trừ ở một số chỗ. Nay đã có nhiều ấn bản bằng tiếng Anh, trong đó có cuốn The Illustrated Jesus Through the Centuries năm 1997, cùng với các bản dịch cuốn Jesus Through the Centuries sang một số ngôn ngữ, đem con số lưu hành lên quá 1 trăm ngàn. Thành thử việc ra đời của ấn bản lần này cung cấp cho tôi cơ hội may mắn để suy tư một lần nữa, và suy tư hơn nữa dưới hình thức “tự thuật” lần này về cuốn sách và Chủ Thể của nó, trong công thức của Tân Ước, “Chúa Giêsu là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Kh 13:8). Tôi phải nhìn nhận rằng tôi thấy càng nghĩ đến chúng, các khuyến cáo này càng thôi thúc tôi hơn, và tôi đã quyết định theo chúng.

Xin bắt đầu với sự thay đổi rõ ràng nhất đã diễn ra “trong thế giới thực” kể từ năm 1985, một sự thay đổi cũng đã được phản ảnh trong lịch sử phát hành cuốn sách này, đó là Châu Âu của người Slav nay không còn bị thống trị bởi các ý thức hệ toàn trị và vô thần nữa, một ý thức hệ từng mưu toan phớt lờ ngay cả “ngày hôm qua” của công thức Tân Ước kia và đã từng chính thức tuyên bố “hôm nay và mãi mãi” là lỗi thời và, đúng hơn, là “thuốc phiện ngu dân”. Vì Châu Âu của người Slav nơi có các truyền thống và gốc rễ thiêng liêng của chính gia đình tôi, nên cuộc cách mạng lật đổ Cách Mạng có một tầm quan trọng đặc biệt đối với tôi, không những như một con người mà còn như một tác giả. Việc ra đời ấn bản này của cuốn Jesus Through the Centuries đánh dấu cùng một lúc đối với tôi kỷ niệm 50 năm cuốn sách đầu tiên của tôi, From Luther to Kierkegaard (Saint Louis, 1950). (Luận án tiến sĩ trước đó của tôi ở Đại Học Chicago năm 1946 chưa bao giờ ra đời dưới dạng một cuốn sách chuyên khảo, mà chỉ từng bài báo hay chương đoạn trong các cuốn sách về sau này). From Luther to Kierkegaard của nửa thế ký trước và nhiều cuốn tiếp theo đã được dịch không những sang hầu hết ngôn ngữ Tây Âu mà còn sang cả một số ngôn ngữ Á Châu nữa, nhưng chưa bao giờ sang bất cứ một ngôn ngữ Slav nào, và điều này vì những lý do hiển nhiên.

Nay, với việc sụp đổ các chế độ cộng sản, Jesus Through the Centuries đã được phát hành như cuốn đầu tiên trong các cuốn sách của tôi được chuyển qua một số ngôn ngữ Slav, trong đó có tiếng Croatia, Slovak và Ba Lan, dù ấn bản Croatia, ít nhất ở lúc đầu, là nạn nhân của một cuộc chiến tranh khác tại vùng Balkan. Các bản dịch này sang các ngôn ngữ Slav dùng mẫu tự Latinh đã được mô phỏng bởi nhiều người khác, và nay, được dự phóng dịch sang tiếng Nga cả năm cuốn của bộ The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine (Chicago, 1971-1989) khởi đầu với cuốn 2, The Spirit of Eastern Christendom (600-1700), với tên Duch Vostocnogo Christianstva, mà tôi được niềm vui viết lời nói đầu mới ngỏ đặc biệt với các đồng tín hữu Chính Thống Đông Phương ở Nga. Vì tôi đã quen gọi Người là “Jezis Kristus” bằng tiếng Slovak trước khi học gọi Người là “Jesus Christ” bằng tiếng Anh, nên việc ra đời các bản dịch sang tiếng Slav của cuốn Jesus Through the Centuries và sau đó, các cuốn sách khác của tôi, tôi hy vọng, sẽ là một nguồn có thể biện minh được cho một số cảm thức thoả mãn nào đó, nếu, xét vì tình huống của cái phần thế giới kia xem ra “là một hôm qua và hôm nay”, dù, cầu xin Chúa, đừng “mãi mãi”!, không muốn nói đến một vài cảm thức chiến thắng nào đó.

Trong khi ấy, nhiều khai triển lịch sử khác mà tôi đã khảo sát trong các chương khác nhau của cuốn sách này, trong một thập niên rưỡi qua, đã trở thành chủ đề cho nhiều dự án khác trong tư cách riêng của chúng, mà nhiều dự án có lẽ tôi không bao giờ đảm nhiệm hay hoàn tất nếu không được phát động ở đây. Trên hết, cuốn song hành với cuốn này, tức cuốn Mary Through the Centuries năm 1996, dựa trên các giảng khóa của tôi, vốn là các giảng khóa cuối cùng, tại Yale, đã phát khởi từ ý thức ngày càng được thâm hậu hóa của tôi về sự dai dẳng hết sức đáng lưu ý mà với nó, “qua các thế kỷ”, câu hỏi xưa cũ và có tính muôn thuở “bạn nghĩ gì về Đấng Kitô?” (Mt 22:42) nhất thiết đòi ta phải đến lượt xem xét tới Mẹ của Người. Và các cố gắng liên tục của các cá nhân Kitô hữu và các giáo hội tại mọi lục địa và “qua các thế kỷ” trong việc tìm kiếm các công thức để phát biểu và tuyên xưng điều họ tin và dạy về Người nằm ở cốt lõi bộ nhiều cuốn Creeds and Confessions of Faith in the Christian Tradition, bộ mà Valerie R. Hotchkiss và tôi đang chủ biên; nếu Chúa muốn, khi chúng tôi hoàn tất bộ này trong năm tới hay gần như thế, nó sẽ ra đời dưới danh nghĩa in ấn của Nhà Xuất Bản Đại Học Yale.

Chương 5 cuốn Jesus Through the Centuries, “Đức Kitô Vũ Trụ” bàn tới thế kỷ thứ tư tại Phương Đông Kitô Giáo Chính Thống nói tiếng Hy Lạp, vì thế giới này được đại diện trước nhất bởi “ba vị vùng Capapadocia” (Thánh Basil thành Caesarea,Thánh Gregory thành Nazianzus và Thánh Gregory thành Nyssa) mà tôi đã dành cho một bài trình bầy khá dài trong các Giảng Khóa Gifford ở Aberdeen và đã được xuất bản dưới tựa đề Christianity and Classical Culture năm 1993. Gần đây bài trình bầy này đã dẫn tôi đi xa hơn để thăm dò một trường hợp điển hình thích thú về mối tương quan giữa Kitô Giáo và nền văn hóa cổ điển và về “Đức Kitô Vũ Trụ” trong trình thuật sáng thế của Platông và của Thánh Kinh, khi tôi tìm dấu vết các tương tác lịch sử của chúng trong Giảng Khóa Jerome ở Ann Arbor và ở Rome, mà sau này trở thành cuốn What Has Athens to Do with Jerusalem? “Timaeus” and “Genesis” in Counterpoint (1997), khai triển một số tư tưởng được trình bầy ở đây tại chương 3, “Ánh sáng lương dân”. Các ý tưởng ở chương 7, “Hình ảnh chân thực”, đã được lên xương thịt nhiều hơn trong Giảng Khóa Andrew W. Mellon, tại Viện Trưng Bầy Nghệ Thuật Quốc Gia năm 1987 (kỷ niệm 200 năm ngày phục hồi các ảnh tượng sau phong trào bài ảnh tượng của Công đồng Nixêa thứ hai năm 787) và được phát hành năm 1990 bởi nhà xuất bản của Đại Học Princeton tại Hoa Kỳ và bởi nhà xuất bản Đại Học Yale tại Vương Quốc Thống Nhất dưới tựa đề Imago Dei: The Byzantine Apology for the Icons. Một sự phối hợp “ngữ học thánh” của Phục Hưng được thảo luận tại chương 12, “Con Người Phổ Quát”, với “chủ nghĩa nhân bản Thánh Kinh” của Cải Cách được thảo luận tại chương 13, “Tấm Gương của Đấng Trường Cữu”, đã gợi hứng cho cuốn The Reformation of the Bible /the Bible of the Reformation (mà tôi soạn với Valerie R. Hotchkiss và David Price, như một cuốn sách và như một trưng bầy thư viện ở Dallas, New Haven, New York và Cambridge, năm 1996).

Bất chấp các trung thành bản thân của tôi, tôi cũng đã không giới hạn công việc nghiên cứu lịch sử của tôi vào chính dòng Kitô Giáo và truyền thống Chính Thống giáo. Thực vậy, bốn chương cuối cùng của cuốn Jesus Through the Centuries, bàn đến các phê phán hiện đại đối với truyền thống Chính Thống giáo và các thay thế cho nó, dã dẫn tôi vào một tìm hiểu sâu xa hơn. Do đó, trong “Jefferson và Các Người Cùng Thời Với Ông”, lời bạt mà tôi viết năm 1989 cho phần tóm lược táo bạo các Tin Mừng nay gọi là “Jefferson Bible: The Life and Morals of Jesus Christ “ (Thánh Kinh Jefferson: Cuộc Đời và Nền Luân Lý của Chúa Giêsu Kitô) của Thomas Jefferson, thể tài được hoà lẫn hơi lạ của Phong Trào Ánh Sáng giữa thuyết duy lý và thuyết duy luân như là chìa khóa để giải thích nhân vật Giêsu, như tôi đã ráng trình bầy ở đây dựa trên suy nghĩ của Thomas Jefferson ở chương 15, “Thầy Dạy Lương Tri”. Chương kế tiếp, “Thi Sĩ của Thần Khí” là một phỏng định trước cho phần giới thiệu tôi viết cho bản sao kỷ niệm năm thứ 150 lần xuất bản đầu tiên cuốn thi ca tán tụng của Ralph Waldo Emerson, tựa là Nature, năm 1985. Cuối chương này, tôi cũng đã đề cập đến một trong các hình ảnh sâu sắc nhất về Chúa Kitô trong mọi nền văn chương, Chuyện Dã Sử về Quan Tòa Dị Giáo Vĩ Đại trong cuốn Anh Em Nhà Karamazov của F.M. Dostoesky mà về chuyện này, nay tôi được mời soạn một tiểu luận cho một hội nghị chuyên đề sắp tới. Đại diện cho một tương phản hết sức rõ nét với hình ảnh Người Tù của Dostoesky, bức tranh có tính chủ nghĩa cá nhân cao độ về Chúa Kitô và Kitô giáo của Leo Tolstoy, mà các vang đội đối với tư tưởng và hành động của người học trò vị này là Mahatma Gandhi, và sau đó, của người học trò Mahatma là Maritn Luther King, chiếm hữu tôi ở đây tại chương 17, “Đấng Giải Phóng” đã mang một hình thức có phẩm chất riêng của nó trong một giảng khóa được tôi đặt tựa là “Người Lạc Giáo Vĩ Đại Nhất của Nga” được thực hiện tại và phát hành bởi Đại Học Seton Hall năm 1989. Ít nhất một phần vì “viễn kiến phổ quát” phát biểu trong phần kết luận của tôi cho cuốn sách này ở chương 18, “Người Thuộc Về Thế Giới”, mà tôi được người bạn quá cố là Clifton Fadiman mời soạn cuốn The World Treasury of Modern Religious Thoughts, được xuất bản với lời nói đầu duyên dáng của ông năm 1990.

Do đó, tôi tin rằng dù tôi có quyền trích dẫn ở đây các chương về sau ấy, cũng như các ấn phẩm sau đó phát xuất từ chúng làm bằng chứng là tôi không hề điếc đặc đối với các nền Kitô học khác hơn của Chính Thống Giáo, ngay cả đối với các nền Kitô học của Jefferson, Emerson, và Tolstoy, nhưng tôi buộc phải nói lên sự thất vọng của tôi là trong 15 năm kể từ lần ra đời đầu tiên cuốn Jesus Through the Centuries, đôi khi xem ra có sự chia rẽ lớn hơn từng phân rẽ những điều các Kitô hữu và Giáo Hội Kitô vẫn tin, giảng dạy và tuyên xưng về Chúa Giêsu Kitô với những gì ít nhất một số học giả Tân Ước cảm thấy có tư cách để quả quyết về Người dựa trên các suy đoán và giả thuyết của họ. Sự thất vọng này có gốc rễ của nó trong xác tín mỗi ngày một mạnh hơn là: đức tin vững chắc và nền học giả vững chắc không hề là phản đề của nhau mà hỗ trợ lẫn nhau. Những lời thoái thác (disclaimers) của tôi trong cuốn sách này và trong các nơi khác về bất cứ khả năng nào của tôi như một học giả Tân Ước có chứng minh thư, mà tôi hay tóm lược trong công thức “tôi không nghiên cứu điều Tân Ước muốn nói, nhưng điều nó được coi là muốn nói”, không hẳn nhằm che chở tôi trong hơn 15 năm qua khỏi số lượng khổng lồ truyền thông từ mọi phương tiện kỹ thuật hiện có, thúc giục tôi (hay đòi tôi) nhận định về giả thuyết này hay giả thuyết nọ về Chúa Giêsu từng được thả nổi bởi nhà phê bình cực đoan này hay nhà phê bình cực đoan nọ. Nếu câu trả lời của tôi cho những nhũng nhiễu ấy thỉnh thoảng không giống Chúa Kitô chút nào, như tôi có lần đã thú nhận, thì sự thiếu kiên nhẫn của tôi đã được nại ra bởi quan điểm cho rằng dựa trên nguyên tắc các biến cố lịch sử càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta càng nhích ra xa khỏi chúng, để có thể vươn tới thế kỷ thứ nhất từ vọng nhìn của thế kỷ 20, với ít hoặc không chú ý chi tới các thế kỷ ở giữa, là các thế kỷ mà về chúng (hay “qua” chúng) tôi viết cuốn sách này. Tôi tin rằng Giáo Hội đã rất đúng trong các nền phụng vụ, các công đồng, và kinh tin kính về Chúa Giêsu Kitô; nhưng tôi không bao giờ đòi các độc giả của tôi (hay các sinh viên của tôi) phải đồng ý, chỉ cần họ coi nó một cách nghiêm túc, dù là để bác bỏ nó.

Nhìn trở lui, đối với tôi, xem ra tất cả các điều trên chắc chắn là thành phần của điều tôi muốn nói khi tôi nói trong câu đầu tiên của lời nói đầu nguyên thủy: “tôi nghĩ tôi luôn luôn muốn viết cuốn sách này”. Nó cũng có thể được coi là ý nghĩa của điều sử gia từng là linh hứng học giả cho tôi và là người tôi ghét cay ghét đắng (bête noire) về thần học, Adolf von Harnack của Đại Học Berlin, đánh dấu khúc quanh thế kỷ trước đúng 1 trăm năm, đã đưa ra ở câu đầu tiên trong giảng khóa của ông, What is Christianity? [Das Wesen des Christentums] của những năm 1899/1990: “Triết gia vĩ đại người Anh, John Stuart Mill, có lần nhận định rằng nhân loại khó có thể bị quá nhắc nhở rằng có lúc đã có một người tên là Socrates. Điều ấy đúng, nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là nhắc nhân loại nhớ rằng một người tên là Giêsu Kitô có lần đã đứng giữa họ”.

Điều ấy vẫn đúng, ngay cả trong thiên niên kỷ thứ ba.

Kỳ sau: Chương dẫn nhập