Buồn Vui Trong Tù Việt Cộng

Học giả Nguyễn văn Vĩnh phê bình trong tạp chí Đông Dương về thói quen hay cười của người Việt như sau :
“ An-Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười. Hay cũng hì, mà dở cũng hì, phải cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang.”

Lão Hồ tặc khen thơ của tên bồi bút Huy Cận :
“ Cám ơn chú biếu bác quyển thơ,
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ,
Muốn bác phê bình, khó nói quá,
Bài hay chen lẫn với bài vừa. “

Ta nghĩ gì về hai lời khen chê trên đây?

Lời chê của Nguyễn văn Vĩnh có phần khắt khe chủ quan, tuy buồn nhưng ta cũng mỉm một nụ cười.
Còn lời khen của lão Hồ thì thua câu ca dao chú bé ê a trên mình trâu, như một bức tranh khôi hài khiến ta Buồn cười.

Ở đời truyện Vui cười nhiều hơn truyện Buồn cười. Nhưng trong trại tù Việt cộng lại có phần nghịch lý vì Buồn cười lại ‘áp đảo’ Vui cười.
Tôi đã trải qua gần mười năm khổ nhục trong các trại tù từ Nam ra Bắc nên nhập tâm biết bao câu truyện Buồn cười.

Tên thủ tướng Việt cộng cử nhân giấy trường đảng đã sáng chế ra cách phát âm tiếng nước ngoài vượt xa tên Bùi Hiền muốn đổi văn hóa nước ta sang văn hóa tàu cộng. Ma-de-in (made in), Bờ-lờ-mờ (BLM)...vì theo tên Phúc cách Việt hóa tiếng nước ngoài như thế ‘bình dân học vụ’ hơn.

Đây chỉ là những câu truyện khôi hài cán ngố coi mình là ‘Đỉnh cao trí tuệ’ mua vui bạn đọc giải sầu, còn bao nỗi đắng cay khổ cực mà người tù bị đầy đọa trong ngục tù việt cộng các bạn đồng tù đã nói đến nhiều rồi.

Trong tù có hai loại thực phẩm đặc sản ‘chất lượng’ là khoai mì và khoai lang dùng quanh năm, thái mong đem phơi khô dự trữ trong kho. Để lâu lên men xanh lè ăn đắng ngắt, nhưng cán ngố nói cũng còn nhiều chất bổ dưỡng vì 5 củ khoai bổ bằng 1 quả trứng gà đấy.
Đang hì hục dàn trải phơi khô những lát khoai mỏng, bỗng mây
đen kéo đến phủ bầu trời báo hiệu sắp đổ mưa. Tên lính già hồ la lớn chỉ vào anh bạn tù :
-Anh này chạy vào kho mau lên ! Lấy loại bao ma-de-in ra đây !
Người bạn vào kho loay hoay tìm kiếm rồi chạy ra :
-Bá cáo cán bộ không thấy loại bao đó !
Tên cán ngố bực mình càu nhàu rồi vào kho mang ra một đống bao ném xuống quát to :
-Các anh là những sĩ quan khoe khoang có học mà không biết loại bao này cả thế giới đều dùng, nhất là các nước anh em như Liên sô, Trung quốc.
Chúng tôi Buồn cười cùng ồ lên một tiếng thì ra là bao ‘ma-de-in’.
Như vậy chúng tôi đã biết loại sáng chế phát âm đặc sắc này trước tên thủ Phúc gần nửa thế kỷ rồi.

2-Những ngày đầu vào trại tù, chúng tôi được phát mỗi người mấy trang giấy để làm bài ‘tự kiểm’, kể lại tiểu tiết 3 đời dòng họ từ ông cố nội đến bố mẹ. Rồi đến lý lịch và tội ác với nhân dân của chính mình gây ra.
Thật là nhiêu khê, không có tội cũng phải kiếm ra tội, vì thế có vài anh con ông cháu cha thuộc loại lính kiểng thành phố, cũng phịa ra vài trận đánh đông dẹp bắc cho oai, nhưng vô tình chính mình lại ghép tội mình. Cùng chung trại chúng tôi có một Linh Mục Tuyên úy tính rất cương trực, vui vẻ hoạt bát, viết trong tờ tự kiểm : cấp bậc, số quân, đơn vị và kết thúc là không có tội gì cả. Ngày hôm sau cha được gọi lên cán bộ ‘chấp pháp’ ta gọi là an ninh. Tên cán bộ trông già tuổi đảng, mặt bủng xanh chắc chui trong rừng núi quá lâu, nhìn đối tượng uy hiếp phủ đầu :
-Anh mang ‘quân hàm’ đại úy, ở một quân chủng ác ôn lại nói là không có tội ai mà tin.
Cha bình thản trả lời :
-Tôi chỉ giúp về tinh thần cho binh sĩ, không cầm súng chiến đấu.
Tên cán bộ lên mặt dạy đời :
-Tội anh còn lớn gấp nhiều lần những tên ngụy cầm súng giết người. Trước khi những tên này ra trận anh còn làm phép chúc lành được thắng trận, giết nhiều nhân dân.
Thấy vị tuyên úy không trả lời hắn bồi thêm :
-Tôi thường thấy anh nhỏ to với từng người tù để ban phép tha tội, thật hồ đồ ! Tội anh đảng và nhà nước chưa tha mà anh lại tha tội cho người khác. Anh về suy nghĩ ‘thành khẩn’ khai báo lại đầy đủ và ‘khẩn trương’ nộp bài tự kiểm. Câu chuyện Buồn cười trên tôi đã được cha chia sẻ trong tâm tình riêng tư.
Sau này khi ra tù, chúng tôi thường lui tới thăm nhau và trong bữa cơm thân mật tại gia đình trước khi tôi đi định cư Hoa Kỳ, cha cho biết đã từ chối đi tị nạn theo diện HO. Cha muốn ở lại để giúp đỡ tín hữu và Giáo hội VN trong hoàn còn cần nhiều chủ chăn.

3-Sau 1 tuần viết bản tự kiểm, chúng tôi bắt đầu ‘lên lớp’ học chính trị với những bài kể tội Mỹ ngụy đã được soạn trước do trung ương đảng đưa xuống dạy cho tất cả các trại tù. Tên chính trị viên nói thao thao sùi bọt mép, chắc đã học thuộc lòng từ trước…
Nghỉ 15 phút trở vào, hết phần kể tội Mỹ ngụy là phần dương cao thành tích đảng’

Vào ngày 23/7/1980, các loa phóng thanh được mở hết cỡ, ca tụng thành tích ‘hoành tráng’ của chiến sĩ lái Phạm Tuân đã cùng 2 phi hành gia Liên xô được phóng vào vũ trụ trên con tàu Soyur 37, để thí nghiệm các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực. Riêng Phạm Tuân đem bèo hoa dâu lên gây giống và nếu ‘đáp án’ thành công ta có thể trồng đại trà và mang cả lợn lên nuôi. Rồi đây nhân dân ta ăn thịt không hết, có thể xuất khẩu qua các nước anh em. Rộ lên tràng cười và tiếng vỗ tay kéo dài. Buổi học tạm ngưng một lúc để theo dõi chuyến bay ‘ké’ lịch sử này.
Anh bạn ngồi bên tôi thì thầm : ‘cũng là một loại làm lơ như lơ xe đò thôi có gì lạ đâu’.

Được cổ võ nhiệt tình, tên giảng viên cao hứng tiếp tục :
-Các anh có nghe 2 vị nữ anh hùng nhân dân ta là đồng chí Nguyễn thị Bình và Nguyễn thị Định đã xuất sắc đóng góp to lớn vào việc ‘bình định’ đất nước không?
Câu hỏi không cần trả lời vì tên này cũng biết dùng 2 tên ‘lính cái’
ghép lại 2 chữ ‘bình định’ để khoe khoang tuyên truyền bịp bợm.
Hết truyện trong nước, hắn còn mở rộng tầm hiểu biết ra tận nước ngoài khi nhắc đến hai thằng 1- răng và 1- rắc ( Iran, Iraq ) không yêu chuộng hòa bình như ta, cứ hăm dọa đánh nhau.

Truyện người, truyện ta, đến truyện mình, tên chính trị tự đắc hỏi:
-Còn các anh có gì cần ‘giải tỏa’ cứ hỏi tôi sẽ giải ‘đáp án’ cho.
Một anh bạn giơ tay hỏi :
-Cán bộ so sánh hai miền Nam Bắc thấy thế nào?
-À câu hỏi hay đấy nhé ! Tôi đã có dịp vào Nam ‘giao lưu’học tập với cán bộ MTGP. Miền Nam đúng là ‘phồn vinh giả tạo’ toàn đồ phế thải thằng Mỹ để lại. Này nhé, tôi thấy ‘Sữa Honda’ đem ra bán lề đường bụi bẩn thật không vệ sinh. Ngoài Bắc rửa rau có ao rộng rãi nước trong xanh tha hồ tắm giặt. Miền Nam chật chội đưa rau rửa trong một cái lỗ tròn, trước khi bỏ chạy còn mắc thêm sợi giây để đánh bẫy, đụng vào đồ ăn chui đi đâu mất.
Tôi chợt nghĩ : Thật là cán ngố chữ tác đánh ra chữ tạc, dấu hỏi đọc thành dẫu ngã, làm gì có ‘Sữa Honda’, đấy là nơi Sửa xe Honda bố ạ !
Còn rửa rau sao lại bỏ vào bồn cầu, lại ngu bỏ mẹ táy máy giật giây đồ biến mất còn gì.
Hắn còn phê bình nhà cửa Mỹ ngụy xây mất trật tự, không ngay hàng thẳng lối như miền Bắc. Miền Bắc rộng rãi thênh thang, nhà cửa xa nhau thoáng mát. Tài nguyên ‘chất lượng’ nhiều mỏ vàng, bạc, có cả kim cương nhưng chưa khai thác. Còn dầu lửa thì ê hề, cứ cắm ống xuống đất là dầu phút lên khắp nơi…

4-Mấy năm sau các bác sĩ VNCH từ các trại tù Miền Bắc được gọi về làm việc lại, vì các bác sĩ việt cộng trình độ như y tá Nguyễn tấn Dũng không đọc được các hướng dẫn về thuốc bằng tiếng nước ngoài và không biết sử dụng máy móc, y cụ tối tân. Trại không còn bác sĩ săn sóc bệnh nhân, nên anh em đề nghi với cán bộ để một Đại đức Tuyên úy Phật Giáo biết về Đông Y thay thế. Đại đức còn rất trẻ chưa đến 30, nhỏ nhắn trắng treo, hòa ái như chú tiểu Lan trên chùa Long Giáng trong truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng và thày cũng thường phụ với bác sĩ mới được về, nên ban ‘khung’ trại chấp thuận.

Tôi và thày cùng đội nhà bếp. Tôi và người bạn phụ trách giã gạo cho gia đình bộ đội, còn tù ăn khoai không cần giã. Hai người giã gạo đứng
cuối thân cây nằm dài, đầu kia gắn chiếc vồ cũng bằng cây. Hai người giã đạp chân nhún nhảy lên xuống để chiếc vồ đập xuống giã gạo trong lòng cối, tay phải bám vào giây phía trên khỏi ngã ( giải thích 1 chút cho các cháu sinh tại Mỹ như thằng Tý cháu tôi biết về chiếc cối thời tiền sử này vì chúng chưa được trông thấy bao giờ.)

Tôi không thề ngờ 20 năm sau còn nhìn lại hình ảnh bà bác và chị họ giã gạo trong đêm hòa cùng tiếng kinh cầu. Người tù ốm o kéo chiếc xe ba-gác chở gạch, gò người quị gối kéo xe gạch vượt đồi về trại xây khu biệt giam cho chính mình và anh em tù. Tôi đã thấy 2 phụ nữ và một cụ già kéo cầy thay trâu…Những hình ảnh này vẫn còn nguyên sơ như thời đồ đá mà nhiều người gọi là thời đồ đểu.

Những lúc giã gạo xong, tôi thường theo Đại đức vào rừng kiếm những loại rau mà thày biết là ăn được để tăng thêm chút dinh dưỡng vào chảo canh sơ mít muối. Còn thày tìm kiếm những lá làm thuốc. Hai người đang lom khom tìm kiếm, bỗng trời đỏ mưa, chúng tôi vội quàng tấm nhựa chạy vào hốc cây trú mưa.
‘Tranh thủ’ lấy ra mấy củ khoai ăn trưa, tôi hỏi thày :
-Thày học thuốc Đông Y do ai truyền dạy?
-Sư phụ tôi dạy và cũng đọc thêm sách để tìm hiểu.
Anh cứ hỏi và đừng gọi tôi là thày hay Đại đức, mình là bạn tù mà.
- Nếu thày cho phép tôi xin gọi là anh. Vì mỗi sáng anh em tù xếp hàng trước khi đi lao động, tôi thấy anh thường đem ra hai chảo thuốc, một chảo đặc và một chảo loãng, tại sao phải phân biệt như thế? Anh mỉm cười trả lời : -- Chảo đặc cho người bệnh, chảo loãng cho người chưa bệnh.
Đây là thuốc tâm lý có bệnh thì bớt bệnh, chưa bệnh thì thấy khỏe thêm đôi chút. Anh thấy chiếc vườn Đông Y tôi trồng nhiều loại rau thơm dùng nấu hai chảo thuốc bổ đó đấy, nhưng bí quyết này chỉ hai anh em mình biết với nhau thôi nhé, cấm bật mí cho người thứ ba.
Sau này chúng tôi phải chia tay nhau chuyển qua trại khác, những tôi vẫn nghĩ đến vị Đại đức thật đôn hậu dễ mến.

5-Người ta thường biện luận 2 câu nói trái chiều nhau ‘Anh hùng tạo thời thế hay Thời thế tạo anh hùng?’. Tôi không phải người ba phải nhưng chủ trương thuyết trung dung. Vì hai nguyên lý thường hỗ trợ cho nhau mới dễ thành công.

Đọc trong sử Việt, cậu bé nghèo, nhưng không buồn tủi Đinh Bộ Lĩnh cỡi trâu tập trận bông lau, mà sau dẹp loạn 12 sứ quân hùng cứ, lập nên sự nghiệp vẻ vang- Hưng Đạo Đại Vương vang danh 4 bể, gác những mối buồn xích mích trong vương phủ, qui tụ được nhiều danh tướng, 3 lần đánh tan đại quân Nguyên Mông, giữ yên non sống bờ cõi- Quang Trung Nguễn Huệ bỏ qua chuyên bất hòa giữa 3 anh em, cùng chung sức nhất quyết đánh tan quân Thanh, đạt chiến thắng vẻ vang, đem lại thanh bình cho dân tộc trong Mùa Xuân Kỷ Hợi 1783- Nguyễn Trãi theo cha là Nguyễn Phi Khanh bị bắt giải về Tàu, đến cửa Nam Quan cha ông quay lại nói rằng : “ Con hãy cười lên, gác nỗi buồn riêng tư quay gót trở về Nam trả thù cho cha và rửa hận cho nước.” Vâng lời cha. Nguyễn Trãi tìm đến giúp Lê Lợi khôi phục lại Giang Sơn và lưu lại hậu thế quyết sách ‘Bình Ngô Đại Cáo’ làm kim chỉ nam mưu lược thắng quân thù.- Ông Ngô Đình Diệm tài đức vẹn toàn, buồn vì đất nước phân ly, dân tình cực khổ, từ bỏ đời sống nhàn hạ nước ngoài, trở về nước giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài, quấy phá tan hoang, can trường
đứng lên xây dựng nền Đệ Nhất Viêt Nam Cộng Hòa đem lại đời sống thanh bình no ấm cho dân tộc…

Nhưng ta không thể kể hết được biết bao tấm gương hy sinh cho Tổ quốc dân tộc mà khi nhắc đến họ dòng máu con tim dân Việt dâng trào niềm hãnh diễn và cảm phục…
Xin trở lại đề tài cuộc sống khổ cực trong chốn tù đầy cộng sản, buồn mà vẫn vui sống.

6-Nổi bật nhất là Hồng Y Nguyễn văn Thuận vẻ vang dân Việt, một tù nhân kiệt xuất vẫn luôn tươi cười với cai tù. Ngài dùng thời gian miệt mài gọt giũa những sợi kẽm gai tạo thành cây Thánh Giá và những tờ lịch vứt bỏ viết thành tác phẩm tuyệt vời ‘ Đường Hy vọng ‘ Người tù bị biệt giam 13 năm, sau trở thành Hồng Y Tổng trưởng Công lý Hòa bình trong Giáo triều Roma.

Rồi các nhạc sĩ sáng tác những bản tù ca buồn thương- Nhiều ngục sĩ lưu lại những vần thơ đầy uất hận như Nguyễn chí Thiện…Những bàn tay không chuyên nghiệp tạo ra nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, ống sáo, chiếc trống …phối hợp thành một ban nhạc sống động quên buồn trong các đêm văn nghệ. Những chiếc ống điếu hút thuốc lào giải sầu. Những mảnh bom vỡ vụn biến thành chiếc lược chải đầu hay vòng đeo tay có chạm khắc hoa văn và tên vợ con hay người yêu, làm quà kỷ niệm trong buổi thăm nuôi chóng qua đầy xúc động.
Phải chăng bao nỗi buồn đã trở thành những niềm vui san sẻ cho nhau?

Viết đến đây tôi lại nhớ đến một truyện Buồn cười ‘liên hệ’ đến 2 bạn tù. Một anh sĩ quan gốc người Miên, khi đang theo học tại trường Mỹ nghệ Điêu khắc, anh đã chạy thoát chế độ diệt chủng tàn bạo của Pol Pot. Sang Viêt Nam anh tình nguyện gia nhập đơn vị Dân sự chiến đấu tại trại biên phòng do người Mỹ hỗ trợ, vì có học anh được cử làm Đại đội trưởng. Khi quân đội Mỹ rút về nước, các trại DSCĐ được chuyển sang Biệt Động Quân biên phòng và anh được cải tuyển thành sĩ quan, nên bị việt cộng bắt đi tù cùng với các sĩ quan QLVNCH. Anh không có thân nhân thăm nuôi, nhưng có tài điêu khắc, khi đi lao động trong rừng anh lượm những mảnh bom hay gỗ mun gẫy vụn đem về trại trạm trổ các vị thần Khmer. Thán phục tài năng và giúp phần nào cho anh, các bạn tù nhờ khắc tượng Phật, tượng Chúa hay Đức Mẹ…và chia sẻ cho anh ít quà thăm nuôi.
Một hôm sau ngày lao động, cán bộ đưa tù ra tắm ngoài suối trước khi về trại. chợt tên cán ngố thấy một anh đeo trước ngực bức tượng nhỏ, tiến tới hỏi :
-Anh kia đeo ai trước ngực đó?
Anh ngập ngừng suy nghĩ rồi trả lời :
-Thưa cán bộ ông Mác đấy ạ !
- Sao anh biết là cụ Mác lại có râu ria mà làm?
-Tôi xem trong báo cán bộ chính trị mang xuống ‘lán’ cho mượn đọc.
- Vậy anh tự làm hay anh nào làm cho anh?
- Tôi tự làm lấy.
- Giỏi đấy ! Tên coi tù khen rồi bước đi giục tù tắm ‘khẩn trương’ để về.
Tôi với anh bạn tù khá thân, nên ngày hôm sau tôi hỏi anh :
-Có thật là ông Mác không?
Anh mỉm cười, nhưng vẻ hơi buồn và hối hận :
-Thú thất với bạn lúc đó mình hơi run, lại sợ Chúa bị bắt nộp và còn liên lụi đến anh bạn người Miên, nhưng mình thấy lương tâm thổn thức như có ai gọi, nên thì thầm trong lòng “Xin Chúa hãy tha thứ cho con, vì con không muốn bán Chúa như tên Giu-đa phản bội xưa đâu !“
Hơn 40 năm qua hiện tôi vẫn còn giữ lại một kỷ vật quí từ trong tù mang về cũng do anh người Miên khắc hộ, đó là tượng ‘ Đức Mẹ Đen’
nhỏ bé xinh đẹp đã được làm phép. Tôi treo ảnh Đức Mẹ nơi bàn viết để nhớ lại những kỷ niệm vui buồn trong tù và câu truyện Buồn cười của hai bạn tù xưa.

7-Tết là ngày Lễ truyền thống của dân tộc, khắp nơi tràn đầy hình ảnh vui tươi ‘hồ hởi và hoành tráng’. Nên trong tù cũng mang không khí tuy buồn cười mà cũng vui, nào là quét dọn sạch sẽ, trang hoàng khẩu hiệu, gói bánh chưng, làm báo liếp, thể thao, văn nghệ, chiếu phim.
Những ai ở trong các ban bệ nêu trên được nghỉ lao động 3 ngày để chuẩn bị và tập dượt. Tôi nhờ có chút tài mọn được anh em bầu làm trưởng báo liếp (làm gì có tường xây gạch) Tôi chọn 1 anh viết chữ đẹp và 1 anh biết vẽ. Sau đó xin cán bộ quản giáo cung cấp giấy, bút mực và hồ gián. Riêng hồ tên cán bộ nói xuống nhà bếp lấy. Anh tù bếp trưởng mỉm cười nháy mắt đổ đầy bột vào lon ghi-gô. Thế là 3 chúng tôi được một bữa ‘bồi dưỡng’ bột, chỉ cần để lại một ít gián báo.

Doanh trại được quét dọn sạch sẽ, trang hoàng cờ và khẩu hiệu.
Ngoài cổng chính hàng chữ màu đỏ giữa 2 lá cờ máu : “Chúc Mừng năm Mới “. Trong hội trường dưới hình già hồ ‘ Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta.”. Trước các ‘lán trại’ những hàng chữ nhàm chán : ‘ Không có gì quí hơn độc lập tự do- Học tập tốt lao động tốt- Lao động là vinh quang, vui xuân không quên học tập lao động tốt- Nam Bắc vui xuân không quên ‘phấn đấu tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa…”
Trại tù giữa núi rừng biên giới, tiếp tế khó khăn, thực phẩm khan hiếm, không có thịt heo, gạo nếp và đường để gói bánh chưng, nên đội nhà bếp sáng chế ra một loại bánh chưng không đâu có bằng ‘ bột khoai mì, nhân khoai lang ‘.

Chương trình 3 ngày mừng xuân cũng nổi đình đám như ai :
-Mùng 1 Tết : Sáng tập trung tại hội trường nghe thư chúc Tết của chủ tịch nước gởi đồng bào toàn quốc- Tiếp theo là trưởng trại ngỏ lời chúc
xuân đến cán bộ và gia đình cùng các trại viên (tù nhân)- Rồi đến đại diện trại viên chúc lại các cán bộ.
Buổi chiều thi đua thể thao như kéo giây, cờ tướng và đặc biệt là màn đấu bóng chuyền ‘giao lưu’ giữa cán bộ và trại viên, kết quả phần thắng
3-1 về phe ta tuy thiếu dinh dưỡng nhưng chơi rất ‘nóng bỏng’ và đoạt cúp 10 bao thuốc lá Cửa Lò và 10 chiếc bánh chưng hảo hạng.( màn thi bóng chuyền này, phe ta với tinh thần thượng võ cũng nhường cho địch thủ thắng 1 bàn để khỏi mất mặt. )

-Mùng 2 Tết : Buổi sáng trình diễn văn nghệ ‘hoành tráng’ tại hội trường với nhiều tiết mục do toàn nam chuyển giới như đơn ca, song ca, đồng ca, hài kịch…nhưng 2 mục được cổ võ nhiều nhất bằng những tràng pháo tay náo động là Ca Vũ khúc ‘Tiếng chày trên sóc Băm-bo’ và ‘Táo cải tạo du xuân’ gồm đủ 3Đ là (Đồng hồ- Đài phát thanh và xe Đạp) Những ‘đặc sản’ mà các cán ngố mơ ước khi mới vào Nam (các vật quí này do cán bộ cho mượn, nhưng hứa phải ‘’quản lý nghiêm túc” khỏi phải ‘thu phí’ khi trả lại cho chủ nhân.)
Buổi tối là xem chiếu phim gồm 3 bộ :’ Chiến thắng Điện Biên- Giải phóng Miền Nam và bác Hồ với thiếu nhi ’ – Phim quá cũ hay đứt đoạn, giọng thuyết minh vẫn hăng say tự hào. Nhưng đó là công lao đáng biểu dương của đội tù trực phải lội bộ lên huyện xa 10 cây số gồng gánh đem về.

-Mùng 3 Tết với mỹ từ giả tạo ‘trồng cây nhớ ơn bác’. Mỗi người được giao 100 gốc khoai mì, hì hục đào hố trên đồi đá để trồng, mãi đến khi trời tắt nắng mới xong. Về trại mệt nhoài, phần ăn thường ngày vẫn là hai củ khoai. Còn chiếc bánh chưng đặc biệt cuối cùng ngày Tết phải giành hôm sau cho 1 ngày lao động kiệt lực.

Đốt một điếu thuốc thả hồn thơ buồn trong khói, tương lai mờ khuất trong màn đêm. Thương cho kiếp sống mình và những bạn tù bị biệt giam nơi hốc đá trong đêm lạnh buốt ! Nụ cười buồn khép kín đến bao giờ !

Trong màn đêm, tôi chợt nhớ đến câu ‘Buồn vào hồn không tên’ trong bài ‘Nửa đêm ngoài phố’ của nhạc sĩ Trúc Phương và lời thơ ‘ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’ trong bài thơ ‘Chiều’ của Xuân Diệu được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc mang tên ‘Mộ khúc’.- Tôi không đồng ý với 2 thi nhạc sĩ nêu trên, vì họ sống trong một không gian đầy mộng mơ trong lúc sáng tác. Còn chúng tôi, nhưng người tù đang sống khổ nhục nơi đây, có cái buồn rất nghiệt ngã. Buồn vì đất nước mất đi cuộc sống thanh bình no ấm. Buồn vì tuổi trẻ mất đi một thời tươi đẹp nhất đang nở hoa, nhưng cũng mỉm cười để sống không chỉ cho mình và cho cả thế hệ mai sau.

Phần đông, những anh em tù như chúng tôi qua đất nước mới tuổi đã xế chiều, cần giúp đỡ gia đình làm lại cuộc sống, không thể tiếp tục cáp sách đến trường để có 1 văn bằng cho cuộc đời khả quan hơn. Nhưng phải chấp nhận vui sống, hỗ trợ cho con cháu trưởng thành vươn lên đóng góp trả ơn cho quê hương thứ hai với những tướng lãnh, khoa học gia và các chuyên viên …xuát sắc trong mọi lãnh vực.
Chúng tôi tựa như những cây bon-sai, cội gốc xù xì cũng cố chồi lên những nụ hoa góp đẹp cho đời.

Đến đây truyện lan man vui cười trong ngục tù việt cộng đã dài, xin kết thúc bằng 1 truyện Buồn cười bên lề nhà tù :

Xưa kia triết gia Hy Lạp Socrate rất nổi tiếng, nhưng nhà nghèo, nên ngoài 50 tuổi ông mới kết hôn với người đàn bà trẻ đẹp, nhưng dữ dằn như ‘Sư tử Hà đông’.
Ông dạy học không lấy tiền nên càng nghèo túng. Một hôm đang ngồi đàm luận với môn sinh, bà vợ chửi rủa ầm ĩ, ông vẫn thản nhiên như không có gì xảy ra. Bà vợ tức điên lên cầm cả chậu nước té vào mặt ông. Dù buồn nhà hiền triết không hề phản ứng, một lúc sau ông mới điềm tĩnh mở nụ cười nói với môn sinh : “ Sau cơn sấm xét thì lại có mưa giông.”

Đọc câu truyện trên bạn nào đã cưới vợ chằn tinh, tuy buồn nhưng vẫn phải cười mà sống. Còn những ai không muốn đến trường hay phải mua bằng ‘ Triết giả’ như các cán ngố cầm quyền, hãy học theo Socrate.
-Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tanh lại cười (*)
Trong tù cay đắng một thời,
Biết bao buồn khổ vẫn cười đấy thôi !

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG
(*) Ghi chú : Trích 2 câu đầu trong bài thơ ‘ Vịnh cây thông ‘ của Nguyễn công Trứ.
- Vì thời gian đã lâu soi mòn trí nhớ, mong Quí vị và Huynh Đệ đồng tù bỏ qua những gì sai sót.