CÁC THÁNH

Ngày lễ Các Thánh và lễ cầu hồn đã trôi qua gần nửa tháng rồi mà tôi vẫn cứ lâng lâng. Cũng đúng thôi! Nghĩ đến cái chết ai cũng sợ nhưng niềm hy vọng được đến một nơi an vui, sum vầy, thong dong cùng những con người tốt lành và được hưởng nhan thánh Đấng Tối Cao thì hạnh phúc biết bao!

Ngày lễ kính Các Thánh Nam Nữ trên trời tôi thường đọc từng kinh Kính Mừng, xem như là những bông hồng để tặng các ngài, là món quà nhỏ. Nhưng cũng có một chút suy tư trong lòng tôi.

Trong lịch Công Giáo, Năm Phụng Vụ, có in rõ ràng những ngày lễ Giáo Hội toàn cầu mừng kính các thánh “có tên có tuổi”; thế nhưng ngoài những vị “nổi tiếng” như thánh Têrêsa, Phanxico, Martino, Augustino, Đa Minh, I – Nhã…, những vị còn lại sao tôi thấy các ngài có vẻ “xa lạ” với giáo dân quá! Lỗi tại chúng ta không tìm hiểu cuộc đời của các ngài hay trong thánh lễ thường ngày, cha chủ tế chỉ “giảng lướt qua” tên và đời sống của các ngài? Nào có ai chú ý đến tiểu sử thánh Ephrem, phó tế, tiến sĩ Hội Thánh hay thánh Piô Pietrelcina linh mục không? Ngay cả tôi, mỗi sáng mở lịch Công Giáo ra, cũng biết hôm nay lễ kính hoặc lễ nhớ ai mà thôi, không nghĩ gì thêm nữa, dù trong tủ có đủ bộ sách Hạnh Các Thánh!

Xem Hình

Làm sao để cổ võ đời sống các thánh cho giáo dân? Truyện Tranh Các Thánh mà một số nhà dòng thực hiện và in ấn vẫn chưa đủ mạnh!? Tôi boăn khoăn và hy vọng, hiện nay nhiều hình thức được đưa lên Youtube đã quảng bá Tin Mừng, diễn tiến thời sự Giáo Hội, các sự kiện, phim truyện các thánh rất tốt; và nếu sắp tới đây “Công Nghệ Thực Tế Ảo” (một ngành học mới) được phát triển tại Việt Nam thì có khi mỗi người được tung tăng làm từ thiện cùng thánh Martino, truyền giáo cùng thánh Phanxico Xavier hay làm những việc nhỏ bé với thánh Têrêsa Hài Đồng trên điện thoại của mình… thì tuyệt vời biết bao! Nếu gom những việc tốt lành mà các thánh được kính đã làm, người Kitô hữu ngày nay có cả một kho tàng sống động để áp dụng trong cuộc sống thường ngày.

NGƯỜI ĐÃ ĐI QUA…

Ai là Kitô hữu cũng được hưởng bí tích rửa tội, bí tích hòa giải, thêm xức…và niềm tin hình thành trong ơn Chúa. Năm 1977, tôi học trong một trường sư phạm, một giảng viên trẻ nói rằng: “Ông Giêsu là một người có thực đã từng sống trên hành tinh này, ông ấy đưa ra một thuyết rằng con người sẽ được sống lại sau khi chết…”; dù đã được Giáo Hội hun đúc niềm tin, nhưng khi nghe một thầy dạy, là đảng viên xác định Đức “Giêsu là người có thực…” thì tôi thấy quá đủ cho niềm tin Kitô giáo của mình và thầm cảm ơn ông bà tổ tiên đã đón nhận Tin Mừng từ các nhà truyền giáo đến Việt Nam từ năm 1533…

Nhìn hình ảnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cảm xúc trong tôi càng dâng trào: niềm tin được trả bằng giá máu, trong khi người ta chỉ chết một lần! Từ hình ảnh đó, mỗi khi viếng nhà hài cốt của giáo xứ cùng giáo dân sau thánh lễ cầu hồn, tôi thấy một niềm vui tràn đầy. Những hũ cốt có vẻ “vô tri giác” nhưng lại mang một “niềm hy vọng to lớn” không gì sánh bằng gói trong một từ “Phục Sinh”.

Tôi thoáng ngậm ngùi nhìn cái hũ trống bên cạnh má tôi. Đó là khoảng không gian nhỏ bé dành cho tôi khi đã qua đời. Tôi đã dặn dò các em, các cháu về ngày chết của mình. Chết cách nào và đau đớn ra sao tôi phải chấp nhận. Phận người là thế! Mẹ Têresa Calcutta tốt lành như thế mà hai mươi năm sau mới được phong thánh; giáo dân hèn mọn như chúng tôi chắc phải trăm năm mới lọt qua hàng rào thiên đàng và lại mất vài chục năm nữa mới hy vọng tung tăng cùng các thánh. Nghĩ đến đây, tôi muốn bật cười về ý nghĩ của mình và muốn cho đi hết những gì mình có.

LÒNG NHÂN ÁI

Ngày 03/11/2020, tôi tham dự lễ kính thánh Martino tại giáo xứ Đa Minh Ba Chuông. Cũng như mọi năm, thánh lễ đồng tế được quí cha dòng Đa Minh hiệp dâng, hình ảnh vị thánh da đen được trưng bày trang trọng. Năm nào bài giảng của quí cha cũng xoáy vào lòng nhân ái của vị thánh có nhân thân hèn mọn ở xã hội thời đó nhưng sáng chói vì mến Chúa yêu người, song mỗi bài giảng sắc nét khác nhau. Không ai diễn tả giống nhau về lòng mến vì Đức Mến thì bao la và kéo dài đến vô tận. Và ở thời điểm này, lòng nhân ái bỗng trở nên đề tài thời sự trong xã hội Việt Nam khi cả miền trung đang bị “lũ chồng lũ, bão chồng bão”!

Có nhiều bài báo nêu ra quan điểm cá nhân rất hay như tác giả Thúy Hà viết trên Vnexpress bài “Từ thiện – đừng ‘thấy người ăn khoai vác mai đi đào’. Rồi hàng loạt bài viết khác xuất hiện (bài ‘Giải cứu hàng từ thiện’; bài ‘Từ thiện đúng cách’; bài ‘Từ thiện có đạo đức’, bài ‘Từ thiện vùng lũ – ‘đồng tiền đi trước’…) khi cô ca sĩ xinh đẹp, cùng chồng là cựu cầu thủ đội tuyển quốc gia, nổi bật trên nền phông xám xịt của người dân miền trung đau khổ vì mất hết của cải, chật vật sau lũ… Cùng lúc đó là những chuyện ì xèo từ dư luận, không đáng có. Chúng tôi nghĩ, việc từ thiện mà lập ra “ban bệ” rất khó làm việc vì liên quan trực tiếp đến tiền. Tất cả những người trong ban bệ đó phải “thật tâm”, chỉ cần một người mang “tà tâm” thì người khác phải đối phó rất mệt!

Không bàn cãi chuyện từ thiện ở đây, trong cái nhìn của người Kitô hữu, cá nhân tôi thấy cứ để mọi chuyện xảy ra tự nhiên, lòng nhân ái bộc phát thì chung tay làm việc thiện với tình nhân loại, nghĩa đồng bào. Không phải ai cũng có được uy tín để nhiều người chuyển vào tài khoản một số tiền lớn. Nếu cá nhân được tín nhiệm thì cứ để cá nhân thực hiện công việc cần làm. Theo lẽ thường, điều gì tốt đẹp, Thiên Chúa cho tồn tại, điều gì không tốt, Ngài xóa đi. Cứ nghiệm mà xem, có đúng không?

NGƯỜI NGOÀI CUỘC

Sau khi bỏ lỡ chuyến đi dịp lễ Mẹ Lên Trời, chúng tôi buồn và muốn giữ mức độ nóng của đôi tay nên có đến chia sẻ cho một số anh chị em khuyết tật ở Gò Vấp và chung phần rất nhỏ bé trong chuyến đi Vĩnh Long, Bến Tre của GĐPTTT Chí Hòa. Nghĩa là lúc nào cũng muốn cất bước đi nhưng vì dịch bệnh, chúng tôi không thể vào bệnh viện, cũng không được đi theo ý muốn vì “năm 2020 là một năm nhiều đau thương” cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Không phải “té nước theo mưa”, trước khi miền trung bị bão lũ, chúng tôi có nhờ một linh mục giới thiệu một địa điểm để giúp học sinh nghèo và thăm một số gia đình khó khăn. Cha hỏi tôi: “Chị tên gì?”. Tôi trả lời: “Xin cha cứ lưu số điện thoại của con là ‘người đẹp Sài Gòn’. Cha nói: “Còn tôi là ‘người đẹp cố đô’. Thế rồi năm sáu ngày sau đó, bão lũ ào ạt vào miền trung cho đến tận hôm nay, cha “trôi đi phương nào” tôi cũng không biết nữa!

Chúng tôi cầu nguyện và theo dõi từng ngày diễn biến thiên tai nhưng không thể cất bước vì chúng tôi biết “sức” của mình thế nào và “lực” của mình ra sao! Xem video trên Youtube quí Đức Cha có mặt ở miền trung phát phong bì cho giáo dân ở mấy giáo xứ mà chúng tôi thấy ấm lòng lại; quí Sơ trong cộng đoàn dòng tu chia những thùng mì, bế cụ già làm chúng tôi xúc động; rồi linh mục nổi tiếng vì có tiếng hát hay, thích đội cái nón lá rách cũng chia gạo, nhu yếu phẩm tại một số nhà thờ; nhìn video cô ca sĩ phát tiền cho người dân mà chúng tôi cũng thấy “đôi tay mình cũng vui vui”. Chúng tôi không là người ngoài cuộc, chỉ mong lời cầu nguyện nhỏ bé làm đỡ lạnh người dân, đặc biệt là những người tham gia cứu hộ, người đại diện đi chia sẻ…mà thôi!

ĐỔI MỚI

Mấy năm qua, nhiều giáo xứ ở TGP Sài Gòn đã có được bầu khí mới khi các linh mục thay đổi nhiệm sở. Trong cái nhìn của người giáo dân, tôi thấy việc thay đổi nhiệm sở là những hành trình truyền giáo của các giáo sĩ. Xin tưởng tượng, một linh mục coi sóc giáo xứ 20 năm, 18 năm, có nơi 15 năm, 12 năm, thậm chí khi linh mục có chức vụ trong giáo hạt thì nhiệm sở kéo dài cho đến lúc về hưu…thì cộng đoàn giáo xứ ấy triển nở thế nào? “Tân quan tân chính sách”, ở xã hội ngoài đời là thế, song trong lãnh vực tâm linh mỗi linh mục có một cách coi sóc đoàn chiên riêng; chính nét riêng ấy làm cho hành trình về Nhà Cha trên trời của người giáo dân thêm phong phú, vui tươi hơn.

Một buổi tối Chúa nhật, tôi gặp cha chánh xứ, giọng thân thiện: “Kính chào cha, xin cảm ơn cha đã đổi giờ lễ hằng ngày. Mấy chục năm qua, con thấy mình không phù hợp giờ lễ sớm nên cứ hiệp dâng thánh lễ “lưu vong” ở giáo xứ khác. Nay con đã lớn tuổi…cha đổi giờ lễ 17g00 là phù hợp. Hôm nào mưa gió con dự lễ trực tuyến trong phòng riêng. Thế là yên tâm phần hồn phần xác! Chúa gọi về lúc nào cũng được!” Cha xứ tươi cười, đáp lễ tôi vài câu. Đây là một trong những “chuyện nhỏ như con thỏ” thế mà tôi cứ mong đợi hơn mười lăm năm qua. Trong hành trình truyền giáo, nếu giáo sĩ chú ý đến những nguyện vọng nhỏ bé của giáo dân thì đời sống đạo trong các cộng đoàn nhẹ nhàng biết bao! Có đúng không ạ?

*************************************