Hai hôm nay nhiều người xôn xao về vụ một anh chạy xe ôm đốt nhà thờ Kỳ Đồng. Kết luận của nhà chức trách: anh ta bị tâm thần. Chuyện anh ta bị tâm thần thế nào thì bác sĩ biết, anh ta biết, ở đây chúng tôi không có ý kiến gì vì không thuộc lãnh vực của mình. Tuy nhiên, tưởng cũng cần nhắc lại lời một vị quan thanh liêm ngày xưa: “Trên có Trời biết, dưới có đất biết”.

Cũng có vài vị quản lý cơ sở tôn giáo có tinh thần đơn sơ một cách ngoan hiền nên tin cái rụp. Nhưng thôi, chuyện đó cũng không thuộc lãnh vực của người viết.

Ở đây chúng ta thừ xét sự việc trên đây từ góc độ pháp luật và từ góc độ Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Về pháp luật: Theo nguyên tắc (người viết nhấn mạnh), chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn giáo, kinh bổn sách và các đồ dùng thờ cúng được pháp luật bảo hộ. Như vậy, bất kỳ hành vi nào cố ý phá hoại các tài sản đó sẽ bị xử phạt.

Căn cứ Điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi 2009 và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì hình phạt cho người đốt nhà thờ có thể như sau: phạt tù từ hai năm đến bảy năm với hành vi dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm khi có hành vi gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.

Còn nếu người phạm tội mà bị tâm thần thì sao?

Khoản 1, điều 49 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xét dưới góc độ Học Thuyết Xã Hội Công Giáo:

Giáo Lý Công Giáo dạy: “Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa”(x. GLHTCG. 2297, HTXH 513)

“Phải lên án chính sách khủng bố một cách tuyệt đối. Chính sách khủng bố là sự khinh rẻ hoàn toàn mạng sống con người, và vì thế, không bao giờ có thể biện minh được: vì con người luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện. Các hành vi khủng bố đánh thẳng vào phẩm giá con người và xúc phạm tới toàn thể nhân loại: “bởi đó, mọi người có quyền chống lại chính sách khủng bố” (HTXH 514, x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002)

Cũng theo luân lý Kitô giáo, đây là tội phạm thánh vì đã xúc phạm nơi thánh.

"Điều 1205 Giáo Luật 1983 quy định: "Nơi thánh là những nơi đã được cung hiến hay được phép theo quy định của các sách phụng vụ, để dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa hay đề mai táng các tín hữu".

Một hành động vừa vi phạm pháp luật, vừa trái luân lý Kitô giáo một cách nghiêm trọng như thế không thể xem như chuyện đùa hay chuyện phòng ngừa kẻ tâm thần. Bác ái Kitô giáo đòi chúng ta yêu thương, cầu nguyện cho con người là nạn nhân của “tâm thần” như thế. Nhưng sự khôn ngoan của người môn đệ Chúa khi ra đi loan báo Tin Mừng lại đòi chúng ta cẩn trọng, e dè trước nhiều vụ phạm thánh.

“Xin cho Nước Chúa trị đến”.

Gioan Lê Quang Vinh