Theo Catholic World News, trong niên giám mới nhất của Tòa Thánh, tước hiệu “Đại diện Chúa Giêsu Kitô” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không còn nữa. Trái lại, trong trang dành cho ngài, chỉ vỏn vẹn còn tên Jorge Maria Bergoglio.



Các ấn bản trước đây của Annuario Pontificio khi nói đến Đức Giáo Hoàng đều bắt đầu với tước hiệu “Đại diện Chúa Kitô” và tiếp theo bằng nhiều tước hiệu khác như “Kế vị Hoàng tử các Tông đồ, Giám Mục Tối Cao của Giáo Hội Hoàn vũ, Giáo Chủ Ý Đại Lợi, Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh của giáo tỉnh Rôma, Lãnh đạo Tối cao Thị quốc Vatican”. Các tước hiệu này nay xuất hiện ở cuối trang dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được nhận diện như là các tước hiệu “lịch sử”.

Sự thay đổi trên chắc chắn phải có sự chấp thuận của chính Đức Giáo Hoàng.

Năm 2006, Đức Bênêđíctô XVI đã bỏ một tước hiệu truyền thống khác đó là “Thượng phụ Phương Tây”. Tòa Thánh cho hay việc bãi bỏ này “có thể hữu ích đối với cuộc đối thoại đại kết”. Tòa Thánh cũng cho hay ý nghĩa của tước hiệu này “chưa bao giờ rõ ràng lắm, và trong lịch sử đã trở thành lỗi thời và thực tế không đáng sử dụng”.

Trái lại, tước hiệu “Đại diện Chúa Giêsu Kitô” có một ý nghĩa thần học rõ ràng và không lầm lẫn được. Đức Hồng Y Gerhard Müller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vì thế, nói rằng hạ giá tước hiệu này là “chủ nghĩa mọi rợ thần học” (theological barbarism).

Cho đến nay, Tòa Thánh chưa công bố lời giải thích nào cho việc thay đổi trên.

Tóm lại, các tước hiệu vẫn còn, nhưng được liệt kê ở phần chú thích như các tước hiệu “lịch sử”. Trong khi đó, tạp chí LIfeSiteNews cho rằng tước hiệu Đại diện Chúa Giêsu Kitô phát xuất từ Thánh Kinh, lúc Chúa Giêsu ban quyền chìa khóa cho Thánh Phêrô, không hẳn chỉ có tính “lịch sử” như các tước hiệu khác. Cho nên gọp chung để coi tất cả các tước hiệu là “lịch sử” là “hầm bà làng xí quách”. Đức Hồng Y Gerhard Müller vì thế cảm thấy “bối rối” khi Annuario Pontificio “hạ giá các yếu tố chủ yếu của giáo huấn Công Giáo về tính tối thượng [của Đức Giáo Hoàng] chỉ như một phụ chú lịch sử”.