Người Khác Là Hồng Ân

“Lạy Ngài, xin cho con được sáng” - Luca 18: 35-42)

(Let me see again)


Tôi xin mượn lại bài viết với tựa đề: “Người khác là Hồng Ân” để bắt đầu bài viết nầy:

Người Khác Là Hồng Ân

Khi mở mắt chào đời trong tiếng khóc

Cạnh bên con đã có bóng người

Tiếng mẹ hiền ru khẽ nhẹ bên nôi

Cho con nhỏ an lòng trong giấc điệp.

Dần lớn lên con lại càng cảm nghiệm

Không có người con sẽ sống với ai?

Và nhờ ai mà có tấm hình hài?

Không người khác con trở thành vô dụng.

Cúi lạy Cha, xin cho con hiểu đúng

Quà Cha trao người khác đến cùng con

Là hồng ân thật to lớn vô cùng

Trong người khác, Đức Kitô có mặt.

Vì người khác, Đức Kitô cứu độ

Như cho con, Người ban hiến mạng mình

Nhận anh em là con nhận Thần Linh Nhận sức sống,

suối trường sinh Cha tặng.

Không một ai con có quyền xa cách

Vì Cha mong con đón nhận mỗi người...

Mỗi ưu tư, mỗi tiếng khóc, mỗi tiếng cười,

Mỗi nhịp sống của con người đồng loại.

Càng đón nhận, con lại càng biến đổi

Tấm lòng con bỏ ngỏ rộng thênh thang

Đón anh em là con sống Thiên Đàng

Vì người khác là đường đưa tới đích.

Vì người khác là Mùa Xuân Bất Diệt

Bởi nhờ người, con biết cảm biết yêu

Bởi nhờ người, con được hưởng niềm vui

Và trao tặng niềm vui cho người khác.

Là tìm kiếm niềm vui cho người khác

Là tôn kính, là phục vụ anh em

Là tha thứ, là yêu mến thảo hiền

Là đón nhận hồng ân Cha trao tặng.

Là sống đúng ý Cha hiền căn dặn

Con cùng Cha lo hạnh phúc cho đời

Con cùng Cha lo hạnh phúc cho người

Hạnh phúc Cha con là YÊU NGƯỜI KHÁC.

Trong những năm gần đây, tôi có dịp sang Cambốt vào những dịp nghỉ hè hằng năm làm công tác từ thiện giúp đồng bào Việt Nam-Cambodian nghèo…bằng những gì có thể giúp được… trong khả năng hạn hẹp của mình.

Một hôm, cùng mấy em thiếu nhi đi tham quan những nhà sàn xung quanh nhà thờ Việt Nam, tôi thấy hai bà cụ già, ngồi trên ‘Nhà Sàn’ cùng đọc báo với một cặp kính gẫy gọng, được thay thế bằng hai sợi dây chì nhỏ… với hình ảnh nầy, tôi chợt nghĩ ở Úc, mỗi khi thay đổi kiếng thì những kiếng cũ sẽ phế thải… tôi quyết định làm người ‘Hành Khất’ đi xin các tiệm bán kiếng thuốc…. ngày qua ngày, tuần qua tuần ‘Khất Kiếng’. Không ngờ, hơn 4.000 kiếng độ và kiếng mát đã thu được từ những tiệm kiếng và của giáo dân trong giáo xứ nữa… đã gởi tặng cho ‘Tha Nhân-Người Khác’ ở Cam Bốt, Lào và Việt Nam trong suốt mấy năm qua.

Qua câu chuyện của Lagiarô và người Phú Hộ trong Tin Mừng Luca 16: 19-31, tôi thầm nghĩ: Thà làm người ‘Hành Khất’ trong cuộc đời trần thế nầy còn hơn là ‘Không Có Cơ Hội khi muốn làm người ‘Ăn Xin’ trong kiếp sau.

Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy” Luca 18: 35-42

Chương Trình Mỗ Mắt Cườm Thiện Nguyện.


Trước lễ Giáng Sinh khoảng vài tháng, tình cờ tôi nhận được điện thoại của một người đồng hương Việt Nam… chị ta hỏi tôi, năm nay, tôi có chương trình mỗ mắt cườm như những năm trước cho người nghèo ở Việt Nam không? Tôi trả lời là chắc không vì tôi có đang có dự định cho những chương trình từ thiện khác. Chị ta nói: Con muốn hai đứa con trai chúng con: một đứa đang học Đại Học và một đứa gần mãn Trung Học, chúng được sinh trưởng ở hải ngoại, vợ chồng chúng con muốn các cháu về Quê Hương Việt Nam dịp nghĩ hè… chúng con muốn các cháu nhìn thấy những người đau khổ, kém may mắn… như những người mù… chúng con sẽ đưa các cháu đi thăm những Trung Tâm Mù và chúng con muốn đưa các cháu đi đến nơi Cha tố chức cho những người mỗ mắt cườm miễn phí… gia đình của chúng con sẽ tài trợ phần nào giúp cho chương trình thiện nguyện nầy của Cha”… Sau khi suy nghĩ… tôi nhận lời… thế là tôi phải liên lạc với những “Thiện Nguyện Viên” của tôi “Tuyển Bệnh Nghèo”….. từ Cambốt, Rạch Giá, Long Xuyên, Long Khánh, Tiền Giang…

Sáng sớm ngày 14.1.2020, chúng tôi đi đến Bệnh Viện Trưng Vương, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, khi vào đến bệnh viện, chúng tôi đã thấy rất nhiều người đã đến chờ làm thủ tục nhập viện từ sáng sớm… Các bệnh nhân nầy không biết chúng tôi là ai… sau một thời gian chào hỏi nhau…. Chúng tôi cảm thấy gần gũi với những “Đồng Hương-Kém May Mắn Nầy”. Trong đoàn người nấy, chúng tôi biết được có hai Tu Sĩ Nam, Dòng Tên từ Rạch Giá dẫn đoàn đi mỗ mắt và một nữ tu dẫn đoàn từ Cambodia qua. Được biết có người đây là lần đầu tiên đặt chân đến đất “Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông” trong đời”.

“Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy!” Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã quá quen thuộc với bài Tin Mừng Chúa mở mắt cho người mù thành Giêricô… Nghĩa là anh ta chẳng thấy gì trong thế giới vật chất từ lúc mới chào đời cho đến hôm nay. Anh ta cũng chẳng biết tự đâu mình được sinh ra, sinh ra để làm gì và sẽ đi về đâu? Anh đã sống trong kiếp mù lòa và hoàn toàn đầu hàng trước cuộc sống.

Trong lúc giữa đám đông đang đặt câu hỏi tại sao anh lại bị mù? Lỗi nầy của anh hay cha mẹ anh thì Chúa Giêsu đã xuất hiện và Ngài tuyên bố: "Không phải tại y cũng như cha mẹ y, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi y". Bài học trước tiên chúng ta học được hôm nay là không nên phán đoán sự vật bằng đôi mắt nhân loại, nhất là không nên lên án anh chị em mình vì cho nên Chúa phạt, đang đời hay đáng kiếp!

Một bài học sâu xa hơn nữa chúng ta cũng học hỏi được hôm nay đó là sự khiêm nhường, luôn thấy mình mù trước những kỳ công của Thiên Chúa. Đừng tự cao tự đại trong cái hiểu biết hạn hẹp của mình. Chính vì cái hạn hẹp mù lòa nầy mà Chúa Giêsu đã đến để mở mắt đức tin cho cho chúng ta như Ngài đã chữa mắt cho anh mù. Khi đã được sáng mắt chúng ta sẽ đi đúng đường lối của Chúa chỉ cho.

Hy vọng hai cháu của gia đình người đồng hương từ hải ngoại về sẽ mở to đôi mắt để nhìn thấy những bạn cùng trang tuổi mù lòa kém may mắn. Hai cháu sẽ tân tay trao tặng những kiếng mát cho những ông bà cô bác được cha mẹ các cháu dè xẻn-tần tiện trong công việc khó nhọc giúp đỡ cho những ông bà cô bác… và những kiếng đọc sách mà ở hải ngoại mỗi khi thay hay đổi kiếng mới người ta bỏ đi…. Recycled.

Trên màn ảnh truyền hình, trong báo chí, truyền thanh chúng ta nghe hay đọc thấy mỗi ngày, biết bao là hình ảnh tin tức tốt xấu đều có. Nhưng chúng ta có thực sự thấy được những gì sống thực phía sau những hình ảnh đó không? Sau những phong cảnh hùng vĩ của núi rừng Phi Châu, chúng ta có thấy những em bé thân hình tiều tụy với bộ xương khô đét, những bà mẹ đang bồng bế những đứa con thiếu dinh dưỡng trong sự đói rách tang thương! Chúng ta có thấy không? Hay mắt chúng ta chỉ thấy mà lòng chúng ta không dấy lên tâm tình nhân loại thương cho số kiếp đói nghèo của anh chị em đó, vì họ cũng là những con cái Chúa như chúng ta?

Chúa Giêsu đã đến và Ngài lại cứu anh mù vào ngay ngày lễ nghỉ, theo luật Dothái cấm làm việc, ngày được dành ra trong tuần để thờ phượng Thiên Chúa. Nhưng Chúa muốn chúng ta hiểu rằng, khi giúp tha nhân trong ngày thứ bảy - bây giờ là ngày Chúa Nhật - không phải là sự lỗi luật mà trái lại là điều làm sáng danh Chúa, vì chúng ta thực hành tình bác ái như Chúa đã dạy.

Dịp Tết - Mùa Xuân “Canh Tý-Con Chuột” đang đến trên Quê Hương Đất Mẹ Việt Nam, rất nhiều người về xum họp với Gia Đình-Giáo Xứ vui Xuân, có một lúc nào đó chúng ta suy nghĩ vế nguời “Đồng Hương-Hàng Xóm” bên cạnh nhà không có gì để ăn Tết không? Người Khác Là Hồng Ân”, xin đừng nghĩ “Người Khác Là Gánh Nặng”.

Ở Úc, năm nay, “Thiên Tai-Cháy Rừng” thật khủng khiếp dữ dội nhất trong lịch sử của Nước Úc… người người chung tay góp sức “Cứu Trợ-Giúp Đỡ” cho những nạn nhân của Thiên Tai. Ngay cả trong mùa thi đấu thể thao hằng năm trong Mùa Lễ Nghỉ của tháng 12.2019-1.2020 nầy các vô địch viên đều hiến tặng tiền thưởng tiền thi đấu cho chương trình cứu trợ nhân đao. Trong nước Úc, người ta rất thương thú vật, như Kangaroo, Koala, cá sấu và những thú đồng hoang khác… Chính phủ và Hội Bảo Vệ Động Vật đã kêu mời nhân dân Úc bảo trợ động vật để cứu nguy và bảo tồn động vật sau những vụ cháy rừng khủng khiếp đã giết chết hằng triệu thú đồng hoang.

Trên các vĩa hè thành phố, khu phố thương mại tấp nập kẻ buôn người bán, chúng tôi thấy có những em bé cầm lon, xin tiền cứu trợ hoả hoạn…

Giáo Hội Công Giáo trong hai tuần lễ đã kêu người tín hữu “Kẻ Ít Lòng Nhiều” đáp lại lời mời gọi của chính phủ chung bàn tay cứu trơ nhưng nạn nnân của thiên tai và chung sức xây dựng lại đất nước. Người tín hữu Công Giáo, qua học hỏi, chia sẻ lời Chúa và những gương sống vị tha trong lịch sử Giáo Hội, phải nhìn ra hình ảnh Thiên Chúa trong anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em nghèo đói đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những nạn nhân của thiên tai cháy rừng. Nếu hấp thụ được điều nầy thì mắt chúng ta sẽ luôn luôn mở ra trước những nỗi thống khổ của anh chị em cũa thiên tai cháy rừng, như thế chúng ta khỏi mù lòa trước nỗi rên xiết của anh em đồng loại.

Chúa đã đến mở mắt cho chúng ta được sáng, nhưng sau khi được nhìn thấy ánh sáng của Chúa chiếu soi, chúng ta sẽ có nhiều suy nghĩ và đưa đến những hành động thiết thực cho chính mình và tha nhân. Dĩ nhiên những điều chúng ta thực hiện theo tiếng nói của lương tâm - dưới ánh sáng đức tin - sẽ mang đến những hậu quả tốt cho tha nhân và thiệt thòi cho bản thân cho gia đình hay cá nhân. Ánh sáng nầy sẽ soi dẫn chúng ta thực hiện những điều đi ngược với những gì thế gian mong muốn.

Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ sau đây về Đức Hồng Y Newman. Trước kia, Ngài thuộc Giáo Hội Anh Giáo, sau nầy thì Ngài trở lại Công Giáo. Một hôm, có nhóm người đến hỏi Ngài là tại làm sao người ta không trông thấy Chúa? Ngài cầm tay một người trong nhóm và viết vào lòng bàn tay người đó chữ "CHÚA". Sau đó, Ngài hỏi tất cả những người đứng chung quanh họ thấy gì? Đương nhiên tất cả đều trả lời là họ thấy chữ "Chúa".

Sau đó, Ngài thò tay vào túi lấy ra một đồng bạc, Ngài để đồng bạc đó trên lòng bàn tay của người kia và hỏi đám đông: "Bây giờ đây, anh chị em thấy gì? Mọi người trả lời: "Chúng con thấy đồng bạc". Tế nhị Ngài diễn giải: "Nếu người ta thấy tiền thì không thể thấy Chúa được".

Đúng vậy, thưa Anh Chị Em, nếu chỉ muốn thấy của cải danh vọng, thân xác, thì không thể thấy Chúa được. Nếu chỉ sống trong hận thù, ghen ghét gian dối, lường gạt, bất mãn, tội lỗi thì không thể thấy Chúa được. Hôm nay, qua câu chuyện Chúa chữa người mù từ khi mới sinh để anh được thấy ánh sáng. Ánh Sáng đó là Thiên Chúa. Sự mù lòa tối tăm là của cải, danh vọng, dục vọng, hận thù, ghen ghét, gian dối, lường gạt, bất mãn và cả tội lỗi nữa.

Mượn lời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta để kết thúc bài viết về Tình Chúa bao la hay Người khác là Hồng Ân: “Đôi giày bạn không còn mang nữa, nó thuộc về những người đi chân đất. Chiếc áo bạn không còn mặc nữa, nó thuộc về những người không có áo mặc…”. Hãy nhìn lại-kiểm điểm lại trong nhà kho-garage để xe của chúng ta, trong tủ quần áo, những kệ để giày dép, chúng ta sẽ thầy có những bộ đồ, những đôi giầy và nhiều đồ vật khác, đã lâu rồi chúng ta không còn xử dụng nữa…. hãy cho đi hay dâng tặng cho người khác họ đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta và luôn ghi nhớ: “Người Khác Là Hồng Ân - chứ không phải - “Người Khác Là Gánh Nặng”.

Mùa Xuân Dân Tộc đang đến là dịp thuận tiện để chúng ta sống tích cực cuộc sống đức tin của mình vui xuân nhớ đến tha nhân, tìm gặp lại Chúa, nhìn ngắm Ngài bằng con mắt đức tin của chúng ta qua những cảnh huống, qua anh chị em của mình và sau cùng là qua những biến cố chúng ta gặp gỡ hằng ngày.Hôm nay, chúng ta đến với Chúa như người mù trong Tin Mừng, để xin Ngài ban ánh sáng và rồi hãy giữ mãi ánh sáng của Ngài làm đèn soi bước đường đời chúng ta đi.