Sau thời gian học hỏi huấn luyện, các học viên được sai ra đi hoạt động làm việc ở những vùng nơi con người đang sinh sống. Họ có nhiệm vụ sống giữa con người và loan truyền làm chứng cho điều đã học hỏi, để giúp đỡ và thuyết phục con người.

Chúa Giêsu ngày xưa sau quãng thời gian rao giảng nước Thiên Chúa, cùng huấn luyện các Tông đồ và trước khi trở về trời, cũng sai các Tông đồ ra đi: „ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ , loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.“ (Mc 16,15)

Chúa Giêsu sai các Tông đồ ra đi với sứ mạng truyền giáo. Nhưng truyền giáo là gì ?

Căn cứ vào lời Chúa Giêsu truyền, đầu tiên các Tông đồ từ Jerusalem đã vượt đường bộ hay đường biển trẩy đi khắp nơi trong đế quốc Roma từ vùng Trung Đông sang Âu châu. Và rồi từ Âu Châu các Vị Thừa sai được sai gửi đi tiếp tục công việc truyền giáo ở các đất nước khắp nơi trên thế giới, như cách đây hơn 400 năm các Linh mục, các Tu sỹ từ Pháp, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, sang truyền giáo trên các đất nước nơi các lục địa Phi Châu, Á châu, Úc Châu,

Họ là những người được Giáo Hội, được Dòng tu sai đi đến những xứ sở nơi đó sống giữa người dân và làm chứng cho tin mừng tình yêu Chúa không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính sự hy sinh dấn thân hội nhập đời sống qua nếp sống bác ái, nếp sống văn hóa, nếp sống khiêm nhượng hòa mình giữa lòng văn hóa xã hội con người.

Các vị Thừa Sai đi truyền giáo nơi xứ sở xa lạ, đầu tiên đã dấn thân vào công việc tìm hiểu phong tục tập quán đất lề quê thói của người dân bản xứ. Dân thân vào lãnh vực đó không phải để xóa bỏ, nhưng để trước hết hiểu con người. Có thế mới đi đến với họ được, và cùng giúp phát triển cho tốt đẹp thêm ra.

Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) sang truyền giáo ở Việt Nam năm 1627-1645 là một trong những vị thừa sai đã dấn thân đi vào vùng tìm hiểu hội nhập đó. Trong thời gian này vị thừa sai đã sáng lập ra Chữ Quốc Ngữ viết theo mẫu tự Latinh cho nước Việt Nam. Công việc truyền giáo của Cha đã đi đến tận vùng biên giới ngôn ngữ văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cha Alelexandre de Rohdes đã đi vào biên giới ngôn ngữ văn hóa Việt Nam như thế nào?

Để giúp mình học tiếng bản xứ thời lúc đó, Cha đã bỏ công phân tích tiếng nói qua nghe hiểu như sau:

„ Mặc dầu tiếng nói thường dân ngày nay phổ thông khắp nước Annam khác với tiếng Tàu, thế nhưng cũng đọc với những cung giọng không qúa khác với cung giọng tiếng Tàu. Tiếng Tàu chỉ có năm giọng nói, còn tiếng Annam thì có những sáu, rất đáp ứng với những dấu nhạc của ta, làm cho các tiếng đều khác nhau về nghĩa, đến nỗi không có tiếng nào mà không ghi thêm một trong sáu dấu là như hồn và đặc tính ý nghĩ của tiếng. Những dấu hay thanh thì không ghi trong chữ viết của họ, nhưng chỉ phô diễn trong giọng nói mà thôi: điều này làm cho chúng tôi rất khó hiểu sách vở của họ. Thế nhưng chúng tôi đã nghĩ cách ghi các giọng khác nhau đó bằng tất cả cách viết của chúng ta, làm cho chúng ta học sự khác biệt trong cung giọng, để hiểu ý nghĩa.

Thanh thứ nhất là thanh trầm, hạ giọng để đọc, như ta hát giọng trầm trong ca nhạc và chúng ta ghi đấu huyền của người Hy Lạp, thí dụ dò có nghĩa là cái bẫy.

Thanh thứ hai là thanh hầu như trầm hoặc gần như trầm, phải có chút cố gắng để đọc, như phát ra từ lồng ngực và chúng tôi ghi bằng một cái chấm dưới nguyên âm theo cách người Hylạp đặt chữ iota, thí dụ rệ , có nghĩa là rễ cây .

Thanh thứ ba là thanh uốn trầm, uốn giọng mà đọc và có một chút cố gắng ở ngực, và chúng tôi ghi bằng dấu uốn của người Hylạp, thí dụ mĩ là tên một gia đình qúi tộc trong xứ.

Thanh thứ tư là thanh bằng đọc mà không cần cung giọng thí dụ fa hay đúng hơn pha có nghĩa là trộn, vì trong tiếng này không có chữ F bật hơi .

Thanh thứ năm là thanh uốn nhưng dịu hơn, đọc như thể chúng ta đặt câu hỏi và chúng tôi cũng ghi bằng dấu hỏi của người Latinh, thí dụ sổ có nghĩa là danh mục, quyển ghi chép.

Thanh thứ sáu là thanh sắc, đọc với giọng bẳn gắt như thể người nào nói khi giận dữ, và chúng tôi ghi bằng dấu sắc của người Hylạp, thí dụ lá có nghĩa là lá cây. Như vậy sáu thanh (như tôi đã nói) có thể đáp ứng với sáu nốt nhạc của ta dò, rẹ, mĩ, pha, sỏ , lá.“ ( Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng ngoài, Histoire du Royaum de Tonquin, Bản Việt ngữ của Hồng Nhuệ, Tủ sách Đại Kết, 1994, tr. 69-70).

Từ căn bản phân tích tìm hiểu đó trước hết cho việc học tiếng Việt Nam phục vụ công việc truyền giáo đi vào biên giới nếp sống văn hóa xã hội đất nước Annam thời lúc đó, đã giúp cha cùng những nhà truyền giáo anh em thừa sai thành công trong công việc truyền giáo hiểu con người và con người hiểu các ngài.

Và không ngờ công trình nghiên cứu của cha đã dần dần trở thành căn bản cho việc phát triển sáng tạo ra Chữ Quốc Ngữ góp phần căn bản quan trọng vào nền văn hóa đất nước Việt Nam.

Đi làm công việc truyền giáo nơi đâu, ở vào thời gian nào, việc đầu tiên căn bản người Thừa Sai phải làm là học ngôn ngữ tiếng nói nơi đó. Ngôn ngữ văn hóa tiếng nói như chiếc chìa khóa mở cửa đi vào biên giới đời sống xã hội con người nơi đó.

Và ngày nay, việc phát triển bùng nổ các phương tiện truyền thông tin tức tiếng nói hình ảnh nhanh chóng vượt qua mọi biên giới, việc chu du tìm hiểu các nơi trên thế giới trở nên phổ thông dễ dàng, như thế việc truyền giáo phải như thế nào?

„ Các bạn trẻ thân mến, ngày nay, những tận cùng trái đất thì lại khá tương đối và luôn “có thể điều hướng” cách dễ dàng. Thế giới số - các mạng xã hội vốn quá phổ biến và luôn sẵn sàng – làm tan biến hết mọi biên giới, loại bỏ hết những khoảng cách và giảm thiểu những khác biệt. Mọi thứ đều ở trong tầm với, quá gần gũi và tức thời. Nhưng rồi việc thiếu quà tặng chân thành của cuộc sống của chúng ta, chúng ta có thể có vô số các mối liên hệ nhưng không bao giờ chia sẻ một sự hiệp thông sự sống thật sự. Để chia sẻ về mặt truyền giáo cho đến tận cùng trái đất đòi hỏi một quà tặng về bản thân trong ơn gọi mà Thiên Chúa, Đấng đã đặt để chúng ta trên mặt đất này, chọn để ban cho chúng ta (x. Lc 9:23-25). Cha dám nói rằng, đối với một người trẻ nam hay nữ là người muốn theo Đức Kitô, thì điều thiết yếu nhất là tìm kiếm, khám phá và duy trì trong hơn gọi của mình.“ ( Đức Giáo Hoàng Phanxico, Thông điệp về ngày thế giới truyền giáo 2018).

Khánh nhật truyền giáo 2018
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long