Ơn cứu rỗi đến từ Chúa Giêsu không phải để trang sức, nhưng để biến đổi chúng ta. Để được cứu rỗi, chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi - và tự cáo mình, chứ không phải là những người khác. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 6 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Chúng ta cần phải nhận ra rằng chúng ta là những kẻ tội lỗi: không học cách cáo buộc chính mình, chúng ta không thể tiến bước trong đời sống người Kitô hữu. Đó là trọng tâm sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng Thánh lễ hàng ngày tại Casa Santa Marta hôm thứ Năm.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày các suy tư của ngài dựa trên bài Tin Mừng trong ngày, trích từ Phúc Âm Thánh Luca (Lc 5: 1-11), trong đó Chúa Giêsu rao giảng trên thuyền của thánh Phêrô, và sau đó Ngài bảo thánh Phêrô thả lưới chỗ nước sâu. Tin Mừng cho biết khi các môn đệ làm theo lời Ngài “họ bắt được rất nhiều cá.”

Trình thuật này nhắc nhở chúng ta về câu chuyện mẻ cá kỳ diệu khác, diễn ra sau khi Chúa sống lại, khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ của Ngài xem có gì để ăn không. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng trong cả hai trường hợp, Chúa đã “xức dầu cho Thánh Phêrô”: đầu tiên là để trở thành một người đi thu phục người, sau đó, là để trở thành một mục tử. Rồi Chúa Giêsu đổi tên ông từ Simôn thành Phêrô; và “như một người Israel tốt”, Phêrô biết rằng thay đổi tên họ biểu thị một sự thay đổi sứ vụ. “Phêrô” cảm thấy tự hào vì ông thực sự yêu mến Chúa, “và mẻ cá kỳ diệu này tiêu biểu cho một bước tiến mới trong cuộc sống của mình.

Bước đầu tiên: tự nhận mình là kẻ tội lỗi

Sau khi thấy hai thuyền đầy cá, đến gần chìm, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”

“Đây là bước tiến có tính quyết định đầu tiên của Phêrô trên con đường trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, đó là cáo mình: Con là kẻ tội lỗi. Đây là bước đầu tiên của Phêrô; và cũng là bước đầu tiên của mỗi người chúng ta, nếu anh chị em muốn tiến lên trong đời sống tâm linh, trong đời sống của Chúa Giêsu, phục vụ Chúa, theo Chúa, đó phải là điều này: hãy cáo buộc chính mình: nếu không cáo buộc chính mình, anh chị em không thể bước đi trong đời sống người Kitô hữu.”

Ơn cứu rỗi của Chúa Giêsu không phải để trang sức, nhưng để biến đổi

Tuy nhiên, có một mối nguy ở đây. Tất cả chúng ta đều “biết rằng chúng ta là kẻ có tội” một cách tổng quát, nhưng “không dễ dàng” để buộc tội mình là người tội lỗi một cách cụ thể. “Chúng ta rất quen với việc nói, 'Con là kẻ có tội’”. Đức Thánh Cha quan sát rằng chúng ta làm điều ấy theo cùng một cách khi chúng ta nói, “Tôi là một con người,” hoặc “Tôi là một công dân Ý.” Nhưng thực sự cáo buộc chính mình có nghĩa là thực sự cảm thấy sự đau khổ của chính mình: “cảm thấy đau khổ”, đau khổ trước mặt Chúa. Nó liên quan đến cảm giác xấu hổ. Và đây là cái gì đó không đến từ lời nói, nhưng từ con tim. Nghĩa là, có một cảm nhận cụ thể, như trong trường hợp của Phêrô khi thánh nhân nói với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Ngài thực sự cảm thấy mình là kẻ tội lỗi; và rồi thánh nhân cảm thấy mình được cứu rỗi.

Ơn cứu rỗi mà “Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta” đòi hỏi sự xưng thú tội lỗi chân thành này chính vì “ơn cứu rỗi không phải là một thứ mỹ phẩm”, thay đổi vẻ bề ngoài của anh chị em bằng “hai nét vẽ.” Thay vào đó, ơn cứu rỗi biến đổi chúng ta - nhưng để tiến vào ơn cứu độ, anh chị em phải dọn chỗ trong tâm hồn mình với một lời thú nhận chân thành về tội lỗi của chính mình; và như thế chúng ta mới cảm thấy ngạc nhiên như Phêrô đã cảm nhận.

Đừng cáo buộc người khác

Như thế, bước đầu tiên trên con đường hoán cải là cáo buộc chính mình với sự xấu hổ, và để trải nghiệm được sự kỳ diệu của cảm nhận mình được cứu rỗi. “Chúng ta phải thay đổi,” “chúng ta phải làm việc đền tội,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói và mời gọi cộng đoàn suy ngẫm về những cám dỗ cáo buộc người khác:

“Có những người ngày qua ngày nói về người khác, cáo buộc người khác và không bao giờ nghĩ đến tội lỗi của chính mình. Và khi tôi đi xưng tội, tôi làm sao để xưng tội? Phải chăng giống như một con vẹt? ‘Bla, bla, bla ... Con đã phạm điều này, điều nọ ...’ Nhưng anh chị em có xúc động bằng con tim của mình trước những gì anh chị em đã gây ra không? Biết bao nhiều lần chẳng mảy may xúc động. Anh chị em đến đó để trang điểm một chút, để làm cho mình trông đẹp đẽ hơn. Nhưng nó chưa hoàn toàn ăn sâu vào trong trái tim anh chị em, bởi vì anh chị em không dành ra chỗ trong tâm hồn mình cho ơn cứu độ, bởi vì anh chị em không có khả năng tự tố cáo bản thân mình.”

Ân sủng biết rõ rằng tôi là kẻ có tội

Và do đó bước đầu tiên cũng là một ân sủng: ân sủng biết buộc tội chính mình, chứ không phải là người khác:

“Một dấu chỉ cho thấy một Kitô hữu không biết cách tự buộc tội mình là khi người ấy quen thói cáo buộc người khác, nói về người khác, và tò mò về cuộc sống của người khác. Và đó là một dấu chỉ xấu. Tôi có làm điều này không? Đó là một câu hỏi hay để đi đến cốt lõi của vấn đề. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ân sủng, ân sủng để tìm thấy chính mình mặt đối mặt với Ngài với sự diệu kỳ mà sự hiện diện của Ngài mang đến; và ân sủng cảm thấy rằng chúng ta là kẻ có tội, nhưng một cách cụ thể, và có thể nói cùng với Phêrô: ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’”


Source: Vatican News Pope at Mass: We must accuse ourselves, not others