Tài Liệu Làm Việc
PHIÊN HỌP TOÀN THỂ THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XV CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
GIỚI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ BIỆN PHÂN ƠN GỌI

CÁC CHỮ VIẾT TẮT


AL Amoris laetitia
CL Christifideles laici
CHTT (OLQ) Bản Câu Hỏi Trực Tuyến của Văn Phòng Thượng Hội Đồng
DC Deus caritas est
EG Evangelii gaudium
EN Evangelii nuntiandi
GE Gaudete et exsultate
GMTHĐ(PM) Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng (19-24 Tháng Ba 2018)
GS Gaudium et spes
HTQT (IS) Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ (11-15 Tháng Chín 2017)
HĐGM (BC) Hội Đồng Giám Mục
IE Iuvenescit ecclesia
TLCB (DP) Tài Liệu Chuẩn Bị
TB (DV) Thánh Bộ Tòa Thánh
LF Lumen fidei
LG Lumen gentium
LHBTC (USG) Liên Hiệp Bề Trên Cả
LS Laudato si’
NGTTG (WYD) Ngày Giới Trẻ Thế Giới
NMI Novo millennio ineunte
PD Placuit Deo
PDV Pastores dabo vobis
PO Presbyterorum ordinis
PP Populorum progressio
RFIS Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis
VC Vita consecrata
VG Veritatis gaudium
VD Verbum Domini

GIỚI THIỆU

Ngày 6 tháng Mười năm 2016, Đức Thánh Cha công bố chủ đề của Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ XV của Thượng Hội Đồng Giám Mục: “Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi”.

Việc làm của Thượng Hội Đồng khởi đầu ngay sau đó với việc soạn thảo Tài Liệu Chuẩn Bị ; tài liệu này được công bố ngày 13 tháng Giêng năm 2017, cùng với “Thư Gửi Giới Trẻ” của Đức Thánh Cha. Tài Liệu Chuẩn Bị bao gồm một Bản Câu Hỏi, chủ yếu ngỏ với các Hội Đồng Giám Mục, các Thượng Hội Đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các bộ phận khác của Giáo Hội, với 15 câu hỏi dành cho mọi người và các câu hỏi chuyên biệt dành cho mỗi châu lục, cũng như lời yêu cầu chia sẻ 3 “thực hành tốt nhất”.

Từ 11 tới 15 tháng Chín năm 2017, một Hội Thảo Quốc Tế về Thân Phận Tuổi Trẻ đã diễn ra, với sự tham dự của nhiều nhà chuyên môn và giới trẻ, giúp tập chú vào tình huống giới trẻ ngày nay theo quan điểm khoa học.

Bên cạnh các sáng kiến trên, nhằm có sự can dự của tòan thể Giáo Hội, còn có một vài dịp để lắng nghe tiếng nói của chính người trẻ, nhằm biến họ thành những người chủ động ngay từ đầu. Trước nhất, một bản Câu Hỏi Trực Tuyến đa ngôn ngữ của Văn Phòng Thượng Hội Đồng đã được soạn thảo và được một số Hội Đồng Giám Mục phiên dịch, và các câu trả lời đã nhận được từ hơn một trăm ngàn người trẻ. Sự phong phú trong tư liệu thu được thật là đáng kể. Kế đến, cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng đã diễn ra (Rôma, 19-24 Tháng Ba 2018), kết thúc vào Chúa Nhật Lễ Lá, khi Tài Liệu Sau Cùng được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Khoảng 300 người trẻ từ 5 châu lục đã tham dự trực tiếp, cũng như 15 ngàn người nữa tham dự qua các phương tiện truyền thông xã hội. Biến cố này, một biến cố nói lên ước vọng của Giáo Hội muốn lắng nghe mọi người trẻ, không trừ ai, đã lôi cuốn được rất nhiều chú ý.

Các tư liệu thu lượm từ 4 nguồn chính nói trên, cùng với “Các Nhận Xét” gửi trực tiếp cho Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng , chắc chắn có tính rất sâu rộng. Với sự giúp đỡ của một số chuyên gia, chúng đã được phân tích thấu đáo, tóm tắt cẩn trọng và rồi được trình bầy trong Tài Liệu Làm Việc này, một tài liệu đã được Hội Đồng Thường Lệ của Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng thông qua, dưới sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Bản văn này được sắp xếp thành 3 phần và đề cập đến các chủ đề này một cách phản ảnh được chương trình của Phiên Họp Thượng Hội Đồng vào tháng Mười, dựa trên phương pháp biện phân: Phần I, dưới tựa đề “nhìn nhận”, trong 5 chương, sẽ đem lại với nhau các quan điểm khác nhau, một loạt các tình huống trong đó chúng ta lắng nghe thực tại và kiểm điểm tình huống giới trẻ ngày nay. Phần II, dưới tựa đề “giải thích”, trong 4 chương, sẽ cung cấp cho ta một số chìa khóa giải thích đối với các vấn đề có tính quyết định từng gửi cho Thượng Hội Đồng xem xét; Phần III, hướng tới việc “lựa chọn”, trong 4 chương, sẽ thu thập các yếu tố khác nhau giúp các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quyết định theo đường hướng nào và đưa ra các quyết định nào.

Bản văn này kết thúc với việc tập chú có ý nghĩa vào chủ đề thánh thiện, để Phiên Họp Thượng Hội Đồng nhìn nhận đây là “khuôn mặt lôi cuốn nhất của Giáo Hội” (GE 9) và có thể thông truyền nó cho mọi người trẻ ngày nay.

Điện Vatican, 8 Tháng Năm 2018
Hồng Y Lorenzo Baldisseri
Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng


DẪN NHẬP

Các Mục Đích của Thượng Hội Đồng

1. Chăm sóc giới trẻ không phải là một nhiệm vụ nhiệm ý đối với Giáo Hội, mà là một thành phần cấu tạo ra ơn gọi và sứ mệnh của Giáo Hội trong lịch sử. Chỉ trong một vài hạn từ, nhưng đây là phạm vi chuyên biệt của Thượng Hội Đồng sắp tới: như Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã cùng đi với các môn đệ trên đường Emmaus (xem Lc 24: 13-35) thế nào, Giáo hội cũng được khuyến khích đồng hành với mọi người trẻ, không trừ một ai, hướng về niềm vui yêu thương.

Với sự hiện diện và lời nói của họ, giới trẻ có thể giúp trẻ trung hóa khuôn mặt của Giáo Hội. Có một nối kết về chủ đề giữa Thông điệp gửi những người trẻ của Công đồng Vatican II (8 tháng 12 năm 1965) và Thượng Hội đồng về Giới Trẻ (3-28 tháng 10 năm 2018), một điều được Đức Thánh Cha nêu bật khi ngài giới thiệu cuộc Gặp mặt tiền Thượng Hội Đồng: « Thông điệp tuyệt vời gửi giới trẻ của Công đồng Vatican II xuất hiện trong tâm trí. […] Nó là một lời mời tìm kiếm những con đường mới mẻ và hành trình dọc theo chúng một cách mạnh dạn và tín thác, luôn chú mục vào Chúa Giêsu và mở lòng ra với Chúa Thánh Thần, để trẻ trung hóa chính khuôn mặt của Giáo Hội”, trong khi chúng ta đồng hành với giới trẻ trong cuộc hành trình biện phân ơn gọi của họ giữa “sự thay đổi thời đại” này.

Phương pháp biện phân

2. Trong biện phân, chúng ta nhận ra một cách sống, một phong cách, một thái độ căn bản và cũng là một phương pháp làm việc; nó là một con đường để cùng đi với nhau, nhờ đó chúng ta xem xét các năng động tính xã hội và văn hóa mà chúng ta đang sống, bằng đôi mắt môn đệ. Biện phân dẫn chúng ta đến chỗ nhận biết - và trở nên đồng điệu với - hành động của Chúa Thánh Thần, trong sự vâng phục thiêng liêng thực sự. Bằng cách này, nó trở thành sự cởi mở đối với những điều mới mẻ, can đảm tiến ra ngoài và chống lại sự cám dỗ muốn giản lược những điều mới mẻ vào những điều chúng ta đã biết. Biện phân là một thái độ thực sự thiêng liêng. Vì nó là sự vâng lời đối với Chúa Thánh Thần, biện phân, trước nhất và trên hết, là lắng nghe, một điều cũng có thể trở thành động lực cho các hành động của chúng ta, là khả năng biết trung thành một cách sáng tạo đối với sứ mệnh duy nhất mà Giáo Hội luôn được giao phó. Do đó, biện phân trở thành một dụng cụ mục vụ, có khả năng nhận diện được các nẻo đường sống động mà giới trẻ ngày nay có thể bước theo, và cung cấp sự hướng dẫn và các đề xuất cho sứ mệnh vốn không được làm sẵn, nhưng là kết quả của một hành trình giúp chúng ta bước theo Chúa Thánh Thần. Nẻo đường nào được cấu trúc cách này đều mời gọi chúng ta mở lòng ra chứ không khép kín, nêu câu hỏi mà không gợi ý các câu trả lời đã được xác định từ trước, chỉ ra các lựa chọn có thể có và thăm dò các cơ hội. Trong khuôn khổ này, điều rõ ràng là chính Phiên Họp Thượng Hội đồng, vào tháng 10 tới, cần được tiếp cận bằng các thái độ thích đáng đối với diễn trình biện phân.

Cấu trúc bản văn

3. Tài Liệu Làm Việc tập hợp và tóm tắt các đóng góp được thu thập trong diễn trình tiền Thượng Hội Đồng trong một tài liệu được cấu trúc thành ba phần, phản ánh rõ ràng cấu trúc của diễn trình biện phân được mô tả trong Evangelii Gaudium 51: nhìn nhận, giải thích, lựa chọn. Do đó, các phần không độc lập với nhau, nhưng là các giai đoạn trong một diễn trình tổng thể duy nhất.

Nhìn nhận. Bước đầu tiên là nhìn và lắng nghe. Điều này đòi phải chú ý đến tình huống thực sự của giới trẻ ngày nay, trong các hoàn cảnh và bối cảnh đa dạng họ đang sống. Nó đòi sự khiêm nhường, sự gần gũi và tương cảm, để hòa hợp với họ, và nắm vững đâu là các niềm vui và hy vọng của họ, đâu là những nỗi đau buồn và sự lo lắng của họ (xem GS 1). Tương tự như vậy, chúng ta nên hướng đôi mắt và đôi tai biết quan tâm, lo lắng của chúng ta về phía kinh nghiệm của các cộng đồng giáo hội vốn can dự vào giới trẻ trên khắp thế giới. Trong bước đầu tiên này, chúng ta nên tập trung vào việc nắm vững các thực tại cụ thể: các khoa học xã hội cung cấp một đóng góp thiết yếu, những đóng góp, bất ngờ thay, đã được thể hiện rõ ràng trong các nguồn đang được sử dụng, nhưng những gì các khoa học này nói sẽ được xem xét và đọc lại dưới ánh sáng đức tin và kinh nghiệm của Giáo Hội.

Giải thích. Bước thứ hai dẫn chúng ta duyệt lại những gì chúng ta đã nhìn nhận, bằng cách sử dụng các tiêu chuẩn giải thích và đánh giá bắt nguồn từ viễn ảnh đức tin. Khung tham chiếu phải dựa trên các phạm trù thánh kinh, nhân chủng học và thần học được phát biểu trong những hạn từ chủ yếu của Thượng Hội Đồng: giới trẻ, ơn gọi, sự biện phân ơn gọi và đồng hành thiêng liêng. Do đó, việc xây dựng một khung tham chiếu thoả đáng theo quan điểm thần học, giáo hội học, sư phạm và mục vụ là điều quan trọng về mặt chiến lược: một điều có thể giúp chúng ta tránh các phán xét vội vàng, mặc dù nhìn nhận “rằng trong Giáo hội, nhiều cách giải thích khác nhau về tín lý và đời sống Kitô hữu có thể sống chung một cách hợp pháp»(GE 43). Đây là lý do tại sao chúng ta phải có được một năng động tính tâm linh cởi mở.

Chọn lựa. Chỉ trong ánh sáng ơn gọi đã được chấp nhận mới có thể hiểu được đâu là các bước cụ thể mà Chúa Thánh Thần đang kêu gọi chúng ta thực hiện, và đâu là hướng đi phải theo để đáp lại lời kêu gọi của Người. Trong giai đoạn thứ ba của biện phân này, chúng ta cần khảo sát các phương thức và thực hành mục vụ, và vun sới sự tự do nội tâm giúp chúng ta chọn lựa những phương thức và thực hành cho phép chúng ta dễ đạt được hơn các mục tiêu của mình và loại bỏ những mục tiêu kém hiệu quả. Vì vậy, đây là một sự đánh giá liên quan đến hoạt vụ và một phân tích có phê phán, chứ không phải là một phán quyết về giá trị hoặc ý nghĩa mà các phương thúc này có thể có trong các hoàn cảnh hoặc thời gian khác. Bước này sẽ cho phép chúng ta nhận diện nơi cần cải tổ, cũng như những thay đổi đối với thực hành có tính giáo hội và mục vụ mà nếu không có thể trở thành cứng ngắc.

Kỳ tới: GIÁO HỘI LẮNG NGHE THỰC TẠI