Phụ Chương 1: Đức tin mặc nhiên

Sư phạm của Thiên Chúa nói trên vốn là chủ đề liên lỉ của các giáo phụ (Clêmentê thành Alexandria, Irênê thành Lyons v.v…). Truyền thống Kinh Viện khai triển ra giáo huấn fides implicita (đức tin tiềm ẩn). Điều này dẫn khởi từ Thư Do Thái 11:1,6: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng… ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người”.

Đối với Thánh Tôma Aquinô, đức tin vào Thiên Chúa là nội dung đích thực của đức tin. Đối với ngài, đức tin vào Thiên Chúa như mục đích và hạnh phúc tối hậu của con người cũng như đức tin vào ơn quan phòng của Thiên Chúa suốt trong lịch sử đã tạo nên các chân lý đức tin vốn là máng chuyển ơn cứu rỗi. Các chân lý này cũng mặc nhiên bao gồm sự nhập thể và các thống khổ của Chúa Kitô (23). Trong các đoạn khác, ngay khi Thánh Tôma thay đổi danh sách các chân lý đức tin cần cho sự cứu rỗi (thí dụ Summa Theologiae, q. 1, a.6 ad 1), ta vẫn coi câu vừa rồi là tuyên bố chính của ngài liên quan tới chủ đề đức tin mặc nhiên (24). Do đó, luận đề cho rằng để một hôn nhân thành hiệu chỉ cần người kết hôn có ý định kết ước một cuộc hôn nhân theo cung cách các Kitô hữu quen làm đã không thoả mãn đòi hỏi tối thiểu này. Đối với những ai chỉ là Kitô hữu về phương diện văn hóa, thứ ý định này chỉ bao gồm ý định kết ước cuộc hôn nhân của họ theo nghi lễ thông thường của Giáo Hội, không hẳn vì đức tin, mà đúng hơn để lễ cưới của họ long trọng hơn, mừng vui hơn so với lễ cưới dân sự.

Muốn cho bí tích hữu hiệu, điều không thể thiếu là phải tin vào Thiên Chúa hằng sống như là mục tiêu và hạnh phúc của nhân loại và tin vào sự quan phòng của Người, nghĩa là tin Thiên Chúa muốn dẫn ta trên đường đời tới mục đích và hạnh phúc đời ta. Khởi diễn từ xác tín ban đầu nhưng nền tảng này, làm điều kiện tối thiểu cho việc lãnh nhận bí tích có hiệu quả, việc dạy giáo lý để chuẩn bị kết hôn trong Giáo Hội phải cho thấy Thiên Chúa đã biểu lộ nơi ta mục tiêu này và Chúa Giêsu Kitô cách cụ thể ra sao làm đường tiến tới mục tiêu này và hạnh phúc đời ta. Nó cần chỉ rõ tình yêu và lòng trung tín của Người trở nên hiện hữu cách hữu hiệu ra sao nơi Giáo Hội qua bí tích hôn phối, để đồng hành với các cặp đính hôn và các cặp kết hôn cùng với con cái mà Chúa sẽ ban cho họ, trên đường đời tương lai với nhau và dẫn họ tới hạnh phúc đời họ, là được sống trong Chúa và với Chúa và, sau cùng, được hưởng cuộc sống trường sinh. Qua cách này, mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, vốn trở nên cụ thể trong hôn nhân, sẽ dần dần được tỏ lộ.

Phụ Chương 2: Thực hành của Giáo Hội Sơ Khai

Theo Tân Ước, ngoại tình và tà dâm (fornication) là các tác phong hoàn toàn mâu thuẫn với tư cách làm Kitô hữu. Bởi thế, thời Giáo Hội Sơ Khai, song song với tội bỏ đạo và giết người, ngoại tình cũng thuộc loại tội trọng khiến người phạm tội bị loại ra khỏi Giáo Hội. Theo lối suy nghĩ của Cựu Ước Do Thái, vì sự tà dâm của một người phối ngẫu “làm ô nhiễm” (Lv 18:25, 28; Đnl 24:4; Hs 4:2tt, Grm 3:1-3, 9) người phối ngẫu kia và toàn thể cộng đồng, nên người chồng, theo dự liệu ngoại tình trong Mátthêu (Mt 5:32 và 19:9), là Tin Mừng được viết cho Kitô hữu gốc Do Thái Giáo, được phép, thậm chí có khi còn bị truyền, bỏ người vợ ngoại tình. Dĩ nhiên, ngay từ thuở ban đầu, các giáo phụ đã nhấn mạnh rằng cùng một quyền lợi và cùng một bổn phận phải được áp dụng cho cả người đàn bà lẫn người đàn ông. Từ các bản văn, ta không thể hoàn toàn biết rõ về thực hành của giáo hội sơ khai liên quan tới việc giải thoát khỏi hôn nhân vì tội ngoại tình. Vì các bản văn này không luôn phân biệt rõ giữa ngoại tình và tà dâm, song hôn đồng thời và tiếp nối sau cái chết của người phối ngẫu thứ nhất (dù trường hợp sau được tranh luận trong một số vụ), và ly thân vì cái chết hay xua đuổi. Liên quan tới các câu hỏi liên hệ có tính giải thích và lịch sử, ta thấy có một bộ văn chương khá hoàn bị cũng như nhiều lối giải thích khác nhau. Một đàng, nên nhắc tới Giovanni Cereti với cuốn “Divorzio, Nuove nozze e penitenza nella Chiesa primitive (Bologna: Edizioni Dehoniane, 2013 [1977]”; và đàng khác, là Henri Crouzel với cuốn “L’Église primitive face au divorce” (Paris: Beauchesne, 1971) và Joseph Ratzinger với “Zur Frage der Unaufloslichkeit der Ehe: Bemerkungen zum dogmengeschichtlichen Befund und seiner gegenwartigen Bedeutung” trong “Ehe und Ehescheidung” do Franz Heinrich và Volker Eid chủ biên (Munich: Kosel Verlag, 1972) 35-56.

Tuy nhiên, không thể hoài nghi sự kiện này: thời giáo hội sơ khai, theo luật phong tục, tại một số giáo hội địa phương, vốn có thực hành khoan dung, nhân hậu, và kiên nhẫn (forbearance) sau một thời kỳ thống hối. Chính căn cứ vào hậu cảnh của thực hành này mà ta cần phải hiểu điều 8 của Công Đồng Nixêa năm 325, là điều nhằm chống lại chủ nghĩa khắt khe của phái Nôvatiô. Luật phong tục này đã được Origen minh nhiên chứng thực. Ông coi nó không phi lý (Chú Giải Mátthêu, 14:23). Thánh Basilêô Cả (Thư 188:4 và 199:18) và một số vị khác cũng nhắc tới nó. Họ biện minh cho câu “không vô lý” bằng ý hướng mục vụ để “tránh điều xấu hơn”. Trong Giáo Hội La Tinh, thực hành này bị bãi bỏ bởi thế giá của Thánh Augustinô để ủng hộ một thực hành nghiêm nhặt hơn. Nhung trong một đoạn khác, ngay Thánh Augustinô cũng nói tới một sai lầm có thể tha thứ được (Về Đức Tin và Việc Làm, 19:35). Nên xem ra cả ngài nữa cũng không loại bỏ mọi giải pháp mục vụ ngay từ đầu. Ngay cả sau đó, Giáo Hội Tây Phương, với các quyết định tại các thượng hội đồng hay các định chế tương tự, cũng nhiều lần tìm kiếm và đã tìm ra nhiều giải pháp cụ thể cho các hoàn cảnh khó khăn. Theo P. Fransen, “Das Thema ‘Ehescheidung und Ehebruch’ auf dem Konzil von Trient (1563)”, Concilium 6 (1970): 343-348, Công Đồng Trent lên án chủ trương của Luther, nhưng không lên án thực hành của Giáo Hội Đông Phương. Hubert Jedin đồng ý như vậy.
Các Giáo Hội Chính Thống duy trì quan điểm mục vụ của truyền thống giáo hội sơ khai, phù hợp với nguyên tắc oikonomia (khoan dung) của họ. Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ sáu, theo luật đế quốc Byzantine, họ đã đi quá cả chủ trương khoan dung mục vụ để, ngoài các điều khoản liên quan tới ngoạị tình, còn thừa nhận nhiều cơ sở phụ cho việc ly dị, đặt căn bản trên cái chết tinh thần chứ không chỉ trên cái chết thể lý của dây hôn phối. Giáo Hội Tây Phương đi theo con đường khác hẳn. Giáo Hội này loại bỏ việc tiêu hủy một cuộc hôn nhân bí tích đã được kết giao thành sự và được hoàn hợp giữa các cá nhân đã chịu phép rửa (Bộ Giáo Luật điều 1141). Tuy nhiên, Giáo Hội này nhìn nhận việc tiêu hủy các cuộc hôn nhân chưa hoàn hợp (Bộ Giáo Luật điều 1142) cũng như việc tiêu hủy những cuộc hôn nhân không bí tích bằng đặc ân Thánh Phaolô hay đặc ân Thánh Phêrô (Bộ Giáo Luật điều 1143). Ngoài ra, còn có những án tuyên bố vô hiệu vì những thiếu sót về hình thức. Khi cho phép như thế, người ta có thể tự hỏi há các quan điểm luật pháp, chỉ mới có trong lịch sử sau này, đã chẳng được đẩy về phía sau đó sao?

Joseph Ratzinger đề nghị tiếp nhận quan điểm của Thánh Basilêô một cách mới mẻ. Đề nghị này xem ra là một giải pháp thích đáng, một giải pháp cũng làm nền cho các suy nghĩ hiện thời của tôi. Ta không thể hành động dựa vào thế giá của lối giải thích này hay lối giải thích nọ hiện vẫn còn đang bị tranh cãi. Ta lại càng không thể đơn thuần lặp lại các giải pháp của giáo hội sơ khai cho hoàn cảnh hiện nay của ta, là hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thay đổi của ta, ta có thể tiếp nhận một lần nữa các quan tâm nền tảng của giáo hội sơ khai và tìm cách thể hiện chúng trong hoàn cảnh hiện nay, một cách phải lẽ và công bằng dưới sự soi sáng của Tin Mừng.

Ghi Chú

1. Các văn kiện quan trọng nhất là: Công Đồng Trent: DH 1797-1816; Công Đồng Vatican II, Gaudium et spes 47-52 (GS); tông huấn Familiaris Consortio (1981) (FC); Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo (1993), 1601-1666 (SGLCGHCG); tông huấn Sacramentum Caritatis (2007) 27-29; và thông điệp Lumen Fidei (2013) 52tt.

2. Liên quan tới việc khai triển giáo huấn này: Công Đồng Vatican I (DH 300020) và Công Đồng Vatican II (DV 8); John Henry Newman, Essay on the Development of Christian Doctrine (London: James Toovey, 1845). Yves Congar, Tradition and Traditions: An Historical and a Theological Essay (New York: Macmillan, 1967).

3. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I/II, q.106, a.1 và 2; xem EG 37.
4. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, III q. 61, a.4.
5. Xem Phụ Chương 1.
6. Định nghĩa luật tự nhiên trong Các Sắc Chỉ (Decretals) Của Gratian (D. 1 d.a.c. 1), là sách đã trở thành qui phạm đối với truyền thống luật tự nhiên của Thời Trung Cổ, và cho cả đầu thời hiện đại và Kitô Giáo Cải Cách trước đó.

7. Từ việc phân biệt giữa tính dục, hay tính dục sinh học, và phái tính (gender), hay việc lên khuôn tính dục có tính xã hội và văn hóa, một số chủ trương đã rút ra sự bình đẳng nền tảng và do đó, tính tùy tiện (arbitrariness) của một số cấu hình khác nhau về tính dục, bất kể là đơn hôn, đa hôn, dị tính, đồng tính hay chuyển tính (transsexual). Đàng sau các chủ trương này là chủ nghĩa nhị nguyên hồn xác của tân ngộ đạo, là chủ nghĩa không nhận ra sự thống nhất và tính toàn bộ (holism) của con người nhân bản (xem 1Cor 1:12-20). Theo xác tín Kitô Giáo, thân xác, ngay trong tính dục của nó, vẫn là một biểu tượng thực sự của linh hồn, còn linh hồn xác định ra mô thức sống (life-form) của thân xác. Điều quan trọng là cần phải thêm rằng thiết lập ra sự kiện dị biệt hóa không hề hàm nghĩa hay biện minh cho kỳ thị (xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 2357-2359).
8. Khởi từ phương thức bản vị toàn diện của nó, ta có thể giải thích thông điệp của Đức Phaolô VI liên quan tới việc làm cha mẹ có trách nhiệm, Humanae Viae (1968), theo nghĩa toàn bộ này. Familiaris Consortio 29 và 31f cũng tương tự như thế.
9. Bênêđíctô XVI, thông điệp Caritas in Veritate (2009), 1-9, 30, 33.
10. Về điểm này, xin xem Hiến Chương Các Quyền Gia Đình (1983) của Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình và Tuyển Tập Giáo Huấn Xã Hội Giáo Hội (2004), 209-254 của Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý Và Hoà Bình.
11. Xem Mc 10: 2-12; Lc 16:18; 1 Cr 7:10f. Về các điều khoản liên quan tới ngoại tình, Mt 5:32 và 19:9, và liên quan tới 1Cr 7:15, xin xem tiết 5 và phụ chương 2.
12. Thánh Augustinô, Về Hôn Nhân và Tư Dục, 1:10, 11; Về Các Cuộc Hôn Nhân Ngoại Tình; Bài Giảng 392:2.
13. Thánh Gioan Kim Khẩu, In genesim Sermo, 6:2; 7:1.
14. Đức Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptoris Missio, 51; Familiaris Consortio 21, 49-64; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 1655-1658; Lumen Fidei, 52tt.
15. Đức Gioan Phaolô II, tông huấn Catechesi Tradendae (1979), 68.
16. Một vấn đề, vốn chỉ có thể nêu ra ở đây, được nêu lên cho các cuộc hôn nhân và các gia đình hỗn hợp về phương diện tuyên tín, tức các cuộc hôn nhân và gia đình không thể cùng nhau chia sẻ trọn vẹn Thánh Thể được.
17. Về Chúa Nhật, xem Đức Gioan Phaolô II, tông huấn Dies Domini (1998), 55-57. Về linh đạo của communio: tông huấn Novo Millennio Ineunte (2001), 43.
18. Xem Joseph Ratzinger, “Zur Frage der Unaufloslichkeit der Ehe: Bemerkungen zum dogmengeschichtlichen Befund und seiner gegenwartigen Bedeutung” trong Ehe und Ehescheidung, do Franz Heinrich và Volker Eid (Munich: Kosel Verlag, 1972), 35, 56. Xem phụ chương hai liên quan tới điều sau.
19. Xem Công Đồng Trent: DH 1542 và 1672.
20. Công Đồng Nixêa, điều 8; khi trở lại Giáo Hội Công Giáo, “những người gọi là trong sạch” được yêu cầu những điều sau: “họ phải cổ vũ lối sống cộng đoàn cả với những người đang sống trong cuộc hôn nhân thứ hai cũng như với những người bỏ đạo thời bách hại”.
21. Thánh Bênêđíctô, Luật, 64-17-19. Nói tổng quát hơn, đối với Thánh Tôma, khôn ngoan là nền tảng, là cội rễ và là nguyên tắc hướng dẫn mọi cuộc sống tốt đẹp: Summa Theologiae, I/II, q.57, a.6; q.58, a.4.
22. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I/II, q.64, a.1tt; De Virt., a.13.
23. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I/II, q.1, a.7.
24. Xem phụ chương trong ấn bản tiếng Đức các tác phẩm của Thánh Tôma (Munich và Salzburg, 1950) Vol 15: 431-437.

Kỳ sau: Nhận Định Kết Thúc Về Cuộc Thảo Luận