Có chi thái quá hay bất cập ?



Tiên vàn, chúng ta hãy lướt qua tập sách của học giả gốc Tầu tên là Bá Dương viết, nhan đề ‘Người Trung quốc xấu xí’, kể ra những thứ không hay của con cháu cụ Mao. Tác giả chắc muốn nhắc người đồng hương ráng sửa sai cách sống cho hợp hơn với nền văn minh thế giới ngày nay. Ông mở đầu bằng loạt diễn thuyết ở đại học Iowa Mỹ vào năm 1984. Ông cũng nhắc đến mấy tác giả khác cũng viết như vậy về dân Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Nhưng rồi đâu phải ai cũng ủng hộ đồng tình với ông Dương ! Khi ông chân thành nói lên những thói xấu cố hữu của dân ông, như khó hợp tác chung, tâm địa hẹp hòi, sống lộn xộn dơ dáy, ưa đả kích bạn bè, thích tìm trả thù vặt, cũng như chỉ kiếm lợi ích cá nhân và gia đình, thiếu bao dung, quen sống vô cảm, tự ái không mấy khi chịu nhận lỗi, hay thích khoa trương hãnh diện hão, kém mà không chịu khiêm tốn học hỏi nơi người ngoài…, thì bạn bè xem ra không vui với ông. Khi ông bảo kẻ thù lớn nhất của người Trung quốc là chính…người Trung quốc, thì ông bị bao kẻ nhao nhao lên phản đối. Nhưng ông vẫn bênh vực lập trường của mình, rồi hăng hái chứng minh vì những thứ đó mà nước Tàu chậm tiến quá, so với thế giới hiện đại.

Có anh bạn cũng khoái tư tưởng của ông Dương lắm, nhất là câu ông ngôn về quan niệm lệch lạc của người Tầu thế này: Bên Tầu ai cũng khoe nước mình có dân chủ, nhưng họ hiểu rằng “Mày là dân, còn Tao là chủ” ! Và anh bạn này hay kiếm dịp thử đem tâm tình dân Việt Nam ra bàn bạc mổ xẻ, theo chân ông Dương trước đây. Bàn như sau:

Thế kỷ trước, tại Việt Nam có học giả nổi tiếng Nguyễn văn Vĩnh, một lần viết báo bảo rằng dân Việt Nam có thói xấu là ‘gặp cái gì cũng cười’. Mà cười ở đây không phải cười tươi để khích lệ hay xây dựng, mà cười hóm hỉnh bí mật, cười ‘ruồi’ cho qua chuyện, cười khẩy như vẻ khinh bạc…Phải chăng đây là một dấu chỉ đặc trưng, nói lên tâm trạng dân mình lâu nay. Nó có thể nói lên sự vắng bóng của lòng chân thành với nhau, khiến xóm thôn thiếu hẳn đi tình người. Đây xem ra chỉ là một góc của vấn đề ?

Mới đây, tôi về thăm quê nhà, thấy hoàn cảnh dân chúng sống trong một xã hội kiểu ‘bao cấp, đã rất buồn lòng khi thấy đa số dân chúng xem chừng đang quen lối sống ‘ảo’ thế này:

Ai cũng có việc làm, nhưng không ai làm việc.

Ai cũng không làm việc, nhưng ai cũng có lương.

Ai cũng có lương, nhưng không ai đủ sống.

Ai cũng không đủ sống, nhưng ai cũng sống.

Ai cũng sống, nhưng không ai hài lòng.

Ai cũng không hài lòng, nhưng ai cũng giơ tay ‘đồng ý’.

Vào chi tiết, anh bạn thêm: “Tôi đọc nhiều sách của cả chục học giả Việt Nam cũ mới, từ Phan kế Bính, tới Phạm Quỳnh, rồi Đào duy Anh, Phan Bội Châu, Phan Khôi…, nay xin tóm gọn cái phần ‘tiêu cực’ thế này: nhìn cho kỹ, dân ta cũng thuộc diện khá ‘loạng quạng’: nào là cái dở về đạo đức nông cạn, ưa xu nịnh, hám danh hão, rồi làm việc thiếu sáng tạo, kém kiên trì dài lâu, không ưa hợp tác vì hay đố kỵ và thiếu chữ tín “.

Vậy bây giờ chúng ta thử ‘tản mạn’ vụ này xem sao nhé: Phải chăng phần nào mình đã bị lây tâm trạng người Tầu ? Hoặc vì 100 năm bị người Pháp đô hộ ? Dĩ nhiên chả thoát chuyện bị ‘lây’, nhưng chuyện cần nói là cái tinh thần ‘nô lệ’ vẫn phảng phất nhiều nơi. Cái tinh thần này kéo theo cái thái độ ỷ lại đáng lưu tâm. Rồi kết cục người ta suy ra tại sao nhiều người vẫn sống trong tâm trạng chia rẽ, phe nhóm, cục bộ. Kẻ dễ tính thì bảo tại vì từ thuở ban đầu, tổ tiên ta đã thích phân rẽ: Lạc long Quân mang 50 con xuống vùng biển, còn nàng Âu Cơ lôi 50 con lên miền núi…

Nhân chi sơ tính bản thiện



Câu nói lạc quan này của đức Khổng Tử tiên vàn phải áp dụng cho dân Việt chúng ta. Chẳng những có căn bản thiện hảo, mà còn luôn sống hào hùng bất khuất. Dẫu đó đây ta thấu nhiều thiếu sót và lệch lạc, và dù một số người thất học vì nghèo túng hay chiến tranh nên còn ‘kém văn minh’, nhưng nói chung dân ta khá dễ ‘phục thiện’ khi được hướng dẫn sửa sai. Này nhé, người mình can đảm trước hiểm nguy, nhất là biết đoàn kết chống ngoại xâm qua bề dài lịch sử. Dân Tầu ỷ người đông,’cả vú lấp miệng em’, nhất là trong thời gian dài đô hộ nước ta, nhưng họ luôn phải e dè và kiêng nể. Khi họ dùng chữ ‘rợ’ để gọi dân Việt, nhưng ai cũng nghĩ đây là thứ rợ ‘có văn hóa cao cấp’.

Vào thời Hồng Đức nhà Lê, khi sứ giả Tàu qua gặp vua Việt Nam, ông đã được ‘chủ’ căn dặn kỹ lưỡng “phải lấy lễ độ mà ứng xử, vì đây là một xứ có văn hiến rõ ràng”. Chung quy là qua bề dày lịch sử, dân Việt luôn biết đoàn kết khi nước có biến, khi bờ cõi bị xâm lấn. Còn khi thái bình, họ thấm đạo làm người, nên có thêm đức tính thủy chung. Tất cả bắt nguồn từ chuyện giáo dục gia đình:

Trai thì trung hiếu làm đầu,

Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình.

Và nữa:

Con ơi muốn nên thân người

Ghi lòng tạc dạ những lời mẹ cha.

Văn hóa Việt Nam luôn chú trọng chữ hiếu: kính trọng và vâng phục ông bà cha mẹ suốt đời mình. Thành ra tác phẩm ‘Nhị thập tứ hiếu’, dù tả lại những gương sáng từ nước Tầu, luôn được đem ra để dạy dỗ đàn con lũ cháu tại mỗi gia đình Việt Nam. Chữ hiếu luôn được coi là nến móng nối kết tình nghĩa của mọi thành phần trong gia đình, để rồi gia đình xây dựng nền tảng của cộng đồng xã hội. Nó tạo nên cái sườn cho nền luân lý của cả quốc gia, dân tộc. Chữ hiếu do đó cung cấp những giá trị cao cả, ca tụng những điều căn bản thiêng liêng nhất mãi gắn bó với con người.

Từ điểm này mà chúng ta thấy trong đời sống thường ngày, chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện cưới hỏi đã có những nề nếp và khung khổ rõ ràng. Các bạn trẻ luôn tham khảo ý kiến của cha mẹ, cũng như chia sẻ ‘chuyện tương lai’ của mình với các anh chị em, trước khi quyết định việc lập gia đình. Ai cũng biết, tại Việt Nam, xuyên qua bao thế hệ, anh chị em trong nhà được ví như ‘tay chân’. Cha mẹ già cả đau yếu thì con cái phải tận tình săn sóc thăm nom. Nếu cha chết thì anh cả sẽ ‘quyền huynh thế phụ’. Với các dịp giỗ tết, qua truyền thống khói hương, cha mẹ tuy đã qua đời mà vẫn được coi như còn sống quanh quẩn trong nhà với con cháu.

Nền văn hóa sáng ngời



Sau khi thoát ách đô hộ Tầu, dân ta vươn mình trên đường tiến bộ cùng thế giới. Chuyện chế ra chữ Nôm là một điểm son thuộc góc cạnh văn học, đã làm sửng sốt nhiều dân tộc khác. Dĩ nhiên sau khi được các giáo sĩ Công Giáo ngoại quốc, đặc biệt với cố gắng tuyệt vời của cha Đắc Lộ, dân Việt đã tiến một bước rất xa và thật dài. Dựa vào những nét văn học huy hoàng, dân Việt liên tục góp phần vào sự nghiệp chung, khởi sự với những mảng văn học bình dân ngay từ thời phôi thai. Qua kho tàng văn thơ dân dã, người Việt chứng minh cách hùng hồn là một dân rất có tâm hồn lãng mạn, giỏi về trí tưởng tượng, tài về nét khôi hài trào phúng.:

Bà già đi chợ Cầu Đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng

Thày bói xem quẻ nói rằng

Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn !

Ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ còn được tăng cường với một ‘bồ’ câu đố, mà một khi có dịp được mang ra khoe với người ngoại quốc, ai ai cũng bỡ ngỡ sửng sốt. Vài ví dụ cụ thể:

-Đi nằm, đứng nằm, ngồi nằm, nằm thì ngồi (2 bàn chân)

-Ngả lưng cho thế gian nhờ,

Vừa êm vừa mát, lại ngờ bất trung (cái phản nằm)

-Bốn ông đạp đất, một ông phất cờ

Một ông vơ cỏ, một ông bỏ phân (trâu gặm cỏ).

Dĩ nhiên chẳng ai quên nổi biết bao truyện tiếu lâm dân gian, giúp già trẻ luôn có cơ hội để cười vui giữa cuộc sống lao động vất vả. Đâu thấy dân tộc nào có cách diễn tả nhiều hành động khác nhau, nhưng luôn có chung một từ, tỉ như từ ‘ăn’: Ăn mặc, ăn chơi, ăn thua, ăn cắp, ăn ở, ăn gian, ăn vạ, ăn chắc, ăn năn, ăn tiêu, ăn hỏi, ăn chay, ăn khớp… Quả là một thứ ngôn ngữ lạ kỳ hiếm thấy ! Kế đến là thói quen đặc biệt của dân Việt thích dùng từ ngữ kép cho đậm đà ý nghĩa: Nhà cửa, họ hàng, bóng hình, bạn bè, cao ráo, thân mật, ngọt ngào…Rồi người ngoại quốc cũng thường sửng sốt với giọng nói trầm bổng líu lo ‘như chim hót’ của dân ta, qua 5 dấu ‘sắc huyện hỏi ngã nặng’, như hệt âm nhạc Việt với hệ thống ngũ âm ‘Cung, Thương, Giốc, Chủy và Vũ’. Ngũ âm ở đây thực sự được gắn liền và dựa trên nền tảng ‘ngũ hành’, chi phối sự vận hành của cả vũ trụ cũng như thân thể con người (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ). Lại thêm một nhân sinh quan hết sức cao sâu !

Nền văn học dựa vào tiếng nói và chữ viết này luôn có tính cách hài hòa, pha trộn chung với mọi thành phần Bắc Trung Nam, cũng như tạo và nhận ảnh hưởng ở nơi các sắc dân thiểu số nữa, kể cả nhóm dân Chiêm Thành (tạo nhiều nét văn hóa độc đáo về nghệ thuật cổ điệu nghệ).

Nối tiếp nền văn học bình dân, biết bao nhiêu văn thi sĩ Việt Nam đã tiếp tục góp phần và để lại một kho tàng thơ văn quý giá. Hàng trăm tác phẩm chữ Nôm, rồi qua chữ Quốc Ngữ đã và đang tạo niềm hãnh diện chung cho dân ta. Những tên tuổi như Nguyễn đình Chiểu, Đặng trần Côn, Nguyễn Du (quá xuất sắc với truyện Kiều), Nguyễn công Trứ, Tản Đà, rồi tới các thế hệ cận đại của Nguyễn văn Vĩnh, Trương vĩnh Ký, Hàn mạc Tử, Nhất Linh, Khái Hưng, Duyên Anh, Mai Thảo…Nhất nhất họa nên những nét son đậm nét, đem văn học góp phần cho nền văn hóa dân tộc thật sáng ngời.

Dặn dò gì cho con cháu tại hải ngọai ?



Chẳng ai muốn con cháu mình mất gốc. Thành ra các bậc cha mẹ nên ráng khuyên nhủ bọn trẻ nên nhớ về cội nguồn, mà thăng tiến cho nền văn hóa ngàn năm của cha ông tổ tiên. Tất cả học tinh thần bất khuất của tiền nhân từ thời dựng nước. Nhất định không chịu cúi đầu nhục nhã trước bạo quyền. Làm mọi cách để bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập của quê hương. Cụ thể là dứt khoát duy trì bảo tồn tiếng và chữ viết Việt Nam.

Quan trọng nhất là không được phế bỏ những tinh hoa của truyền thống gia đình, làng xóm. Cứ lấy ví dụ trong miền Nam nứơc ta có tục gọi tên con cái trong nhà theo số thứ tự: Anh hai, chị ba, anh tư…Tôn tri trật tự rõ ràng. Tình nghĩa phải trung thực gắn bó. Xưng hô phải minh bạch: ông, bà bác, chú, cô cậu, anh chị…Rồi lúc nào cũng đề cao phần giáo dục cho con em. Học là ưu tiên. Các cụ dạy “sĩ, nông, công, thương” rõ ràng về bậc thang giá trị trong xã hội ! Riêng về cái kho báu trang phục ‘Áo dài’ của nữ giới vô cùng thanh lịch duyên dáng (cả thế giới đều ngưỡng mộ) thì rất cần được duy trì dài lâu vĩnh viễn.

Làm nền cho văn hóa Việt Nam là cuộc sống tinh thần, thiêng liêng (tôn giáo ở đây đã từng là cột trụ cho đời người). Nhờ tôn giáo mà dân ta luôn biết thương yêu, cảm thông, chia sẻ với tha nhân bạn bè. Lúc này, nó cũng đang giúp đàn con Việt tha hương còn biết quý mến cái khuôn khổ tâm linh, để rồi dễ dàng đồng cảm với nhau trong những buổi họp mặt cộng đồng, như Tết nguyên đán, Trung thu… Nhờ vậy, chúng ta mới có cơ hội nhắc bảo nhau không quên quê mẹ hiện mịt mờ mãi chốn xa xôi ngàn dặm bên bờ đại dương. Nó cũng giúp ai nấy thương yêu quấn quýt nhau, chung lời cầu cho dân tộc ta, trong nước cũng như hải ngoại, sớm chứng kiến cuộc tái sinh thực sự của nền văn hóa nhân bản cao đẹp thời cha ông ngày nào.

Lúc đó ta mới thật sự vui sướng hãnh diện để nhắc tới ‘bốn ngàn năm văn hiến của’ dân tộc mình.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư