Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay đặc biệt tường trình về chuyến Tông Du của Đức Thánh Cha Phanxicô trong 2 ngày đầu tại Chilê:

1- Những hoạt động chính của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Chilê.

2- Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Tổng thống, chính quyền dân sự Chilê và ngoại giao đoàn ngày 16/1/2018.

3- Bài giảng của Đức Thánh Cha tại công viên O'Higgins, Chilê, thứ Ba ngày 16/1/2018.

4- Giới thiệu Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu.

Sau đây là phần tin chi tiết:


1- Những hoạt động chính của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Chilê.

Tin Vatican, chuyến bay chở Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Mỹ để tông du Chilê và Pêru đã rời Rôma vào lúc 8h55 sáng thứ Hai 15 tháng Giêng. Sau hơn 15 giờ bay, Đức Thánh Cha đã tới thủ đô Santiago của Chilê. Sứ thần Tòa Thánh tại Chilê là Đức Tổng Giám Mục Ivo Scapolo, đã bước lên máy bay để chào đón Đức Thánh Cha. Ra đón Đức Thánh Cha tại chân thang máy bay, có Tổng thống Michelle Bachelet, Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, là Tổng giám mục Santiago, và Đức Cha Santiago Silva, là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Chilê.
Sau nghi thức chào đón, Đức Thánh Cha đã ghé thăm giáo xứ San Luis Beltrán ở Pudahuel và cầu nguyện trước ngôi mộ của Đức Cha Enrique Alvear Urrutia, người được mệnh danh là “Giám Mục của người nghèo”. Hàng trăm cư dân của quận Pudahuel đã chào đón Đức Thánh Cha với đầy cảm xúc. Sau đó, Đức Thánh Cha đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại thủ đô Santiago để nghỉ đêm tại đây. Trên đường đi, Đức Thánh Cha đã xuống xe và bước lên một chiếc xe mui trần và đi dọc theo các đại lộ chính của thành phố Santiago để chào thăm dân chúng cho đến khi vào đến bên trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh.
Cuộc viếng thăm của Đức đương kim Giáo Hoàng có chủ đề là câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Thầy ban bình an cho các con” (Ga 14,27) được ghi trên huy hiệu chuyến viếng thăm, có hình thánh giá lớn màu vàng gắn liền với bản đồ Chile, như muốn trải dài niềm an bình của Chúa trên đất nước này. Đây là lần đầu tiên Đức Phanxicô viếng Chile từ ngày lên ngôi giáo hoàng vào năm 2013.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô, theo hang thông tấn A.P., nhằm làm nổi bật số phận của di dân và nhấn mạnh tới việc phải bảo tồn rừng già Amazon. Tuy nhiên, việc lạm dụng tình dục của một số linh mục đã chiếm một vị trí khá rõ trong chuyến đi này. Nhưng nhìn cảnh ngài được đón tiếp dọc đường từ phi trường Santiago về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh và thái độ cởi mở đáp ứng của ngài, tất cả các lo ngại trên, nhất là các lo ngại về chính trị quanh chuyến đi của ngài tự nhiên biến mất. Ngài đến đây không phải vì chúng mà vì những con người thực chất này. Họ có thể là những con người không ra gì về phương diện kinh tế, xã hội và cả tôn giáo theo nghĩa định chế nữa, nhưng họ cần ngài, cần người đại diện của Đấng Siêu Việt trên trần gian.

2- Diễn từ của Đức Thánh Cha trước Tổng thống, chính quyền dân sự Chilê và ngoại giao đoàn ngày 16/1/2018.

Tất cả các sinh hoạt của Đức Thánh Cha trong ngày thứ Ba, 16 tháng Giêng diễn ra trong phạm vi thủ đô Santiago. Ban sáng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda vào lúc 8h20. Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:
Kính thưa tổng thống, các thành viên của chính phủ và ngoại giao đoàn, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, các giới hữu trách, các quý bà và quý ông,
Thật là một niềm vui cho tôi được trở lại Mỹ châu Latinh và bắt đầu cuộc viếng thăm tại đất nước Chilê yêu quí này, nơi đã từng đón tiếp và huấn luyện tôi khi tôi còn trẻ; tôi ước muốn rằng thời gian ở với quí vị cũng là lúc bày tỏ lòng biết ơn vì bao nhiêu điều tốt lành tôi đã nhận được. Tôi nhớ đến một đoạn trong Quốc Ca của các bạn: “Thật tinh khiết bầu trời xanh Chilê, làn gió thuần khiết cũng thổi trên quê hương, và những cánh đồng đầy hoa, là bản sao của vườn Địa Đàng”. Đó là một bài tán tụng ca thực sự ngợi khen mảnh đất họ cư trú, đầy hứa hẹn và thách thức; nhưng đặc biệt là hoài thai một tương lai hứa hẹn.
Xin cám ơn Tổng thống vì những lời chào mừng đã gửi đến tôi. Qua Tổng thống, tôi cũng muốn chào thăm và ôm lấy toàn thể nhân dân Chilê, từ vùng cực bắc của miền Arica và Painacota cho đến quần đảo miền nam, những mảnh đất nhô ra biển của bán đảo và các kênh rạch. Sự đa dạng và phong phú về địa lý của quốc gia này làm ta liên tưởng đến sự phong phú và đa dạng của văn hoá là nét đặc trưng cho đất nước này.
Tôi tri ân sự có mặt của các thành viên trong chính phủ; các vị chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và Tối cao Pháp viện, cũng như các vị thẩm quyền khác của nhà nước và cộng tác viên của họ. Tôi chào đón Tổng thống tân cử, là ông Sebastián Piñera Echenique, người vừa mới nhận được sự tín nhiệm của người dân Chilê để lèo lái vận mệnh của đất nước trong bốn năm tới.
Chilê đã lừng danh trong những thập kỷ qua vì sự phát triển của một nền dân chủ mà nhờ đó nó có được một sự tiến bộ bền vững. Các cuộc bầu cử chính trị gần đây là biểu hiện của sự vững mạnh và sự trưởng thành của công dân mà đất nước đã đạt được, đặc biệt là trong năm nay, khi Chilê kỷ niệm 200 năm ngày tuyên bố độc lập. Đây là thời điểm quan trọng đặc biệt, vì nó cho thấy Chilê như một dân tộc, dựa trên tự do và luật pháp, đã từng phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn khác nhau nhưng đã có thể thanh thản vượt qua. Nhờ thế, các bạn đã có thể củng cố và tăng cường ước mơ của tiền nhân khai phá ra quốc gia này.
Theo nghĩa này, tôi nhớ đến những lời đầy biểu tượng của Đức Hồng Y Silva Henríquez trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã khẳng định: “Chúng ta - tất cả chúng ta - là những người xây dựng một công trình đẹp nhất, đó là Tổ quốc. Quê hương trần thế này tiên báo và chuẩn bị cho chúng ta một quê hương không có biên giới. Nước đó không bắt đầu ngày hôm nay, với chúng ta; nhưng nó không thể lớn lên và sinh hoa trái mà không có chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta đón nhận với lòng tôn trọng, lòng biết ơn, như một nhiệm vụ đã bắt đầu cách đây nhiều năm, như là một di sản làm cho chúng ta vừa tự hào và vừa phải dấn thân”
Mỗi thế hệ phải đón nhận những cuộc tranh đấu và những thành tích của các thế hệ đi trước và nâng chúng lên những mục tiêu cao hơn nữa. Thiện ích, cũng như tình thương, công lý và tình liên đới, không thể đạt được một lần cho tất cả, nhưng cần phải được chinh phục mỗi ngày. Không thể hài lòng với những gì đã đạt được trong quá khứ và nghỉ yên, và tận hưởng nó vì tình huống đó dẫn chúng ta đến việc bỏ qua thực tế là nhiều anh chị em của chúng ta vẫn phải chịu đựng những tình huống bất công đang kêu đòi tất cả chúng ta.
Do đó, các bạn có một thách thức to lớn và thú vị: là tiếp tục hoạt động để nền dân chủ và ước mơ của những bậc tiền bối, thật sự dành cho tất cả mọi người. Hãy biến nó trở thành nơi cho mọi người, không trừ một ai, cảm thấy được kêu gọi xây dựng một ngôi nhà, một gia đình và một quốc gia. Một nơi, một ngôi nhà, một gia đình, được gọi là Chilê: hào phóng, chào đón, yêu thích lịch sử của mình, cùng làm việc cho hiện tại của mình cùng tồn tại và cùng trông với hy vọng cho một tương lai sán lạn. Chúng ta cần nhớ những lời của Thánh Albéron Hurtado: “Một quốc gia, nhiều hơn biên giới, nhiều hơn đất đai, các dãy núi, các biển cả của nó, nhiều hơn ngôn ngữ hay truyền thống của nó, là một sứ mệnh để hoàn thành.” Đây là tương lai. Và tương lai đó có được hay không phần lớn phụ thuộc vào khả năng lắng nghe của người dân và chính quyền.
Khả năng lắng nghe đó có một giá trị to lớn tại đất nước này, nơi mà sự đa nguyên về chủng tộc, văn hóa và lịch sử đòi phải được bảo tồn, chống lại mọi toan tính thiên vị hoặc bá quyền, gây nguy hiểm cho khả năng loại bỏ cái thái độ giáo điều loại trừ người khác nhằm tiến đến một thái độ cởi mở lành mạnh đối với công ích. Nếu nó không có một yếu tính cộng đồng nó sẽ không bao giờ là một điều tốt. Điều không thể thiếu được là lắng nghe: lắng nghe những người thất nghiệp không thể đảm bảo được hiện tại và tương lai của gia đình họ; lắng nghe các thổ dân bản xứ, thường bị quên lãng, quyền lợi của họ phải được quân tâm và văn hóa của họ phải được bảo vệ, để không bị mất một phần căn tính và sự phong phú của quốc gia này. Lắng nghe những người di dân, đang gõ cửa đất nước này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, và với lòng can đảm và hy vọng, họ muốn kiến tạo một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người.
Hãy lắng nghe những người trẻ, trong những băn khoăn mong được có nhiều cơ hội hơn, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, và qua đó họ cảm thấy mình là những người nắm vai chính tại Chilê mà họ ước mơ; cần tích cực bảo vệ người trẻ chống lại tai ương ma túy đang tước đoạt những điều tốt nhất trong cuộc sống của họ. Hãy lắng nghe người già, với những khôn ngoan rất cần thiết của họ và nâng đỡ sự yếu đuối mong manh của họ. Chúng ta không thể bỏ rơi họ.
Hãy lắng nghe những đứa trẻ, những người nhìn ra thế giới bằng đôi mắt đầy ngạc nhiên và ngây thơ và đang mong đợi từ chúng ta những câu trả lời thực sự cho một tương lai xứng đáng. Và ở đây tôi không thể không bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ mà tôi cảm thấy trước những thiệt hại không thể sửa chữa được mà các thừa tác viên của Giáo Hội đã gây ra. Tôi muốn hiệp cùng với các anh em tôi trong hàng Giám Mục, vì điều công bằng là phải xin lỗi và hết sức nâng đỡ các nạn nhân, trong khi chúng ta phải dấn thân để những điều đó không xảy ra nữa.
Với khả năng lắng nghe này, đặc biệt ngày nay, chúng ta được mời gọi chú ý đặc biệt đến căn nhà chung của chúng ta: nuôi dưỡng một nền văn hóa biết chăm sóc trái đất và với mục đích ấy, chúng ta không chỉ hài lòng với việc cung cấp những câu trả lời đặc thù cho các vấn đề trầm trọng về sinh thái học và môi trường đang xảy ra; nhưng trong lãnh vực này cần phải có sự táo bạo, cống hiến một cái nhìn khác, một tư tưởng, một chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một linh đạo nhằm chống lại sự bành trướng của những khuôn mẫu duy kỹ thuật, dành ưu tiên cho những thế lực kinh tế mà xem nhẹ hệ thống môi sinh tự nhiên, và qua đó xem thường công ích của các dân tộc.
Sự khôn ngoan của các dân tộc bản xứ đóng góp một phần quan trọng. Chúng ta có thể học được từ nơi họ điều này: không có sự phát triển chân thực nơi một dân tộc quay lưng lại với trái đất và tất cả những gì và những người xung quanh. Chilê, trong căn cội của mình, có một sự khôn ngoan có khả năng giúp đi xa hơn quan niệm thuần túy duy tiêu thụ về cuộc sống để đạt tới một thái độ khôn ngoan khi đứng trước tương lai.
Linh hồn của Chilê là một ơn gọi liên lỉ. Đó là một ơn gọi cho tất cả chúng ta trong đó không ai có thể cảm thấy bị loại trừ hoặc không cần thiết. Một ơn gọi đòi hỏi một sự lựa chọn triệt để cho sự sống, đặc biệt là trong những tình huống mà nó đang bị đe dọa.
Tôi xin cảm ơn một lần nữa vì lời mời đến và gặp gỡ các bạn, và gặp gỡ tâm hồn của dân tộc này; và tôi cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Carmelô, là Mẹ và Nữ Vương Chilê, tiếp tục đồng hành và nâng đỡ các ước mơ của quốc gia được chúc phúc lành này.

3- Bài giảng của Đức Thánh Cha tại công viên O'Higgins, Chilê, thứ Ba 16/1/2018.

Sáng ngày thứ Ba 16 tháng Giêng, sau thánh lễ sáng tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ chính quyền dân sự và ngoại giao đoàn tại Dinh Moneda vào lúc 8h20. Lúc 10h30, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại công viên O'Higgins, Chilê với sự tham dự của hơn nửa triệu người. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng...” . Trong những lời đầu tiên này của bài Phúc Âm ngày hôm nay, chúng ta khám phá ra cách thế Chúa Giêsu muốn gặp gỡ chúng ta, đường lối Thiên Chúa luôn luôn gây bất ngờ cho dân Ngài (xem Ex 3: 7). Điều đầu tiên Chúa Giêsu làm là nhìn ra và thấy khuôn mặt dân Người. Những khuôn mặt đánh thức tình yêu nội tâm của Thiên Chúa. Trái tim của Chúa Giêsu không rung động bởi các ý tưởng hay những khái niệm, nhưng bởi những khuôn mặt, những con người đang khát khao sự sống mà Chúa Cha muốn ban cho chúng ta.

Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng, Ngài nhìn đến khuôn mặt của những môn đệ Người, và điều nổi bật nhất là các ngài, về phần mình, thấy được trong ánh mắt của Chúa Giêsu tiếng vang những ước vọng của họ. Cuộc gặp gỡ này làm phát sinh danh sách các Mối Phúc Thật, là chân trời mà chúng ta được mời gọi và thách thức để vươn tới. Các Mối Phúc không phải là thành quả của một thái độ thụ động đứng trước thực tại, hay đơn thuần là kết quả thu hoạch được của một người quan sát, đang góp nhặt các thống kê buồn thảm về những gì đang xảy ra. Các Mối Phúc cũng không phải là thành quả của những tiên tri loan báo tai ương, là những kẻ chỉ hài lòng với việc gieo vãi những thất vọng. Các Mối Phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn hạnh phúc mà chỉ cần nhấn một cái trong nháy mắt là có ngay. Trái lại các Mối Phúc Thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, đang gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ tìm kiếm và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người biết đau khổ là gì, những người ngỡ ngàng và đau đớn khi mặt đất dưới chân họ rung chuyển, hay khi những giấc mơ của họ bị cuốn trôi đi, khi những chắt chiu trọn cuộc sống của họ bất chợt tan biến; và cả từ những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.

Cơ man con tim của người dân Chilê biết xây dựng lại và bắt đầu lại! Cơ man những anh chị em biết đứng dậy sau nhiều lần vấp ngã! Đó là những trái tim mà Chúa Giêsu đang ngỏ lời; đó chính là trái tim mà các Mối Phúc Thật muốn nói đến!

Các Mối Phúc Thật không phải là kết quả của một thái độ quá khích hoặc những lời “rẻ tiền” của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và chung cuộc họ ngăn cản mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các Mối Phúc Thật phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, một con tim cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự xua đi thái độ bất động, rũ bỏ thái độ cam chịu tiêu cực. (Pablo Neruda, El habitante y su esperanza, 5).

Chúa Giêsu, khi tuyên bố phúc cho những người nghèo, người đau khổ, bị thương tổn, bệnh nhân, người có lòng thương xót. .. muốn xua tan quán tính đang làm tê liệt những người không còn niềm tin nào nơi quyền năng biến đổi của Thiên Chúa Cha chúng ta, và cũng chẳng còn tin vào những anh chị em của họ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu, khi công bố các Mối Phúc Thật, muốn xua tan nơi chúng ta thái độ tiêu cực đó, là cảm thức cam chịu khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta thoát khỏi những vấn đề của chúng ta, tránh xa người khác, ẩn náu trong cuộc sống thoải mái của chúng ta, và làm lu mờ các cảm thức của chúng ta bằng chủ nghĩa tiêu thụ (x. Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 2). Ý thức trùm chăn có khuynh hướng cô lập chúng ta khỏi những người khác, phân chia và tách biệt chúng ta, làm chúng ta đui mù với cuộc sống quanh mình và những đau khổ của người khác.

Các Mối Phúc Thật là ngày mới cho tất cả những ai nhìn về tương lai, những ai tiếp tục mơ ước, những ai để cho mình được cảm động và được sai đi bởi Thánh Linh của Thiên Chúa.

Thật tốt là dường nào nếu chúng ta có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang đến từ núi Cierro Renca hay Puntilla để nói với chúng ta rằng phúc cho anh, cho chị, cho em. ... Phúc cho các ngươi, nếu được Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, các ngươi biết tranh đấu và làm việc cho ngày mới đó, cho một Chí Lợi mới, vì nước các ngươi sẽ là nước thiên đàng. “Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Hãy chống lại thái độ cam chịu giống như một dòng nước ngầm làm tiêu tan những mối quan hệ sâu xa nhất của chúng ta và chia rẽ chúng ta, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những ai hoạt động cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo hoạt động để những người khác được sống trong an bình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Đó là cách mà các Mối Phúc Thật dạy chúng ta trở thành những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để mở rộng hơn bao giờ tinh thần hòa giải giữa chúng ta. Anh chị em có muốn được chúc phúc không? Anh chị em có muốn được hạnh phúc không? Phúc cho những ai hoạt động để người khác có thể được hạnh phúc. Anh chị em có muốn hòa bình? Nếu muốn hãy nỗ lực cho hòa bình.

Ở đây tôi không thể không đề cập đến một vị giám mục lớn của Santiago, là người mà trong một buổi kinh chiều tạ ơn Te Deum đã từng nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý. .. Và nếu ai đó hỏi chúng ta: ‘công lý là gì?’ Hoặc phải chăng công lý chỉ là chuyện ‘Đừng trộm cắp’, chúng ta sẽ nói với họ rằng còn có một loại công lý khác: đó là công lý đòi hỏi mọi người nam nữ phải được đối xử bình đẳng như vậy”

Hãy gieo trồng hòa bình bằng sự gần gũi, bằng việc đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người đang khó khăn, những ai không được đối xử như con người, như một người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình, một kiến trúc không bao giờ tan rã. Người kiến tạo hòa bình biết rằng quá thường khi cần phải vượt qua được những lỗi lầm lớn nhỏ hay những tham vọng xuất phát từ lòng khao khát quyền lực hay thói háo danh “lấy tiếng cho riêng mình”, hay do mong muốn trở nên quan trọng với giá mà người khác phải trả. Người kiến tạo hòa bình biết rằng thật không dễ để nói: “Tôi không làm tổn thương bất cứ ai”. Như Thánh Alberto Hurtado đã từng nói: “Rất tốt để không làm sai, nhưng rất xấu nếu không làm điều tốt” (Meditación radial, April 1944).

Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như là một người con của đất nước này.

Chúng ta hãy phó dâng cho Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, là Đấng từ đỉnh Cerro San Cristóbal đang theo dõi và đồng hành cùng với thành phố này. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta sống và khát khao tinh thần của các Mối Phúc Thật, để từ mọi góc của thành phố này chúng ta sẽ nghe, giống như một lời thì thầm nhẹ nhàng: “Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa” (Mt. 5: 9).

4- Giới thiệu Thánh Ca: Dấu Ấn Tình Yêu.

Kính thưa quý vị và anh chị em, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một bài thánh ca mang tựa đề: Dấu Ấn Tình Yêu của Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức. Bài thánh ca này sẽ được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Như Mai.