Quan điểm coi thừa tác vụ “là chuyện…và là chuyện…”

Định nghĩa của David Haas là định nghĩa của một nhà nghệ sĩ, rất phóng khoáng và như tác giả đã xác định, nó nhằm “cử hành sự mơ hồ nhiều nghĩa”, không hẳn để cung cấp sự rõ ràng mạch lạc. Các thừa tác viên thụ phong, những người giữ ba trách vụ giảng dậy, cai trị và thánh hóa dân Chúa, hình như không muốn ủng hộ việc “cử hành” này. Bởi thế Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Washington D.C., Hoa Kỳ, muốn định nghĩa thừa tác vụ theo phương thức “là chuyện… và là chuyện” chứ không hẳn “không phải là chuyện… mà là chuyện…” như David Haas.

Theo Đức Ông Pope, các định nghĩa của Haas hạ giá thứ lãnh đạo và giáo huấn rõ ràng mà Thiên Chúa vốn mong nơi các thừa tác viên thụ phong. Ủy Nhiệm Thư Vĩ Đại của Chúa Kitô (Mt 28:18-20) truyền rằng các tông đồ được Người cử nhiệm sẽ đi khắp thế giới để giảng dạy một cách rõ ràng những gì chính Người đã truyền lệnh, để làm muôn dân trở thành môn đệ và dẫn dắt các môn đệ này vào đời sống bí tích của Giáo Hội một cách không hàm hồ qua Bí Tích Thánh Tẩy. Do đó, trong Ủy Nhiệm Thư Vĩ Đại, có những sự thật rõ ràng cần được công bố và một sứ mệnh phải đem người ta ra khỏi bóng tối mà vào ánh sáng. Chúa sai các ông đi khắp thế giới vì thế giới cần ánh sáng, sự thật, lời dạy, và lời mời gọi chạy tới lòng thương xót qua thống hối. Thực vậy, các tông đồ được trao cho 3 chức vụ: giảng dạy (như bản văn rõ ràng chỉ bảo), cai quản (bản văn nói các ngài phải giảng dậy các lệnh truyền của Chúa) và thánh hóa (bản văn nói các ngài phải làm phép rửa). Do đó, đấy là thừa tác vụ, việc làm của các tông đồ và các người kế nhiệm (giám mục, linh mục, phó tế). Thánh Phaolô, đặc biệt trong các Thư Mục Vụ, liên tiếp huấn giáo Titô và Timôtê phải giảng dạy, cai quản và thánh hóa. Hơn nữa, ngài nói các ngài còn phải đề cử các giám mục, linh mục và phó tế khác để làm cùng một công việc.

Thực ra, nói như Đức Ông Pope là chỉ nói về một khía cạnh của thừa tác vụ, đó là thừa tác vụ thụ phong. Trong khi nói đến thừa tác vụ hiện nay, ít nhất từ Công Đồng Vatican II trở lại đây, là nói đến thừa tác vụ nói chung, bao gồm mọi thành phần dân Chúa, nên thừa tác vụ này hiển nhiên gồm nhiều khía cạnh, thành thử những điều Haas nêu ra trong các định nghĩa của ông không hẳn là giảm giá thừa tác vụ mà là mở rộng, thật rộng.

Tuy nhiên, phương thức “thừa tác vụ không phải là chuyện… mà là chuyện” của ông quả có tính cách giới hạn, vô tình làm nghèo đi ý nghĩa đích thực của thừa tác vụ trong Giáo Hội, và đôi khi làm sai lạc ý nghĩa này. Thiết nghĩ, thừa tác vụ là tất cả những điều ông liệt kê, gồm cả những “không phải là chuyện” lẫn những “mà là chuyện”.

Đức Ông Pope thì cho rằng, đúng hơn nên nói “Thừa tác vụ là chuyện ‘A’ nhiều hơn chuyện ‘B’” thay vì “thừa tác vụ không phải là chuyện ‘A’ mà là chuyện ‘B’”.

Đức Ông Pope chọn một số câu định nghĩa của Haas để góp ý:

Thừa tác vụ không phải là chuyện làm – mà là chuyện lớn lên.

Tại sao lại đặt “chuyện làm” đối nghịch với “chuyện lớn lên”? Lớn lên há không phải là một hình thức làm đó ư? Làm há không đẩy mạnh việc lớn lên hay sao?

Nếu 1 vị linh mục nói rằng thừa tác vụ không phải là chuyện làm, rất có thể ngài cứ ngồi ở trong phòng suốt ngày mà vẫn có thể gọi đó là “thừa tác vụ”. Nếu thế, chắc chắn giáo dân sẽ gọi ngài là ông cha lười.

Áp dụng vào người giáo dân cũng thế. Dĩ nhiên ai cũng muốn họ lớn lên, phát triển. Nhưng Chúa Giêsu cho ta thấy rõ Người có nhiều điều để chúng ta “làm” như ăn năn, tin vào Tin Mừng, xa lánh tội lỗi, hãm mình, vác thánh giá, giữ các giới răn, yêu người lân cận, rao giảng Tin Mừng, xua đuổi ma qủy, và chữa lành. Người cũng đã cảnh cáo: “không phải người nào nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ đều được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ những ai thực hành ý Cha Ta ở trên trời (mới được vào mà thôi)” (Mt 7:21). Và trong cảnh phán xét của Mt 25:31tt, điều rõ ràng quan trọng đối với Người là chúng ta thực sự làm những điều như cho kẻ đói ăn, và cho kẻ khát uống.

Lớn lên là điều tốt, nhưng việc làm chắc chắn cũng cần. Hai việc này đâu có chi đối lập nhau.

Thừa tác vụ không phải là chuyện lôi kéo người ta tới điều gì – mà là chuyện vừa cùng đi với người ta vừa tìm tòi.

Nghe sao lạ hoắc và không có chất Thánh Kinh chút nào vậy? Hãy nhớ câu truyện Đường Emmau: Chúa Giêsu vừa bước đi với 2 môn đệ vừa “lôi kéo” họ đến chỗ nhận ra sự thật đang sờ sờ trước mắt họ. Khi nghe họ than thở và bối rối, Người bảo họ chẳng biết gì và chậm tin quá (Lc 24:25). Rồi Người “lôi kéo” họ tới sự thật, bằng cách huấn giáo họ một cách chi tiết.

“Vừa cùng đi với người ta vừa tìm tòi” nghe có vẻ dò dẫm thế nào ấy, đâu phải giảng dậy. Chúa Giêsu từng nói: “Nếu kẻ mù dắt kẻ mù, cả hai đều rơi xuống hố” (Mt 15:14). Rõ ràng Chúa sai các thừa tác viên của Người đem ánh sáng và đường hướng giáo huấn của Người đến với những người đang tìm kiếm, chứ đâu có phải đi tìm loanh quanh với họ và làm dễ việc tìm tòi của họ. Ta có nhiệm vụ giúp họ tìm ra các câu trả lời. “Mở dạy kẻ mê muội” là việc thương người phần hồn cũng như “lấy lời lành mà khuyên người” (thực ra là: cố vấn cho người hoài nghi).

Các thừa tác viên thụ phong không hẳn điều gì cũng biết nhưng các ngài được giả thiết là có câu trả lời và cung cấp các hướng dẫn rõ ràng dựa trên lời cầu nguyện, học hỏi Chân Lý Thánh… Ơn gọi của các ngài không hẳn là ra ngoài “tìm kiếm” mà là giảng dậy vì Chúa đã cung cấp các câu trả lời trong Sách Thánh và Thánh Truyền.

Và các ngài được giả thiết phải lôi kéo người ta về 1 điều gì đó, nhất là về Một Ai Đó. Chúa Giêsu nói rằng đó chính là điều Chúa Cha làm qua Giáo Hội của Người: “Không ai có thể đến với Ta trừ khi Chúa Cha, Đấng sai Ta, lôi kéo người đó; và Ta sẽ làm người đó sống lại vào ngày sau hết. Có lời chép nơi các tiên tri rằng ‘và chúng sẽ được giảng dạy về Thiên Chúa’” (Ga 6:44-45).

Thừa tác vụ không phải là chuyện cung cấp các câu trả lời – mà là chuyện kích thích nhiều câu hỏi hơn nữa.

Một lần nữa, đây là một nhị phân sai lầm. Tại sao "các câu trả lời" và “nhiều câu hỏi hơn nữa” lại mâu thuẫn với nhau? Sự thực là: các câu trả lời kích thích người ta hỏi nhiều hơn nữa; các câu hỏi thường kích thích các câu hỏi khác. Người ta đặt câu hỏi rồi đợi câu trả lời; không điều gì xẩy ra cho tới khi có câu trả lời. Câu trả lời này thường kích thích thêm các câu hỏi khác để hiểu rõ hơn. Không hề có nhị phân giữa việc cung cấp câu trả lời và kích thích thêm câu hỏi. Thực ra, có một tương quan mạnh mẽ giữa chúng với nhau.

Bởi thế, các câu trả lời có tầm quan trọng cả trong việc giảng dậy lẫn trong thừa tác vụ Tin Mừng. Rõ ràng, Chúa Giêsu đã sai ta đi giảng dậy, với các câu trả lời cho các câu hỏi vốn phát ra từ tâm hồn người ta.

Dĩ nhiên, một trong các phương pháp giảng dậy là không trả lời mọi câu hỏi hay giải quyết mọi vấn đề một cách quá nhanh. Đây là một phương pháp đặc biệt tốt khi dùng cho trẻ em; ta nên để các em loay hoay với các câu hỏi và vấn đề, để các em học cách giải đáp các vấn đề này và học cách học tập.

Nhưng nếu đây là điều định nghĩa của Haas muốn nói thì tại sao lại không nói như thế? Đàng này, tác giả lại đi trình bầy một nhị phân sai lầm, dường như muốn nói cung cấp các câu trả lời là điều không nên làm, hay ít nhất: đây là điều tệ hại hơn là việc để người ta cứ loay hoay với nhiều câu hỏi hơn.

Thừa tác vụ không phải là chuyện cổ vũ giáo lý – mà là chuyện công bố Chúa Giêsu.

Một lần nữa, tại sao lại phải đối nghịch hai chuyện này? Chúa Giêsu sai chúng ta đi giảng dạy giáo lý: Bởi thế, các con hãy ra đi, làm cho các dân tộc thành môn đệ Thầy, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và dạy họ vâng theo mọi điều Thầy đã truyền cho các con”.

Không phải chỉ có cổ vũ tín lý, giảng dạy tín lý mà thôi, Chúa dạy ta phải giúp họ vâng theo nữa. Người cảnh cáo: “vì bất cứ ai xấu hổ vì Ta và vì giáo huấn của Ta trong thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, Con Người cũng sẽ xấu hổ vì họ khi Người bước vào vinh quang của Cha Người cùng các thiên thần của Người” (Mc 8:38).

Ta thấy Chúa Giêsu nối kết chính Người với giáo huấn, giáo lý, và Lời của Người; Người là Lời, là Logos, thành xác thịt. Người nói rằng bác bỏ giáo huấn, giáo lý của Người là bác bỏ Người và sẽ bị kết án vì thế.

Thánh Phaolô khuyên Titô: Nhưng còn với con, hãy nói những điều nhất quán với giáo lý lành mạnh” (Tt 2:1). Thánh Phaolô liên kết giáo lý vào Chúa Kitô, điều mà ngài nên làm, vì quả có sự tương quan. Ngài viết: “Những gì anh nghe từ tôi, hãy giữ như mẫu giáo huấn lành mạnh, cùng với đức tin và tình yêu nơi Chúa Giêsu Kitô (2 Tim 4:3) (?). Thừa tác vụ là cổ vũ giáo lý và khi ta cổ vũ các giáo huấn của Chúa Kitô, ta giúp việc công bố Chúa Giêsu.

Trên đây là các nhận định về một số định nghĩa thừa tác vụ của David Haas. Tuy nhiên, theo Đức Ông Pope, không câu định nghĩa nào của tác giả này sai lạc bằng câu cuối cùng sau đây:

Thừa tác vụ không phải là chuyện người ta có tin Thiên Chúa hay không – mà là chuyện bước chân theo Chúa Kitô.

Xin có lời khuyên: nếu bạn gặp một cụ “thừa tác viên” nào không tin có Thiên Chúa, bạn nên chạy cho xa, đừng có chần chừ, chạy cho thật xa! Và nếu bạn gặp một “thừa tác vụ” nào nói rằng tin có Thiên Chúa không phải là điều quan trọng, thì bạn cũng nên chạy cho thật xa!

Vì quả không có gì, đúng là không có gì, quan trọng hơn là tin vào Chúa Giêsu Kitô. “Không có đức tin, không thể làm vui lòng Thiên Chúa” (Dt 11:6). Chúa Giêsu cảnh cáo: “nếu các ông không tin Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ chết trong tội lỗi của các ông” (Ga 8:24).

Toàn bộ công trình Sách Thánh là đem ta tới đức tin vào Chúa Giêsu, Người là Đấng Kitô và là Chúa. Thánh Gioan viết: “còn nhiều dấu lạ khác do Chúa Giêsu thực hiện trước mặt các môn đệ, nhưng không được ghi lại trong sách này; những điều này được ghi lại để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia, là Con Thiên Chúa, và nhờ tin, anh em có sự sống nhân danh Người” (Ga 20:31).

Không gì thiếu sót và hồ đồ bằng câu “định nghĩa” cuối cùng này. Một cách đơn giản, không thể có bất cứ thừa tác vụ nào nếu không có đức tin, tin Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Không điều gì khác đáng kể nếu không có đức tin. Thậm chí, theo Chúa Kitô có nghĩa chi nếu không tin có Thiên Chúa?

Tóm lại, thwo Đức Ông Pope, công việc của 1 thừa tác viên thụ phong là giảng dạy, cai quản và thánh hóa dân Chúa; và ngược lại, ngài được giảng dậy, cai quản và thánh hóa bởi Giáo Hội qua các mục tử. Có một chân lý để tìm kiếm và giảng dậy một cách rõ ràng, kiên nhẫn và đầy xác tín. Sống câu hỏi là 1 ý niệm hay hay nhưng nếu không có câu trả lời nào cả, thì câu hỏi quả là độc ác và cay độc.

Vả lại Chúa Giêsu quả có một giáo lý và Người tự đồng hóa với giáo lý này khi Người nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”. Người cảnh cáo rằng ta nên theo Người, vì không ai đến được với Chúa Cha nếu không qua Người.

Thừa tác vụ nhất định là chuyện cung cấp các câu trả lời và giảng giải giáo lý. Vì giảng dậy và nhấn mạnh nằm ngay ở tâm điểm thừa tác vụ của Chúa Giêsu, và “lôi kéo” người ta về với Chúa Cha nhờ đức tin là ước muốn sâu xa nhất của Người đối với chúng ta.