Chúa Nhật XXIX THƯỜNG NIÊN A 2017

(Khánh Nhật Truyền Giáo)

1. Từ Ky-rô tới Xê-da :

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay được đặt trong một bối cảnh lịch sử thật dài của dân Do Thái mà điểm nhấn ở 2 đầu lịch sử đó lại là hai nhân vật trọng yếu của 2 đế quốc hùng mạnh :

- Bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia kể lại một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Do Thái : Khoảng năm 538 TCN, ông hoàng ngoại giáo, vua Ky-rô của đế quốc Ba Tư, được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và dạy cho biết “chẳng có ai là Thiên Chúa ngoại trừ Ta”, và ông đã nhất nhất vâng lệnh Chúa truyền khi đem dân Chúa trở về quê cũ và tái lập việc phượng thờ Giavê sau cuộc lưu đày lần thứ 1 ở Babylon. Kyrô đã trở nên dấu chỉ của quyền lực và thánh ý Thiên Chúa.

- Trong khi đó, Tin mừng Matthêô, với câu chuyện về “nộp thuế”, một cái bẫy tinh vi của nhóm “liên minh ma quỷ Biệt Phái-Hêrôđê”, nhằm đặt nhà tiên tri Giê-su-Na-da-rét vào tuyệt lộ, đã cho thấy thời đại đất nước Ít-ra-en đang bị đô hộ bởi đế quốc Rôma, tượng trưng cho sức mạnh của trần tục, thế gian mà biểu tượng hoàng đế Xê-da trên đồng bạc đang lưu hành chính là dấu chứng.

Từ hai câu chuyện lịch sử xoay quanh hai cái tên “Ky-rô” và Xê-da” đó, Lời Chúa qua ngôn sứ Isaia của Cựu ước và Chúa Giêsu của Tân ước muốn nhắn gởi một sứ điệp thật rõ ràng :

- Ngôn sứ Isaia dạy rằng : Thiên Chúa là chủ tể của lịch sử. Và lịch sử chỉ tiến về ánh sáng và hy vọng bao lâu “lịch sử tiến bước trong sự vâng phục thánh ý của Ngài”, như ông vua ngoại giáo Ky-rô vâng lệnh Chúa. Nhờ sự vâng phục của một ông vua ngoại đạo nầy, mà dân Chúa đã tìm lại được quê hương và chính đạo sau bao tháng năm nô lệ kiếp lưu đày.

- Trong khi đó, Chúa Giêsu dạy rằng : Thứ “thuế tinh thần” quan trọng nhất mà chúng ta phải thực thi đó chính là phải “trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài”, tức hoán cải trở về để thực thi giới răn “Mến Chúa”, và phải “trả lại Xê-da những gì thuộc Xê-da”, tức phải quay lưng từ bỏ cuộc sống nộ lệ của kiêu căng, dục vọng, ích kỷ để thực thi giới răn “Yêu người”.

2. Sứ điệp Lời Chúa công cuộc Loan Báo Tin Mừng hôm nay :

Trước hết, chưa bao giờ thế giới, con người thoát khỏi “thân phận lưu đày, nô lệ”. Tiền bạc, dục vọng, tự do phóng túng, đam mê quyền lực…, luôn là những “kiếp lưu đầy Babylon”, là những “Xê-da” đầy quyền lực, áp lực trên cuộc sống của bao dân tộc và bao con người.

Đức Kitô, Đấng được xức dầu mà hơn 500 năm trước trong thời lưu đầy Babylon, đã được tiên báo qua dung mạo của ông hoàng ngoại đạo Ky-rô, đã “vâng lệnh Thánh ý Chúa Cha”, giải thoát và dẫn đưa nhân loại về “quê hương” đích thực ; và Ngài tiếp tục sai các môn sinh “chèo ra chỗ nước sâu”, làm những “tay lưới người”, trở nên “men muối, ánh sáng”…để dẫn đưa con người tiến về Giêrusalem trên trời.

- Thế nhưng để làm được công trình “hồi hương và tái dựng” đầy nhiêu khê và thử thách ấy, dứt khoát Hội Thánh hôm nay, các môn sinh của Ngài phải thực thi hai nguyên tắc nền tảng mà Đức Kitô đã dạy cách đây 2000 năm trước : “trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, và trả cho Xê-da những gì thuộc Xê-da”.

Trước hết, “trả về cho Thiên Chúa” có nghĩa là :

- Trở nên “những người thợ sẵn sàng nghe tiếng chủ để dấn thân đi làm vườn nho cho dù đến trễ.

- Sẵn sàng làm “những đầy tớ trung tín biến những nén vàng được chủ trao sinh lãi được gấp trăm”

- Biến cuộc sống thành “những mảnh đất tốt để hạt giống Lời Chúa sinh hoa kết trái”.

- Bước theo những tâm hồn khiêm hạ khó nghèo như Đức Trinh Nữ Maria, thánh cả Giuse, các Tông Đồ…luôn biết hát bài “Magnificat” để tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa về những hồng ân cao cả và những việc lạ lùng Chúa đã ân trao…

- Kiên vững cậy trông, phó thác cho tình thương và sự quan phòng của Cha như những con chim sẻ, những cây hoa huệ giữa cánh đồng hay những sợi tóc trên đầu bất chợt rơi xuống… !

- Can đảm “vâng phục Thiên Chúa hơn vâng phục loài người” cho dù phải gian nan, khốn khó, bách hại, ngục tù và cả cái chết…

Làm người Kitô hữu hôm nay phải chăng là phấn đấu để biết từng ngày “trả về cho Thiên Chúa” những sự thuộc về Ngài, là không ngừng thánh hóa bản thân theo những đòi hỏi và kích thước của Tin Mừng, là tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa ngang qua các dấu chỉ của cuộc sống, là trung thành hiệp thông với Giáo Hội trong phụng vụ và nguyện cầu.

Trả cho Xê-da những gì của Xê-da có nghĩa là :

Nếu hiểu “Xê-da” đó chính là địa chỉ của tội lỗi, thế gian, ma quỷ… thì “trả lại Xê-da…” có nghĩa là :

- Bỏ lại đằng sau “kiếp sống chăn heo”, hoang đàng tội lỗi để cất bước quay về nhà của Cha.

- Đứng lên giã từ quá khứ, làm lại cuộc đời như những Matthêô, Giakê, Maiđệliên, người trộm lành bên thánh giá …

Nếu hiểu “Xê-da” đó là hình ảnh của một nhân loại đáng thương, cần ơn cứu độ, cần được giải thoát, thì “trả cho Xê-da…” đó là :

- Biết quỳ xuống rửa chân cho anh em, nhất là rửa chân cho những nguời nghèo hèn khốn khổ như Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã nêu gương.

- Biết trở thành người Samari nhân hậu để giúp đỡ anh chị em chúng ta, những ai đang khốn khó ngặt nghèo, bì chà đạp, xúc phạm, bóc lột và đang lâm vòng nguy khốn tinh thần cũng như thể chất.

- Biết liên đới với mọi người để dựng xây hòa bình, để kiến tạo bầu khí huynh đệ, hiệp thông, để đẩy lùi những đói nghèo bệnh tật, để xoa dịu những vết thương chiến tranh, giúp đỡ hàn gắn những đổ nát của thiên tại địch họa và nổ lực làm cho bộ mặt trái đất mỗi ngày thêm đẹp thêm xinh…

Là những người Kitô hữu, là con cái trong gia đình có Thiên Chúa là Cha, hay như cách gọi của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Tê-xa-lô-ni-ca trong bài đọc 2 hôm nay : “là những người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn” (1 Tx 1,4), chúng ta nhất quyết “trả về cho Thiên Chúa” những bổn phận cơ bản mà đời sống đức tin đòi hỏi phải thực hiện mỗi ngày.

Là anh em trong gia đình Giáo Hội và trong mái nhà chung của trái đất, chúng ta phải thực hành bác ái yêu thương với mọi anh em đồng loại mà theo ngôn ngữ của Tin Mừng hôm nay đó là “trả lại cho Xê-da những gì thuộc Xê-da”.

Hôm nay cũng là ngày mà Hội Thánh gọi mời toàn thể con cái trong gia đình Giáo Hội cùng ý thức sâu sắc và sống tích cực sứ mệnh Truyền Giáo của mình, một sứ mệnh mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã ước mơ sẽ trở thành lẽ sống và hoạt động hiện thực giữa lòng dân Chúa hôm nay:

“Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.” (EG 27).

Nói cách khác, để nhân loại quy về một “đoàn Dân duy nhất”, tiến về Giêrusalem trên trời, Giáo Hội đang cần những Ky-rô đứng lên “đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa”, cần những con người dấn thân chọn Đức Kitô và con đường Vượt Qua của Ngài, sẵn sàng “trả cho Thiên Chúa những sự thuộc về Ngài’ và “trả cho Xê-da những cái thuộc Xê-da”. Con đường đó, cuộc hành trình đó, từ Ky-rô đến Xê-da, cho dẫu có dài thăm thẳm, cho dẫu có thử thách gian nan, thì cũng sẽ đạt đích. Bởi vì đó chính là con đường của chính Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta hôm nay một lần nữa nghe chính Ngài phán dạy : “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác”. (Is 45,6b)

Giuse Trương Đình Hiền