DẪN NHẬP : ĐỂ CÓ ĐƯỢC QUÁ KHỨ LẪN TƯƠNG LAI
 
          Nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ, Robert A Heinlein (1907-1988), đã có một nhận định về lịch sử thật thâm thúy :
 
“Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ - và cũng không có tương lai. (A generation which ignores history has no past and no future).
 
          Sự kiện khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm loan báo Tin Mừng vừa qua của giáo phận, đã xác định thế hệ chúng ta không ngoảnh mặt lại với lịch sử ; và như thế, chúng ta có thể vững tin để tự khẳng định : “Chúng ta có quá khứ và có cả tương lai” ; và đó là điều được minh thị trong chính bài giảng khai mạc Năm Thánh chiều 26/7/2017 tại Làng Sông của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn chúng ta. (Xin trích) :
 
“Thánh lễ hôm nay được cử hành tại khuôn viên chủng viện cổ kính Làng Sông, nơi xuất thân của một số Giám mục, biết bao linh mục và tông đồ giáo dân, giữa hai hàng sao đại thụ 125 năm tuổi, bên cạnh Tòa Giám mục ngày xưa, như chứng tích không phai nhòa của một lịch sử truyền giáo lâu dài, để dẫn đưa mỗi người chúng ta trở về nguồn, với tâm tình tri ân cảm tạ đối với Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho Giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong suốt 400 năm qua, đồng thời cũng để ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống, nước mắt mồ hôi, cho công cuộc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất mẹ Qui Nhơn.
Giờ đây Năm thánh được mở ra để mọi người con đất mẹ được dịp thể hiện những tâm tình ấy, đồng thời cũng để cầu xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn giúp đỡ để mỗi người chúng ta sống xứng đáng với bao hồng ân đã lãnh nhận và noi gương các bậc tiền nhân, tiếp tục làm cho hạt giống đức tin mà các ngài đã dày công gieo vãi được trổ sinh hoa trái dồi dào.” (Hết trích)
 
Và ý nghĩa nầy lại được củng cố thêm nơi diễn từ kết thúc Thánh lễ Khai Mạc của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam : Xin trích :
 
“Cuộc hành trình đức tin mà anh chị em đang tiến bước là con đường dài. Từ Rôma đến Qui Nhơn,  chúng ta có thể nhìn thấy và cử hành với niềm vui trên con đường đức tin của mình. Tuy nhiên, việc kỷ niệm thời điểm lịch sử này chỉ đạt được ý nghía trọn vẹn khi chúng ta có một cam kết dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Ấm hóa….
Do đó, việc cử hành lễ kỷ niệm 400 năm sẽ không chỉ dừng ở việc nhìn lại lịch sử của Giáo phận anh chị em. Năm kỷ niệm này mở ra cơ hội trông chờ nơi anh chị em việc canh tân cam kết trở thành những sứ giả cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa.” (Hết trích)
 
          Nhưng, “không ngoảnh mặt lại với lịch sử” lại không đồng nghĩa với “hiểu biết lịch sử”. Bởi vì, nếu chỉ mới dừng lại ở thích lịch sử, yêu lịch sử, có lòng với lịch sử, hướng về lịch sử…mà không biết chút xíu nào về lịch sử, thì lại là điều đáng trách, như cách nhận định “thẳng thừng” của Marcus Tullius Cicero[1] :
 
“Dốt nát về những chuyện xảy ra trước khi ta sinh chẳng khác nào luôn luôn mãi là đứa trẻ”.
(Nescire autem quid antequam natus sis acciderit, id est semper esse puerum).
 
          Trong Năm Thánh hồng ân mừng kỷ niệm 400 nầy, lịch sử mà chúng ta cần biết, cần học lại không phải là những di sản tinh thần mà bao thế hệ cha ông, đặc biệt, các thế hệ thừa sai, các vị tông đồ, đã dày công thực hiện để hạt giống Tin Mừng trỗ sinh trên quê hương giáo phận chúng ta sao ?
          Chủ đề của cuộc Thường Huấn năm nay đã là câu trả lời chính xác.
          Và cũng để góp phần cho “câu trả lời chính xác đó”, xin được mạo muội chia sẻ cùng quý cha một góc nhỏ về một “dữ liệu lịch sử quan trọng” trong công cuộc truyền giáo và xây dựng nền tảng cho Giáo Hội Việt Nam nói chung và giáo phận Qui Nhơn chúng ta nói riêng.
 
          “Góc nhỏ” đó sẽ mang tựa đề : TÌM LẠI KHO TÀNG BỊ LÃNG QUÊN, mà nội dung chủ yếu sẽ là cuộc “đánh giá lại” vai trò và ảnh hưởng to lớn của một văn kiện có thể nói được là “định hướng mục vụ nền tảng” cho công cuộc truyền giáo tại Á Châu cách đây 4 thế kỷ. Đó chính là “HUẤN THỊ 1659”[2] của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.
 
          Sỡ dĩ nhấn mạnh yếu tố “BỊ LÃNG QUÊN”, hoặc :
- vì người Á Đông chúng ta hay mang định kiến “bụt nhà không thiêng” nên gần như ít quan tâm, tiếp cận các tư liệu, văn kiện thuộc “nhà mình”, của quê hương mình ; hoặc, 
- vì : cái não trạng chung “Rôma là trên hết” nên những gì “ngoài Rôma” thường bị xem nhẹ, không đáng kể.
 
          Nói thì phải có sách và mách thì phải có chứng.
 
- Với cái “vì” đầu tiên, nếu chịu khó đọc hết Tông Huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, một văn kiện liên quan trực tiếp tới công cuộc truyền giáo tại Á Châu, chúng ta chỉ tìm ra vỏn vẹn một đoạn văn ngắn duy nhất sau đây có nhắc thoáng qua đến văn kiện quan trọng nầy : “Công lao Tông Đồ của Thánh Phanxicô Xavie, sự thành lập Hội Truyền Bá Đức Tin đời Giáo Hoàng Gregorio XV, và những chỉ dẫn cho các vị thừa sai biết tôn trọng và đánh giá cao những văn hóa địa phương, tất cả góp phần hoàn thành những thành quả tích cực trong vòng các thế kỷ XVI và XVII.”[3].
          Trong khi đó, mới đây thôi, có một sự kiện lớn liên quan đến công cuộc truyền giáo tại Á Châu là Ðại Hội Truyền Giáo Á Châu tại Chiang Mai, Thái Lan, từ ngày 18 đến 22/10/2006 (Asian Mission Cogress in Chiang Mai, Thailand), có rất nhiều tham luận chuyên đề, chia sẻ, thuyết trình… trong đó có cả đại diện của Giáo Hội Việt Nam, nhưng hầu như cũng không thấy nơi nào nhắc đến văn kiện liên quan trực tiếp đến lịch sự truyền giáo tại Á Châu nầy ![4]
 
- Với cái “vì” thứ hai thì gần như chúng ta có “đốt đuốc” đi tìm cho hết các văn kiện của Vatican II, nhất là những văn kiện liên quan đến mục vụ truyền giáo hay tác nhân truyền giáo như Sắc lệnh về Truyền Giáo “AD Gentes”, Giám Mục (Christus Dominus), Đào tạo linh mục (Optatam Totius)… cũng khó mà tìm ra được chỗ nào nhắc đến những định hướng về truyền giáo rất hợp thời, rất cần thiết, rất thông minh…của “kho tàng” quý giá mà chúng ta đang đề cập đến.
          Á Châu mà ! Có gì hay đâu !
 
          Sự lãng quên đáng tiếc nầy đã được chính một linh mục giáo sư của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt, cha F. Gomez (Ngô Minh) đã xác nhận trong thiên khảo luận về Truyền Giáo Học của ngài đăng trong số báo Hợp Tuyển Thần Học số 31 :
 
“Tiếc là sau này Bộ và Tòa thánh đã quên bẵng đi văn kiện ấy. Chỉ thành công trong việc cổ vũ công tác đào tạo hàng giáo sĩ địa phương.”[5]
          Và cái giá cho sự lãng quên, coi thường đó chính là sự thất bại, như bình luận của tu sĩ Mario Menin[6] trong bài khảo luận : LỊCH SỬ VÀ CÁC KHUÔN MẪU TRUYỀN GIÁO[7], khi nhắc đến khía cạnh “Hội Nhập Văn Hóa” của Huấn Thị 1659 :
 
“Khi ôn lại các chặng đường loan báo Tin Mừng tại Châu Á vào thời cận đại, giữa thế kỷ XVI-XVII, chúng ta có cảm giác là đọc lại lịch sử của một cuộc thất bại nặng nề khi so sánh với những thành quả thâu lượm được tại Châu Mỹ. Tại sao vậy? Bởi vì các nước Châu Á (ngoại trừ nước Philippines) không phải là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cho nên không chịu ảnh hưởng của đường lối cưỡng bách cải đạo? Hay là tại vì những cuộc bách đạo dữ dội tại Châu Á đã làm ngăn cản việc trở lại đạo? Hay là vì kế hoạch “hội nhập văn hóa” của vài thừa sai đã thất bại?”
 
          Còn Giáo Hội Việt Nam chúng ta thì sao ? Trước những định hướng nói được là liên quan trực tiếp đến “cái thuở ban đầu” của công cuộc loan báo Tin Mừng cho quê hương đất nước chúng ta và cả cho đến hôm nay, chúng ta đã tiếp cận, học hỏi và áp dụng được gì ?
 
          Rất may, trong dịp Giáo Hội Việt Nam mở Năm Thánh mừng 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960-2010) và 350 năm thiết lập hai Giáo phận Tông Tòa đầu tiên (1659-2009), trong tài liệu học hỏi Năm Thánh, đã có nhắc đến văn kiện “Huấn Thị 1659” nơi phần “NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ GIÁO HỘI HÌNH THÀNH TẠI VIỆT NAM”. (Xin trích) :
 
“Phương pháp truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, dựa trên bản Huấn Thị 1659, với những chỉ thị tích cực: “Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật bác ái Tin Mừng, biết thích nghi với phong tục và tính tình người khác... Công việc trước mắt của chư huynh là đưa những người địa phương, xứng đáng lên chức linh mục và cả giám mục nữa... Hãy rao giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với chính quyền... Ðừng đưa vào nước họ đất nước của mình, mà là Ðức Tin, Ðức Tin này không hề khai trừ hay làm tổn thương những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào cả...”. (Hết trích).
 
          Chúng ta không quên, 12 năm trước – 1998, Cố Giám Mục Thanh Hóa, Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, đã nêu bật cũng chính nội dung trên trong bài phát biểu tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Xin trích :
 
“Chắc hẳn Tòa Thánh đã không quên nhắc lại cho các nhà truyền giáo rằng không nên lẫn lộn công cuộc rao giảng Phúc Âm với công cuộc Tây Phương hóa. Nhưng Huấn Thị năm 1659 dành cho những vị Giám Quản Tông tòa đầu tiên, đã nói rõ ràng về điểm nầy”[8] (Hết trích)
 
          Tuy nhiên, tiếc một điều, chúng ta cũng chỉ mới dừng lại việc “nhắc lại” một sự kiện, như đọc lại tờ di chúc, nhìn lại bức chân dung...mà chưa đào sâu khám phá và tiếp tục áp dụng cụ thể vào công cuộc truyền giáo của chúng ta hôm nay !
 
          Phải chăng đây là chuyện đã quá lâu rồi ! Đây là tư liệu đã lỗi thời rồi phải không ?
          Không đâu quý cha. Vẫn còn mới mẻ, vẫn luôn hợp thời.
 
          Và giờ đây, để nhận ra cái “mới mẻ, hợp thời” của “kho tàng bị lãng quên” đó, chúng ta thử lần mò theo lộ trình sau đây :
 
PHẦN I : NHỮNG ĐIỂM HẸN GIAN NAN THUỞ ẤY
(Một thoáng nhìn về bối cảnh truyền giáo tại Á Châu – Việt Nam vào thế kỷ 16-17)
 
1. Á Châu : vùng đất và những con đường còn hoang hóa :
 
a/. Tin mừng trôi dạt theo những “cánh bườm”.
b/. Chế độ “Bảo Trợ truyền giáo” và những “công cụ trần tục” đã hết thời.
 
2. Cuộc “cách mạng truyền giáo” của Giáo Hội.
 
a/. Giáo Hội nhìn thế giới bằng một nhãn quan mới.
b/. Viễn kiến mục vụ thức thời của Công Đồng Trento.
c/. Cuộc “cách mạng” khởi đi từ trung tâm.
d/. Người “hoa tiêu” lái con tàu Thánh Bộ.
e/. Định hướng nền tảng để xuất phát :
 
PHẦN II : TÌM LẠI KHO TÀNG BỊ LÃNG QUÊN
(Những giá trị tích cực sống mãi qua dòng thời gian)
 
A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT
 
1. Bản dịch Việt ngữ ngữ đang được lưu hành.
2. Huấn Thị 1659 đã ra đời như thế nào ?
3. Bố cục tổng quát.
 
B. PHÂN TÍNH VÀ ĐÁNH GIÁ
 
1. Lượng giá tổng quát.
2. Những giá trị vượt thời gian
          - Truyền giáo và việc đào tạo nhân sự.
          - Truyền giáo và sự cảnh giác tinh thần thế tục.
          - Truyền giáo và việc hội nhập văn hóa.
 
KẾT LUẬN : CŨ VÀ MỚI TỪ TRONG KHO TÀNG (Mt 13,52).

 
PHẦN I : NHỮNG ĐIỂM HẸN GIAN NAN THUỞ ẤY

(Một thoáng nhìn về bối cảnh truyền giáo tại Á Châu – Việt Nam vào thế kỷ 16-17)
 
          Để biết được lý do nào dẫn tới sự ra đời của văn kiện “Huấn Thị 1659”, chúng ta lại phải cất công tìm về bối cảnh truyền giáo tại Á Châu vào thế kỷ 16-17.
 
1. Á Châu, vùng đất và những con đường còn hoang hóa :
 
          Có lẽ người Phương Tây chỉ biết rõ và thiết lập giao thương với vùng đất xa xôi châu Á thông qua “con đường tơ lụa”[9] mà những chuyện kể trong tự truyện “Marco Polo du hý” của nhà thám hiểm người ý lừng danh Marco Polo đã là một chứng từ rõ nét :
 
“Dưới triều Nguyên, một người Ý nổi tiếng là Marco Polo (1254-1324) lưu lạc đến Trung Quốc và làm quan ở đây 20 năm. Ông trở về nước bằng Con đường tơ lụa. Ông viết cuốn sách “Marco Polo du ký” (tiếng Ý: Il Milione) kể về toàn bộ quá trình lưu lạc đến phương Đông của mình trong đó có đề cập đến những chuyến hàng đầy ắp sản vật trên Con đường tơ lụa.”[10]
         
          Và cũng lần theo “Con đường tơ lụa”, các nhà thừa sai đã mang Tin Mừng cùng những giá trị của nền văn minh Kitô giáo du nhập vào vùng đất Á Châu, là quê hương của mọi tôn giáo lớn trên thế giới.[11]
 
“Thông qua con đường này, văn hóa các nước cùng nhiều tôn giáo được giao thoa khắp nơi. Ở các thành phố lớn trên con đường tơ lụa như Samarkand, ngoài kinh tế thì tôn giáo cũng là vấn đề rất đáng tự hào. Rất nhiều nhà thờ, giáo đường Kitô giáo, Do Thái giáo, hay chùa chiền đều được dựng lên ở khắp nơi. Mọi tôn giáo đều được chấp nhận và tôn trọng trên con đường tơ lụa. Chính quan điểm thể hiện sự tiến bộ, tạo tiền đề cho các nền văn minh phát triển.”[12]
 
          Và nếu “Con đường tơ lụa” đã bị cắt đứt vào thế kỷ 15 (1400), một đàng vì bệnh dịch “Cái chết đen” tràn vào Âu Châu năm 1348 - 1350 đã tàn sát khoảng 60% dân số, cùng với sự lớn mạnh và đe dọa của đế quốc Hồi Giáo Ottaman ; một đàng triều đại nhà Minh quyết định phong tỏa con đường huyết mạch nầy[13], nên “công cuộc truyền giáo cho Á Châu giai đoạn 1” cũng khép lại, để nhường “sân chơi” cho giai đoạn 2 bắt đầu vào thế kỷ 16, khi những con đường giao thương trên biển đã trở thành hưng thịnh.[14]
a/. Tin Mừng trôi dạt theo những “cánh bườm” : Đế quốc hàng hải và Bảo trợ truyền giáo.
 
          Nếu “Con đường tơ lụa” trên đất đã khơi gợi bao thế hệ thừa sai xông pha lên đường mang Tin Mừng cho những thảo nguyên mịt mùng xa xôi châu Á, thì kể từ “cột mốc” Christopher Colombus[15] (1451-1506) khám phá Tân thế giới năm 1492, và Vasco da Gama tới Ấn độ năm 1498 (1460-1524), con đường hàng hải với những con tàu vượt đại dương, lại là một thu hút mãnh liệt những bước chân ra đi làm chứng Phúc âm của những chàng trai “máu lửa” Âu Châu mà căn tính Kitô mang dấu ấn của những Dòng tu (Dòng Phanxicô, Dòng Đa Minh) đang phục hồi sức sống cho Giáo Hội.
          Nương theo những cánh bườm của những đoàn tàu đi chinh phục những miền đất mới, đặc biệt, những cuộc hải hành “chính quy” thuộc các “đại gia hàng hải” đó là hai quốc gia Công Giáo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, từng đoàn thừa sai cũng đã được “sai đi” để buông lưới ; và từ đó đã phát sinh một “hệ lụy mục vụ” vừa tích cực vừa tiêu cực, đã ảnh hưởng trên công cuộc truyền giáo của Giáo Hội suốt gần 2 thế kỷ.
 
          Tài liệu “GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN” sẽ cho chúng ta thấy được toàn cảnh sự kiện đặc biệt nầy. (Xin trích) :
 
1. BỐI CẢNH TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU Á TRƯỚC KHI CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẾN ĐÀNG TRONG
Vào thế kỷ XV, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là hai nước hàng đầu của thế giới về phát triển hàng hải. Nhờ lợi thế đó, hai nước cũng đi đầu trong việc khám phá thế giới. Thế giới quá bao la, nhu cầu truyền giáo cũng bao la. Lúc bấy giờ Tòa Thánh ủy thác cho họ nhiệm vụ truyền giáo và tổ chức Giáo Hội tại những miền đất mới. Như thế Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được gọi là hai nước bảo trợ truyền giáo. Thời kỳ này trong lịch sử truyền giáo của các nước thuộc quyền bảo trợ truyền giáo của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha được gọi là thời kỳ "Bảo trợ truyền giáo". Lúc bấy giờ, công cuộc truyền giáo tại Đại Việt thuộc quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha.
 
1.1. Bối cảnh bảo trợ truyền giáo [16]
Ngày 04.05.1493, Đức Giáo Hoàng Alexandrô VI ký Sắc chỉ Inter Caetera, phân chia quyền bảo trợ truyền giáo cho hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Sau đó hai nước ký hiệp ước tại Tordesillas (Tây Ban Nha) vào ngày 07.06.1494, thỏa thuận đường ranh giới là kinh tuyến 30 từ Bắc cực xuống Nam cực. Tây kinh tuyến thuộc Tây Ban Nha; Đông kinh tuyến thuộc Bồ Đào Nha, gồm Phi châu và Á châu.
Việc Tòa Thánh ban quyền bảo trợ truyền giáo cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là một giải pháp trong hoàn cảnh cụ thể của một giai đoạn lịch sử. Cơ chế bảo trợ truyền giáo đã đem lại nhiều kết quả lớn lao, một số các quốc gia đã nhận được Tin Mừng. Tuy nhiên, trong khi thực hiện cơ chế bảo trợ truyền giáo, các thừa sai bị lệ thuộc, vướng mắc vào quyền thế chính trị của nước bảo trợ. Điều này gây ra những tiêu cực và hạn chế cho công cuộc rao giảng Tin Mừng.[17] (Hết trích).
 
          Như tài liệu vừa nêu đã xác nhận : “Cơ chế bảo trợ truyền giáo đã đem lại nhiều kết quả lớn lao, một số các quốc gia đã nhận được Tin Mừng.”.
          Điều nầy thì không thể phủ nhận, nhất là công lao của các thừa sai Dòng Tên, những người con của Thánh I-Nhã đã lên đường loan báo Tin Mừng với châm ngôn : AD MAJOREM DEI GLORIAM – (Để Chúa được vinh danh hơn).
 
`         Tài liệu GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN đã dành trọn Chương IV của Phần I để tổng kết những phương pháp tối ưu và những thành quả cao quý của giai đoạn “Bảo Trợ Truyền Giáo” đặc biệt nầy mà các thừa sai Dòng Tên đóng vai trò trọng yếu. (Xin trích) :
 
“Với số 36 thừa sai ra vào làm việc trên một miền đất xa lạ từ năm 1615 đến năm 1659, có khi chỉ có một thừa sai, có khi cả 10 năm không có bóng dáng một thừa sai nào. Tuy nhiên, với phương châm "Ad majorem Dei gloriam - Cho vinh danh Thiên Chúa hơn" của Dòng Tên và do biết ứng xử, vận dụng nếp sống văn hóa của người Việt, các thừa sai đã gặt hái được nhiều kết quả.”[18]
 
b/. Chế độ “Bảo Trợ truyền giáo” và những “công cụ trần tục” đã hết thời.
 
          Ngoài những điểm tích cực tiêu biểu vừa nêu, chế độ “Bảo Trợ Truyền Giáo” cũng đã “gây ra những tiêu cực và hạn chế cho công cuộc rao giảng Tin Mừng”. Giờ đây, chúng ta thử dừng lại để nhận thấy rõ hơn đâu là những “tiêu cực” và “hạn chế” của phương cách nầy :
 
b1- Những công cụ thuần túy nhân loại trái ngược với Tin Mừng :
          Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, cho dù là những quốc gia thuần Công Giáo, thì vẫn là những thực tại hoàn toàn thế tục. Vã lại, đây là những quốc gia đang mang tham vọng đế quốc và thực dân trên những vùng đất mới với những ý đồ chính trị, quân sự, kinh tế đen tối hoàn toàn phàm tục. Chính vì thế, “khoán” hẳn cho những thế lực nầy đảm nhận công cuộc loan báo Tin Mừng, thì chẳng khác nào “giao trứng cho ác” ! Và đây là nhận xét của Josef Holzer, một tác giả rất uy tín viết về lịch sử Giáo Hội, trong tác phẩm “LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT” :
 
“Thực-dân Bồ và Tây-Ban-Nha đi tới đâu, các nhà truyền giáo theo tới đó. Những khám-phá và xâm chiếm đất-đai không chỉ vì quyền-lợi chính-trị, quân-sự và kinh-tế, mà còn cả tôn-giáo. Nhưng tiếc thay, công cuộc truyền giáo dưới cây dù thực-dân thường với những phương-cách tàn-bạo và nhơ-nhuốc đó đã tạo cho người ta cảm-tưởng rằng Giáo-hội đã cùng một bè một cánh với thực-dân cướp-bóc. Cảm-tưởng này cho đến ngày nay vẫn còn hằn sâu trong tâm-trí của một số dân-tộc.”[19]
 
b2- Tinh thần thế tục chi phối cả đời sống và cách hành xử của “những kẻ được sai đi” :
          Chúng ta thử đọc lại các chứng từ của chính các Vị Chủ Chăn đương nhiệm lúc bấy giờ, đặc biệt với các bản phúc trình của Đức Cha Lambert de la Motte gởi cho Vị Hồng Y Thư Ký Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin khi ngài nhìn thấy bao nhiêu chuyện gai chướng nơi các vùng được “Bảo trợ truyền giáo” :
 
- Sự suy đồi và gây gương mù gương xấu nơi các giáo sĩ, tu sĩ thừa sai :
 
“…Nếu được phép nói ra tất cả những gì mà mọi người ở xứ nầy đều đã biết về tình hình tôn giáo ở Goa và các lãnh thổ thuộc quyền người Bồ Đào Nha, người ta sẽ thấy rằng hàng giáo sĩ phần đông không ăn học và không có hạnh kiểm tốt, và các tu sĩ không còn giữ hiến pháp của họ, những thói tục không tốt đã du nhập vào cộng đoàn làm cho họ không còn biết vâng lời các bề trên.
Về đức khó nghèo, hầu hết tất cả các dòng tu đều kinh doanh và cho vay lấy lời, ngay cả có những tu sĩ có riêng 10, 20, 30, 40 tới 50.000 ê-cu.
Còn về đức khiết tịnh, có bao nhiêu vụ vấp phạm nơi số đông tu sĩ đến nỗi một người lương thiện có gia đình, không dám cho tu sĩ năng tới nhà ông ta mà không sợ mang tiếng.
Hẳn là do những sai phạm quái gở ấy mà người ta thấy bàn thờ nầy chống lại bàn thờ kia, và trong các cuộc rước kiệu công khai và trọng thể, có giáo sĩ và tu sĩ mang dưới tu phục họ những giao găm và súng đạn, mà đôi khi họ sử dụng để tàn sát lẫn nhau.”[20]
 
- Đặc biệt, Đức Cha Lambert đã liệt kê ra 7 nguyên nhân chính khiến “người Bồ Đào Nha thất bại trong công cuộc truyền giáo”, cũng là sự thất bại của chế độ “bảo trợ truyền giáo thuộc người Bồ”. Đó là : sự hống hách kiêu căng khinh thường dân bản địa, tinh thần thống trị, mâu thuẩn giữa cuộc sống và lời rao giảng, hưởng thụ ăn không ngồi rồi, thường xuyên gây gương mù gương xấu, mại thánh, không đáp ứng đủ nhân sự.[21]
          Và hơn thế nữa, theo một tài liệu viết tay của Đức cha Lambert còn lưu giữ tại Paris, được ngài trao cho thừa sai Giacôbê Gia khi vị nầy được sai về Âu Châu để thông tin cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về những “đề phòng dè dặt phải giữ đối với người Bồ Đào Nha”, Đức Cha đã liệt kê một loạt tới 15 tệ nạn đang xảy ra nơi các Giáo Hội dưới chế độ bảo trợ.[22]
 
          Và như thế, con thuyền Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, đã đến lúc cần “bẻ bánh lái” để bắt đầu một hướng mới !
 
2. Cuộc “cách mạng truyền giáo” của Giáo Hội.
 
a/. Giáo Hội nhìn thế giới bằng một nhãn quan mới :
          Vào thế kỷ 16 và trước đó khá xa, cả Âu Châu đang “nhộn nhịp” lên đường tìm những vùng đất mới. Chính nhờ sự khám phá thế giới và mang về Âu Châu nhiều giá trị độc đáo cùng với những nền văn minh, văn hóa mà đã từ lâu, dân Âu Châu cứ cho rằng chỉ có Hy Lạp, Rôma, Do Thái, Hồi Giáo là tất cả ; ngoài ra chỉ là man di mọi rợ. Linh mục Đỗ Quang Chính đã nhận xét ý nghĩa nầy như sau :
 
“Khoảng từ đầu thế kỷ XVI trở về trước, Giáo hội Công giáo mới gặp gỡ các nền văn minh Hi Lạp, Roma, Ai Cập, Trung Đông và gặp gỡ tôn giáo lớn ngoài Kitô giáo như Hồi giáo. Nhưng với sự khám phá ra nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới sống trên quả đất hình tròn, chứ không phải là hình phẳng, Giáo hội “đụng” với những nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á, Trung Nam Mỹ và ngỡ ngàng khi đối mặt với các tôn giáo lớn như Ân giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thần đạo và nhiều dạng tín ngưỡng ở các châu lục ngoài châu Âu. Từ đó Giáo hội nhận thấy công cuộc truyền giảng Tin Mừng không dễ như xưa.”[23]
 
b/. Viễn kiến mục vụ thức thời của Công Đồng Trento :
          Cùng với “nhãn quan mới” soi vào một một “thế giới bao la hình tròn” với nhiều đa dạng, phong phú nhưng cũng đầy phức tạp, một động lực khác để dẫn tới “cuộc cách mạng truyền giáo” của Giáo Hội lúc bấy giờ chính là “viễn kiến mục vụ” đầy thức thời của Công Đồng Trentô. Chúng ta lại trưng dẫn tiếp nhà sử học Công Giáo Việt Nam của Dòng Tên, cha Đỗ Quang Chính :
“Chúng ta đã biết Công đồng Trentô (1545-1563) có mấy điểm quan trọng trong nhiều điểm quan trọng khác, đó là : cải tổ sâu xa nội bộ Giáo hội, bảo vệ Giáo hội, cụ thể là ở châu Âu, khỏi bị cuốn theo Tin Lành, và mở rộng Giáo hội sang các dân tộc ngoài châu Âu, tức là công việc truyền giáo tại các châu Á, Phi, Mỹ. Nhưng, ngay từ năm 1568, Đức Piô V đã không thành công trong việc lập hai Tiểu ban (dù mới chỉ là Tiểu ban, chứ chưa phải là Bộ) : một, lo cho người lạc giáo, cụ thể là anh em Tin lành ; hai, lo cho những dân tộc ngoài Kitô giáo. Năm 1599 Đức Clemente VIII lập hẳn một Bộ gọi là Sacra Congregatio de Propaganda Fide (Thánh Bộ Truyền bá đức Tin), nhưng chỉ được vài năm thì Ngưng hoạt động.”[24]
 
c/. Cuộc “cách mạng” khởi đi từ trung tâm :
          Nhìn thế giới chuẩn xác hơn và được Công Đồng Trento định hướng đúng đắn, nhưng để có một kế hoạch khả thi và dứt khoát áp dụng những đường hướng loan báo Tin Mừng mới mẻ và thích hợp thì không dễ chút nào. Chính cái định chế “bảo trợ truyền giáo” dành ưu tiên cho hai ông “đại gia” đế quốc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã như một cái “gọng kềm” làm cho “cái đầu của Nhiệm Thể”, cái trung tâm lãnh đạo của Giáo Hội là Tòa Thánh Rôma phần nào bị “bó chân bó tay”.
          Và một khi con người “bó tay” thì Chúa Thánh Thần “ra tay” ; và việc ra tay của Chúa Thánh Thần trong thời điểm quan trọng lúc đó chính là việc hình thành một cơ quan đầu não, điều hành toàn bộ công cuộc loan báo Tin Mừng, mà không phải lệ thuộc bởi một thế lực trần tục nào. Đó chính là Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin[25] được chính thức thiết lập ngày ngày 22-6-1622 do Đức Grêgôriô XV bằng Hiến chế (Constitutio) Inscrutabili Divinae Providentiae.
 
          Linh mục Đỗ Quang Chính nhận xét về sự kiện “cách mạng” nầy như sau :
 
“Đứng trước hoàn cảnh này, Toà thánh phải tìm cách thoát ra khỏi cơ chế bảo trợ trong các vùng truyền giáo, phải đứng ra lãnh trách nhiệm trực tiếp và toàn bộ trong việc tổ chức và phái các thừa sai đến những xứ trên, mà không còn phải lệ thuộc vào quyền lực chính trị các đế quốc nữa. Như vậy mới tránh được nhiều tiêu cực trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng. Vì thế, dù quá hiểu cơ chế mới này trực tiếp đụng đến cách sắp xếp và điều hành quen thuộc của chế độ bảo trợ, nhất là của Bồ Đào Nha, làm vua mất nhiều ảnh hưởng, Toà thánh cũng phải vượt mọi ngãng trở để lập ra Thánh Bộ Truyền giáo.”[26]
 
d/. Người “hoa tiêu” lái con tàu Thánh Bộ :
          Nhưng phải nói Chúa Thánh Thần đã làm cho Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin hoạt động bài bản và hiệu quả ngang qua một nhân vật xuất chúng đó là Đức Ông Phanxicô Ingoli (1578-1649), Vị Thư Ký đầu tiên và đã điều hành Thánh Bộ dòng dã suốt 27 năm cho tới khi qua đời.
          Có thể nói được Đức Ông Ingoli chính là người thiết kế và điều phối toàn bộ chương trình hành động của Thánh Bộ, mà nhờ đó, Giáo Hội có được một nền tảng căn bản và chuẩn xác cho hoạt động truyền giáo vẫn còn thích hợp cho đến mãi hôm nay !
          Để xác nhận điều nầy, chúng ta phải nại đến linh mục tiến sĩ sử học người Đức, Joseph Metzler, tu sĩ Dòng O.M.I, giáo sư đại học tại Đức, Rôma, quản thủ thư khố bộ Truyền Giáo vào năm 1966, đã phát biểu :
“Công trạng đã xây dựng được chương trình đó thuộc về vị thư ký Phanxicô Ingoli. Ngài đã vạch ra con đường mà Thánh Bộ phải dấn thân vào”.[27]
 
e/. Định hướng nền tảng để xuất phát :
          Có thể nói được toàn bộ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, kể từ khi Thánh Bộ Truyền Bá đức tin ra đời, đã được thống nhất và sắp xếp lại một cách có hệ thống, chuẩn mực và hiệu quả. Huấn thị 1659 chắc chắn được tác động và ảnh hưởng trực tiếp từ định hướng hợp thời và cần thiết của Thánh Bộ.
          Linh mục Đào Quang Toản trong tác phẩm “GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659” đã khái quát nội dung định hướng chương trình hành động của Thánh Bộ với 4 điểm sau[28] : (Xin trích) :
 
- Về nhân sự : các hồng y Thánh Bộ, các giám mục và các linh mục thừa sai, dòng cũng như triều. (Không thấy nói đến thầy giảng, nữ tu hay giáo dân).
- Về học thuyết : vì phải đương đầu với giới trí thức và văn hóa các dân tộc, việc học hỏi nghiên cứu về thần học là điều quan trọng, không thể thiếu.
- Về ngôn ngữ : cần học hiểu chu đáo ngôn ngữ và văn hóa các xứ truyền giáo. Chính Đức ông thư ký đã thiết lập được bốn trung tâm ngôn ngữ tại Roma, Florence, Malta và Jêrusalem.
- Về in ấn : xây dựng một nhà in đa ngữ để ấn hành Thánh Kinh, giáo lý Công giáo, sách dạy văn phạm, sinh ngữ, tự điển,[29] v.v… (Hết trích)
 
          Trong khi đó, cũng theo linh mục Đinh Quang Toản trong tác phẩm “GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659”, giáo sư tiến sĩ Joseph Metzler đã chi tiết hóa định hướng tổng quát của Thánh Bộ với 7 điểm căn bản[30] mà hầu hết sau nầy Huấn Thị 1659 khai triển và áp dụng thực hành : (Xin trích) :
 
1. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi chế độ thực dân mà vào thời đó là chế độ bảo trợ truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
2. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi các vấn đề chính trị.
3. Tìm giải thoát hoạt động truyền giáo khỏi mọi tổ chức thương mại.
4. Tìm tuyển chọn và đào tạo những thừa sai xứng đáng với nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng.
5. Tìm thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.
6. Tìm thực hiện việc, mà nói theo ngôn ngữ thần học hôm nay, là “hội nhập văn hóa”.
7. Tìm phương cách truyền giáo có tính mục vụ và nhân bản hơn : rao truyền, giảng dạy, bàn luận, cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, khuyên bảo, khuyến khích, cử hành bí tích, ấn loát sách vở, mở trường dạy học, v.v… (Hết trích).
 
          Ngoài những yếu tố dọn đường tương đối “khách quan” đó, việc xuất hiện và vai trò lịch sử của Huấn Thị 1659 chắc chắn được tác động không nhỏ bởi những đóng góp tích cực của những thừa sai đang dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng và bởi cộng đoàn tín hữu Á Châu, những đàn chiên mới đang khao khát được chăn dắt kỹ càng hơn bởi Mẹ Hội Thánh.
 
          Chúng ta tạm dừng lại ở đây khi bàn tới “những con đường” dẫn tới việc hình thành văn kiện “Huấn Thị 1659”. Giờ đây, chúng ta thử tiếp cận trực tiếp đến nội dung văn kiện nầy :
 
 
PHẦN II : TÌM LẠI KHO TÀNG BỊ LÃNG QUÊN

(Những giá trị tích cực sống mãi qua dòng thời gian)
 
A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT HUẤN THỊ 1659
 
1. Bản dịch Việt ngữ ngữ đang được lưu hành :
Bản dịch đầy đủ đang lưu hành hiện nay do linh mục Đào Quang Toản thực hiện dựa trên “bản dịch phần thứ III với tựa “In Ipsa Missione” của Huấn Thị mà thôi”, do Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế thực hiện năm 1965 (Không ghi rõ tên dịch giả) :
 
“Dưới đây, chúng tôi xin trình bày bản dịch của Đại Chủng Viện Xuân Bích, và nhất là cố gắng dựa theo văn từ của bản dịch đó để chuyển ngữ phần I và phần II của Huấn Thị năm 1659, dựa theo bản tiếng Pháp của Bernard Jacqueline, và đối chiếu với bản La tinh mà Henri Chappoulie đã xuất bản”[31]
 
2. Huấn Thị 1659 đã ra đời như thế nào ?
          Về nội dung nầy, chúng ta dựa theo tác phẩm của linh mục Đào Quang Toản, tác phẩm “GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659” trong phần biên tập riêng “Huấn thị 1659” từ trang 45-73). (Xin trích) :
 
“Nguồn gốc bản Huấn Thị năm 1659 như sau.
Ngày 27.6.1649, cha Đắc Lộ đến Roma tìm cách vận động Thánh bộ Truyền bá Đức tin cho Giáo hội  Việt Nam. Sau ba năm ở Roma, cha qua Pháp tiếp tục công việc này. Nhưng sang năm 1654, cha phải rời Pháp đi Ba Tư theo lệnh của cha bề trên cả dòng Tên lúc đó.
Cuộc vận động cho Giáo hội Việt Nam ấy tưởng đã quên đi, lại bùng lên mãnh liệt vào năm 1657 với phái đoàn 5 linh mục Pháp hành hương sang Roma. Kết quả là Đức Thánh Cha ký đoản sắc ngày 29.7.1658, chính thức chỉ định cha Pallu và cha Lambert de la Motte làm giám   mục ; và trên một năm sau, ngày 9.9.1659, đặt hai ngài làm Đại diện Tông tòa tại Việt Nam.
Bây giờ, tới lúc Thánh Bộ cần phải trao cho các giám mục thừa sai này những chỉ thị, hướng dẫn, dặn dò, v.v., trước khi họ lên đường. Và để soạn thảo được những điều trên, các nhân viên Thánh Bộ «đã phải lật mở từng tờ văn thư của Thánh Bộ từ khi thành lập, rồi xem xét, rồi thu thập tất cả những dự án, những giải pháp, những chỉ thị đã làm, đã ra, liên quan tới các cuộc truyền giáo và các thừa sai trên toàn thế giới ». Sau cùng, bản Huấn Thị hoàn tất và được gửi đi ngày 10.11.1659 cho các tân giám chức người Pháp.”[32] (Hết trích).
 
          Riêng cha Đỗ Quang Chính, trong tác phẩm “HAI VỊ GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM” lại cho chúng ta thấy thêm chi tiết về “tên gọi ban đầu” và người “biên soạn” chính thức cho Văn kiện quan trọng nầy :
 
“Đầu đề của tư liệu này là : Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn dụ các đại diện tông toà đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659). Trong tập sách nhỏ này, chúng tôi xin gọi tắt là : Huấn dụ năm 1659. Đây là Huấn dụ của TBTG gửi cho ba Giám mục tông toà đầu tiên ở Đàng Ngoài, Đàng Trong và Nam Kinh (Trung Quốc), tức là các Đc F. Pallu, p. Lambert de la Motte và Ignace Cotolendi. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, thì tác giả có công soạn thảo Huấn dụ này, là linh mục William Lesley, người Tô Cách Lan, làm thư ký cho Hồng y Barberini, Bộ trưởng TBTG.”[33]
 
3. Bố cục tổng quát :
 
          Bản Huấn Thị được trình bày với 3 phần rõ rệt :
 
Phần I : Trước khi lên đường (Antequam discedant) : được phối trí thành 7 đề mục sau[34] :
 
1. Những đức hạnh của thừa sai
2. Cách thức phải theo khi gửi người đi truyền giáo.
3. Chuyển trao thư từ.
4. Gửi trợ cấp.
5. Những đức hạnh của người đại diện.
6. Người đại diện tại Roma.
7. Khởi hành.
 
Phần II : Trong lúc đi đường (In ipso itinere) : được phối trí thành 4 đề mục sau :
 
1. Lộ trình.
2. Bí mật dọc đường.
3. Báo cáo về cuộc hành trình.
4. Cách thức đi đường.
 
Phần III : Tại nơi truyền giáo (In ipsa missione) : được phối trí thành 23 đề mục sau :
 
1. Đào tạo giáo sĩ bản quốc.
2. Về giám mục bản quốc.
3. Vâng phục và lĩnh ý Tòa Thánh.
4. Tòa Thánh đặt đại diện ở các vùng xa xôi.
5. Đừng bách bức người ta tuân theo Thánh Bộ.
6. Tổ chức liên lạc thư tư với Thánh Bộ.
7. Thận trọng trong việc gởi thư.
8. Khuyên các vị thừa sai viết thư.
9. Kính trọng nhà cầm quyền.
10. Đừng xen vào chính trị.
11. Đừng lưu lại nơi công đường.
12. Dạy dân chúng hợp nhất và vâng phục chính quyền.
13. Tôn trọng cổ tục bản xứ.
14. Tôn trọng trật tự công cọng.
15. Đừng rời bỏ khu vực của mình.
16. Đừng tranh luận.
17. Buộc các linh mục giữ đúng kỷ luật truyền giáo.
18. Những lý do cho các cha về Âu Châu.
19. Đối với các cha dòng.
20. Vấn đề tiền của.
21. Vấn đề văn hóa.
22. Đào tạo linh mục tương lai.
23. Những lời nhắn nhủ kết thúc.
 
B. PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ
 
1. Lượng giá tổng quát :
 
a/. Một “tài liệu chung cuộc”, một bản “đúc kết tiên khởi” về chương trình hành động của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin :
 
“Người ta có thể coi như tài liệu chung cuộc về chương trình hoạt động của Thánh Bộ là bản Huấn Thị vĩ đại năm 1659 gửi các vị đại diện tông tòa miền Đông Dương”.[35]
 
b/. Một chương trình “truyền giáo rộng rãi”, “mới mẻ”, “rõ ràng”, “thích ứng” :
 
“Đương nhiên là chương trình truyền giáo rộng rãi đó, gần như mới mẻ về mọi điểm, không thể một sớm một chiều thực hiện được. Điều đáng kể là Thánh Bộ đã có được một chương trình rõ ràng và rất thích ứng với những nhu cầu cụ thể và với những vấn đề truyền bá đức tin. Dựa theo đó, Thánh Bộ có Thể hướng dẫn các thừa sai một cách thống nhất và Thánh Bộ có sẵn chương trình để quy chiếu.”[36]
 
c/. Những điểm nhấn quan trọng : Qua bố cục như đã trình bày ở trên, Huấn Thị 1659 đề cập tới nhiều vấn đề liên quan đến toàn cảnh mục vụ truyền giáo, đặc biệt tại vùng đất Á Châu mà Giáo Hội đang quan tâm và nỗ lực thực hiện. Mặc dù có nhiều “hạng mục” không còn mang tính “thời sự” để áp dụng trong bối cảnh truyền giáo hôm nay, nhưng nhìn chung, bản Huấn Thị đã có những định hướng tối quan trọng và cần thiết, được phản ảnh qua 4 chủ điểm sau theo cách phân tích của linh mục Đào Quang Toản trong tác phẩm “GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659”. (Xin trích) :
- Giải thoát Giáo Hội địa phương khỏi quyền bảo trợ Bồ Đào Nha.
- Thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.
- Không dây dưa dính dáng vào chính trị.
- Tôn trọng văn hóa địa phương.[37] (Hết trích).
 
2. Những giá trị vượt thời gian :
 
a/. Được đón nhận và triển khai thực hiện tức thời : Ngược dòng về 400 năm trước, khi mọi nẻo đường giao thoa đều phải tính chiều dài, chiều rộng bằng những tháng, những năm ; giữa Tòa Thánh và các vùng truyền giáo như Mỹ Châu, Á Châu, Phi Châu…thông tin liên lạc khó khăn trăm bề. Thế mà mới từ cuối năm 1659 khi Huấn Thị chính thức được ban hành, thì 5 năm sau, tại Ajuthia[38] Thái Lan, các Đức Giám Mục đã họp Công Nghị và triển khai thực hiện cách bài bản mà chứng từ còn lưu lại qua Huấn Thị 1664[39], một “viên ngọc quý” sẽ được bàn sau.
          Chỉ một sự kiện đó thôi, đủ chứng minh vai trò “Đầu của Nhiệm Thể” đang thực sự lèo lái con thuyền của Hội Thánh : cuộc “cách mạng truyền giáo” vượt thoát khỏi chiếc “vòng kim cô” của định chế “bảo trợ truyền giáo” ; và như thế, Huấn Thị 1659 thật sự có đầy đủ uy tín và thẩm quyền cao nhất để định hướng cho toàn thể Giáo Hội tiến bước, không còn bị “lép vế” trước các “thế lực đại cường” của thời bảo trợ như nhận định của Mario Menin :
 
“Chế độ bảo trợ đã mang lại kết quả là sự bành trướng Kitô giáo nhất là tại Châu Mỹ và nước Philippines, nhưng đối lại là một thứ nhà tù không thể vượt ra được. Trên thực tế, Tòa Thánh Roma bị loại trừ ra khỏi việc điều hành các vùng đất mới được truyền giáo. Không văn kiện nào của Tòa Thánh có giá trị nếu không được duyệt y bởi Hội Đồng đặc trách Châu Mỹ. Ngay cả thư từ liên lạc với Roma cũng bị kiểm soát.”[40]
 
b/. Những định hướng chưa bao giờ lỗi thời : Huấn Thị 1659 ra đời cách đây đã gần 4 thế kỷ, trong một bối cảnh xã hội và Giáo Hội khác xa ngày hôm nay. Tuy nhiên, có nhiều điều Huấn Thị nêu ra cho Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội tại Á Châu vào thuở ban đầu đó, vùng đất của công cuộc “vỡ đất đón nhận Tin Mừng”, và cho những ai đang dấn thân cho sứ vụ thánh thiêng nầy, vẫn còn hợp thời và rất cần thiết.
 
          Xin được tập chú vào 3 chủ đề chính :
 
TRUYỀN GIÁO VÀ VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN SỰ
 
Bản văn tiêu biểu :
 
Đào tạo giáo sĩ bản quốc.
 
“Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ tấn phong cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia của mình ; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần chăm sóc. Vậy chư huynh hãy luôn  đặt trước mắt mục đích này là tuỳ sức có thể chư huynh hãy làm sao đưa dẫn được nhiều người và là những người có nhiều khả năng đạt đến chức thánh, đào luyện họ và truyền chức cho mỗi người lúc họ đã sẵn sàng.”
 
Đào tạo linh mục tương lai.
 
“Nếu trong các trường đó, chư huynh gặp thấy có những thanh thiếu niên tính tốt, đạo đức, có lòng sốt sắng và  tận hiến, có khả năng theo học văn chương và có triển vọng sống cuộc đời giáo sĩ, thì chư huynh hãy nuôi lòng nhiệt thành của chúng và làm sao cho chúng tiếp tục học chứ không bị lôi cuốn rẽ theo ngả khác. Sau khi họ đã được tiến bộ đủ về văn học lẫn đạo đức, chư huynh có thể nhận họ vào hàng giáo sĩ, và đến thời gian thích hợp, hãy thử thách họ qua nhiều cuộc tĩnh tâm và dò xét ý hướng của họ cũng như ơn kêu gọi đối với đời sống linh mục, rồi mới truyền chức thánh cho họ. Sau lại cử họ đi rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô cho đồng bào của họ.”
 
Những đức hạnh của thừa sai.
 
“Bởi thế, ngay từ ban đầu, chư huynh phải rất cẩn thận tìm kiếm và nhận định ra giữa muôn người những ai, theo tuổi tác và sức khỏe, có khả năng gánh vác các công việc. Cũng như rất cần phải biết ai là kẻ có lòng bác ái cao cả và có tính cẩn thận. Chúng ta nhận ra được những nhân đức này, không phải bằng sự suy xét về con người hay về cảnh ngộ, nhưng qua việc áp dụng và thi hành thực tế cùng kinh nghiệm của những người khác trong các công tác đã hoàn tất cách đáng ca ngợi. Đây là những kẻ có khả năng sống kín đáo và kiên trì bảo mật, có phong thái đứng đắn, lịch thiệp, hiền lành, kiên nhẫn, khiêm tốn và lo tìm cách nêu gương sáng tất cả các nhân đức của niềm tin Kitô giáo mà họ tuyên xưng. Họ là những người đã được đào tạo theo chuẩn mực bác ái của Phúc Âm, biết hòa hợp với phong tục và tính nết người khác. Họ không trở nên gánh nặng cho những đồng bạn mà họ phải chung sống. Họ không trở thành kẻ đáng bị ghét bỏ nơi những người dân ngoại quốc hay là kẻ bội bạc xấu xa ; nhưng là người, như thánh Tông Đồ, trở thành tất cả cho mọi người.”
 
Về giám mục bản quốc.
 
“Trong số những người chư huynh đã truyền chức, có lẽ có người xứng đáng lên chức giám mục. Tuyệt đối cấm ngặt chư huynh không được ban chức cao trọng đó cho một người nào ; nhưng hãy phú cho Thánh Bộ rõ danh tánh, đức độ, tuổi tác họ cũng như mọi điều khác nên biết, như vị trí chư huynh có thể truyền chức cho họ, giáo phận chư huynh có thể giao cho họ cai quản và nhiều chi tiết khác như vậy sẽ bàn tới sau này.”
 
Nhận định :
 
a/. Định hướng “kế hoạch trồng người” :
 
          Nếu soi định hướng nầy trên lăng kính văn hóa Đông Phương, chúng ta gặp ngay tư tưởng “Trồng người” của Quản Trọng[41] (725-645 TCN) : Chung thân chi kế mạc như thụ nhân. (Kế trọn đời chi bằng trồng người).
          Thật vậy, với định hướng về nhân sự như thế, chúng ta có thể nói được, Huấn Thị 1659 đã có một tầm nhìn chiến lược về mục vụ truyền giáo. Muốn cho công cuộc truyền giáo phát triển và được xây dựng trên một nền tảng vững chắc, thì Trung ương không thể “bao cấp”, nhưng phải ưu tiên xây dựng một đội ngủ “chủ chăn-tông đồ” thuộc bản xứ, như nhận định của cha F. Gomez :
 
“Lịch sử ghi lại bài học này là khi không sống tự túc được thì các giáo hội địa phương cũng không tồn tại được. Suốt trong quá trình lịch sử Giáo hội cho đến nay, Châu Âu là nguồn suối “cung cấp” thừa sai; bây giờ, xem ra suối đang cạn dần... vì thế, các Giáo hội “trẻ” không những cần phải tự túc, mà còn phải góp phần ngày càng lớn hơn, cho công cuộc truyền giáo tại địa phương, quê nhà cũng như nơi các dân nước khác.”[42]
 
          Đây chính là điều mà gần 400 năm sau, Công Đồng Vatican II đã tái xác nhận trong sắc lệnh về Truyền Giáo (Ad Gentes) :
 
“Thật vậy, Giáo Hội càng bén rễ vững chắc hơn nơi cộng động địa phương, khi chính các thành viên của cộng đoàn tín hữu trở thành thừa tác viên của ơn cứu độ, thuộc hàng Giám Mục, linh mục cũng như phó tế, để phục vụ anh chị em mình, và như thế, tại các Giáo Hội mới thành lập, dần dần hình thành cơ cấu giáo phận với hàng giáo sĩ riêng”.[43]
 
          Và định hướng “đào tạo linh mục” trên của Huấn Thị đã được áp dụng cụ thể như thế nào ? Chúng ta có thể khẳng định sự sinh động và tích cực qua bằng chứng là : chỉ 9 năm sau ngày ban hành Huấn Thị (1659), thì ngày 31.3.1668, một chủng sinh Việt Nam đầu tiên người Quảng Nghĩa,  được phong chức linh mục tại Ajuthia : Cha Giuse Trang ; và đầu năm 1669, lại thêm một linh mục Việt Nam khác tiến lên bàn thánh : Cha Luca Bền.[44]
 
          Nếu tất cả mọi Giám Mục đều thực thi đúng đắn và hết mình trách nhiệm chính yếu như Huấn Thị chỉ dẫn : “Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh Bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục...”, thì chắc chắn, không phải đợi đến năm 1960 Việt Nam mới có được “Hàng Giáo phẩm” với một đội ngủ linh mục bản xứ hùng mạnh, mà đã từ lâu ! Đó là chưa kể, đã 400 năm qua, chúng ta có được bao nhiêu linh mục, giám mục người Bana, Giarai…, nói chung người dân tộc ?
 
          “Cái lý do chính” đó, hơn 3 thế kỷ sau nầy (1992), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã nhắc lại và cắt nghĩa thêm trong Tông huấn “Pastores Dabo Vobis” : “Vị đại diện đầu tiên của Đức Kitô trong việc đào tạo linh mục chính là Giám Mục.”[45]
 
          Riêng về Giám Mục bản địa (Việt Nam) thì phải đợi đến 274 năm sau, tức năm 1933, mới có một Giám Mục đầu tiên người Việt Nam : Đức Cha G.B. Nguyễn Bá Tòng được phong chức tại Rôma và chính thức nhậm Giám Mục Tông Tòa Phát Diệm từ năm 1935, khi Đức Cha Marcou nghỉ hưu.[46]Các vùng Á Châu khác có Giám Mục bản địa sớm hơn một chút, nhưng cũng phải đợi đến đầu thế kỷ 20 : Ấn độ : 1923 ; Trung hoa : 1926 ; Nhật Bản : 1928…[47]
 
b/. Các ưu tiên trong nội dung đào tạo :
 
          Những lời tiếp sau của Ad gentes cùng những định hướng tổng quát của sắc lệnh về việc đào tạo linh mục (Optatam Totius) về các chiều kích huấn luyện : nhân bản, tu đức, thần học, Kinh Thánh, mục vụ…, cũng đã được nói trước nơi Huấn Thị 1659. Chúng ta có thể tóm kết các nội dung đào tạo được Huấn Thị đề xuất trong chính đoạn văn sau đây :
 
“Họ là những người đã được đào tạo theo chuẩn mực bác ái của Phúc Âm, biết hòa hợp với phong tục và tính nết người khác. Họ không trở nên gánh nặng cho những đồng bạn mà họ phải chung sống.”
 
          Phải chăng đó là 3 chiều kích cốt yếu : Tu đức, nhân bản và huynh đệ cộng đoàn mà công cuộc đào tạo, huấn luyện chủng sinh, linh mục, hay nói chung, nhân sự mục vụ muôn nơi và muôn thuở…đều phải ứng dụng.
 
TRUYỀN GIÁO VÀ SỰ CẢNH GIÁC TINH THẦN THẾ TỤC
 
Bản văn tiêu biểu :
 
Đừng xen vào chính trị.
 
Chư huynh hãy hết sức lánh xa chính trị và việc nhà nước. Đừng bao giờ nhận gánh một phần vụ hành chánh nào mặc cho người ta thỉnh cầu và làm phiền toái chư huynh bằng những lời khẩn khoản thiết tha. Việc này, Thánh Bộ đã luôn luôn cực lực nghiêm cấm rõ ràng và vẫn sẽ tiếp tục cấm ngặt; cho nên, chư huynh và các cộng sự phải rất mực thận trọng. Vả lại, chư huynh cứ tin chắc rằng, bất cứ người nào tự ý xen vào những việc ấy hay để người ta lôi cuốn vào thì người đó làm phiền hà Thánh Bộ. Lệnh này không nguyên chỉ để phòng những trường hợp mà việc xen vào chính trị sẽ làm hại đạo và khiến các vị thừa sai bỏ bê trách vụ của mình, song còn có giá trị cả khi việc xen vào chính trị như thế đem đến một tia hy vọng chắc đạo Chúa được thịnh đạt và đức tin lan rộng hơn…
Chư huynh hãy lo sao cho mọi người hiểu những tư cách trên kia cách xa tinh thần Thánh Bộ biết bao. Thánh Bộ nghiêm cấm gắt gao dường nào ; nếu nhờ các tờ trình Thánh Bộ nghe các vị thừa sai có những hành vi như trên, Thánh Bộ sẽ công phẫn biết mấy. Vì vậy, nên cho dân chúng biết và lớn tiếng cao rao rằng : Chư huynh và các cộng sự viên triệt để gớm ghiếc những hành động như thế và chỉ tìm lợi ích thiêng liêng cùng phần rỗi các linh hồn mà thôi, vì các việc làm lẫn ước vọng cũng như tâm trí chư huynh chỉ lo hướng về thiên quốc, chứ không lo đến sự gì khác. Nếu thấy có một cộng sự viên nào vấp phải điều trái lẽ nói trên, thì chần chừ gì nữa, hãy lo cho họ rời khỏi các khu vực truyền giáo ngay, nếu cần, hãy tống xuất họ đi : vì không thể tưởng tượng lầm lẫn nào nguy hiểm hơn cho chư huynh và tác hại hơn cho công việc Thiên Chúa đang ở trong tay chư huynh.
 
Vấn đề tiền của.
 
Về vấn đề vật chất, chư huynh đừng làm phiền tí nào cho dân chúng, hãy nhớ lại các tông đồ khó nghèo đến nỗi phải ra tay làm việc mới có đủ vật dụng cần thiết cho mình và cho các cộng sự viên. Huống hồ là chư huynh, những kẻ kế vị và bắt chước các Ngài, khi chư huynh đã có của ăn áo mặc thì chư huynh hãy an phận, đừng tìm lợi cách đê tiện, đừng đòi của bố thí, đừng kiếm chác bạc tiền, quà tặng, của lễ. Nếu chư huynh từ chối mà người ta vẫn bắt ép chư huynh nhận, thì chư huynh hãy đem phân phát cho người nghèo trước mặt những kẻ đã biết tặng chư huynh ; chư huynh vốn biết, chẳng có gì khiến cho dân chúng ngạc nhiên, để ý bằng thái độ khinh chê của cải trần thế, bằng đức khó nghèo theo Phúc Âm vượt lên trên mọi thực tại nhân thế để thu góp một kho tàng trên trời…
 
Nhận định :
 
a/. Giáo Hội và chính trị :
          Thái độ “cấm ngặt” liên hệ đến chính trị của Thánh Bộ có quá cực đoan chăng ? Thật ra, chúng ta cần thông cảm thái độ nầy của Thánh Bộ, khi cái “bóng chính trị” của thời bảo trợ như một con “ngáo ộp” che lấp cả uy quyền tối cao của ngai tòa Phêrô. Vì thế, khi thoát khỏi chiếc “dù đen tối” nầy, Hội Thánh cương quyết không để mình phải “nhúng chàm” một lần nữa :
 
“Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã tìm đủ mọi cách để lấy lại quyền truyền giáo từ tay các vua Bồ Đào Nha và Tây ban Nha. Huấn Thị 1659 thể hiện rõ ý hướng của Thánh Bộ như đã nói”.[48]
 
          Khi nhận định về những hệ quả tiêu cực trong mối tương quan giữa Giáo Hội và chính trị trong lịch sử, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, trong tác phẩm “MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO” đã phát biểu :
 
“Trong quá khứ, đã có những giai đoạn Giáo Hội nối kết quá chặt chẽ với một số thể chế chính trị. Dư luận nói nhiều đến “liên minh thần thánh” giữa “ngai báu” và “bàn thờ”, một liên minh đã gây nhiều tai tiếng và khổ đau cho Giáo Hội”.[49]
 
          Một thí dụ điển hình cho nhận định trên được cụ thể hóa qua cuộc đời hoạt động mục vụ một vị Giám Mục gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ 18 : Đức Cha Bá Đa Lộc. Cha Đỗ Quang Chính trong tác phẩm “HAI VỊ GIÁM MỤC ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM” đã nhận định về trường hợp “dấn thân chính trị” của vị Giám Mục nầy như sau : (Xin trích) :
 
“Về vấn đề xen vào chính trị, quân sự nơi truyền giáo, khá nhiều người nhận định việc Đc Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, 1741-1799) giúp chúa Nguyễn Ánh là xen vào chính trị trực tiếp và đi trái với Huấn dụ năm 1659, gây ra nhiều hiểu lầm về đạo Chúa, về mục đích truyền giáo, không những trong cuối thế kỷ 18 mà còn kéo dài tới ngày nay.”[50] (Hết trích)
 
          Cũng trong chiều kích “biện phân” giữa đời sống chính trị và sứ vụ của Hội Thánh, Công Đồng Vatican II cũng đưa ra một giáo lý tương tự nhưng với những ngôn từ “ít cực đoan” và nhiều “mục vụ tính” hơn :
 
“Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không thể đồng hóa với cộng đồng chính trị và cũng chẳng cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào (…). Trên lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau, cả hai cùng phục vụ con người, trong sứ mệnh cá nhân và xã hội.”[51]
 
          Nhưng cũng rất dứt khoát :
 
“Giáo Hội không cấu kết với bất cứ nền văn hóa hay hệ thống chính trị, kinh tế hoặc xã hội nào, bởi vì thực ra sứ vụ Đức Kitô trao phó cho Giáo Hội không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội ; mục tiêu Người chỉ định cho Giáo Hội thuộc lãnh vực tôn giáo”[52].
 
          Sắc lệnh về Truyền Giáo (Ad Gentes) cũng không nói khác hơn :
 
“Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ muốn can dự vào việc cai trị xã hội trần thế. Giáo Hội không đòi cho mình một quyền hành nào khác ngoài quyền phục vụ con người, với ơn Chúa trợ giúp, trong tình bác ái và trung thành phục vụ”[53].
 
b/. Nói không với tiền của : Điều nầy thì chúng ta khỏi cần bàn thêm ; vì thật ra, đó chẳng qua là cách cắt nghĩa “lệnh lên đường” của Đức Kitô dành cho các môn sinh, khi sai các ngài ra đi loan truyền Lời Chúa :
 
“Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: "Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” (Lc 9,2-3).
 
TRUYỀN GIÁO VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA
 
Bản văn :
 
Tôn trọng cổ tục bản xứ.
 
Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Trung Hoa chăng ? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những nghi lễ ấy, miễn là chúng không xấu ; ngược lại, chân lý ấy, muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng  là đàng khác.
Có thể nói, tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn tất cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai. Nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời nhất mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích. Càng tệ hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những tập tục đó để đem phong tục quí quốc mà thay thế vào ! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy ; trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ…
 
Về vấn đề văn hoá.
 
Hơn nữa, để cổ võ việc viết sách và khảo cứu đạo giáo trong những miền đó, cần phải dịch từ tiếng la tinh hoặc Hy Lạp sang tiếng địa phương một số sách thần học của các thánh nhân và những sách khác như vậy. Cho nên, chư huynh hãy cẩn thận tìm tại nơi chư huynh ở hoặc  nơi khác một cộng sự viên nào khả dĩ chu toàn công việc ấy, nghĩa là thạo cả hai ngôn ngữ và cả đạo lý. Tìm được người nào, hãy trình cho Thánh Bộ được rõ.
Chư huynh hãy tận tâm và gắng lo sáng lập nhiều trường học để dạy miễn phí la ngữ cho thanh thiếu niên bản xứ, còn giáo lý thì dạy bằng tiếng bản quốc. Hãy lo sao cho các phụ huynh công giáo giao con em theo học với chư huynh cùng với các cộng sự viên của chư huynh chứ đừng để chúng theo học người bên lương.
 
Nhận định :
 
a/. Vấn đề hội nhập văn hóa :
          Khi nhận định về những lời của Huấn Thị nói đến việc “tôn trọng cổ tục bản xứ”, tác giả lm. Đào Quang Toản đã hết lời ca ngời :
 
“Những lời của Huấn Thị năm 1659 được coi là tuyệt diệu nhất, tiến bộ nhất, được biết đến nhiều nhất và được ca tụng nhiều nhất là những lời nầy :”[54]
 
          Hơn 300 năm sau, Công Đồng Vatican II (1962-1965) đã khai triển những định hướng nầy, bằng một thứ ngôn ngữ mới của một thời đại mới, nhưng nội dung cũng chính là những điểm nhấn đã được Huấn Thị 1659 nêu ra :
 
- Hiến chế “Lumen Gentium”, số 16 : “Quả vậy, Giáo Hội xem tất cả những gì là chân thật và thiện hảo nơi họ như một sự chuẩn bị cho Tin Mừng, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để cuối cùng họ nhận được sự sống”.
 
- Sắc lệnh “Ad Gentes”, số 9 : “Bởi vậy, tất cả những gì tốt đẹp đã được gieo vãi trong tâm hồn con người, hoặc trong những nghi lễ và văn hóa đặc thù của các dân tộc, sẽ không bị hủy bỏ, nhưng được chữa lành, thăng tiến và hoàn thiện để Thiên Chúa được tôn vinh, ma quỷ phải nhục nhã và con người được hạnh phúc.” ; Số 16 : “Thật vậy, khi đến với dân tộc nào, phải thật sự quý trọng di sản, tiếng nói và phong tục của dân tộc đó.”
 
- Hiến chế mục vụ “Gaudium et Spes”, số 58 : “Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Nhờ thiên ân, Tin Mừng phong phú hóa, từ bên trong, những phẩm tính thiêng liêng và những đặc tính của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng củng cố, bổ túc và tái tạo chúng trong Đức Kitô”.
 
- Tuyên ngôn “Nostra Aetate” (Mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo), số 2 : “Giáo Hội Công Giáo không bao giờ phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Giáo Hội luôn chân thành tôn trọng những cung cách hành động và lối sống, cũng như những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, mặc dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang theo một tia sáng nào đó của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người.”
- Trong khi đó, tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia) cũng đã nêu bật chiều hướng tích cực và cần thiết của việc “hội nhập văn hóa” trong công cuộc truyền giáo :
 
“Trong quá trình gặp gỗ các nền văn hóa khác của thế giới, Giáo Hội không những truyền sang các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hóa từ bên trong, nhưng Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hóa khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hóa đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo.”[55]
 
          Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng : Định hướng “hội nhập văn hóa” của Huấn Thị 1659, nếu được triển khai và áp dụng đúng mức, mạnh mẽ và xuyên suốt, bằng cái nhìn thông thoáng, bao dung…chắc chắn công cuộc truyền giáo tại Á Châu đã sớm đạt được nhiều kết quả phong phú bội phần, chứ không phải thăng trầm ì ạch đối phó với những “chuyện không đâu” để rồi dẫn tới những thất bại, sụp đỗ và cả bách hại kinh khiếp !
 
          Riêng cha F.Gomez, sau khi tóm tắt những “hệ lụy tồi tệ” có liên quan tới những chuyện “nghi lễ”[56] đã kết luận “một câu xanh rờn” :
 
“ Không một biến cố nào trong lịch sử Giáo hội đã phương hại trầm trọng đến hoạt động truyền giáo cho bằng vụ này”.[57]
 
          Trong khi đó, bằng sự phân tích vừa sâu sắc, vừa dí dỏm, cha Ngô Công Đức đã ví “sự thất bại của công cuộc truyền giáo tại Á Châu” chẳng khác nào như một công ty “sau hơn 400 năm chào hàng, chưa tới 4 phần trăm dân số ở đó chịu mua sản phẩm”, mà nguyên do chính thuộc về cung cách Giáo Hội ‘chào hàng’, hay nói cách khác, cung cách “hội nhập văn hóa”. (Xin trích) :
 
“Nếu một công ty có sản phẩm rất tốt đến tiếp thị tại một khu vực dân cư đông đúc, và sau hơn 400 năm chào hàng, chưa tới 4 phần trăm dân số ở đó chịu mua sản phẩm, thì chắc chắn công ty ấy đã làm ăn quá dở và cần xem lại cách làm ăn của mình. Đó là một phóng họa lịch sử loan báo Tin Mừng ở Á Châu. Và Việt Nam có phần của mình trong phóng họa này.
Sự kiện Á Châu bướng bỉnh không chịu ‘mua hàng’ chắc hẳn có liên hệ rất nhiều đến cung cách Giáo Hội ‘chào hàng’ trong tâm thức “truyền giáo” hiểu là “mở rộng một tổ chức tôn giáo,” và trong cách thức đã từng tỏ ra hiệu quả ở các nơi khác, đó là “chinh phục và lật đổ”! Tâm thức và cách thức này như bị dội lại khi gặp hai cột trụ sừng sững của các dân tộc Á Châu: tức các tôn giáo lớn và các nền văn hóa kỳ cựu tại lục địa này, kỳ cựu hơn Kitô giáo rất nhiều. Chỉ xét về mặt tâm lý ứng xử thôi, thì một tín đồ cắm sâu trong truyền thống Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo hay Lão giáo, chẳng hạn, chắc chắn sẽ cảm thấy bị tổn thương và do đó sẽ đề kháng khi họ nhận ra các Kitô hữu đến để “truyền giáo” cho họ, theo nghĩa là để chinh phục họ, để xóa tôn giáo và văn hóa của họ và thay vào đó bằng Kitô giáo. Họ sẽ lịch sự nói cám ơn và quay đi chỗ khác khi nhận ra các Kitô hữu đến với họ trong tư thế của ông nhà giàu tự tôn và trịch thượng chỉ biết dạy và cho mà thôi chứ không hề biết học và nhận.
“Cuộc Tranh Cãi Về Nghi Thức Trung Hoa” hồi đầu thế kỷ 17 và những diễn biến sau đó là một bài học ‘xương máu’ cho sứ mạng của Giáo Hội, không chỉ ở Trung Hoa hay Ấn Độ mà còn tại nhiều nước khác nữa. Phải mất ba thế kỷ, Giáo Hội mới ‘nghĩ lại’ mà chấp thuận cho người Công Giáo Trung Hoa (từ 1939)[58] và Việt Nam (từ 1964)[59] có những thực hành tôn kính tổ tiên, thì ta đừng ngạc nhiên và cũng đừng phiền trách tại sao nhiều anh chị em lương dân ngày nay vẫn còn nghĩ rằng “theo đạo là bỏ ông bà.” Vì đâu mà Giáo Hội phạm sai lầm quá lớn và quá lâu dài như vậy? Vì ảnh hưởng của chế độ thực dân tây phương, và vì cảm thức tự tôn văn hóa nơi người tây phương. Thời ấy, các Kitô hữu tây phương không hề ý thức rằng thần học của họ đã bị điều kiện hóa bởi bối cảnh văn hóa; họ đơn sơ nghĩ rằng thần học ấy có hiệu lực phổ quát và siêu văn hóa. Và vì văn hóa tây phương được coi là văn hóa Kitô giáo, nên rõ ràng là văn hóa này phải được ‘xuất khẩu’ cùng với đức tin Kitô giáo!”[60](Hết trích).
 
b/. Vấn đề “mục vụ văn hóa” :
          Chuyên đề nầy thì chúng ta khỏi cần bàn. Vì dù sao, giáo phận Qui Nhơn chúng ta, với Trung Tâm Nước Mặn – cái nôi đầu tiên của chức Quốc ngữ và nhà in Làng Sông, cũng có thể nói được là minh chứng cụ thể về hiệu quả và tính thuyết phục truyền giáo qua con đường văn hóa mà Huấn Thị 1659 đã nhắc đến.
          Điều quan trọng còn lại là cố gắng trong Năm Thánh hồng ân nầy, chiều kích văn hóa sẽ lan tỏa qua mọi ngõ ngách mục vụ, với nhiều loại hình khác nhau, để việc chuyển tải Tin Mừng, canh tân sống đạo đạt được hiệu quả thực sự về chiều rộng cũng như chiều sâu !
         
KẾT LUẬN : CŨ VÀ MỚI TỪ TRONG KHO TÀNG (Mt 13,52)
 
          Chúng ta vừa chia sẻ với nhau câu chuyện về một “kho tàng bị lãng quên”, đó là văn kiện “Huấn Thị 1659”, một “kim chỉ nam” mục vụ của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin dành riêng cho các vị Giám Mục được sai đi truyền giáo cho vùng đất Á Châu vào thế kỷ 17.
          Xét về mặt thời gian, quả thật, đây là một văn kiện quá cũ, gần 400 năm rồi còn gì ! Tuy nhiên, xét về mặt định hướng mục vụ, thì có rất nhiều điều mà cho tới mãi hôm nay, Giáo Hội cũng chưa vận dụng hết, hoặc đã vận dụng nhưng chưa tới nơi tới chốn !
          Trong chương trình “Ôn cố Tri tân” của Năm Thánh giáo phận mừng kỷ niệm 400 năm Loan Báo Tin Mừng, chúng ta cố gắng thực thi chính lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mt 13,52 : “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
          Vâng, Huấn Thị 1659 chính là một trong những “cái mới lẫn cái cũ” mà chúng ta cần “lấy ra” để thực hành trên con đường “Tân Phúc Âm hóa” hôm nay.
 
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
(Tháng 8/2017)
 
 
[1] Marcus Tullius Cicero, một chính trị gia, luật gia, triết gia và là nhà hùng biện của Rôma. Ông sống vào khoảng từ năm 106 – 43 trước Công Nguyên.
[2] Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, nxb Phương Đông, 2010, trang 54).
[3] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông khuyến thư (Tông huấn) Hậu Thượng Hội Đồng GMAC “GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU” (Ecclesia in Asia), Lm. Phêrô Nguyễn Quang Sách chuyển ngữ, số 9, trang 24.
[4] Xin xem đầy đủ trên trang mạng vntaiwan.catholic.org.
Đường link : http://vntaiwan.catholic.org.tw/truyengiao/truyengiao.htm
[5] NGUỒN : http://www.htth.org/so31/chuong2.htm (HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). Chủ đề: Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, số 1. Tác giả : F. Gomez – Ngô Minh)
[6] Mario Menin thuộc Dòng Thừa Sai Thánh Phanxicô Xavier (Italia), với nhiều kinh nghiệm truyền giáo tại Châu Mỹ Latin. Qua bài viết “Lịch Sử Và Các Khuôn Mẫu Truyền Giáo”, tác giả trình bày về bảy khuôn mẫu truyền giáo đã được Giáo Hội áp dụng trải qua 20 thế kỷ: 1/. Ba thế kỷ đầu tiên: sứ vụ của những Kitô hữu bình thường; 2/. Công cuộc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Germanic và Slave: sứ vụ của các hoàng thân và các Giám mục “peregrini pro fide”; 3/. Đời đan tu: “phong trào truyền giáo” tiên khởi; 4/. Những cuộc lữ hành chinh chiến: sứ vụ “contra gentes” (chống dân ngoại) và việc trở lại tinh thần Tin Mừng; 5/. Loan báo Tin Mừng tại Châu Mỹ: độc quyền của chế độ bảo trợ (patronato); 6/. Vài cố gắng hội nhập văn hoá ở Á Đông; 7/. Châu Phi: việc loan báo Tin Mừng tại các nước thuộc địa giữa ánh sáng và bóng tối.
[7] Mario Menin, Lịch Sử Và Các Khuôn Mẫu Truyền Giáo. Nguyên bản: Historia e modelli della presenza missionaria della Chiesa. AD GENTES, 12 (2008) 2, pp. 209-232. Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh. Trang mạng : Trug Tâm học vấn Đa Minh. Đường link : http://catechesis.net/index.php/muc-vu/truyen-giao/2746-lich-su-va-cac-khuon-mau-truyen-giao.
[8] Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 85-87.
[9] Con đường tơ lụa (The silk road) là tuyến đường thông thương Á-Âu quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử (Từ thế kỷ 2 TCN cho đến thế kỷ 15 SCN). Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực. (Xem thêm bài viết : Huyền thoại về "con đường tơ lụa" nổi tiếng trong lịch sử. Nguồn : theo trí thức trẻ : đường link : http://khoahoc.tv/huyen-thoai-ve-con-duong-to-lua-noi-tieng-trong-lich-su-53396
[10] Theo Văn Hiếu/CSTC : Sự thật về con đường tơ lụa huyền thoại trong lịch sử nhân loại. Đường link : http://www.baomoi.com/su-that-ve-con-duong-to-lua-huyen-thoai-trong-lich-su-nhan-loai/c/22147134.epi
[11] Nguồn : Trang Bách Khoa Toàn Thư mở (Wikipedia), mục Á Châu : Các tôn giáo lớn trên thế giới hầu hết đều khởi nguồn từ châu Á và với phần lớn những người theo ngày nay đang sống ở châu Á bao gồm:
·        Baha'i giáo, khởi nguồn ở Israel vào giữa thế kỷ 19.
·        Phật giáo, khởi nguồn ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN.
·        Ấn giáo, khởi nguồn ở Ấn Độ vào khoảng 1500 năm TCN.
·        Hồi giáo, khởi nguồn ở Ả Rập Xê Út vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.
·        Jaina giáo, khởi nguồn ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN.
·        Đạo Shinto, khởi nguồn ở Nhật Bản trước Công nguyên.
·        Đạo Sikh, khởi nguồn ở Ấn Độ vào thế kỷ 15.
·        Nho giáo, khởi nguồn ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 TCN.
·        Đạo giáo, khởi nguồn ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5 hoặc thế kỷ thứ 6 TCN.
·        Hỏa giáo, khởi nguồn ở Iran khoảng hơn 1000 năm trước Công Nguyên.
·        Cao Đài giáo, khởi nguồn ở Việt Nam vào năm 1926 của thế kỷ 20.
·        Đạo Hòa Hảo, khởi nguồn ở Việt Nam vào năm 1939 của thế kỷ 20 và được xem là một nhánh của Tịnh Độ tông, Việt Nam.
·        Kitô giáo, khởi nguồn ở Israel vào những năm đầu Công Nguyên. Sau này Kitô giáo bị phân rẽ ra thành ba nhánh chính: Công giáo Rôma, Chính Thống giáo Đông phương và Kháng Cách.
·        Do Thái giáo, khởi nguồn ở Israel khoảng năm 2000 trước Công nguyên.
[12] Tài liệu đã dẫn : Huyền thoại về "con đường tơ lụa" nổi tiếng trong lịch sử. Nguồn : theo trí thức trẻ : đường link : http://khoahoc.tv/huyen-thoai-ve-con-duong-to-lua-noi-tieng-trong-lich-su-53396
[13] Tài liệu đã dẫn : Huyền thoại về "con đường tơ lụa" nổi tiếng trong lịch sử.
[14] Trong blog nguyenchinhket với loạt bài : Sự chuyển biến của thần học Kitô giáo trong cách nhìn về các tôn giáo, Chương 1 Á châu với các tôn giáo, đã lược tóm 2 giai đoạn truyền giáo tại Á Châu như sau :
“Còn Kitô giáo, tuy xuất phát từ Á châu, nhưng lại phát triển mạnh và có cở sở vững chắc tại Âu châu. Đến thế kỷ 6 Kitô giáo mới được các thừa sai thuộc giáo phái Nestoriô (Nestorianisme) và Manikêô (Manichéisme) truyền trở lại Á châu, nhưng không phát triển mạnh. Đến thế kỷ 13, Kitô giáo tại Á châu bị chết yểu vì sự tàn sát của Hồi Giáo Mông Cổ. Mãi tới thế kỷ 16, các giáo sỹ Âu châu mới truyền bá Kitô giáo trở lại Á châu một cách có qui mô và hệ thống.”. (Xem thêm F. Gomez – Ngô Minh : Chương II : Truyền Giáo Học 1, Chương II : Quá trình lịch sử công cuộc truyền giáo. SĐD : HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001).
[15] Christopher Columbus là tên được tác giả Washington Irving sử dụng trong tác phẩm Cuộc đời và những chuyến thám hiểm của Christopher Columbus năm 1828. Nguồn : Wikipedia, Bách khoa toàn thư mở. Mục : Cristoforo Colombo.
[16] Xem ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ. Hai Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Antôn & Đuốc Sáng, USA 2007, tr. 11-20.
[17] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb. An Tôn & Đuốc Sáng, Đăng ký Bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017. Trang 44.
[18] SĐD trang 85. (Đọc thêm : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN Phần I THỜI KỲ BẢO TRỢ TRUYỀN GIÁO với các Chương II, III)
[19] Josef Holzer, LỊCH SỬ GIÁO HỘI QUA 100 TRÌNH THUẬT (Trình thuật số 70 : Giáo Hội bung ra khắp thế giới). Nguyên tác : DIE GESCHICHTE DER KIRCHE IN 100 REPORTAGEN. Chuyển ngữ : Đinh Phan Cư, Phạm Hồng-Lam. Nguồn : Trang mạng Xuân Bích : https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2011/01/31/lich-su-giao-hoi-qua-100-trinh-thuat-36/#more-19796
[20] Lm. Đào Quang Toản, Tìm hiểu lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, trang 12-13. (Dẫn nguồn : Ghi chú 6 : AMEP, tập 121, trang 621-622).
[21] Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 122-123. (Xem thêm : Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, trang 22-23 trong nội dung “các xứ truyền giáo trong chế độ bảo trợ Bồ Đào Nha đang trong tình trạng sa lầy”).
[22] SĐD trang 121-122.
[23] Đỗ Quang Chính, SJ. Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, trang 24.
[24] SĐD trang 21
[25] SĐD (Đỗ Quang Chính, SJ. Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, trang 24.) trang 20-21 : Bắt đầu thành lập năm 1622, cơ quan này mang tên La tinh Sacra Congregatio de Propaganda Fide (trong tiếng Việt ngày nay quen dịch là Thánh Bộ Truyền giáo nhiều hơn là Thánh Bộ Truyền bá đức Tin, từ năm 1946 trở về trước cũng còn gọi là Toà Áp giải việc truyền giáo) ; ngày 15-8-1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bằng Hiến chế Regimini Ecclesiae đổi tên Bộ này là Sacra Congregatio pro Gentium Evangelizatione seu de Propaganda Fide (Thánh Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc hoặc Truyền bá đức Tin) ; ngày 28-6-1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bằng Hiến chế Pastor bonus lại rút gọn tên Bộ này là Congregatio pro Gentium Evangelizatione (Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc). Với Hiến chế Pastor bonus cải tổ giáo triều Roma, Toà thánh đã dám có một thay đổi lớn, dù chỉ là một tính từ, là bỏ hết từ Sacra (Thánh) đứng trước tên các Bộ và các cơ quan đầu não của giáo triều, vì vậy từ 1988 trở đi chỉ còn gọi là Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc, Bộ Giám mục, Bộ Giáo sĩ , V.V
[26] SĐD trang 20
[27] Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 43.
[28] SĐD (Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 24).
[29] Chính tại nhà in đa ngữ của Thánh Bộ, năm 1651, cha Đắc Lộ đã xuất bản 2 tác phẩm quan trọng : Tự điển Việt-Bồ-La và Phép Giảng tám ngày : “Để thực hiện việc xuất bản hai quyển sách này, cha Đắc Lộ đã cùng với nhà in (Tipografia poliglota) của Thánh bộ Truyền bá Đức tin sáng tác ra từng mẫu chữ cho bản in, vì cha là người duy nhất ở Rôma lúc đó biết tiếng Việt. Đây quả thật là một công trình lớn và rất khó khăn.” (Xem thêm : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, Trang 104-105). Cả Huấn Thị 1659 và Huấn thị Ayuthia 1664 cũng được ấn hành tại nhà in nầy (Xem thêm : Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam 1659, trang 25).
[30] SĐD (Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 42).
[31] SĐD (Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 46-48)
[32] SĐD (Lm. Đào Quang Toản, Giáo Hội Việt Nam Năm 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 48-49).
[33] Đỗ Quang Chính, SJ. Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, trang 120.
[34] Đây là sự phối trí của lm. Đào Quang Toản : “Dựa theo bản dịch của Bernard Jacqueline và bản dịch của Đại Chủng Viện Xuân Bích, chúng tôi sẽ chia mỗi phần trên thành từng đoạn nhỏ, với các phụ đề riêng, giúp dễ hiểu hơn những vấn đề mà Thánh Bộ muốn nhắn nhủ các vị Đại diện Tông tòa”. (Xem thêm : GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM NĂM 1659 Trang 50 - 72)
[35] SĐD : Lm. Đào Quang Toản, GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 45.
[36] SĐD, trang 46.
[37] SĐD, trang 73-74.
[38] Ajuthia địa danh thuộc Thái Lan được viết theo cách viết của Tây phương (Ayuthia, Ajuthia hoặc Juthia). Theo lịch sử nước Thái Lan, Địa danh nầy vừa chỉ vương quốc Ayutthaya (Tên đầy đủ là Phra Nakhon Si Ayutthaya) tồn tại từ khoảng năm 1350-1767; vừa chỉ thành phố thủ đô của Vương quốc nầy do vua Uthong xây dựng từ năm 1350 và tồn tại liên tục 417 năm, cho đến khi bị quân Miến Điện tàn phá năm 1767. Ngày nay, Ayutthaya là thành cổ với công viên lịch sử Ayutthaya tọa lạc cách thủ đô Bangkok khoảng 76 km về phía bắc, và đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1991. (Xem thêm : GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, ghi chú 243, trang 113).
[39] Đây là huấn thị do hai Đc Pallu và Lambert ký tên, xuất phát từ công đồng Ajuthia năm 1664, quen gọi bằng tiếng La tinh là “Monita ad missionarios”. Tòa Giám Mục Kon Tum đã dịch ra tiếng Việt là “Nhắn nhủ các thừa sai”. (Xem : Lm. Đinh Quang Toản, GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659, trang 78).
[40] Mario Menin, Lịch Sử Và Các Khuôn Mẫu Truyền Giáo. Nguyên bản: Historia e modelli della presenza missionaria della Chiesa. AD GENTES, 12 (2008) 2, pp. 209-232. Chuyển ngữ: Học Viện Đaminh. Trang mạng : Trug Tâm học vấn Đa Minh. Đường link : http://catechesis.net/index.php/muc-vu/truyen-giao/2746-lich-su-va-cac-khuon-mau-truyen-giao.
[41] Quản Trọng hay còn được gọi là Quản Di Ngô, là nhà chính trị, quân sự và tư tưởng của Trung Quốc thời Xuân Thu (725-645 TCN) đã để lại một danh ngôn : Nhứt niên chi kế mạc như thụ cốc. Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhơn. Nhứt thu nhứt hoạch giả, cốc dã. Nhứt thu thập hoạch giả, mộc dã. Nhứt thu bách hoạch giả, nhơn dã.
Tạm dịch:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa. Kế 10 năm, chi bằng trồng cây. Kế trọn đời, chi bằng trồng người. Trồng một, gặt một, ấy là lúa. Trồng một, gặt mười, ấy là cây. Trồng một, gặt trăm, ấy là người. Nguồn : https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3n_Tr%E1%BB%8Dng ;
(hoặc) : http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4324-4324-633765146612968750/Hoi-dap-Dong-Tay/Xuat-xu-cua-hai-cau-Thap-nien-chi-ke-thu-moc---Bach-nien-chi-ke-thu-nhan.htm
[42] F. Gomez – Ngô Minh : Chương II : Truyền Giáo Học 1, Chương II : Quá trình lịch sử công cuộc truyền giáo. SĐD : HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). NGUỒN : http://www.htth.org/so31/chuong2.htm
[43] CĐ VATICANÔ II, Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN, 2012, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (AD GENTES),16.
[44] GIÁO PHẠN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb. An Tôn & Đuốc Sáng, Đăng ký Bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 6/2017. Trang 119.
[45] Gioan-Phaolô II, Tông huấn NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC (Pastores Dabo Vobis), số 65.
[46] Đỗ Quang Chính, SJ. Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, trang 179.
[47] SĐD trang 126.
[48] Lm. Đào Quang Toản, GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 90.
[49] GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO, NXB Phương Đông 2013, trang 303.
[50] Đỗ Quang Chính, SJ. Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, trang 130.
[51] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes), số 76.
[52] SĐD (Gaudium et Spes), số 42.
[53] Công Đồng VaticanII, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) số 12.
[54] Lm. Đào Quang Toản, GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 78-79.
[55] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia), số 21.
[56] “Trong vụ tranh luận về “nghi lễ,” nhiều (tám vị) giáo hoàng đã lên tiếng. Ðức Clêmentê XI kết án “nghi lễ” hai lần vào các năm 1704 và 1715. Thấy thế, hoàng đế Khang Hy đã lên tiếng can thiệp. Vị này đã nhận nhiều tu sĩ Dòng Tên – như Adam Schall, Ferdinand Verbiest, Giuseppe Castiglione, v.v. – vào làm việc tại một số dịch vụ ở Bắc kinh, và nhờ họ mà Kitô giáo được phép sinh hoạt tự do khắp trong nước (1692). Phật lòng đến cực độ khi nhận được sắc lệnh của giáo hoàng, hoàng đế đã lập tức trục xuất khỏi Trung quốc Maillard de Tournon, là vị đại diện Tòa thánh đã mang sắc lệnh đến, và đến năm 1706 thì ra lệnh buộc tất cả các thừa sai không đồng quan điệm với Dòng Tên, phải rời khỏi Trung quốc. Như vậy, dư luận Châu Âu phân biệt rõ hai phía: một bên là Dòng Tên với lương dân, và bên kia là các Dòng Ða minh, Phanxicô, v.v. với Tòa Thánh! Cuối cùng, năm 1742, đức đã Biển Ðức XIV dứt khoát kết án các “nghi lễ” và cấm chỉ các cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề. Trọng sắc năm 1715 buộc phải dùng danh từ “Thiên Chúa” và cấm dùng các từ “Thiên” và “Thượng đế,” để xưng danh “Ðức Chúa Trời”; ngoài ra, còn  cấm cả việc tôn kính tổ tiên và buộc phải cất bỏ bàn thờ trong các gia đình, cất khỏi các nhà thờ tấm bảng ghi chữ “Kính Thiên” chính hoàng đế đã đích thân truyền viết.”. Nguồn : HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). Chủ đề: Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, số 1. Tác giả: F. Gomez – Ngô Minh. NGUỒN : http://www.htth.org/so31/chuong2.htm
[57] HỢP TUYỂN THẦN HỌC SỐ 31, NĂM THỨ 11 (2001). Chủ đề: Thiên khảo luận Truyền Giáo Học, số 1. Tác giả: F. Gomez – Ngô Minh. NGUỒN : http://www.htth.org/so31/chuong2.htm
[58] Ngày 8.12.1939, trong triều đại ĐGH Pio XII, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin công bố sắc lệnh “Plane compertum est”, xóa bỏ sự nghiêm cấm việc thờ cúng ông bà tổ tiên tại vùng văn hóa Khổng Mạnh. (Nguồn : Lm. Đào Quang Toản, GIÁO HỘI VIỆT NAM NĂM 1659, nxb Phương Đông 2010, trang 94).
[59] Ngày 20.10.1964, Tòa Thánh, qua Bộ Truyền Giáo đã chấp thuận đề nghị của hàng Giám Mục Việt Nam xin áp dụng huấn thị Plane Compertum est (8.12.1939), về việc tôn kính Tổ tiên cho giáo dân Việt nam. (Nguồn : Lm. Trăng Thập Tự, NĂM MƯƠI NĂM THỜ CÚNG TỔ TIÊN, nxb Phương Đông 2014, trang 15).
[60] Lm. Lê Công Đức, bài khảo luận “TRUYỀN GIÁO”, đăng trên trang mạng conggiao.info ngay 30.5.2013. Link : http://conggiao.info/truyen-giao-d-15998