Vào truyện:

Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Các cụ ngày xưa nói chẳng sai tí ti nào. Khi đọc truyện tích các thánh, bao người đã chẳng say sưa suy gẫm, rồi nhủ mình sẽ phải phần nào bước theo chân các ngài đó sao ? Thành ra trong nhiều tu viện, các bề trên hay cho đọc hạnh các thánh vào cả chính những bữa ăn, để các tu sĩ được ‘thấm’ vào hồn những chứng tích anh hùng cao cả, như nuốt của ăn thiêng liêng, cùng một lượt vớicủa ăn vật chất.

Rất tiếc trong thời đại ‘năm châu bốn bể một nhà’ (toàn cầu hóa) hôm nay, truyền thông báo chí liên tục đưa những tin tiêu cực khắp nơi, 24 giờ một ngày. Nào là trộm cướp, giết chóc, lọc lừa, thù hận…Cái TV và Radio gieo mầm độc vào đầu óc bà con mình từ sáng tới chiều. Bọn trẻ bị ảnh hưởng của những hành động bạo lực, nên chỉ đợi thời cơ đem ra thực hành ! Xã hội vì thế ngày một lún sâu vào băng hoại, hư hỏng.

Giới trẻ trong các cộng đồng Việt Nam tỵ nạn cũng đang bị nhiễm bầu khí đen xám này. Bao bậc phụ huynh lo sốt vó ! Làm sao cứu vãn đây ?

Xin tạm để một bên vị thánh của ‘thời đại’ là mẹ Teresa bên Ấn Độ, lẫy lừng gương nhân đức về tình thương kẻ nghèo hèn, cũng như 2 vị ‘chuẩn phong thánh’ là Đức cố Hồng Y Phan xi cô Nguyễn văn Thuận, cùng với Linh mục ‘đầy dẫy’ ơn lạ là cha Trương bửu Diệp tại miền sông nước Cà Mâu.

Người viết xin mạo muội nêu lên cuộc sống vị tha anh hùng của một Phật tử đã xin theo đạo Chúa, rồi học tu làm Linh Mục, để cùng với cái bằng Bác sĩ, đã sống và chết một cách can cường, không phải bằng võ nghệ hay súng đạn, không phải bằng tù đày giáo gươm, nhưng bằng việc lăn xả vào cuộc đời phục vụ dân nghèo, người phong cùi và bệnh nhân nan y, với một tình thương cao độ, cho đến tận hơi thở cuối cùng, lồng trong một tâm trạng khiêm tốn thẳm sâu, chỉ biết vui trong đời xả thân tuyệt đối…

Mà câu truyện mới xảy ra gần đây, tại quê hương Việt Nam. Nó gây chú ý đặc biệt là tâm hồn 'ông-cha-bổn-đạo-mới' này được 'đánh động' ban đầu bởi tấm gương của vị Giám Mục Pháp Gio An Cassaigne. Rồi kế tiếp là 2 nhân vật, cũng là 2 tu sĩ Công giáo khác.

Người viết xin giới thiệu vị Linh mục 'Tân tòng' kỳ diệu này nhé:

Chân dung linh mục Augustino Nguyễn viết Chung

Năm ấy, vì nhà nghèo nên cậu Chung vừa đi học, vừa đạp xich lô tại Sài gòn để cùng giúp các em mình tiến thân ( giúp cha mẹ nuôi 9 người con). Vào một buổi trưa vắng khách, chàng tình cờ cầm đọc một trang báo Chính Luận, có kể chi tiết về cuộc đời đầy hy sinh vị tha của một Giám mục Công giáo, gốc ngọai quốc, tên là Gio-An Cassaigne, mà dân chúng quen gọi với tên 'Đức cha 'Cải-Sanh' (đã vừa qua đời tại trại cùi Di-Linh). Cảm động quá, chàng thấy như hai hàng lệ chảy xuống gò má, rồi bắt đầu suy tư…(Ước chi rồi mai đây mình sẽ có cơ hội nối gót ‘ông cố Tây’ đã từng bỏ nhà cửa quê hương, qua Việt Nam phục vụ người nghèo khổ…dẫu mình làm thế ở ngay tại đất nước này cũng cứ được đi !)

Thời gian đó là vào năm 1973. Bầu khí thân ái xã hội còn bao trùm toàn thể miền Nam Việt Nam với chế độ Cộng Hòa. Cậu Chung vốn thuộc một gia đình Phật giáo, mà lúc đó cậu chỉ hiểu mù mờ cũng giống 'đạo ông bà'. Chàng dứt khoát sẽ ráng theo ngành Y khoa, để có cơ hội phục vụ người nghèo và chữa bệnh cho đồng loại. Giám mục Cassaigne đã vô hình chung trở thành thần tượng, cấy vào chàng những ước mơ thầm kín, mong có ngày cất cánh bay cao. Từ đó chàng ước muốn có cuộc sống thật ý nghĩa: hạnh phúc là chia sẻ và phục vụ tha nhân.

Vào học trường Y năm đầu 1974, chàng tình cờ làm quen với vị giáo sư gốc nước Bỉ bên trời Âu, dạy môn ‘Mô phôi học’, tên là Marcel Lichenberger (chỉ quen mặc thường phục). Chàng mến ngài vì đức, phục ngài vì tài. Rồi bất ngờ một hôm vị giáo sư này mời chàng và bạn hữu tới dự lễ cầu nguyện cho các ân nhân ngành Y khoa, tại nhà thờ Jeanne d’Arc bên Chợ Lớn. Xúc động tột cùng khi chàng thấy vị chủ sự thánh lễ hôm ấy chính là vị giáo sư quý yêu của mình. Trong bài giảng, ngài tâm sự đã sống bên Trung Hoa nhiều năm để phục phụ người nghèo khổ, và hiện còn muốn tiếp tục lối sống này, như… Giám Mục Cassaigne !

Thế là chàng sinh viên trẻ càng dứt khoát đi theo lý tưởng…phục vụ. Cha Marcel đã đặt vững chãi thêm nền móng cho đời chàng, trên cùng một cội nguồn như thần tượng thứ nhất.

Ra trường năm 1980, với bằng chuyên môn về ‘ký sinh trùng’. Không lâu sau khi khai tờ xin việc, chàng được cử tới sở Y tế Lâm Đồng, dù chàng tha thiết muốn được tới thẵng trại cùi Kala để theo chân đức cha ‘Cải-Sanh’. Nhưng rồi vì không toại nguyện, chàng đành quay về Sài gòn, kiếm vài việc phụ, rồi xin học thêm về bệnh ‘da liễu’ để có thể lo cho người cùi. Mãi tới năm 1992, chàng mới vui sướng được tới làm việc tại trại phong Bến Sắn, gần Bình Dương.

Dần dần, gương hy sinh cao cả dấn thân của các nữ tu ‘Nữ tử bác ái’ phục vụ tại đây khiến chàng ngày đêm mong được theo đạo Chúa. Chàng biết gia đình sẽ không vui với chuyện này. Trong số các nữ tu can đảm này, có sơ Phạm thị Ngọc Loan, được mọi người gọi bằng tên ‘Dì Hai’ đã làm chàng xúc động nhất: sau 17 năm liên tục hiến thân toàn vẹn cho bệnh nhân cùi, chính sơ cũng dính vào căn bệnh quái ác này.

Sau đám tang dì Hai, vừa đúng 20 năm sau dịp đọc bài báo Chính Luận, chàng dứt khoát tìm học đạo nơi các cha Dòng Tên tại Bình Dương gần trại cùi. Rồi chàng được rửa tội vào ngày 15 tháng 5 năm 1994, do tay cha Trần thế Thuận, tuyên úy nhà thương cùi Bến Sắn, với tên thánh là Augutino (gương mẫu trở về với Chúa muộn màng). Rất may là cha mẹ chàng không còn cản trở phản đối.

Tháng 9 năm đó, chàng lên Đà Lạt ngỏ ý xin đi tu với các linh mục truyền giáo thánh Vinh-Sơn (vị thánh cũng sáng lập dòng 'Nữ tử bác ái của 'Dì Loan), và rồi sau một năm, chàng tạm thôi công tác lo cho người cùi, để dành trọn thời gian cho chuyện học làm Linh mục. Rồi chuyện phải tới đã tới, chàng được lãnh chức Linh mục ngày 25 tháng 3 năm 2003, tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Sài gòn. Thế là chàng thấy mình đã thực sự nhìn được cái Mỹ, nghe được cái Thiện và chạm được cái Chân của đời mình: đó chính là Đức Ky tô.

Ra đi gieo rắc tình thương:

Bây giờ thì Linh-mục-Bác-sĩ Chung có cơ hội phục vụ tha nhân cả về đạo lẫn đời. Khởi đầu là những nạn nhân của căn bệnh ‘thế kỷ’ AIDS (HIV), rồi nạn nhân ghiền ma túy, đặc biệt tại miệt Củ Chi. Ngài chữa họ cả xác lẫn hồn, ngày đêm vui sướng được nhân danh Chúa Giê Su xoa dịu vết thương nhân loại. Không biết mệt mỏi. Không tìm nghỉ ngơi. Cha ngày đêm canh cánh bên lòng hình ảnh của những thần tượng riêng: một Giám Mục, một Linh Mục và một Nữ Tu.

Năm 2009, bề trên sai ngài lên phục vụ tại cao nguyên trung phần. Thành ra cha có dịp hết lòng phục vụ những người thiểu số nghèo nàn, mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghào, như gương Giám mục Cassaigne ngày nào.

14 năm tuy dài mà rất ngắn theo mộng ước phục vụ của cha. Ngày đêm cha tìm cải tiến đời sống dân nghèo từ giáo dục, y tế tới công ăn việc làm. Người ta nói: nếu trước đây vong linh Giám mục Cassaigne đã gieo vào hồn cha một mùa xuân mới, thì nay cha đang tìm cách cấy niềm vui xuân ấy vào những con người xấu số nghèo nàn cha đang phục vụ.

Những ngày cuối cùng tận lực phục vụ của cha là tại giáo xứ Dăk Tân, giáo phận Kontum (cơ sở của các cha truyền giáo Vinh Sơn). Ngài tạ thế khi về chữa bệnh tại Sài gòn ngày 10 tháng 5 năm 2017, thọ 62 tuổi.

Tạm lời kết:

Đời sống và gương sáng của con người can trường hy sinh vì Chúa và tha nhân trên đây, có đánh động tâm tư bạn chút nào không ? Có thấy mình bị phần nào lôi kéo vì ‘gương bày’ trước mắt không ? Có ao ước bắt chước cha Augutino dứt khoát tìm theo lối bước cao cả của Giám mục Cassaigne và các ‘thần tượng sống’ mình gặp không ?

Phải chăng lúc này chúng ta được phép nhắc bảo nhau rằng: Ai gặp được Thiên Chúa thành thật trong hồn, thì sẽ tìm cách liên đới bằng tình thương với anh em đồng loại, nhất là những kẻ xấu số khốn cùng. Cũng vậy, một khi ta biết liên đới với kẻ cùng khốn, ta sẽ gặp được Chúa trong sâu thẳm lòng mình.

Lòng mến Chúa Giê Su chịu đóng đinh xem chừng đã làm cha Augutino Chung say mê ‘con virus’ trong người của các kẻ nghèo hèn bệnh hoạn ! Mà say mê tới hơi thở cuối cùng.

Mong vị Linh mục anh hùng trên đây sớm được Giáo hội lưu ý, rồi cho phép chúng ta tôn kính cùng với nhiều vị khác trên bàn thờ.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư

---------------------------------------------