HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN - KONTUM

Có dịp đến Kon Tum, tôi đi hành hương và dâng lễ sáng Chúa Nhật 15.7.2017, tại linh địa Đức Mẹ Măng Đen.

Từ trung tâm thành phố Kon Tum đi chừng 55km về hướng đông bắc, đường rất tốt xuyên qua núi đồi bạt ngàn rừng cây, đường đèo Măng Đen dài 12 km mà có đến 100 khúc cua hiểm trở với sườn núi dựng đứng, một bên là vực sâu, khung cảnh tuyệt đẹp như tranh vẽ. Đang bão số 2 nên trời mưa tầm tả, xe chạy chậm, đại ngàn chìm trong mưa, ẩn hiện nét huyền ảo vùng Cao nguyên.

Xem Hình

Đi qua những đồi thông bạt ngàn, thấp thoáng những căn biệt thự nằm mờ khuất trong mưa, chúng tôi đến trung tâm huyện Kon Plong. Rẽ trái vào con đường nhỏ lên dốc chừng vài trăm mét là đến linh địa Măng Đen.

Ấn tượng đầu tiên là hàng ngàn ghế đá giữa rừng cây cao xanh um làm mái che mưa nắng. Tượng Đức Mẹ cao hơn 1m đứng trên bệ chừng 2m, chung quanh dán kín các bảng tạ ơn. Tượng Mẹ cụt hai tay, bạc màu thời gian in dấu rêu phong cũ kỷ, khuôn mặt Mẹ với cánh mũi rộng tựa phụ nữ vùng Tây Nguyên. Lễ đài nhỏ, đơn sơ, nhiều hoa tươi dưới chân Mẹ. Phía trước có bàn thờ dâng lễ và lư hương tỏa khói nghi ngút. Nhiều đoàn hành hương đến đọc kinh cầu nguyện. Mưa vẫn rả rích, gió núi thổi hơi lạnh buốt. Lần lượt từng người đi lên đặt hai bàn tay nơi chân Mẹ thầm thì khẩn nguyện.

Đến 10 giờ, mưa vẫn rơi, tôi bắt đầu dâng lễ, bàn thờ sát bên tượng Mẹ, dưới tấm bạt mong manh, cộng đoàn ngồi ghế đá cũng có bạt che. Có đăng ký trước với cha phụ trách nên tất cả đã chuẩn bị chu đáo. Mưa gió lạnh buốt nhưng ai cũng ấm lòng, sốt mến hiệp dâng thánh lễ bên Mẹ Măng Đen.

Tôi chia với cộng đoàn chút ít hiểu biết về linh địa này.

Măng Đen theo tiếng M'Nông có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng. Măng Đen được xem như là “Đà Lạt thứ hai”của Tây Nguyên, khí hậu quanh năm mát mẻ. Nơi đây còn được gọi là vùng đất "bảy hồ, ba thác". Bảy hồ nước là: Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đak Ke. Ba ngọn thác là: Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne. Măng Đen có vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nguyên sinh. Nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, bạt ngàn rừng thông, cảnh quan hữu tình của hồ và thác. Măng Đen có vị trí trung chuyển nằm trên tuyến quốc lộ 24 nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh duyên hải miền Trung; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đi qua quốc lộ 24 tới các khu du lịch ven biển miền Trung. Thông qua cửa khẩu này, khách du lịch có thể tới các khu du lịch tại Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Măng Đen nằm giữa 2 ngọn đèo lớn là đèo Măng Đen và đèo Viôlắk (Quảng Ngãi), rừng chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, có trên 4.000 ha rừng. Măng Đen nằm ở độ cao trên ngàn mét so với mặt nước biển.

Tìm hiểu tài liệu trên mạng, tôi thấy lịch sử thánh tượng Đức Mẹ Măng Đen cũng có nét giống với thánh tượng Đức Mẹ Tàpao Phan Thiết.

Tượng do Linh mục Tôma Lê Thành Ánh dâng tặng, chỉ cao hơn mét, theo mẫu Đức Mẹ Fatima. Tượng Mẹ đặt trên trụ xây thô sơ nằm ở triền núi tại Măng Đen vào Mùa Vọng năm 1971. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất năm ấy, Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kon Tum, đã đến cử hành thánh lễ tại đây. Đến năm 1974, chiến tranh đã làm cho nơi này thành chốn rừng núi hoang vu, ít người lui tới. Tượng Mẹ vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa núi ngàn hoang vắng.

Chuyện kể lại, vào năm 1983, các công nhân đang làm con đường Đông Trường Sơn, khi đến nơi này các xe ủi đất đều bị chết máy, sau nhiều cố gắng nhưng thất bại, lúc đó có người chợt nghĩ: “Hay là chỗ này có vật gì linh thiêng?”. Mọi người cùng nhau đào bằng tay thì đụng phải bức tượng một người phụ nữ, làm sạch lớp đất bên ngoài, mọi người nhận ra đây là tượng Đức Mẹ. Đặc biệt là tượng Đức Mẹ không có hai bàn tay. Đã có nhiều nhà điêu khắc đến đây để làm hai bàn tay mới cho Đức Mẹ nhưng đều không gắn vào được. Người ta nói rằng ý Đức Mẹ không cho gắn tay mới vì tượng Đức Mẹ ngày xưa là của những người mắc bệnh phong cùi ở vùng đất này, Đức Mẹ muốn chia sẻ những nỗi thống khổ của những người bệnh phong nơi đây…

Mãi đến năm 2006, có người tín hữu Công Giáo đầu tiên đuợc thấy pho tượng Đức Mẹ Cụt Tay. Chính ông đã trình báo cho Tòa Giám Mục Kontum. Ngày 28 tháng 12 năm 2006, phái đoàn gồm Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung cùng một số linh mục, tu sĩ đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen. Đến ngày 09 tháng 12 năm 2007, Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 người đã hiệp dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi này trở thành linh địa hành hương của giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày 9.12 hàng năm trở thành Ngày Hành Hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon tum.

Ngày 10 tháng 9 năm 2011, Đức TGM Leopoldo Girelli đã đến kính viếng và dâng thánh lễ bên Mẹ Măng Đen.

Ngày 15 tháng 9 năm 2014, Thánh lễ Đại triều kính Đức Mẹ Sầu Bi do Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế, cùng đồng tế có Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum và gần 200 linh mục trong và ngoài giáo phận. Khách hành hương khoảng 50 ngàn người kể cả người lương. Đức Cha Micae cũng thông báo cho cộng đoàn, kể từ nay ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen sẽ chuyển sang ngày 10 tháng 12 hàng năm để tránh thời tiết mưa bão.

Hiện nay, một trung tâm hành hương đang được quy hoạch xây dựng tại linh địa.TGM Kon Tum đã thành lập Giáo xứ Kon Xơm Luh, phụ trách việc quản lý linh địa Măng Đen. Ngày 12 tháng 12 năm 2011, Đức Giám Mục Giáo phận đã dâng thánh lễ tạ ơn nhân sự kiện này.

Dâng lễ và cầu nguyện nơi linh địa đã cho tôi nhũng cảm nghiệm thiêng liêng. Trung tâm hành hương Mẹ Măng Đen chẳng giống trung tâm Thánh Mẫu nào trên thế giới. Không nhà nguyện, chỉ có bàn thờ dâng lễ giữa đất trời mênh mông, nhiều ghế đá giữa rừng cây bạt ngàn, chỉ vài lều bạt che tạm bán tranh ảnh tượng. Mẹ đứng trên lễ đài đơn giản giữa trời mưa nắng lộng gió. Nhiều bảng tạ ơn với lòng thành kính để khắp nơi, dưới gốc cây, dưới đất, dưới chân Mẹ. Nếu đến đây chỉ vì tò mò hay du lịch thì nơi này chẳng có gì. Như người ta nói rằng “ruồi vàng, bọ chó, gió Măng Đen” thôi ! Nhưng khi chiêm ngắm Đức Mẹ Măng Đen cụt tay bằng đôi mắt đức tin, với trái tim yêu mến, với tấm lòng thành kính, khách hành hương sẽ có những trải nghiệm tâm linh sâu lắng. Tượng Đức Mẹ Măng Đen có bạc màu cũ kỷ và lạ lùng khi thiếu đôi bàn tay, nhưng giàu ý nghĩa đức tin sống động, Đức Mẹ phù hộ cho đoàn con bị khuyết tật tâm hồn thể xác thành tâm đến nguyện ước với Mẹ. Khuôn mặt của Mẹ hiện nay là do một người thợ hồ nắn lại, không chuyên nghiệp, nên chẳng giống ai. Nhưng tiếng lành đồn xa, Đức Mẹ linh thiêng, nhiều người được ơn lắm! Đặc biệt anh chị em người Dân tộc về bên Mẹ ngày một đông.Theo thống kê của Giáo phận Kontum thì toàn Giáo phận có chừng 300 ngàn người Công Giáo, trong đó có đến hai phần ba là người Dân tộc thiểu số Bana, Sêđăng, Giẻ tiêng, Rơ Ngao…đông nhất là người Bana.

Sứ điệp Mẹ mời gọi mỗi tín hữu, hãy sống tốt lành, hãy quan tâm đến tha nhân, hãy là cánh tay nối dài của Mẹ xót thương đến những người bất hạnh đau khổ tật nguyền. Ngước mắt nhìn lên tượng Mẹ cầu nguyện, tôi thật xúc động. Mẹ không được lành lặn, hai cánh tay không có, khuôn mặt Mẹ sần sùi. Có thể Mẹ Măng Đen không đẹp, nhưng ơn lành mà Mẹ đã ban cho con cái thì bao la. Mẹ đã “xin vâng” một đời theo thánh ý Thiên Chúa. Mẹ đã thực hành Lời Chúa mỗi ngày sống…Mẹ đón nhận tin vui ngày Truyền Tin và Mẹ đã đem tin vui đó đến với chị họ Êlisabeth. Noi gương Mẹ, hãy mang tin vui bình an đến với mọi người bằng đời sống yêu thương phục vụ và hy sinh.

Rời Măng Đen, buổi chiều chúng tôi viếng thăm Nhà thờ Gỗ - Nhà thờ Chính tòa cổ kính hơn trăm năm những vẫn còn nguyên vẹn những nét hoa văn độc đáo. Tham quan Tòa Giám Mục, Nhà truyền thống và Chủng Viện.

Tạm biệt Kon Tum trong cơn mưa chiều nặng hạt với biết bao ý nguyện đơn thành, xin Đức Mẹ Măng Đen thương ban.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An