Chương III: Hoạt Động Mục Vụ

Làm thế nào Giáo Hội giúp người trẻ chấp nhận ơn gọi để họ bước vào niềm vui Tin Mừng, đặc biệt là trong những thời điểm bất trắc, biến động và bất ổn này?

Mục đích của chương này là chú tâm vào việc phải đáp ứng một cách sốt sắng ra sao đối với thách đố chăm sóc mục vụ và biện phân ơn gọi, trong khi lưu ý đến những người can dự vào nhiệm vụ này, những nơi việc hướng dẫn này diễn ra và các nguồn tài nguyên sẵn có. Theo nghĩa này, việc chăm sóc mục vụ và ơn gọi dành cho người trẻ, dù chồng chéo lên nhau, vẫn có những khác biệt rõ rệt. Cái nhìn tổng quát sau đây không nhằm bàn tới đề tài này một cách trọn vẹn, nhưng cung cấp các dấu mốc cần được bàn chi tiết hơn, dựa trên kinh nghiệm của mỗi Giáo Hội địa phương.

1. Đi với người trẻ

Việc đồng hành với người trẻ đòi phải vượt quá khuôn khổ đã định trước, bằng cách gặp người trẻ tại nơi họ đang ở, thích nghi với thì giờ và tốc độ cuộc sống của họ và coi họ nghiêm túc trong các khó khăn của họ nhằm tìm ý nghĩa cho thực tại nơi họ sinh sống và biến đổi sứ điệp nhận được bằng cử chỉ và bằng lời, trong cố gắng hàng ngày nhằm xây dựng lịch sử và tìm kiếm một cách ít nhiều ý thức ý nghĩa trong đời họ.

Mỗi Chúa Nhật, các Kitô hữu duy trì sống động ký ức về Chúa chịu đóng đinh và sống lại trong cuộc gặp gỡ của họ với Người trong việc cử hành Thánh Thể. Nhiều trẻ em được rửa tội trong đức tin của Giáo Hội và dấn thân vào hành trình khai tâm Kitô giáo.

Tuy nhiên, điều trên không y hệt như việc thực hiện các lựa chọn chín chắn cho đời sống đức tin. Muốn tiến đến điểm này, ta phải làm một cuộc hành trình, đôi khi bao gồm những nẻo đường không ai đoán trước được và những nơi không quen thuộc, rất xa các cộng đồng Giáo Hội. Về phươg diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: "thừa tác mục vụ ơn gọi là học tập phong cách của Chúa Giêsu, Đấng đi qua nhiều nơi trong cuộc sống hàng ngày, dừng lại không vội vã và, bằng cách nhìn anh em của chúng ta với lòng thương xót, đã dẫn họ tới gặp gỡ Thiên Chúa Cha (Diễn Văn ngỏ với các Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế bàn về Công Việc Mục Vụ dành cho Ơn Gọi, 21 tháng 10 năm 2016). Đi với người trẻ là xây dựng toàn thể cộng đồng Kitô giáo.

Chính vì thông điệp đề xuất ở đây liên quan đến tự do của người trẻ, nên mỗi cộng đồng cần coi trọng các cách thế sáng tạo để ngỏ cùng người trẻ một cách có bản vị và hỗ trợ sự phát triển bản thân của họ. Trong nhiều trường hợp, nhiệm vụ này liên quan đến việc học cách dành chỗ cho những điều mới mẻ và không làm ngột ngạt những điều mới mẻ này bằng cách cố gắng áp dụng một khuôn khổ đã định trước. Không hạt giống ơn gọi nào có hiệu quả nếu được tiếp cận bằng “một thái độ mục vụ tự mãn” khép kín, một thái độ cho rằng: "Chúng tôi đã luôn luôn làm theo cách này rồi" và không có những con người "táo bạo và sáng tạo trong nhiệm vụ suy xét lại các mục tiêu, các cơ cấu, phong cách và phương pháp truyền giảng Tin Mừng trong các cộng đồng liên hệ của họ" (Evangelii Gaudium, 33). Ba động từ lấy từ Niềm Vui Tin Mừng, vốn mô tả được cách thức Chúa Giêsu gặp gỡ người cùng thời với Người, có thể giúp ta trong việc chấp nhận phong cách mục vụ này: đó là "ra đi", "nhìn” và "kêu gọi".

Ra đi

Theo chiều hướng trên, chăm sóc mục vụ ơn gọi có nghĩa là chấp nhận lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: "ra đi", chủ yếu, bằng cách từ bỏ các thái độ cứng ngắc vốn làm cho việc loan báo niềm vui Tin Mừng ít đáng tin; "ra đi", để lại phía sau một khuôn khổ khiến người ta cảm thấy bị vây kín; và "ra đi", bằng cách từ bỏ cách hành động như thể Giáo Hội có một lúc nào đó đã lỗi thời. "Ra đi" cũng là một dấu hiệu của tự do nội tâm, thoát khỏi các sinh hoạt và quan tâm theo thói quen, để người trẻ có thể là những nhân vật lãnh đạo trong cuộc sống của họ. Người trẻ sẽ thấy Giáo Hội hấp dẫn hơn, khi họ thấy điều này: sự đóng góp độc đáo của họ được chào đón bởi cộng đồng Kitô hữu.

Nhìn

Để "đi" vào thế giới người trẻ, ta phải sẵn lòng dành nhiều thời gian với họ, lắng nghe câu chuyện đời họ và lưu ý tới các niềm vui, niềm hy vọng, nỗi buồn và sự lo lắng của họ; tất cả trong một nỗ lực nhằm chia sẻ chúng. Điều này dẫn đến việc hội nhập văn hóa Tin Mừng và để Tin Mừng đi vào mọi nền văn hóa, ngay nơi người trẻ. Trong trình thuật về các cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với những người đàn ông và đàn bà vào thời của Người, chính Tin Mừng đã làm nổi bật khả năng của Người trong việc dành thời gian để ở với họ và sự hấp dẫn của Người đối với những ai người trao đổi ánh mắt. Điều này hoàn toàn đúng đối với mọi mục tử đích thực của các linh hồn; các vị này là những người có thể nhìn thấu thẳm sâu trái tim người ta mà không hề mang tiếng xâm nhập hoặc đe dọa. Đây là cái nhìn đúng đắn về biện phân; nó không muốn chiếm hữu lương tâm người khác cũng không ấn định trước đường đi của ân sủng Thiên Chúa, nhưng bắt đầu với việc để qua một bên khuôn khổ tâm thức của chính mình.

Kêu gọi

Trong các trình thuật Tin Mừng, cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu đã tự biến thành lời nói, tức là, một lời mời gọi ta tiến vào sự mới mẻ của cuộc sống, một lời mời gọi cần được chấp nhận, khám phá và xây dựng. Trước hết, kêu gọi có nghĩa là đánh thức một ước muốn và thúc đẩy người ta ra khỏi những gì đang cản trở họ hoặc ra khỏi sự tự mãn vốn làm họ chậm lại. Kêu gọi có nghĩa là đặt các câu hỏi không có sẵn câu trả lời. Bằng cách này, chứ không bằng cách thụ động tôn trọng các qui luật, mọi người buộc phải bước vào cuộc hành trình và gặp gỡ niềm vui Tin Mừng.

2. Các tác nhân

Mọi người trẻ, không trừ ai

Trong sinh hoạt mục vụ, người trẻ không phải là đối tượng mà là tác nhân. Đôi khi, xã hội coi họ như không chủ yếu hay bất tiện. Giáo Hội không thể phản ảnh thái độ này, vì mọi người trẻ, không trừ ai, đều có quyền được hướng dẫn trong hành trình đời sống.

Thành thử, mỗi cộng đồng đều được kêu gọi lưu ý tới người trẻ, nhất là những người đang kinh qua cảnh nghèo, bị đẩy qua bên lề hay bị loại trừ và hướng dẫn để họ can dự vào đời sống. Gần gũi người trẻ, những người đang sống giữa cảnh nghèo và khó khăn, bạo lực, chiến tranh, bệnh hoạn, khuyết tật và đau khổ cùng cực, là một ơn phúc đặc biệt của Chúa Thánh Thần, một ơn phúc thực sự có thể nói lên cách thế hành động thích đáng của một Giáo Hội biết “ra đi”. Chính Giáo Hội được kêu gọi học hỏi từ người trẻ. Nhiều vị thánh của tuổi trẻ làm chứng sáng ngời cho sự kiện này và tiếp tục gợi hứng cho mọi người.

Một cộng đồng có trách nhiệm

Toàn thể cộng đồng Kitô hữu phải cảm nhận được trách nhiệm giáo dục các thế hệ mới. Thực vậy, nhiều Kitô hữu tham dự vào công việc này xứng đáng được nhìn nhận, khởi đầu là những người đảm nhiệm trách nhiệm này trong sinh hoạt Giáo Hội. Các cố gắng của những người hàng ngày làm chứng cho sự tốt lành của sự sống Tin Mừng và niềm vui phát sinh từ sự sống này cũng nên được ca ngợi như thế. Cuối cùng, Giáo Hội cần coi trọng hơn nữa việc can dự của người trẻ vào các cơ cấu tổ chức trong các cộng đồng giáo phận và giáo xứ, bắt đầu với các hội đồng mục vụ, mời gọi người trẻ thực hiện các đóng góp có tính sáng tạo và tiếp nhận các ý nghĩ của họ, cho dù các ý nghĩ này xem ra có tính thách thức.

Khắp nơi trên thế giới, có những giáo xứ, hội dòng, hiệp hội, phong trào và thực tại Giáo Hội có thể thiết kế và đem đến cho giới trẻ những kinh nghiệm có ý nghĩa để họ lớn lên và biện phân. Đôi khi, khía cạnh đặt kế hoạch chứng tỏ có dấu hiệu chưa sẵn sàng hay thiếu kỹ năng, tình huống này cần phải tránh bằng cách khẩn cấp khởi động việc suy nghĩ, thể hiện, phối hợp và thi hành chương trình mục vụ dành co người trẻ một cách chính xác, nhất quán và hữu hiệu. Nhiệm vụ này cũng đòi phải có việc chuẩn bị chuyên biệt và liên tục các nhân viên chịu trách nhiệm việc huấn luyện.

Những người để tham khảo

Vai trò của những người lớn đáng tin cậy và sự cộng tác của họ là điều căn bản trong diễn trình phát triển con người và biện phân ơn gọi. Điều này đòi phải có các tín hữu có thế giá, với một bản sắc nhân bản rõ rệt, một cảm thức mạnh mẽ muốn thuộc về Giáo Hội, một nhân cách tâm linh hiển hiện, một lòng say mê học tập mạnh mẽ và khả năng biện phân lớn lao. Tuy nhiên, đôi khi, những người lớn chưa sẵn sàng và non nớt có khuynh hướng hành động một cách muốn chiếm hữu (possessive) và đầy thao túng, tạo ra những sự lệ thuộc tiêu cực, rất bất lợi và phản làm chứng một cách nghiêm trọng; thái độ này thậm chí có thể tăng độ đến chỗ trở thành lạm dụng.

Muốn có các người đáng tin cậy để tham khảo, ta phải huấn luyện và nâng đỡ họ, thậm chí cung cấp cho họ các kỹ năng sư phạm chính yếu. Một cách đặc biệt, điều này đúng đối với những ai có nhiệm vụ đồng hành với những người đang biện phân ơn gọi để họ chấp nhận ơn gọi bước vào thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến.

Cha mẹ và gia đình: Vai trò giáo dục không thể thay thế được do các cha mẹ và các thành viên khác của gia đình đảm nhiệm cần được nhìn nhận trong mọi cộng đồng Kitô hữu. Trước hết, cha mẹ trong các gia đình là người nói lên sự chăm sóc hàng ngày của Thiên Chúa đối với mọi con người nhân bản qua tình yêu nối kết họ lại với nhau và với con cái họ. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cung cấp cho ta nhiều tín liệu giá trị trong chương đặc biệt nói về chủ đề này trong Niềm Vui Yêu Thương (xem các số 259-290).

Các mục tử linh hồn: Những cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ, những người có khả năng can dự chân chính vào giới trẻ qua việc hiến thì giờ và các tài nguyên của các ngài, và các tu sĩ nam nữ nhờ việc làm chứng đầy vị tha của các ngài, là điều có tính quyết định trong việc lớn mạnh của các thế hệ mới. Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: “tôi yêu cầu điều này cách đặc biệt nơi các Mục Tử của Giáo Hội, các Giám Mục và Linh Mục: các hiền huynh là những người chịu trách nhiệm chủ yếu đối với các ơn gọi làm Kitô hữu và làm linh mục, và nhiệm vụ này không thể nhường cho chức vụ có tính bàn giấy. Các hiền huynh cũng từng trải qua cuộc gặp gỡ đã thay đổi cuộc đời các hiền huynh, khi một linh mục khác, một cha xứ, một vị giải tội, một vị linh hướng, giúp các hiền huynh cảm nghiệm được vẻ đẹp của tình yêu Thiên Chúa. Như thế, cả các hiền huynh nữa: hãy ra đi, lắng nghe người trẻ, điều này cần kiên nhẫn!, các hiền huynh có thể giúp họ hiểu các chuyển động trong trái tim họ và dẫn dắt các bước đi của họ” (Diễn Văn ngỏ với các Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế bàn về Công Việc Mục Vụ dành cho Ơn Gọi, 21 tháng 10 năm 2016).

Các thầy cô và các vị khác trong ngành giáo dục: Nhiều thầy cô Công Giáo tham dự việc làm chứng trong các đại học và trường học thuộc mọi cấp và mọi trình độ. Nhiều vị hăng say và đầy khả năng tham dự việc này tại nơi làm việc. Nhiều tín hữu khác dấn thân vào sinh hoạt dân sự, cố gắng làm men cho một xã hội công chính hơn. Nhiều người dấn thân làm thiện nguyện trong xã hội, hiến thì giờ của họ cho ích chung và chăm sóc sáng thế. Một số đông hăng hái và quảng đại tham dự các sinh hoạt rảnh rỗi và thể thao. Tất cả những người này làm chứng cho ơn gọi nhân bản và Kitô Giáo; họ chấp nhận và sống nó một cách trung thành và tận tụy, làm sống dậy nơi những người thấy họ một ước muốn được làm như họ. Thành thử, đáp ứng một cách quảng đại đối với ơn gọi riêng của mình là cách thượng đẳng thi hành công tác mục vụ ơn gọi.

3. Các môi trường

Đời sống hàng ngày và dấn thân xã hội

Trở thành người trưởng thành nghĩa là học biết độc lập trong việc quản lý các khía cạnh của đời sống có tính nền tảng và cùng một lúc là thành phần của cuộc sống ngày, đó là việc sử dụng thì giờ và tiền bạc, lối sống và cách sử dụng tốt các của cải và dịch vụ, học hành và vui chơi, quần áo và thực phẩm, đời sống xúc cảm và tính dục. Đối với người trẻ, học hỏi những điều này, hiển nhiên là một cuộc đấu tranh, mà cũng là một cơ hội để sắp đặt một trật tự nào đó cho đời sống và các ưu tiên của họ, thử nghiệm việc chọn lựa các diễn trình hành động có thể trở thành một thao tác biện phân và tăng cường hướng đi trong đời khi đưa ra các quyết định rất quan trọng. Đức tin càng chân chính, nó càng thách thức đời sống hàng ngày và tự để nó bị thách thức. Các kinh nghiệm trong thế giới làm việc, đôi khi khó khăn và tạo vấn đề, cũng như việc thiếu việc làm đáng được nhắc đến một cách đặc biệt. Đây cũng là các cơ hội để chấp nhận hay suy nghĩ sâu xa ơn gọi của mình.

Người nghèo đang kêu la, và trái đất cũng đang cùng với họ kêu la. Cam kết lắng nghe cả hai có thể là một cơ hội thực sự để gặp gỡ Chúa và Giáo Hội và khám phá ra ơn gọi của mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô dạy rằng các hành động của cộng đồng trong việc chăm sóc căn nhà chung và phẩm chất đời sống của người nghèo, “khi chúng nói lên tình yêu tự hiến, cũng có thể trở thành các kinh nghiệm thiêng liêng nồng đậm” (Laudato si’, 232) và, do đó, cũng là một cơ hội trong hành trình đời sống và biện phân ơn gọi.

Những môi trường đặc biệt trong sinh hoạt mục vụ

Giáo Hội cung cấp cho người trẻ những môi trường đặc biệt để gặp gỡ và đào tạo về văn hóa, giáo dục, truyền giảng Tin Mừng, cử hành và phục vụ, bằng cách tự đặt mình trước nhất và trên hết ở thế công khai tiếp đón từng người và mọi người. Thách thức của những môi trường này và các nhân viên mục vụ có liên hệ tới chúng là càng ngày càng phải tiến hành việc khai triển ra một mạng lưới hợp nhất các sứ điệp dành cho người trẻ, và chấp nhận một phong cách thi hành việc “ra đi”, “nhìn” và “kêu gọi” thích đáng.

— Các Ngày Giới Trẻ Thế Giới hiện đang nổi bật trên bình diện thế giới. Các hội đồng giám mục và các giáo phận càng ngày càng cảm thấy có trách nhiệm phải cung cấp các biến cố và kinh nghiệm đặc biệt dành cho người trẻ.

— Các giáo xứ đang cung cấp nhiều biến cố, nhiều sinh hoạt và hành trình cho các thế hệ trẻ. Đời sống bí tích cung cấp các cơ hội nền tảng để lớn mạnh trong khả năng chấp nhận ơn phúc của Thiên Chúa trong đời họ và là lời mời tham dự tích cực vào sứ mệnh của Giáo Hội. Các trung tâm và nguyện đường giới trẻ cho thấy Giáo Hội hết sức quan tâm tới người trẻ.

— Các đại học và trường Công Giáo, với các dịch vụ văn hóa và giáo dục có giá trị, là những dấu chỉ nữa cho thấy sự hiện diện của Giáo Hội giữa người trẻ.

— Các sinh hoạt xã hội và công việc thiện nguyện cung cấp nhiều cơ hội để phục vụ vô vị kỷ. Về phương diện này, việc gặp gỡ người nghèo và những người sống bên lề xã hội có thể là một cơ hội tốt để lớn mạnh về mặt thiêng liêng và biện phân ơn gọi, vì, theo cách nhìn này, người nghèo có thể dạy ta một bài học, thực vậy, tự họ, người nghèo vốn đem đến tin vui này: ơn cứu độ được cảm nghiệm trong sự yếu đuối.

— Các hiệp hội và phong trào Giáo Hội, cũng như nhiều trung tâm linh đạo, cung cấp cho người trẻ nhiều chương trình biện phân đặc biệt. Các kinh nghiệm truyền giáo trở thành một dịch vụ vị tha và trao đổi phong phú. Việc tái khám phá ra các cuộc hành hương làm hình thức và cách thế diễn tiến hành trình đời sống là điều có giá trị và rất hứa hẹn. Tại nhiều nơi, lòng đạo bình dân nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin của người trẻ.

— Các chủng viện và nhà huấn luyện có tầm quan trọng chiến lược, vì, chúng có nhiệm vụ cung cấp kinh nghiệm cho những người trẻ biết đáp ứng lời mời gọi của Thiên Chúa, trong đó, có kinh nghiệm của cuộc sống cộng đồng thâm hậu, một cuộc sống, ngược lại, sẽ làm họ có khả năng đồng hành với người khác.

Thế giới kỹ thuật số

Vì tất cả những điều đã nhắc trên đây, thế giới của các phương tiện truyền thông mới mẻ đáng được lưu ý đặc biệt, vì chúng thực sự chiếm một vị trí lớn lao trong đời họ, nhất là trong trường hợp các thế hệ trẻ hơn. Các phương tiện truyền thông mới mẻ này cung cấp cho ta nhiều cơ hội mới, nhất là về phương diện truy cập tín liệu và tạo ra các mối liên hệ với những người ở phương xa. Tuy nhiên, chúng cũng đặt ra nhiều nguy cơ như bắt nạt trên mạng, cờ bạc, văn hóa khiêu dâm, các nguy hiểm dấu mặt của các “phòng tán dóc” (chat rooms), việc thao túng có tính ý thức hệ … Bất chấp các dị biệt trong phạm vi này ở các vùng khác nhau, cộng đồng Kitô Giáo vẫn đang mở rộng sự hiện diện của mình tại khu Areopagus tân thời này, nơi người trẻ chắc chắn có điều gì đó để dạy nó.

4. Các tài nguyên

Các phương tiện phát biểu trong công tác mục vụ

Đôi khi ta thấy giữa ngôn ngữ của Giáo Hội với ngôn ngữ của người trẻ có một khoảng cách khó lấp đầy, cho dù không thiếu các kinh nghiệm gặp gỡ phong phú giữa các mẫn cảm của người trẻ và các đề xuất của Giáo Hội trong phạm vi Thánh Kinh, phụng vụ, nghệ thuật, giáo lý và truyền thông. Nhiều người mơ ước một Giáo Hội biết tích cực bao gồm người trẻ trong sinh hoạt của mình qua việc sử dụng các phương tiện phát biểu của người trẻ và bằng cách tỏ ra biết đánh giá cao và quí trọng óc sáng tạo và các tài năng của họ.

Theo một nghĩa đặc biệt, thể thao là một nguồn giáo dục, vì nó cung cấp cơ hội bằng nhiều cách khác nhau. Âm nhạc và các cách phát biểu nghệ thuật khác tự chúng là một phương thế ưu hạng giúp người trẻ biểu lộ cá tính của họ.

Săn sóc giáo dục và nẻo đường truyền giảng Tin Mừng

Sinh hoạt mục vụ với người trẻ, trong đó, cần phải khai diễn các diễn trình hơn là chiếm giữ không gian, trước nhất, cho thấy sự quan trọng của việc phục vụ sự phát triển nhân bản của mỗi cá nhân và các tài nguyên giáo dục và huấn luyện có thể hỗ trợ dịch vụ này. Có một sự nối kết có tính nguyên nhân giữa việc truyền giảng Tin Mừng và việc giáo dục, một nối kết, vào lúc này, cần phải tính tới việc chín mùi dần dần của tự do.

Ngược với các tình thế trong quá khứ, Giáo Hội cần làm quen với sự kiện này: các cách tiếp cận đức tin hiện nay ít bị tiêu chuẩn hóa, và do đó, Giáo Hội phải lưu ý hơn tới cá tính của mỗi người. Cùng với những người tiếp tục tuân theo các giai đoạn khai tâm Kitô Giáo cổ truyền, nhiều người đến gặp Chúa và cộng đồng tín hữu bằng nhiều cách khác và khi có tuổi hơn, do cam kết đối với công lý, đã tiếp xúc ở bên ngoài Giáo Hội với một ai đó được coi là nhân chứng đáng tin cậy.

Thách đố đối với các cộng đồng là phải tiếp đón mọi người, theo gương của Chúa Giêsu, Đấng có thể nói cả với người Do Thái, Samaritanô lẫn những người ngoại giáo trong nền văn hóa Hy Lạp và những người chiếm đóng Rôma, nắm được các ước muốn sâu xa của mỗi người trong số họ.

Im lặng, chiêm niệm và cầu nguyện

Sau cùng và quan trọng hơn cả, không thể có việc biện phân nào mà lại không cần phải vun sới việc thân quen với Chúa và đối thoại với Lời của Người. Cách riêng, Đọc Lời Chúa theo lối cầu nguyện (lectio divina) là một phương pháp có giá trị mà truyền thống Giáo Hội luôn luôn tuân theo.

Trong một xã hội ngày càng ồn ào, một xã hội cung cấp quá nhiều chất kích thích, một mục tiêu nền tảng của việc săn sóc mục vụ cho người trẻ là cung cấp cho họ cơ hội để họ biết thưởng ngoạn giá trị của sự im lặng và chiêm niệm, và tiếp nhận tín liệu để hiểu các kinh nghiệm của họ và lắng nghe lương tâm của họ.

5. Đức Maria Thành Nadarét

Diễn trình Thượng Hội Đồng được ủy thác nơi Mẹ Maria. Trong suốt diễn trình này, Giáo Hội tự xét mình về cách đồng hành với người trẻ để họ chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa bước vào niềm vui của tình yêu và sự viên mãn của cuộc sống. Đức Maria, người phụ nữ trẻ Nazarét, đấng, trong mỗi giai đoạn sống của mình, đều chấp nhận Lời Chúa, và giữ gìn nó, ngẫm nghĩ về nó trong trái tim mình (xem Lc 2:19), vốn là người đầu tiên hoàn thành cuộc hành trình này.

Mỗi người trẻ có thể khám phá ra trong đời sống của Đức Maria cách biết lắng nghe, lòng dũng cảm do đức tin tạo ra, độ sâu sắc trong biện phân và sự tận tụy trong phục vụ (xem Lc 1: 39-45). Trong "sự thấp hèn" của ngài, Đức Trinh Nữ đã đính hôn với Thánh Giuse, cảm nghiệm sự yếu đuối và sự khó khăn của con người trong việc hiểu thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa (xem Lc 1:34). Ngài cũng được kêu gọi sống lối sống đi ra khỏi mình và các kế hoạch của mình để học biết tín thác và tin tưởng.

Nhắc lại những "điều cao cả" mà Đấng Toàn Năng đã thực hiện trong ngài (xem Lc 1:49), Đức Trinh Nữ đã không cảm thấy cô đơn, nhưng hoàn toàn được yêu thương và nâng đỡ bởi chữ "đừng sợ" của Thiên Thần (xem Lc 1:30) . Biết rằng Thiên Chúa ở với ngài, Đức Maria đã mở lòng mình ra mà nói "con đây", và do đó, bắt đầu cuộc hành trình Tin Mừng (xem Lc 1:38). Người phụ nữ chuyển cầu (xem Ga 2: 3), dưới chân thập giá của Con mình, kết hợp với "người môn đệ yêu dấu", một lần nữa đã chấp nhận lời mời gọi trở thành người mang hoa trái và sinh ra sự sống trong lịch sử con người. Dưới mắt ngài, mọi người trẻ đều có thể tái khám phá ra vẻ đẹp của biện phân; trong trái tim ngài, mọi người trẻ đều có thể cảm nghiệm được sự dịu dàng của tình thân mật và lòng can đảm làm nhân chứng và thi hành sứ mệnh.