1. Buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 17/5

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Thánh Phaolô, và nhấn mạnh rằng qua việc cầu nguyện, Chúa Thánh Thần giúp con người vượt qua các nhược điểm của họ.

Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

"Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về lời cầu nguyện Kitô giáo, giờ đây chúng ta chuyển sang những lời giảng dạy của Thánh Tông Đồ Phaolô. Thư của Thánh Phaolô cho chúng ta thấy sự đa dạng phong phú trong lời cầu nguyện của thánh nhân, bao gồm những lời tán tụng, ngợi khen, và cầu xin.

Đối với Thánh Phaolô, cầu nguyện trên tất cả là công việc của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta, là hoa trái từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúa Thánh Thần đến trợ giúp những yếu đuối của chúng ta, dạy chúng ta cách thức cầu nguyện với Chúa Cha qua Chúa Con. Trong chương thứ tám của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần cầu bầu cho chúng ta, kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô và cho phép chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha.

Trong lời cầu nguyện của chúng ta, Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa, niềm hy vọng và sức mạnh để giữ lòng trung thành với Chúa giữa những thử thách hàng ngày và những đau khổ của chúng ta, và một trái tim biết nhận ra hoạt động của ân sủng Thiên Chúa nơi những người khác và trong thế giới xung quanh chúng ta. Cùng với Thánh Phaolô, chúng ta hãy mở lòng chúng ta cho sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng cầu nguyện với chúng ta và dẫn chúng ta đến sự hiệp thông sâu sắc hơn bao giờ trong tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Tôi chào mừng tất cả các du khách nói tiếng Anh có mặt tại buổi tiếp kiến chung hôm nay, gồm những người từ Ireland, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Tôi hoan nghênh đặc biệt là các nhóm hành hương từ Úc. Tôi khẩn cầu niềm vui và sự bình an của Chúa Phục Sinh nơi anh chị em và gia đình.

2. Giáo phận tòng nhân đầu tiên tại Úc

Tuần qua, Đức Tổng Giám Mục Denis Hart của Melbourne, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Úc đã thông báo rằng vào ngày 15 tháng 6 tới đây một giáo phận mới sẽ được thành lập tại Úc Đại Lợi.

Đây là giáo phận tòng nhân dành cho các tín hữu lìa bỏ Anh Giáo để gia nhập Công Giáo nhưng muốn giữ lại một số phong tục và truyền thống phụng vụ.

Đức Cha Denis Hart:

"Tôi tin tưởng rằng những người Anh giáo cũ, những người đã thực hiện một cuộc hành trình trong đức tin dẫn họ đến với Giáo hội Công giáo sẽ thấy rằng mọi thứ đã sẵn sàng để chào đón họ,"

Giáo phận mới có tên gọi là Our Lady of the Southern Cross và sẽ nhận thánh Augustinô thành Canterburry làm bổn mạng.

Tưởng cũng nên biết thêm là năm ngoái giáo hạt Our Lady of Walsingham đã được thành lập và hiện nay đã có 40 giáo xứ với 60 linh mục là các linh mục thuộc Anh Giáo trước đây.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, giáo hạt Ngai Tòa Thánh Phêrô dành cho các tín hữu Anh Giáo đã có 22 cộng đoàn và hơn 1400 anh chị em tín hữu. Giáo hạt mới này sẽ có ngôi nhà thờ đầu tiên tại Scranton, Pennsylvania vào tháng 8 tới đây.

3. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đến thăm tổng giáo phận Arezzo - La Verna - Sansepolcro

Hôm Chúa Nhật 13 tháng 5 Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã vượt một quảng đường dài đến 800 km để đến thăm tổng giáo phận Arezzo - La Verna - Sansepolcro thuộc miền trung Italia. Ngài đã kêu gọi củng cố truyến thống Kitô, duy trì các giá trị cao qúy như tình liên đới, chú ý tới những người yếu đuối, và tôn trọng phẩm giá của từng người.

Ngày viếng thăm của Đức Thánh Cha bao gồm ba sinh hoạt chính: lúc 10 giờ rưỡi sáng Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho tín hữu tại công viên Prato; 5 giờ chiều ngài viếng thăm đền thánh La Verna, nơi thánh Phanxicô thành Assisi đã nhận 5 dấu thánh Chúa vào năm 1224; và lúc 7 giờ chiều Đức Thánh Cha viếng thăm nhà thờ chính tòa Sansepolcro.

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật 13 tháng 5, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để đến Arezzo, cách Roma một giờ bay. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại sân vận động thành phố có Đức Cha Riccardo Fontana, Tổng Giám Mục Arezzo-Cortona-Sansepolcro, Đức Tổng Giám Mục Adriano Bernardini Sứ Thần Tòa Thánh tại Italia, ông Mario Monti Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và ông Francesco Maria Greco, Đại sứ Italia cạnh Tòa Thánh và các giới chức chính quyền địa phương. Lễ nghi chào đón chính thức đã diễn ra tại Công viên Prato.

Arezzo là thành phố có hơn 300 ngàn dân cư và đã có lịch sử dài bắt đầu hồi thế kỷ thứ III trước công nguyên.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha đã khích lệ các tín hữu tiếp tục củng cố truyến thống Kitô tốt lành của họ và duy trì các giá trị cao qúy như tình liên đới, chú ý tới những người yếu đuối, và tôn trọng phẩm giá của từng người.

Hàng trăm Linh Mục và các thừa tác viên Thánh Thể đã giúp Đức Thánh Cha cho tín hữu rước Mình Thánh Chúa.

Trước khi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng kết thúc thánh lễ Đức Thánh Cha đã phó thác mọi khó khăn khổ đau của tín hữu vùng Aretina và toàn Italia cho lời bầu cử hiền mẫu của Mẹ Maria Mẹ Giáo Hội, để họ không chán nản ngã lòng trước các khó khăn, nhưng mạnh mẽ canh tân tinh thần và luân lý là con đường duy nhất dẫn đưa tới tình trạng xã hội dân sự tốt đẹp hơn.

Sau khi từ giã mọi người Đức Thánh Cha đã viếng thăm nhà thờ chính tòa xây năm 1278, nhưng bị ngưng trệ nhiều lần mãi cho đến năm 1511 mới hoàn tất. Các kính mầu trên cung thánh thuộc đầu thế kỷ XVI. Trên trần nhà thờ có các bức bích họa lịch sử Thánh Kinh. Bên trái có nhà nguyện kính Đức Bà An Ủi.

Sau khi viếng thăm nhà thờ Đức Thánh Cha đã về tòa Tổng Giám Mục để dùng bữa trưa với các Giám Mục toàn vùng Toscana và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi La Verna và Sansepolcro.

Lúc 4 giờ rưỡi chiều Đức Thánh Cha đã gặp gỡ ban tổ chức chương trình viếng thăm tổng giáo phận. Sau đó ngài đi trực thăng đến đền thánh La Verna cách đó 15 phút bay. Tuy trời La Verna có mưa, nhưng tín hữu đã che dù đứng đơi Đức Thánh Cha. Chuông nhà thờ chính tòa đã đổ nhiều hồi dài khi trực thăng Đức Thánh Cha đáp xuống bãi đậu.

Đền thánh nằm trên núi Appennino Toscano và là nơi ngày 17 tháng 9 năm 1224 thánh Phanxicô thành Assisi đã được Chúa cho in năm dấu thánh trên thân thể người. Vùng đất này đo Công tước Orlando Catani tặng thánh nhân để người có nơi yên tĩnh cầu nguyện và sống thân tình với Thiên Chúa.

Mùa hè năm 1224 trong thời gian lưu lại đây thánh Phanxicô xin Chúa cho người kết hiệp với mầu nhiệm tình yêu và khổ đau của Chúa. Chúa Kitô đã nhận lời và hiện ra dưới hình thiên thần Seraphim bị đóng đanh và in 5 dấu thánh cuộc Khổ Nạn trên người thánh nhân.

Ngỏ lời với đông đảo các tu sĩ nam nữ Phanxicô và tín hữu sau lời chào mừng của cha bề trên tổng quyền José Carballo, Đức Thánh Cha nói lộ trình cuộc đời môn đệ Chúa Kitô của thánh Phanxicô đã khởi đầu ở nhà thờ thánh Damiano trước Thánh Giá Chúa bị đóng đinh và đã đẫn xưa người tới chỗ chia sẻ cả các dấu tích bề ngoài của cử chỉ tình yêu tuyệt đỉnh của Thập Giá.

Lúc 7 giờ chiều trực thăng đã chở Đức Thánh Cha tới Sansepolchro là thành phố hiện có gần 16.000 dân cư. Lịch sử thành phố bắt đầu với một ngôi nhà nguyên nhỏ do hai tín hữu tên la Arcano và Egidio đi hành hương Thánh Địa về, xây để ghi nhớ nhà thờ Thánh Mộ và giữ các thánh tích họ đem về từ Giêrusalem. Sau đó dân chúng kéo đến ở chung quanh và từ từ trở thành một tỉnh nhỏ.

Sau lễ nghi tiếp đón Đức Thánh Cha đã thăm nhà thờ chính tòa được xây cách đây một ngàn năm như là đan viện của các tu sĩ dòng Biển Đức. Trong nhà thờ có một tượng thánh giá bằng gồ hồ đào thuộc thế kỷ thứ VIII-X cao 2 mét 7 hai cánh tay dài 2 mét 9.

Ngỏ lời với tín hữu Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự tích nguồn gốc thành phố và khích lệ anh chị em hãy nhân biến cố cử hành 1000 năm lịch sử của thành phố để dấn thân tái khám phá các gốc rễ kitô để các giá trị tin mừng tiếp tục làm phong phú lương tâm và lịch sử thường ngày của dân chúng.

Sau khi ban phép lành cho tín hữu Đức Thánh Cha đã chào vài giới chức địa phương rồi dùng trực thăng trở về Roma kết thúc một ngày viếng thăm Arezzo-La Verna-Sansepolcro.

4. Ngày Quốc tế gia đình 15 Tháng Năm

Ngày Quốc tế gia đình được tổ chức trên toàn thế giới vào ngày 15 Tháng Năm. Gia đình là biểu tượng của sự hỗ trợ, tình yêu và hiểu biết lẫn nhau. Gia đình cũng là nòng cốt để xây dựng một xã hội lành mạnh. Đức Hồng Y Ennio Antonelli đã nhấn mạnh như trên nhân ngày thế giới về gia đình năm nay.

Ngài nói:

"Gia đình thông truyền văn hóa, tôn giáo, các giá trị nhân bản, đạo đức xã hội, do đó, nó thực sự có một sứ vụ xã hội, chứ không phải chỉ là điều riêng tư. Vai trò của gia đình không thể thay thế được. "

Để làm nổi bật tầm quan trọng của gia đình, Hội đồng Giáo Hoàng về Gia Đình đã chuẩn bị sẵn sàng cho Hội nghị Thế giới về gia đình ở Milan sẽ bắt đầu vào ngày 30 tháng 5. 800 ngàn người sẽ tụ họp tại đây để củng cố đức tin Công Giáo của họ và gia đình.

"Chúng tôi hy vọng thành quả của hội nghị tại Milan sẽ được nhân rộng ra trên bình diện Giáo Hội, các giáo phận và giáo xứ địa phương."

Hội nghị sẽ diễn ra từ 30 Tháng Năm - 3 Tháng sáu. Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ với hàng ngàn gia đình. Chủ đề của Đại Hội Gia Đình kỳ này sẽ tập trung vào ba điểm là cuộc sống gia đình, công ăn việc làm và nghỉ ngơi. Đức Hồng y Antonelli cho biết cả ba là cần thiết để tăng cường đời sống gia đình.

5. Nhận định của Đức Hồng Y Timothy Dolan

Từ New York, Đức Hồng Y Timothy Dolan, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục kỹ thuật ghi nhận rằng điều đáng buồn là Ngày Quốc tế gia đình năm nay được đánh dấu bởi những tấn kích mạnh mẽ hơn vào các định chế hôn nhân và gia đình. Ngày nay một trào lưu đang lớn mạnh muốn đưa những mối quan hệ thường được gọi là sống chung đồng tính lên ngang hàng về mặt luật pháp với hôn nhân. Tình trạng này thách đố những người Công Giáo - và tất cả những ai tìm kiếm sự thật - phải nghĩ sâu xa về ý nghĩa của hôn nhân, mục đích của nó và giá trị của nó đối với những cá nhân, gia đình và xã hội.

Hôm thứ Tư, 9 tháng 5, tổng thống Hoa Kỳ ông Obama, người đã từng viện dẫn Kinh Thánh để chống lại việc coi “kết hiệp đồng tính” ngang hàng với hôn nhân truyền thống - giữa một người nam và một người nữ - trong cuộc tranh cử tổng thống 4 năm về trước, thì nay lại cũng viện dẫn Kinh Thánh để ủng hộ cho “hôn nhân đồng tính”. Đây là vị tổng thống đầu tiên công khai ủng hộ điều này.

Lập trường của Giáo Hội là các kết hiệp đồng tính trái ngược với bản chất của hôn nhân: nó không dựa trên sự bổ khuyết tự nhiên của người nam và người nữ; nó không hợp tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng sự sống mới; và mục đích tự nhiên của kết hiệp lứa đôi không thể đạt được qua hôn nhân đồng tính. Những người trong mối liên hệ đồng tính không thể tiến vào một sự kết hiệp hôn nhân phu phụ. Do đó, là sai lầm khi đánh đồng quan hệ của họ với hôn nhân.

Hôn nhân là khuôn mẫu căn bản cho những mối quan hệ nam nữ. Nó đóng góp cho xã hội bởi vì nó tạo ra khuôn mẫu theo đó những người nam nữ sống phụ thuộc vào nhau và cam kết tìm kiếm điều tốt đẹp cho nhau trong suốt cuộc đời.

Kết hiệp hôn nhân cũng đem lại những điều kiện tốt nhất để nuôi dạy trẻ em: chẳng hạn, quan hệ vững bền và yêu thương của một người mẹ và một người cha chỉ hiện hữu trong hôn nhân. Nhà nước đúng đắn khi nhìn nhận mối quan hệ này như là một định chế công cộng trong luật của mình bởi vì quan hệ này tạo ra một đóng góp độc đáo và thiết yếu cho thiện ích chung.

Có phải từ chối hôn nhân của những người đồng tính là thể hiện một sự phân biệt bất công và một sự thiếu tôn trọng họ như những con người không?

Thưa không. Việc phủ nhận tình trạng pháp lý của các kết hiệp đồng tính không phải là bất công bởi vì hôn nhân và các kết hiệp đồng tính là những thực tại khác biệt nghiêm trọng. Thực ra, chính công lý đòi hỏi xã hội phải hành động như thế. Để giữ ý định của Thiên Chúa dành cho hôn nhân, trong đó quan hệ tính dục có vị trí đúng đắn và độc quyền, không phải là xúc phạm đến phẩm giá của những người đồng tính. Những người Kitô hữu cần phải là chứng tá cho toàn bộ sự thật luân lý và chống lại, như một điều vô luân, cả những hành vi đồng tính luyến ái lẫn việc kỳ thị bất công những người đồng tính.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khuyến khích những người đồng tính luyến ái "được chấp nhận với sự tôn trọng, lòng thương yêu, và sự tế nhị" (số 2358). Sách Giáo Lý cũng khuyến khích tình bằng hữu thanh sạch "Sự khiết tịnh được biểu lộ cách cao thượng nơi tình bằng hữu với tha nhân. Dù nó được nảy nở giữa những người cùng giới hay khác giới, tình bằng hữu đem lại một sự tốt đẹp cao cả cho mọi người". (số 2347).

6. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ dùng bữa ăn trưa với các gia đình trong Hội nghị Thế giới về gia đình.

Tin từ ban tổ chức cho biết trong ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm đến Milan, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ ăn trưa với các gia đình tham dự Hội nghị Thế giới về gia đình tại Milan. Buổi ăn trưa sẽ diễn ra vào ngày Chúa nhật 03 tháng 6. Một số vị Hồng Y và Giám Mục cũng sẽ tham dự.

Bữa ăn trưa này sẽ diễn ra sau Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng chủ sự tại sân bay địa phương. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 sẽ đến Milan vào ngày 01 tháng 6 để bế mạc Hội nghị Thế giới về gia đình bao gồm 800.000 người đến từ 145 quốc gia.

7. Đức Thánh Cha tiếp kiến Học Viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha.

Sáng 10 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhắn nhủ các linh mục Tây Ban Nha hãy noi gương thánh Juan de Ávila, sống kết hiệp với Chúa Giêsu, để kín múc nghị lực tinh thần hầu chu toàn sứ mạng.

Ngài nói như trên trong buổi tiếp kiến dành cho 150 người gồm ban giám đốc, ban giảng huấn và các linh mục sinh viên Học viện Giáo Hoàng thánh Giuse của Tây Ban Nha, nhân dịp kỷ niệm 150 năm thành lập học viện. Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco, Tổng Giám Mục Madrid, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, và nhiều Giám Mục tại nước này.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Anh em hãy nhớ rằng linh mục canh tân đời sống và kín múc sức mạnh cho sứ vụ của mình từ sự chiêm ngắn Lời Chúa và đối thoại thân mật với Chúa. Linh mục ý thức rằng mình không thể dẫn đưa anh chị em đến cùng Chúa Kitô, và cũng không gặp được Chúa nơi người nghèo và những người đau yếu, nếu trước đó không khám phá thấy Chúa trong kinh nguyện sốt sắng và liên lỷ. Linh mục cần phải nuôi dưỡng quan hệ thân tình với Đấng mà mình loan báo, cử hành và thông truyền. Đây chính là nền tảng của linh đạo linh mục, để trở thành dấu chỉ rạng ngời và là chứng nhân sống động về vị Mục Tử Nhân Lành”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ kính thánh Juan Avila ngày 10-5 và là vị sắp được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh. Ngài nói:

“Anh em linh mục thân mến, ước gì cuộc sống và đạo lý của vị Thánh Tôn Sư Juan de Ávila soi sáng và nâng đỡ anh em trong những ngày lưu học tại Giáo Hoàng Học Viện Tây Ban Nha Thánh Giuse. Sự hiểu biết sâu rộng của thánh nhân về Kinh Thánh, về các Giáo Phụ, các công đồng và nguồn mạch phụng vụ cũng như nền thần học lành mạnh, cùng với lòng yêu mến con thảo đối với Giáo Hội, làm cho thánh nhân trở thành người canh tân đích thực, trong một thời đại khó khăn của lịch sử Giáo Hội.

Thánh Juan de Ávila sinh năm 1600 và qua đời năm 1659 là một tác giả tu đức nổi tiếng. Năm 1946 ngài được tôn làm bổn mạng hàng giáo sĩ Tây Ban Nha. Trong cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa Almudena của Giáo phận Madrid ngày 20-8 năm 2011, Đức Thánh Cha loan báo sẽ tôn phong thánh nhân làm Tiến Sĩ Hội Thánh.

8. Đại hội Thánh Thể quốc tế tại Dublin.

Ireland đang chuẩn bị ráo riết để đăng cai tổ chức Đại hội Thánh Thể quốc tế từ ngày 10 đến 17 tháng Sáu tại thành phố Dublin. Đức Tổng Giám Mục Piero Marini, chủ tịch ủy ban Giáo Hoàng về Đại hội Thánh Thể quốc tế và Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin, của tổng giáo phận Dublin đã cho biết như trên trong một cuộc họp báo được tổ chức tại Vatican hôm thứ Hai 14 tháng 5.

Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 này cũng trùng vào dịp kỷ niệm 50 năm Công Đồng Chung Vatican II. Trong số những kỳ vọng khác nhau về Đại hội lần này, các vị Giám Mục Dublin hy vọng đây sẽ là cơ hội giúp chữa lành các vết thương của Giáo Hội tại Ireland.

Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin nói:

"Giáo Hội tại Ireland đang trong tiến trình hòa giải. Lá thư Đức Giáo Hoàng viết cho người Công giáo Ireland đang giúp chúng tôi rất nhiều bởi vì nó cho thấy một số lĩnh vực mà chúng tôi phải tiến hành. Đại hội Thánh Thể là một trong số đó. "

Đức Tổng Giám Mục Piero Marini cho biết thêm:

"Các giám mục Ireland đã thỉnh cầu Tòa Thánh để Đại hội Thánh Thể kỳ này diễn ra trên đất nước này. Đó là một cách để canh tân Giáo Hội, trong khi kỷ niệm lần thứ 50 Công Đồng Vatican II và Đại hội Thánh Thể quốc tế ".

Một ngày của hội nghị sẽ được dành cho chủ đề hòa giải, trong đó hội nghị sẽ nghe các bài viết được thực hiện bởi các nạn nhân của lạm dụng tính dục.

Đức Giáo Hoàng sẽ không tham dự Đại hội Thánh Thể này, nhưng ngài sẽ gửi một điện văn bằng video đến hội nghị. Đức Thánh Cha cũng cử Đức Hồng Y Marc Ouellet của Canada làm đặc sứ của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin giải thích như sau:

"Đức Thánh Cha đã nói với tôi rằng ngài mong ước thực hiện một chuyến thăm tới Ireland như là một phần không thể tách rời của tiến trình canh tân Giáo Hội tại Ireland và ngài sẽ làm một cuộc hành trình như thế, thậm chí sẽ có nhiều khó khăn cho ngài để có thể đóng góp vào tiến trình đó. Tuy nhiên, vào thời điểm này tôi không nghĩ rằng tiến trình canh tân, đặc biệt là đổi mới trong đức tin, chưa tiến đủ xa để có thể tận dụng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha ngõ hầu tăng cường đức tin. Nhưng ngày đó sẽ đến. "

Đại hội Thánh Thể sẽ diễn ra trong khi Giáo Hội Công Giáo và các tổ chức dân sự ở Ireland đang phải đối diện với những căng thẳng, gây ra bởi những lời chỉ trích về việc xử lý các trường hợp lạm dụng tính dục. Mặc dù, không thể hy vọng các kết quả có thể xảy ra một sớm một chiều, Giáo Hội tại Ireland hy vọng Đại hội này sẽ giúp đỡ trong quá trình đổi mới.

9. Phó tổng thư ký bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc qua đời đột ngột

Sáng thứ Sáu 11 tháng 5, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có buổi tiếp kiến dành cho 170 tham dự viên khóa họp thường niên của Hội đồng cấp cao các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, từ 7 đến 12 tháng Năm, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo.

Cha Massimo Cenci, phó tổng thư ký bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc, đóng một vai trò trong cuộc họp này. Tuy nhiên, ngài đã qua đời vào sáng sớm hôm đó vì một cơn đau tim.

Bàng hoàng trước tin này, Đức Thánh Cha nói:

"Tôi nghĩ giống như tất cả các anh em về Cha phó tổng thư ký Massimo Cenci. Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho cha vì tất cả công việc cha đã thực hiện như một nhà truyền giáo và thời gian phục vụ của cha tại Tòa Thánh. "

Cha Massimo Cenci thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo PIME. Ngài đã từng là một nhà truyền giáo ở Brazil. Năm nay ngài đã 68 tuổi và là phó tổng thư ký của Thánh Bộ Truyền giáo từ năm 2001.

10. Tổng thống Italia tổ chức hòa nhạc nhân 7 năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha

Tổng thống Ý Giorgio Napolitano, đã tổ chức một buổi hòa nhạc mừng 7 năm triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Nhạc trưởng danh tiếng Riccardo Muti, đã điều khiển dàn nhạc và dàn hợp xướng Opera Rôma tại Sảnh Đường Phaolô VI của Vatican. Daniela Barcellona, ca sĩ lừng danh trong làng nhạc opera quốc tế đã có mặt trong buổi trình diễn.

Chương trình bao gồm bản Magnificat của Vivaldi, Stabat Mater và Te Deum của Verdi.

11. Các Giám mục công bố nghi thức ban phép lành cho em bé trong bụng mẹ

Chào đón ngày Hiền Mẫu, các Đức Giám Mục Hoa Kỳ đã công bố nghi thức cầu nguyện mới để ban phép lành cho cả cha mẹ và thai nhi trong bụng người mẹ.

Nghi thức cầu nguyện này là một cách để làm nổi bật phẩm giá và tính thánh thiêng của sự sống con người từ lúc thụ thai. Nhân ngày Hiền Mẫu được tổ chức vào ngày 13 tháng Năm, nghi thức này sẽ được cử hành lần đầu tiên trong một số giáo xứ Hoa Kỳ.

Nghi thức cầu nguyện cho thai nhi đã được phê duyệt bởi các giám mục Hoa Kỳ vào năm 2008, nhưng gần đây nhất, Vatican mới chuẩn y. Văn bản có thể được tải về tại địa chỉ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Quý vị cũng có thể đặt mua tập sách dầy 43 trang bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Nghi thức cầu nguyện này có tên gọi "Nghi thức ban phép lành cho trẻ còn trong bụng mẹ". Trong số những mục đích khác được nhắm đến, các Đức Giám Mục tại Hoa Kỳ muốn đề cao sự ràng buộc đặc biệt giữa cha mẹ với con em của họ, ngay cả trước khi cháu bé được sinh ra.

12. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân Tổng Giám Mục Hán Thành

Sáng ngày 10 tháng Năm, Tòa Thánh đã công bố quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Đức Cha Andrew Yeom Soo Jung làm Tổng Giám Mục Hán Thành.

Việc bổ nhiệm này mang một tầm quan trọng đặc biệt bởi vì những người được bổ nhiệm làm lãnh đạo tổng giáo phận này thường được nhanh chóng nâng lên hàng hồng y.

Đức Cha Soo Jung sẽ thay Đức Hồng y Nicholas Cheong Jinsuk vừa nghỉ hưu.

Đức Tân Tổng Giám Mục năm nay 68 tuổi. Ngài được thụ phong linh mục vào tháng Mười Hai năm 1973. Ngày 1 tháng 12 năm 2001, Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Phụ Tá Hán Thành.

13. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 chính thức tuyên bố Hildegard của thành Bingen là Thánh

Mặc dù Hildegard của thành Bingen đã có trong danh sách các vị thánh Công giáo, vị nữ thánh này đã không được chính thức phong thánh. Vì vậy, để loại bỏ tất cả các ngộ nhận, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chính thức công bố Hildegard của thành Bingen là thánh và được ghi tên vào sổ bộ các thánh.

Thánh Hildegard là một trong những phụ nữ hoạt động tích cực trong hầu hết thời gian tại thế của mình. Thánh nữ đã viết về thần học và luân lý. Ngài cũng đã viết nhiều sách về y học và khoa học. Ngài thậm chí còn tìm được thời gian để sáng tác 78 bản nhạc.

Đức Giáo Hoàng cũng đang xem xét việc tuyên bố Thánh Hildegard là Tiến Sĩ Hội Thánh vì trí thông minh kiệt xuất và sự nhạy cảm nữ tính của Thánh nữ.

14. Lễ kính Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Ngày 13 tháng Năm có một ý nghĩa quan trọng trong Giáo Hội. Thật vậy, ngày 13 tháng 5 năm 1917 là lần đầu Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Ngày 13 tháng 5 năm 1981 là ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát tại quảng trường Thánh Phêrô, và ngày 13 tháng 5 năm 2000 là ngày phong chân phước cho Francisco và Jacinta.

Ngày 13 tháng 5 năm 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Cova da Iria ở Fatima với ba mục đồng Jacinta, Francisco và Lucia. Trong 6 tháng sau đó, Đức Mẹ đã tiếp tục hiện ra vào mỗi ngày 13 hàng tháng. Do đó, Giáo Hội đã dành ngày 13 tháng 5 hàng năm để kính nhớ biến cố này.

Trong các lần hiện ra, Đức Trinh Nữ Maria đã yêu cầu các trẻ mục đồng đọc kinh Mân Côi để cầu nguyện cho những người tội lỗi trở lại. Đức Mẹ cũng đưa ra ba sứ điệp.

Trong sứ điệp đầu tiên, Đức Mẹ đã cho họ thấy cảnh địa ngục. Trong sứ điệp thứ hai, Đức Trinh Nữ Maria cho biết rằng Nga sẽ trở lại và điều đó sẽ mang lại hòa bình.

Sứ điệp thứ ba là bí mật Fatima, đã được tiết lộ bởi Đức Giáo Hoàng vào năm 2000. Trong thị kiến đó, họ nhìn thấy một giám mục mặc áo trắng trên một ngọn núi quỳ dưới chân một cây thánh giá, nơi binh sĩ đã bắn vào ngài. Họ cũng nhìn thấy cái chết của các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Nhiều người nói rằng thị kiến này nói lên các cuộc bách hại các Kitô hữu, trong suốt thế kỷ 20, gây ra cái chết vì đức tin của khoảng 45 triệu nạn nhân.

Chính Đức Gioan Phaolô II cũng là nạn nhân của một vụ ám sát diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 13 tháng năm 1981. Ngài cho biết ngài đã sống sót nhờ sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria. Một năm sau đó, ngài đã đến Fatima và đặt nơi vương miện Đức Mẹ viên đạn đã bắn vào ngài.

Ngày nay, Fatima là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất trên thế giới. Francisco và Jacinta đã được phong chân phước vào ngày 13 tháng 5 năm 2000. Chị Lucia qua đời năm 2005 và một án phong chân phước cho chị đang được tiến hành.

15. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Công Nghị Do Thái Mỹ Châu Latinh

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhóm đại diện cộng đồng Do Thái ở châu Mỹ Latinh đã có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại Vatican. Cuộc tiếp kiến đã diễn ra hôm 11 tháng 5 vừa qua.

"Đối với chúng tôi, cuộc họp này có một ý nghĩa lịch sử và cá nhân sâu sắc. Đây là lần đầu tiên, đoàn đã gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, "ông Jack Terpins, Công Nghị Do Thái Mỹ Châu Latinh cho biết như trên.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã đề cập đến tính năng động của các cộng đồng Do Thái ở châu Mỹ Latinh. Họ sống hòa hợp với người Công giáo, đặc biệt, là ở các nước như Argentina và Brazil.

Ngài cũng nhắc đến Tuyên bố của Công Đồng Vatican II có tiêu đề 'Nostra Aetate, thúc đẩy sự hiểu biết, tôn trọng và hợp tác giữa Công Giáo và Do Thái.

Đức Thánh Cha nói:

"Tuyên bố không chỉ đưa ra một quan điểm rõ ràng đối với tất cả các hình thức chống Do Thái, mà còn đặt nền móng cho một đánh giá thần học mới về mối quan hệ của Giáo Hội với Do Thái giáo, thể hiện sự tự tin rằng một sự đánh giá đúng đắn các di sản tinh thần mà các tín hữu Do Thái và các Kitô hữu chia sẻ sẽ dẫn đến sự gia tăng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. "

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng sự mất mát các giá trị tinh thần và đạo đức trong xã hội hiện nay, có thể dẫn đến sự thiếu tôn trọng phẩm giá con người. Vì vậy, để ngăn chặn điều đó xảy ra, cuộc đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa là rất quan trọng cho tương lai của nhân loại.

16. Đức Giáo Hoàng phê chuẩn các án phong thánh

Hôm 10 Tháng Năm Đức Thánh Cha đã phê chuẩn án phong Thánh tử đạo cho 37 vị đã bỏ mình vì đức tin trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha và trong cuộc bách hại của Đức Quốc xã. Ngài cũng đã phê duyệt 2 phép lạ và công nhận các nhân đức anh hùng của 12 ứng viên cho án phong thánh, trong đó có linh mục người Cuba là cha Felix Varela, hai nhà sáng lập các dòng tu của Tây Ban Nha, chị Teresa Demjanovich thuộc miền Miriam Hoa Kỳ và Đức Cha Frederick Baraga Irenaeus người Slovenia, qua đời năm 1868 và là giám mục tiên khởi của giáo phận Marquette Hoa Kỳ.

17. Dead man walking

Năm 1993, một cuốn sách mang tựa đề "Dead Man Walking" tạm dịch là "Hành Trình Cuối Cùng CủaTử Tội", viết về đời sống và tâm tư của những người tù đang sống trong các trại giam chờ ngày thi hành án tử đã đạt được sự thành công đáng kể: có số bán chạy nhất, được đề cử giải Pulitzer Prize, và dĩ nhiên, sự ủng hộ mạnh mẽ của các tôn giáo, đoàn thể và cá nhân đang tích cực chống đối án tử hình. "Điều mà cuốn phim thông minh, cân bằng và thảm thương này trình bày cho chúng ta không hơn không kém một trận chiến khốc liệt giữa cái ác và điều thiện hảo"

"Dead man walking" là cụm chữ thường xuyên được cai tù ở các trại tù xướng lên trước khi tử tội bước ra khỏi phòng giam lần cuối để được dẫn đến phòng nhận án tử. Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích lịch sử của cụm chữ mang tính truyền thống pha chút tàn nhẫn này nhưng đa số đều đồng ý với nhau ở chỗ mục đích của việc xướng lên cụm chữ đó là để cảnh báo cho nhân viên và các phạm nhân khác biết rằng một tử tù đang trên đường đến nơi lãnh nhận cái chết dù muốn hay không, và mọi người đều phải biết mà đề phòng sự bất trắc có thể xảy ra vì tử tù thường là những người chẳng còn gì để mất, rất liều lĩnh và hung hãn, nên có thể trở nên bạo động và có những phản ứng điên rồ trước khi phải chết.

Năm 1995 cuốn phim cùng tên đã được các nhà làm phim ở Hollywood dàn dựng lên với sự cho phép và cố vấn của Sơ Helen Prejean C.S.J., tác giả của cuốn sách vốn rất nổi tiếng này

Hai vai chính được trao cho tài tử thượng thặng là Sean Penn và Susan Sarandon. Được biết chỉ riêng vai sơ Helen thôi đã đem lại cho bà Susan Sarandon hàng loạt giải thưởng cao quý về điện ảnh, mà trong đó giải Oscar (1996) là đáng kể nhất. Sean Penn cũng được đề cử nhận giải Oscar và đoạt nhiều giải thưởng quan trọng khác cho vai diễn của anh trong cuốn phim Dead Man Walking. Ngay cả đạo diễn và nhà soạn nhạc của cuốn phim cũng được đề cử nhận giải Oscar.

Cuốn phim với số vốn là 11 triệu đô la Mỹ đã thu về con số kỷ lục là 86.4 triệu đô, được những nhà phê bình phim ảnh đánh giá cao (94%), và những tờ báo lớn như The Los Angeles Times, Washington Post hết lời khen tặng " "Cuốn phim manh tính cách thông minh, quân bình và thảm thương này đã phô bày cho ta thấy trận chiến khốc liệt giữa hai thế lực thiện và ác"

Một lần nữa, tên tuổi của tác giả lại một lần nữa được nhắc đến như một xác tín về sự thành công của đứa con tinh thần mà bà đã cưu mang trong suốt nhiều năm ròng rã bằng mồ hôi và tâm huyết của mình, hay nói đúng hơn, bằng kinh nghiệm sống thật của một người đã hiến mình cho tha nhân.

Tuy thế, tác giả -sơ Helen- vẫn cho rằng giải thưởng cao quý nhất dành cho cuốn phim và những người đã dốc toàn lực vào việc tạo ra nó vẫn thuộc về những người có cùng một quan điểm về. ..những người vẫn ngày đêm tranh đấu để giá trị và nhân phẩm con người được tôn trọng, dù cho họ là người lương thiện hay bất hảo, để bản tính "thiện" của họ có cơ hội vượt thắng cái "ác" và từ đó sẽ giúp cho họ cơ hội nhìn lại chính mình và nhận chân sự thật, như kinh thánh đã nói "Sự thật sẽ giải thoát anh em"

Bình thường con người vốn nặng lòng xét đoán hay ngần ngại mỗi khi phải tiếp xúc huống hồ là thăm viếng hay an ủi những phạm nhân, nhất là tử tù Với riêng người Ky tô giáo cũng không ngoại lệ chúng ta có khuynh hướng thích viếng thăm bệnh nhân, người già hay neo đơn, viếng thăm những người gặp thiên tai hay thảm cảnh, nhưng lại không mấy mặn mà với điều răn "Viếng thăm kẻ tù rạc" nhất là những tội nhân mang án phạt nặng nề. Sơ Helen đã làm điều ngược lại, bà đã đến thăm viếng và làm bạn, thậm chí cố vấn tinh thần cho hàng loạt những phạm nhân hiện đang thụ án tử hình trong các trại giam trên đất Mỹ (khỏang 3000 người).

Sơ Helen là ai ?

Thoạt nhìn người nữ tu đơn sơ giản dị, người lúc nào cũng điểm nụ cười vô tư trên môi, khó ai có thể hiểu sức mạnh "mềm" của bà đến đâu đối với đời sống tinh thần của những con người được xem là "đồ bỏ", đáng nguyền rủa và xa lánh nhất trong xã hội. Những người mà quãng đời còn lại chỉ được tính bằng tháng hay vài năm, kể từ khi phán quyết sau cùng của tòa án hình sự được tuyên đọc. Thế nhưng đối với sơ Helen họ chính là bạn tâm tình, là người sơ viếng thăm và trò chuyện còn thường xuyên hơn cả chính người nhà của họ. Và ngược lại, đối với sơ, họ vẫn là hình ảnh của Chúa dù bị loài người ghê tởm và xa lánh, và vì sơ đã chọn Chúa là lẽ sống của đời mình nên sơ vui lòng xem đó là một vinh dự khi đến với họ để "đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu ". Hãy nghe lời tâm sự của sơ với ký giả của tờ St Anthony Messenger vào năm 1991: "Đối với tôi, hình tượng của Giáo Hội Chúa nằm ở cả hai bên tả và hữu của cây thánh giá, với cả người thân của nạn nhân lẫn thủ phạm gây ra tội lỗi đó". Với suy tư đó, sơ vừa đến thăm phạm nhân để an ủi và khuyến khích họ giảng hòa với Thiên Chúa với con ngưới thật của chính họ, sơ cũng thành lập một hội có tên là "Survive" (Sống sót) với mục đích giúp cho gia đình các nạn nhân xấu số của tội ác tại thành phố New Orleans đối phó với nỗi đau khổ và nhớ thương về người thân của họ đã bị tước đoạt mạng sống bởi những người tử tội mà sơ cố vấn. Được thừa hưởng tài ăn nói lưu loát của cha là một vị luật sư, cững như bằng tình thương đơn sơ không ranh giới của một người tu hành, sơ Helen đã không gặp nhiều trở ngại gì trong việc bắc cầu thông cảm hay ít nhất là lấp bớt hố sâu thù hận trong lòng người nhà của những nạn nhân nói trên. Điều này được thể hiện rõ trong cảnh quay kết thúc cuốn phim "Dead Man Walking" khi đạo diễn cho chiếu cảnh người cha của nạn nhân (ông Lloyd LeBlanc ) quỳ bên sơ Helen cầu nguyện cho người tử tội ( Patrick Sonnier) đã giết con ông một cách dã man mấy năm về trước.

Chào đời vào ngày 21 tháng 4 năm 1939 trong một gia đình trí thức và nề nếp, cô bé Helen đã được nuôi dưỡng bằng đức tin Công Giáo của người cha là một luật sư và người mẹ, một y tá. Dường như Helen đã thụ hưởng cả tài hùng biện của cha lẫn trái tim rất nhân hậu của người mẹ là những nhân tố trọng yếu giúp sơ hoàn thành sứ mạng biện hộ và phục vụ những thành phần bị coi là hạng phế thải của xã hội sau này. Một đặc điểm trong đời sống gia đình của Helen lúc sơ còn thiếu thời là thói quen lần chuỗi Mân Côi của cả nhà vào mỗi buổi tối. Lòng sùng kính Đức Mẹ và thói quen lần hạt ấy đã theo sơ trong suốt quãng đời phục vụ, và sơ vẫn nhắc lại lòng biết ơn cha mẹ là những người kỹ sư tâm hồn tuyệt vời nhất, đã tạo nên và dạy dỗ sơ biết Chúa, biết yêu thương nhân loại bằng cả tấm lòng. Năm 1957 khi vừa tròn 18 tuổi và gia nhập tu hội thánh Giu-se thành Medaille, sơ chỉ đưa ra được một lý do duy nhất là "Tình thương của cha mẹ tôi dành cho tôi quá lớn, mà nếu tôi không đáp đền tình thương ấy bằng cách đem chia sớt cho người khác thì thật là một thiếu sót trầm trọng". Có lẽ cũng bởi sơ là người có trái tim bao la khác thường như vậy mà sau hơn 2 thập kỷ vâng lời bề trên làm nhiệm vụ giảng dạy tại một trường trung học cấp 2 của nhà dòng, sơ Helen đã không thể ngờ được rằng ơn kêu gọi của sơ không chỉ đơn thuần có thế khi Sơ được bề trên giao cho nhiệm vụ mới. Và sơ đã mặc nhiên chấp nhận bước vào cuộc thử thách mang tính đột biến, đầy cam go và hoàn toàn mới mẻ đối với một người vốn sinh ra và lớn lên chưa hế tiếp cận với bạo lực như sơ: làm tuyên uý cho một trại giam những người chờ ngày lãnh án tử hình ở thành phố New Orleans. Thật ra, khi trao cho sơ Helen trọng trách này -trong một dự án đặc biệt và mới mẻ được gọi là Dự Án Gia Cư Giu Se- Bề trên Jean Pierre Medaille đã nhìn ra ở sơ Helen một bản lãnh và lòng thương xót vô biên dành cho con người, là những vũ khí đặc biệt có thể xử dụng trong việc tranh giành những linh hồn tội lỗi đang chơi vơi giữa sự sống và cái chết về cho Chúa và những giá trị nhân bản, để tranh đấu cho họ nếu chịu một bản án bất công, và nếu thất bại, để cho họ trước khi cuộc sống phải bị kết liễu một cách bi thảm sẽ được "nhìn thấy một ánh mắt và gịong nói đầy cảm thông và quan tâm". Sơ Helen Prejean từ năm 1981 có thêm nhiệm vụ mới là trao đổi thư từ và thăm viếng những người tử tù đang chờ ngày lãnh án. Vào năm 1984 khi sơ lần đầu tiên được chứng kiến tận mắt cảnh hành quyết một người tử tù mà sơ vẫn viết thơ an ủi và động viên tinh thần, một ý nghĩ mới lại manh nha trong đầu người phụ nữ quả cảm và nhân hậu này: tranh đấu để loại bỏ án tử hình trên khắp tiểu bang Louisiana và toàn nước Mỹ vì tính chất dã man và bất công của nó. Sơ tâm sự "Chứng kiến cảnh người tử tù này bị hành hình vào ngày 5 tháng 4 năm 1984 cũng như là lần rửa tội thứ 2 dành cho tôi vậy. Tôi không thể nào đứng nhìn người khác bị giết rồi mình bỏ đi như thế được. Như một bí tích thánh thể, kẻ bị hành hình đã để lại một dấu ấn hằn sâu trong trái tim tôi". Và thế là một sứ mạng mới đã được sơ khởi xướng, đến nay đã trở thành một phong trào làn rộng khắp nước Mỹ với những hoạt động thuần tuý tôn giáo và đầy nhân bản như: giảng thuyết khắp nơi về bản chất phi nhân và phản đạo đức của án tử, viết thỉnh nguyện thư lên các nhà lãnh đạo quốc gia và tôn giáo xin ủng hộ việc loại bỏ án tử hình, tổ chức những buổi thắp nến cầu nguyện trước những trại giam có người sắp lãnh án tử, lập danh sách những phạm nhân có dấu hiệu oan ức trong vụ án v..v.. Trong trang nhà hiện nay của sơ có danh sách những phạm nhân đang ngồi tù chờ ngày thụ án (có vài người Việt), những người bị kết án oan ức nhưng đã được tha bổng vì tìm ra chứng cớ ngoại phạm (25 người, kể từ năm 1973 đến nay)

Helen Prejean là một nữ tu, nhưng sơ không chỉ đơn thuần là người đem kinh thánh và lời cầu nguyện đến để "giảng đạo" cho những người bị thế gian xét đoán là tội lỗi, nhưng là một người đến để thực thi một điều răn mà bất cứ người tín hữu Ki Tô giáo nào cũng cảm thấy "nói dễ khó làm": Đến để yêu thương và cầu cho linh hồn kẻ tội lỗi được tìm thấy sự thật, và khi tìm thấy được sự thật rồi sẽ lãnh nhận ơn tha thứ và cứu rỗi để dù mạng sống họ có bị lấy mất nhưng linh hồn họ sẽ ra đi trong thanh thản và quan trọng là sẽ được cứu rỗi, bởi lời hứa bất di bất dịch của Chúa Gie su trong Phúc Âm thánh Gioan (8:32): "sự thật sẽ giải thoát anh em". Xa hơn nữa, sơ còn xử dụng chuỗi tràng hạt để tìm cả sự bình an và hoà giải cho những người ở hai thái cực của lòng thù hận là gia đình nạn nhân và thủ phạm như sơ đã từng tâm sự với ký giả của tờ Messenger. Cuốn phim đoạt nhiều giải Oscar "Dead Man Walking" đã được kết thúc bằng cảnh sơ Helen đang lần hạt với người cha của nạn nhân như một biểu tượng của lòng vị tha và bác ái dành cho kẻ thù, đó cũng là phản ảnh trung thực của những gì xảy ra ở ngoài đời giữa sơ và ông Lloyd LeBlanc, cha ruột của một cô gái trẻ bị chính người thủ phạm mà ông và sơ Helen đang cầu nguyện cho. Thói quen hàng tháng gặp mặt để chung lời cầu nguyện, cho đến bây giờ, sơ và ông LeBlanc vẫn giữ

Để thuyết phục được người khác làm được điều này, bằng một trạng thái an bình và tỉnh táo, phải chăng giáo hội cần đến một vị thánh sống ? Sơ Helen thì không nghĩ vậy, mà chỉ cười thật giòn giã và trả lời rằng "Đó chính là do Chúa quan phòng đấy thôi"

Bằng quan niệm "Nếu không có Chúa trong đời sống, thì không thể nào có mối quan hệ sống động giữa việc cho đi và nhận về" Sơ Helen đã xác tín sự quan phòng của Chúa đã định sẵn cho mỗi người trong chúng ta, bất kể là người thánh thiện hay kẻ tội lỗi, chỉ cần chúng ta nhìn nhận sự thật và mở cửa đón Ngài vào lòng mình.

Khi mới nhận nhiệm vụ tiếp xúc và cố vấn tinh thần cho Matthew Poncelet ở trại tù Louisiana sơ Helen bị cuốn hút bởi những tình tiết có sức thuyết phục của người thanh niên mà sơ nghĩ là bị hàm oan này, và sơ đã không ngần ngại gõ đủ mọi cửa công cửa quyền để kêu oan cho anh ta. Cũng vì thế sơ trở thành đối tượng của nhiều lời đả kích và chê trách đến từ mọi phía, nhất là gia đình những nạn nhân của vụ án, ai cũng cho là sơ đã bị Poncelet bịt mắt và bị lừa. Một tháng trước khi lên ghế điện (ở Louisiana chỉ hành hình tội nhân bằng ghế điện, nhưng sơ Helen và đại diễn phim muốn thay bằng hình thức chích thuốc độc cho bớt phần dã man), ngay khi mọi nỗ lực kháng án lên tận toà thượng thẩm Louisiana cũng đã thất bại, Poncelet còn cả quyết anh ta vô tội, và đổ hết lỗi cho đồng phạm của mình, bất chấp sự thách thức nhìn nhận sự thật của người cố vấn tinh thần mà anh coi như thân thích còn hơn cả thân nhân ruột thịt. Nhưng đoạn kết của câu chuyện mới là điều đáng nói. Như một sự lạ khó hiểu, Poncelet trong những ngày cuối cùng của đời mình, khi trầm ngâm lắng nghe những đoạn Kinh Thánh và thánh ca -đặc biệt là bài "Be Not Afraid" (Đừng sợ) của sơ Helen hát bên tai, đã thú nhận sự tham gia vào tội ác của mình, và nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân trước giây phút lên ghế điện " Tôi hy vọng cái chết của tôi sẽ đem lại sự bình an cho gia đình của ông bà " Sau đó Poncelet hóm hỉnh nháy mắt với sơ Helen đang ngồi lặng lẽ cầu nguyện với cánh tay hướng về phía anh từ ở bên kia tấm kính chắn trong phòng nhân chứng như muốn được thông phần với chặng thánh giá cuối cùng mà anh đang phải cố vác trong cuộc lữ hành trần thế, rồi ra hiệu cho nhân viên nhấn nút điện cao thế đưa anh vào cõi chết một cách bình thản.

Lời thú nhận từ chính miệng của thủ phạm Poncelet đã có sức mạnh vạn năng làm biến đổi tất cả những thành kiến và ác cảm dành cho người tử tù vốn bị cho là hung ác và ngoan cố có hạng, ai cũng ngạc nhiên tự hỏi có phải do sự thành tâm và kiên trì của sơ Helen đã hoán cải anh, khi Poncelet một kẻ dường như chẳng biết sợ ai và trong nhiều năm chưa bao giờ tỏ vẻ hối hận về những tội ác đã gây ra cho nhiều người lại có một sự thay đổi lạ kỳ như vậy? Hay đó chính là một sự can thiệp nào cao hơn, mầu nhiệm hơn chỉ xảy ra khi một người tội lỗi biết khiêm tốn hạ mình nhận chân sự thật trước toà án lương tâm và trước mặt Đấng Phán Xét tối cao của muôn loài thụ tạo là Thiên Chúa ? Câu trả lời chỉ có Poncelet biết, nhưng với những ai lòng tin tuyệt đối vào Chúa Quan Phòng đều hiểu được rằng, khi câu chuyện về cái chết của tử tù Poncelet đến tai chúng ta, thì hẳn trước mặt Chúa anh đã không còn là người tội lỗi nữa, đã có diễm phúc được hưởng ơn cứu rỗi như người tử tội trên đồi Calve năm xưa đã được Chúa Giê Su tha thứ và bảo rằng "Ngay hôm nay anh sẽ được vào nước Thiên Đàng với ta"