Lịch sử Do Thái khó có thể được xếp ngay ngắn vào các phạm trù của các triết gia lịch sử. Các phạm trù này thường được sử dụng để giải thích việc sụp đổ của các đế quốc hùng mạnh cũng như nhiều tiểu vương quốc thời xưa. Trong khi sự trì chí không gì lay chuyển của dân tộc Do Thái và niềm tin của họ trước mọi rủi ro lịch sử trong suốt hơn 3,500 năm nay mãi mãi làm cho các nhà sử học kia bỡ ngỡ. Mười chi tộc, tức gồm phần lớn con cái Israel, buộc phải biệt xứ sau khi Assyria tru diệt Vương Quốc phiá Bắc vào năm 722, đã biến mất giữa lòng các dân tộc trên thế giới. Chỉ còn hai chi tộc của Vương Quốc phương Nam tức Giuđa, tuy cùng chịu một thảm họa dưới bàn tay Babylon, là vẫn còn giữ được bản sắc dân tộc ngay trong cảnh lưu đầy. Ta phải giải thích ra sao hiện tượng lạ lùng này?

Sự kiện cũng đáng ngạc nhiên không kém, được kể gần như một phép lạ, đó là đáp ứng của lưu dân Giuđa trước công bố của Cyrus vào năm 539 trước Công Nguyên. Công bố này cho phép lưu dân trở về cố hương. Thánh Kinh ghi nhận con số đáng ngạc nhiên gồm trên 40,000 người đáp lại công bố ấy và lên đường trở về cố quốc. Ngược lại, theo Ephraim Stern, giáo sư khảo cổ học Palestine tại Đại Học Hebrew, thì người Philistines, cũng bị người Babylon cưỡng bức phải biệt xứ như người Giuđa, “hoàn toàn bị tiêu diệt và biệt xứ; không bao giờ hồi hương… Từ đó, không còn người Philistines nữa”.

Sau đây là một vài sự kiện liên quan đến giai đoạn từ 722 tới 422 trước Công Nguyên, chưa đầy 300 năm trong lịch sử 3,500 của Do Thái, trong đó có việc tái thiết của Ezra và Nehemiah giữa một Giuđa hoang tàn. Những năm tháng đầy định mệnh này thực sự đã nắm được chìa khóa mở bức màn bí mật của lịch sử Do Thái và tạo nên khuôn thước cho 2,500 năm sau, tận cho tới ngày nay. Có thể coi đây là một cố gắng nhằm giải thích phần nào lẽ huyền nhiệm và sinh khí sáng tạo trong sự sống còn của Do Thái: từ đâu phát sinh ra sức mạnh để họ sẵn sàng đương đầu với các thách đố, vượt thắng hết khủng hoảng này đến khủng hoảng nọ, và sau cùng, giống con phượng hoàng của huyền sử, đã trỗi dậy từ đống tro tàn sau khi bị lửa Diệt Chủng (Holocaust) thiêu gần rụi, và tạo ra cuộc Hồi Hương thứ hai sau 2,000 năm biệt xứ?

Hai cuộc biệt xứ tương phản

Gần sông Babylon,
Tôi ngồi, tôi khóc,
Tôi nhớ Xion
(Tv 137:1)

Năm 722 trước CN, Vua Assyria chinh phục Samaria, thủ đô Vương Quốc phía Bắc, và lưu đầy mọi cư dân của nó. Được coi là “mười chi tộc thất lạc”, họ biến dạng và mất hút khỏi lịch sử Israel trong tư cách một thực thể quốc gia hay tôn giáo gắn bó.

(Cho đến nay, chỉ còn một vài vết tích. Điển hình nhất là Pashtun, một bộ lạc hùng mạnh tại Afghanistan. Bộ lạc này dùng tên Hípri và cắt bì trẻ trai lúc được 8 ngày. Tuy họ theo Hồi Giáo một cách cuồng tín, rất ghét Do Thái, nhưng phụ nữ của họ đốt nến và nướng bánh challah vào ngày sabát của Hồi Giáo)

Năm 598 trước CN, tức 124 năm sau biến cố bi thảm tại Samaria, Babylonia, nước đã thay thế Assyria nắm đế quyền tại Trung Đông, đã vây hãm Giêrusalem. Vua Giuđa là Jehoiachin phải đầu hàng. Ông bị đày qua Babylon cùng với 10,000 vị vọng của Giuđa, trong đó có tiên tri Ezekiel. Zedekiah, một người chú của Jehoiachin, được chỉ định thay thế. Ông vua trẻ và thiếu kinh nghiệm này nổi loạn, bất chấp lời cảnh cáo của Jeremiah. Vua Babylon là Nebuchadnezzar bèn lên đường chinh phạt Giêrusalem, bắt giam Zedekiah, xử tử các con ông ngay trước mặt ông và chọc thủng đôi mắt ông. Ngày thứ chín tháng Ab đen, năm 586 trước CN, Nebuchadnezzar phá hủy tường thành Giêrusalem, nhà cửa các vị vọng, và thiêu rụi Đền Thờ. Một con số đáng kể người Giuđa, không biết là bao nhiêu, đã bị bắt phải lưu đày, làm con số những người đã lưu đày sẵn gia tăng rất nhiều.

Nhưng lần này, một sự kiện hoàn toàn bất ngờ đã xẩy ra. Ngược với lưu dân của Vương Quốc phía Bắc, lưu dân Giuđa đã tạo được một thực tại mới, chưa từng có trong lịch sử. Họ không hòa tan vào xã hội Babylon mạnh hơn và tân kỳ hơn; thay vào đó, họ giữ cho lòng hoài hương, trở về cố quốc Giuđa, luôn bừng cháy.

Một trăm hai mươi bốn năm định mệnh

Điều gì đã tạo nên khúc quanh đáng ghi nhớ ấy? Điều đầu tiên, ta thấy có ngôn sứ Ezekiel, đầy đặc sủng, trong số các lưu dân Giuđa hàng đầu. Hiển nhiên, ông là người hướng dẫn tinh thần của các lưu dân khốn vùng này. Ta được kể rằng ít nhất cũng có đến 3 lần, các trưởng thượng của Giuđa đã tới tham khảo ông (Ed 8:1; 14:1; 20:1). Sự kiện các lưu dân có “các vị trưởng thượng” cũng đủ cho thấy chính tổ chức nội bộ này đã liên kết họ một cách chặt chẽ thành một thực tại quốc gia và tôn giáo.

Tuy nhiên, điều này không giải thích được loại hình “Do Thái” mới, xuất hiện sau các tai họa năm 598 và 586. Một số học giả cho rằng hiện tượng mới này là do chủ nghĩa độc thần, một chủ nghĩa không chấp nhận thứ thần thánh bị trói ghì vào địa dư. Nhưng, theo Kaufmann, tuy bị vấy bẩn bởi các thực hành và niềm tin ngoại giáo, chủ nghĩa độc thần cũng từng là tôn giáo chính thức của Vương Quốc Israel phía Bắc. Đàng khác, các thực hành ngoại giáo cũng từng nổi cộm tại Giuđa. Về phương diện này, Vua Manasseh chẳng hơn gì Vua Ahab. Ngay trong các ngày tận cùng của Vương Quốc phía Nam, tiên tri Jeremiah vẫn lớn tiếng tố cáo việc thờ Nữ Vương Thiên Giới (Gr 44) và chỉ trích việc lập các đền thờ cho Baal và cái dã man của tục thờ Molech trong Thung Lũng Ge-hinnom [tức Gehenna] (2V 32:35).

Nhờ tẩy sạch việc thờ ngẫu thần, người Do Thái lưu đày giữ trọn được căn tính Do Thái của mình, và luôn mong được trở về nơi cố quận. Ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng 124 hay 136 năm, kể từ năm 722 tới năm 598 hay năm 586, là những năm có tính quyết định đối với Do Thái Giáo. Đó là những năm có các tiên tri vĩ đại: Hosea và Amos, Isaiah và Micah, Jeremiah và Ezekiel. Dù không hữu hiệu đối với người đương thời, các sứ điệp của họ cuối cùng đã được tích góp để gây nên một chấn động mạnh mẽ và thẩm thấu tâm can mọi người Do Thái.

Họ là những người như thế nào? Ở đây, chỉ xin kể ra một số yếu tố. Trong môi trường ngoại đạo, cuộc đấu tranh giữa hai dân tộc thường cùng một lúc cũng là cuộc đấu tranh giữa các thần minh của họ. Bởi thế, một dân tộc thua trận cũng có nghĩa là thần minh của họ thua trận, và thần minh của kẻ thù thắng trận, vị thần mà nay họ phải nhìn nhận và thờ lạy. Do đó, Jephthah, khi xử lý việc đại diện Ammon đến đòi lãnh thổ từng bị Israel chiếm đóng của người Amorite hơn một thế kỷ trước, đã phát biểu thế này: “Và bây giờ, Thiên Chúa của Israel đã trục xuất người Amorite khỏi Israel dân của Người … Há ngài lại không chiếm hữu những gì Chemosh, thần linh của ngài, đã ban cho ngài hay sao?” (Thủ Lãnh, 11:21-25). Sách Các Vua, quyển II, thuật rằng Rabshakeh, một viên chức của Vua Assyria lúc ấy đang vây hãm Giêrusalem, đã mắng nhiếc Vua Hezekiah như sau: “Đừng để Thiên Chúa của ông … lừa dối ông rằng Giêrusalem sẽ không bị nạp vào tay Assyria… Các quốc gia từng bị các tiền nhiệm của ta tiêu diệt… liệu có được thần minh của họ cứu không?” (2V 19:10).

Trong khi lưu dân Vương Quốc phía Bắc bị khuất phục bởi quan điểm ngoại giáo ấy, thì lưu dân Giuđa giữ vững niềm tin của mình, từng được lời cảnh cáo của các ngôn sứ chuẩn bị, rằng chiến bại và phân tán chỉ là hình phạt của Thiên Chúa đối với tội lỗi và sự gian trá của dân mà thôi (xem Ed 36:18).

Khi quá cùng quẫn, người Giuđa từng đặt câu hỏi: liệu Giao Ước giữa Thiên Chúa và Israel có còn hiệu lực hay không? Isaiah trả lời: ly thư của mẹ ngươi, ly thư dùng để ly dị nàng ở đâu?” (Is 50:1). Jeremiah cho họ hay: các xếp đặt tự nhiên (như mặt trời trăng sao)… có suy suyển trước mặt Ta, thì Israel mới hết là một dân tộc trường tồn trước mặt Ta” (Gr 31:35-36). Ngay khi Israel hủy bỏ Giao Ước trước đó, Thiên Chúa đã lập tức hứa với họ một giao ước mới: Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31:31-33). Ezekiel còn đi xa hơn nữa khi viết rằng dù Thiên Chúa đã phân tán Israel vì tội lỗi của nó, đã xúc phạm Danh Thánh Người, Người vẫn có bổn phận biều dương Danh Thánh ấy bằng cách qui tụ dân lại từ khắp nơi trên thế giới và đem họ trở về cố hương (Ed 36:24). Jeremiah còn ấn định cả ngày giờ hồi hương nữa: Quả thế, Thiên Chúa phán: khi mãn 70 năm dành cho Babylon, Ta sẽ nhớ đến các ngươi… khiến các ngươi trở về nơi này” (Gr 29:10).

Đanien, người Do Thái lưu đày tiêu biểu

Thông thường, đọc sách Đanien, ta nghĩ ngay tới nhân vật chính này như người giải mộng, có được những thị kiến khải huyền. Tuy nhiên, sách còn cho ta thấy nhiều chiều kích quan trọng khác nữa trong cá tính của ông, khiến ông quả là một người Do Thái lưu đày tiêu biểu. Lúc còn thiếu niên, ông với ba người bạn Hannaniah, Mishael, và Azariah được tuyển chọn phục vụ trong hoàng cung.

Vì nhất quyết không chịu làm mình ra ô uế, ông chỉ ăn rau và uống nước (1:12). Ở đây, ta thấy điển hình đầu tiên về một cá nhân, dù sống giữa hai nền văn hóa, vẫn nhất quyết trung thành với chính phủ của mình và một lòng một dạ với Thiên Chúa và lề luật của Người.

Ta nên chú ý tới lời kinh đẹp đẽ trong Chương 9, các câu 1-19, một lời cầu cần được đọc trong toàn diện tính của nó. Được đánh động bởi sứ điệp của Jeremiah gửi dân Do Thái tại Babylon, liên quan tới 70 năm trong đó Người để Giêrusalem hoang tàn (câu 2), Đanien đã xưng thú cùng Thiên Chúa, Đấng luôn trung trinh với giao ước của Người (4). Ông xưng thú rằng người Giuđa, những kẻ chống lại Chúa, đã không tuân phục các tôi tớ của Người, tức các tiên tri (câu 6), và do đó, họ đã bị lưu đày khỏi quê hương và trở thành trò cười cho các dân tộc lân bang. Sau đó, ông quả quyết rằng Thiên Chúa vẫn tín trung với giao ước của Người, chính tội lỗi và gian tà của dân đã khiến Giêrusalem bị phá hủy và dân bị lưu đày. Do lòng xót thương vô bờ, Thiên Chúa sẽ phục hồi Giêrusalem và xức dầu nơi Cực Thánh khi lỗi lầm đã được đền xong (câu 24).

Lòng hoài nhớ Giêrusalem nơi Đanien mạnh mẽ đến độ ông làm cửa sổ tại các phòng trên lầu để ngày ngày 3 lần quay mặt về thành thánh cầu nguyện. Người Babylon coi hành vi đó là tội tử hình và do đó đã ném ông vào hang sư tử, nhưng ông đã được giải thoát cách lạ lùng (6:11-21). Đây là điển hình được ghi chép đầu tiên cho thấy một người Do Thái lưu đày hướng về Giêrusalem cầu nguyện, và là người sẵn sàng chết cho niềm tin của mình.

Hồi hương

Khi Chúa phục hồi thịnh vượng cho Xion
Chúng tôi như người đang mơ…
Ai gieo trong nước mắt sẽ gặt trong trong hân hoan
(Tv 126).

Cyrus, lãnh tụ Ba tư, đột hiện trên diễn đàn lịch sử, đánh đâu thắng đó, và vào năm 539 trước CN, đã giáng cho người Babylon một đòn chí mạng, hoàn toàn đánh bại họ. Sau một thời kỳ vắn vỏi chỉ có 66 năm, đế quốc hùng cường Babylon đã đột ngột sụp đổ, trước nỗi hân hoan nhẹ nhõm của lưu dân Giuđa. Và sau đó là bá quyền Ba Tư thống trị gần khắp thế giới theo cái nhìn thời ấy suốt 208 năm. Vì các lý do mà ta chỉ có thể phỏng đoán, Cyrus đã đi ngược lại các chính sách của hai đế quốc trước, tức Đế Quốc Assyria và Babylon, là lưu đày và hoán đổi các sắc dân có thể cản trở chủ nghĩa bành trướng của họ. Ngay sau khi lên ngôi, ông ta đưa ra lời tuyên bố thời danh, được chương đầu Sách Ezra ghi lại.

Một cách chủ yếu, lời tuyên bố này cho phép người Do Thái trong đế quốc mới của ông ta được trở về Giêrusalem và xây lại Đền Thờ, và đồng thời cho phép những người Do Thái quyết định ở lại Ba Tư được yểm trợ các công trình của người trở về. Ông chỉ định Sheshbazzar giữ chức “hoàng tử người Giuđa” và hoàn trả ông những đồ đựng thánh từng bị Nebuchadnezzar cướp về. Gần như một phép lạ, có đến 42,690 người Giuđa, chưa kể đàn bà và con trẻ, lên đường trở về cố hương, bất chấp các khó khăn bị bứng rễ một lần nữa cũng như hành trình dài thăm thẳm, để khởi đầu một cuộc sống mới trên mảnh đất Giuđêa tàn tạ. Không sợ sệt trước các khó khăn ấy, một hội nghị quốc gia đã được triệu tập, và hai lãnh tụ Zerubabbel, cháu vua Jehoiachin, và Joshua, thượng tế, đã đặt viên đá xây nền cho Đền Thờ mới và thiết lập một bàn thờ ở đấy. Vì các bất ổn do kẻ thù gây ra, chủ yếu là người Samaria, việc xây dựng Đền Thờ bị ngưng lại.

Sử học Do Thái, trong Sách Samuen và Sách Các Vua, sống động là thế, mà đến Sách Ezra và Sách Nehemiah, thì không sống động bằng. Có những câu hỏi khiến đầu óc ưa tìm hiểu phải bối rối và có lẽ chả bao giờ được trả lời. Sắc lệnh của Cyrus có áp dụng cho các dân lưu đày khác không? Nếu có, thì có tài liệu nào ghi nhận việc trở về nguyên quán của những lưu dân này không? Sheshbazzar và Zerubabbel có phải là một người hay không, hay họ là hai cá nhân khác biệt? Điều gì xẩy ra cho Zerubabbel, người đột ngột biến mất khỏi diễn đàn lịch sử?

Tuyên bố thứ hai

Đối với những người hồi hương, việc lên cầm quyền của Darius Đại Vương (522-486) là một ơn quan phòng. Sau một vài do dự lúc ban đầu liên quan tới cố gắng tái thiết Đền Thờ, dân Do Thái bất ngờ gặp một khúc quanh do kẻ thù của những người hồi hương gây ra. Với ý định ngăn cản công việc tái thiết Đền Thờ và Giêrusalem nói chung, chúng viết thư cho vị tổng đốc miền là Tattenai. Nhờ người Giuđa cho hay lệnh khởi công đã được chính Cyrus cho phép, ông này bèn viết thư cho Darius xin ý kiến. Vị vua này bèn ra lệnh lục tìm văn khố và người ta đã tìm thấy sắc lệnh của Cyrus tại thành Ecbatana. Nhờ thế, Darius đã viết thư cho Tattenai, trong đó, không những ông tái xác nhận đặc ân khởi thủy mà còn thêm nhiều đặc ân mới, đến độ người ta coi đây là lời tuyên bố thứ hai.

Những qui định mới có thể tóm tắt như sau:

a. Phải để tổng đốc Do Thái và các trưởng lão của họ tái thiết Đền Thờ.
b. Phí tổn xây cất được ngân khố Nhà Vua chi trả, lấy từ thuế đánh vào các tỉnh “Bên Kia Sông”. Các hy lễ dâng tại đây phải được kèm lời cầu nguyện sau “cho sự trường thọ của Đức Vua và các hoàng tử” (6:10).
c. Các hy lễ hàng ngày đặt dưới “lệnh lạc của các tư tế Giêrusalem” (6:9).
d. Công trình phải được hoàn tất không trì hoãn, và hình phạt, thậm chí cả tử hình, sẽ áp dụng cho bất cứ ai thay đổi chỉ dụ này.

Các qui định mới này đã ban cấp một mức độ tự chủ nào đó, khiến quyền hành của các tư tế gia tăng gấp bội, và biến Đền Thờ thành gần như “Cung Thánh của Vua” đến nỗi kẻ thù không dám làm gì gây trở ngại cho nó nữa.

Vào chính thời điểm quan yếu này của lịch sử, người hồi hương lại được chúc phúc nhờ tài lãnh đạo của tổng đốc Zerubabbel, của thượng tế Joshua, và của hai tiên tri đầy đặc sủng là Haggai và Zechariah luôn luôn biết kích thích các cố gắng lúc nào cũng như muốn xìu xìu ển ển nơi những người Giuđa mất tinh thần. Với sự khích lệ của Darius và các nhà lãnh đạo, việc tái thiết Đền Thờ diễn tiến rất nhanh và chẳng bao lâu sau được hoàn tất mỹ mãn.

Năm 516, đúng 70 năm sau lời tiên tri của Isaiah, 20 năm sau khi đặt móng, Đền Thờ đã được thánh hiến.

Ezra và Nehemiah

Sau các biến cố này, dưới thời Vua Ba Tư Artaxerxes, Ezra. . . đã từ Babylon xuất hiện, ông vốn là một kinh sư chuyên về Giáo Huấn Môsê (Er 7:16)

Biến cố này xẩy ra vào năm thứ 7 triều Vua Artaxerxes (465-425); nghĩa là vào năm 458 trước CN. Ezra trở về Giêrusalem với một số người hồi hương mới, được trang bị bằng một lá thứ cho phép đặc biệt của Nhà Vua. Đâu là ý nghĩa bí ẩn đứng đàng sau các biến cố này? Ta biết có cả một khoảng trống đến 60 năm kể từ ngày thánh hiến Đền Thờ tới ngày Ezra xuất hiện tại Giêrusalem. Chỉ có các ngụ ý trong hai sách Nehemiah và Malachi mới giúp ta tái dựng được các hoàn cảnh nổi bật trong thời kỳ 60 năm tối tăm này.

Nehemiah cho hay: Ở miền đó [Giuđêa], những người sống sót sau thời gian tù đầy đang thật là khốn khổ nhục nhằn. Tường thành Giêrusalem bị phá đổ, cửa thành bị đốt cháy” (Nkm 1:3).

Căn cứ vào đó, dường như tình hình kinh tế và an ninh tại Giêrusalem không được khả quan. Vua Xerxes (486-465), con của Darius, bị nhiều người coi là thất thường như Ahasuerus của Sách Esther, không có cảm tình nhiều với dân Do Thái. Sự lãnh đạo tài ba của Zerubabbel, Joshua, Haggai, và Zechariah đã không còn. Các tổng đốc của tỉnh Giuđêa chắc chắn đều là ngoại nhân. Nhưng trên hết là sự xuống dốc về tinh thần và tôn giáo, nhất là nơi đẳng cấp tư tế, như Malachi, một trong các ngôn sứ cuối cùng, đã ghi nhận: “Ai trong các ngươi sẽ đóng cửa lại, để các ngươi khỏi uổng công đốt lửa trên bàn thờ của Ta? Ta chẳng hài lòng chút nào về các ngươi… và Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng” (Ml 1:10). Thật khác xa biết bao với Haggai, người vốn khuyến khích Zerubabbel và Thượng Tế Joshua: Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền Thờ” (Kg 1:8), ấy là mới chỉ có 60 năm sau khi Đền Thờ được thánh hiến.

Phép mới ban cho Ezra là phép gì? Điểm chính là điều hành Giuđêa và người Giuđêa theo luật Thiên Chúa “của ông”, là chỉ định các quan tòa và thẩm phán để xét xử nhân dân và dạy dỗ họ. Sắc chỉ do Artaxerxes trao cho Ezra này được viết dưới hình thức một thư riêng, nhưng đã tạo ra một hiệu quả khôn lường cho việc phát triển Do Thái Giáo. Thời đại các ngôn sứ đã đến lúc chấm dứt. Kinh Torah, cho đến nay, vốn nằm trong tay giai cấp tư tế, đã trở thành tài sản của nhân dân. Điều này đã cân bằng cán cân quyền lực vốn được ban cho giai cấp tư tế dưới thời Darius, và đã là chất keo liên kết đời sống quốc gia của người Do Thái. Truyền thống vốn cho rằng Ezra-Nehaemiah đã khởi đầu cho định chế Anshei Knesset HaG'dola [Những Con Người Của Đại Nghị Hội].

Trong giới học giả, người ta tranh luận nhiều về điều ai đi trước ai, Ezra hay Nehemiah. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này xem ra dư thừa. Người ta nên coi họ như hai nhân vật bổ túc cho nhau; Ezra là một kinh sư bén nhậy, còn Nehemiah là nhà cai trị có khả năng và mạnh dạn. Điều người trước nghĩ ra, được người sau thi hành. Người Do Thái coi họ là Những Con Người Của Đại Nghị Hội, được nối gót bởi Biệt Phái, những người sẽ thống nhất Torah, Các Tiên Tri và Thánh Thư và biến chúng thành qui điển Sách Thánh.

Qua nhiều thiên niên kỷ, người Do Thái được chứng kiến cảnh hưng vong của các đế quốc Assyria, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp và Rôma, và sự diệt vong của nhiều dân tộc khác, trong khi chính họ, nhờ được trang bị với một “quê hương di động” (portable homeland), nên đã sinh tồn. Họ đã đứng vững trước nhiều rủi ro khôn lường, các cố gắng nhằm cải đạo họ, các lưu đày phát vãng và trục xuất, và ngay cả các âm mưu tận diệt họ. Không những chỉ sống sót, họ còn giữ cho hoài niệm Giêrusalem luôn sống động và với một phép lạ lớn lao nhất trong hế kỷ 20, họ đã lại trở về cố hương xưa một lần nữa.

Viết theo Shimon Bakon, Ph.D., The Jewish Bible Quarterly Vol. 31, No. 2, 2003.