Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý về Mùa Giáng Sinh của ĐTC Bênêđictô XVI, được ban hành trong buổi Triều Yết Chung, ngày Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012, bằng Tiếng Ý, tại Đại Sảnh Phaolô VI.

Sự ra đời của Chúa: Mầu Nhiệm vui mừng và ánh sáng


Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón anh chị em trong buổi triều yết chung đầu tiên của năm mới này với tất cả tâm hồn tôi, cùng thân ái cầu chúc anh chị em và gia đình mọi sự tốt đẹp: Thiên Chúa trong sự ra đời của Đức Kitô, Con Ngài đã đổ tràn đầy thế giới với niềm vui, và những việc làm chung trong hòa bình. Chúng ta đang ở trong mùa phụng vụ Giáng Sinh, bắt đầu từ tối ngày 24 tháng 12 với Lễ Vọng Giáng Sinh và kết thúc với việc cử hành lễ Chúa Phép Rửa.

Trong những ngày ngắn ngủi ấy lại có nhiều Mầu Nhiệm và cử hành tất cả được quy tụ chung quanh hai Đại Lễ của Chúa: Lễ Giáng sinh và Lễ Hiển Linh. Chính tên của hai lễ này cho thấy các đặc tính tương ứng. Giáng Sinh kỷ niệm sự kiện lịch sử của việc Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem. Lễ Hiển Linh, được thành lập ở Đông Phương, cho thấy một thực tại, nhưng nhất là một khía cạnh của mầu nhiệm: Thiên Chúa được mặc khải trong nhân tính của Đức Kitô và đó là ý nghĩa của động từ Hy Lạp epiphaino, trở nên hữu hình. Trong viễn cảnh ấy, Lễ Hiển Linh nhắc lại một số biến cố mà đối tượng là sự tỏ mình ra của Chúa, đặc biệt là việc thờ kính của Các Đạo Sĩ, những người nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, nhưng cả Phép Rửa trong sông Giođăng với việc thần hiện – tiếng nói của Thiên Chúa từ trời cao – và phép lạ ở tiệc cưới tại Cana, là “dấu chỉ” đầu tiên của Đức Kitô. Một điệp ca xinh đẹp của Phụng Vụ các Giờ Kinh kết hợp ba biến cố quanh chủ đề tiệc cưới giữa Đức Kitô và Hội Thánh: “Hôm nay Hội Thánh được kết hợp cùng Hiền Phu trên trời của mình, vì Đức Kitô trong sông Giođăng đã rửa sạch tội lỗi của Hội Thánh; Các Đạo Sĩ chạy đến với những quà tặng đám cưới, và quan khách vui mừng thấy nước biến thành rượu” (Điệp Ca Kinh Sáng). Chúng ta gần như có thể nói rằng Lễ Giáng Snh nhấn mạnh đến sự tàng ẩn của Thiên Chúa trong sự khiêm hạ của điều kiện con người, trong Hài Nhi ở Bethlehem. Tuy nhiên, Lễ Hiển Linh cho thấy sự tỏ Mình ra của Ngài, sự xuất hiện của Thiên Chúa qua cùng một bản tính nhân loại này.

Trong bài giáo lý này, tôi muốn nhắc lại cách ngắn gọn một số chủ đề về lễ Giáng sinh để mỗi người trong chúng ta có thể uống từ các nguồn vô tận của Mầu Nhiệm này và mang lại hoa trái sự sống.

Trước hết, chúng ta hỏi: phản ứng đầu tiên về hành động phi thường này của Thiên Chúa là Đấng trở thành một Hài Nhi, trở thành một người là gì? Tôi nghĩ rằng phản ứng đầu tiên không thể là gì khác hơn niềm vui. “Tất cả chúng ta hãy vui mừng trong Chúa, vì Đấng Cứu Thế đã sinh ra”: như thế Thánh Lễ đêm Giáng Sinh đã bắt đầu, và chúng ta vừa nghe những lời của thiên sứ nói cùng các mục đồng: “Này đây, tôi đem đến cho anh em một tin mừng cả thể” (Lc 2,10). Và đó “là chủ đề mở đầu Tin Mừng, và chủ đề kết thúc Tin Mừng bởi vì Chúa Giêsu Phục Sinh trách các tông đồ vì các ông buồn rầu (x. Lc 24:17) – không phù hợp với sự thể rằng Người là người mãi mãi. Nhưng chúng ta hãy bước lên một bước: niềm vui này ở đâu? Tôi phải nói rằng nó phát xuất từ sự kinh ngạc của con tim khi thấy cách thức Thiên Chúa ở gần chúng ta, như Thiên Chúa nghĩ đến chúng ta, Thiên Chúa hoạt động trong lịch sử thế nào, và như thế đó là một niềm vui đến từ việc chiêm ngắm khuôn mặt của Hài Nhi bé mọn bởi vì chúng ta biết rằng Hài Nhi này là Khuôn Mặt Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong nhân loại, cho chúng ta và với chúng ta. Lễ Giáng Sinh là niềm vui bởi vì chúng ta thấy và cuối cùng tin chắc rằng Thiên Chúa là sự tốt lành, sự sống và sự thật của con người, và Ngài tự hạ xuống với con người, để nâng họ lên với Ngài: Thiên Chúa trở nên rất gần mà chúng ta có thể thấy và động đến Người. Hội Thánh chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm khôn tả này và những bản văn phụng vụ của thời gian này tràn đầy sự kinh ngạc và niềm vui, cùng tất cả các bài hát Giáng Sinh bày tỏ niềm vui này. Lễ Giáng Sinh là điểm mà trời đất được kết hợp với nhau; và những lời công bố khác nhau mà chúng ta nghe những ngày này nhấn mạnh sự trọng đại của những gì đã xảy ra: khoảng cách – Thiên Chúa dường như ở rất xa – đã trở thành gần gũi. Thánh Lêo Cả nói: “Đấng không thể tiếp cận được lại có thể đến gần được, Đấng hiện hữu trước thời gian bắt đầu ở trong thời gian, Chúa Tể vũ trụ, che giấu sự cao cả của uy nghi của Ngài, đã mặc hình dạng của một tôi tớ”- (Bài giảng 2 về Giáng sinh, 2,1). Trong Hài Nhi này, cần mọi sự như tất cả những hài nhi khác, lại có những gì thuộc về Thiên Chúa là: sự vĩnh cửu, quyền năng, sự thánh thiện, sự sống và niềm vui, được kết hợp với những gì thuộc về chúng ta là: sự yếu đuối, tội lỗi, đau khổ và sự chết.

Nền thần học và linh đạo của Giáng sinh diễn tả sự kiện này bằng một thành ngữ, nói về admirable commercium, đó là một sự trao đổi kỳ diệu giữa thiên tính và nhân tính. Thánh Athanasiô thành Alexandria nói: “Con Thiên Chúa đã làm người để chúng ta thành Thiên Chúa” (De Incarnatio, 54, 3: 25 PG, 192), nhưng trên hết với Thánh Lêo Cả và Bài Giảng về Lễ Giáng Sinh nổi tiếng của ngài thực sự trở thành đối tượng suy niệm sâu xa. Thực ra, Vị Thánh Giáo Hoàng nói: “Nếu chúng ta nại đến việc hạ mình không thể nói ra được của lòng thương xót của Thiên Chúa là điều đưa người ta trở thành Hóa Công của con người, nó sẽ nâng chúng ta lên bản chất của Đấng mà chúng ta thờ phượng trong mình” (Bài Giảng 8 về Giáng Sinh: CCL 138,139). Hành động đầu tiên của sự trao đổi kỳ diệu ấy trong chính nhân tính là công trình của Đức Kitô. Ngôi Lời mặc lấy nhân tính của chúng ta và, đến lượt, nhân tính được nâng lên phẩm cách của Thiên Chúa. Hành động thứ nhì của việc trao đổi bao bao gồm việc thông phần thực sự và mật thiết của chúng ta vào thiên tính của Ngôi Lời. Thánh Phaolô nói: “khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến, sinh ra bởi một người phụ nữ, và dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới Lề Luật, cho chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” (Gl 4,4-5). Vì vậy, Lễ Giáng Sinh là lễ mà trong đó Thiên Chúa trở thành con người quá gần gũi để chia sẻ chính tác động được sinh ra của Mình, để mặc khải cho con người về nhân phẩm của họ một cách sâu sắc hơn: đó là phẩm giá của một người con Thiên Chúa. Và như vậy giấc mơ của nhân loại được bắt đầu ở Vườn Địa Đàng – chúng ta muốn nên giống Thiên Chúa – được thực hiện một cách bất ngờ không phải nhờ sự vĩ đại của con người, là kẻ không thể là Thiên Chúa, nhưng nhờ sự khiêm nhường của việc Thiên Chúa xuống và do đó nhập vào với chúng ta trong sự khiêm tốn của Người, và nâng chúng ta lên đến sự cao cả thật sự của Người. Công đồng Vatican II nói về điều này rằng: “Thật ra, chỉ trong Mầu Nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm về con người mới thật sự trở nên rõ ràng” (Gaudium et Spes, 22), nếu không nó vẫn là một bí ẩn: tạo vật con người này có ý nghĩa gì? Chỉ khi thấy rằng Thiên Chúa ở với chúng ta thì chúng ta có thể thấy một ánh sáng về con người của mình, để làm người, để được hạnh phúc và sống với niềm tin và niềm vui. Và sự trao đổi cao cả này hiện diện một cách thật sự ở đâu, bởi vì nó hoạt động trong cuộc đời của chúng ta và làm cho nó thành cuộc sống con cái thật của Thiên Chúa? Nó trở nên rất cụ thể trong Bí Tích Thánh Thể. Khi chúng ta tham dự Thánh Lễ chúng ta dâng lên Thiên Chúa những gì là của chúng ta: bánh và rượu, hoa mầu ruộng đất, bởi vì Người chấp nhận chúng và biến đổi chúng bằng cách trao ban cho chính mình Người làm lương thực cho chúng ta, để khi rước Mình và Máu Thánh Người chúng ta được thông phần sự sống thần linh của Người.

Cuối cùng, tôi muốn nói về một khía cạnh khác của Giáng Sinh. Khi các thiên sứ của Chúa hiện ra với các mục đồng trong đêm Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thánh sử Luca ghi chú rằng “vinh quang Chúa bao bọc họ” (2:9), và Lời Mở Đầu của Tin Mừng Thánh Gioan nói về Ngôi Lời nhập thể như ánh sáng thật đến thế gian, ánh sáng có khả năng chiếu soi mọi người (x. Ga 1:9). Phụng vụ Giáng Sinh tràn đầy ánh sáng. Việc Đức Kitô đến xua tan bóng tối của thế gani, tràn ngập đêm thánh bằng ánh sáng Thiên Cung và chiếu tỏa trên gương mặt con người vinh quang của Thiên Chúa Cha. Ngay cả ngày nay. Được bao bọc bởi ánh sáng của Đức Kitô, phụng vụ Giáng sinh tha thiết mời gọi chúng ta để cho tâm trí và trái tim mình được soi sáng bởi Thiên Chúa, là Đấng đã cho thấy sự rạng ngời của dung nhan Người. Kinh Tiền Tụng của Lễ Giáng Sinh công bố: “Vì nhờ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, một luồng sáng mới từ vinh quang Chúa chiếu rọi vào tâm trí chúng con, để khi nhận biết Thiên Chúa xuất hiện hữu hình, và nhờ Người lôi cuốn, mà chúng con yêu mến Ðấng vô hình.” Trong Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, sau khi nói và can thiệp vào lịch sử qua các sứ giả và các dấu chỉ, “đã xuất hiện”, được phát sinh từ ánh sáng không thể đến gần được của Người để chiếu sáng thế gian.

Trong Lễ Hiển Linh, ngày 6 tháng Giêng, mà chúng ta sẽ cử hành trong một vài ngày nữa, Hội Thánh đề nghị một đoạn văn rất ý ghĩa của ngôn sứ Isaia: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (60,1-3). Và đó là một lời mời gọi dành cho Hội Thánh, cộng đồng của Đức Kitô, nhưng cũng dành cho mỗi người chúng ta để có ý thức sống động hơn về sứ vụ và trách nhiệm đối với thế gian trong việc làm nhân chứng và đem ánh sáng mới của Tin Mừng vào thế gian. Ở đầu Hiến Chế Lumen Gentium của Công Đồng Vatican II có những lời sau: “Vì Ánh sáng muôn dân là chính Đức Kitô, nên Thánh Công Đồng, đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần, hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Hội Thánh bằng việc rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (số 1). Tin Mừng là ánh sáng không được che giấu, nhưng đặt trên giá. Hội Thánh không phải là ánh sáng, nhưng nhận được ánh sáng của Đức Kitô, đón nhận để được soi sáng, và truyền ánh sáng này ra trong tất cả sự rạng ngời của nó. Và điều này cũng phải xảy ra trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Một lần nữa tôi xin trích dẫn Thánh Lêo Cả là người nói rằng, Đêm Thánh, “Hỡi các Kitô hữu, nhân phẩm của anh em, và được làm người tham dự vào bản tánh Thiên Chúa, không muốn rơi trở lại tình trạng của một thời gian khốn cùng với hành vi bỉ ổi. Hãy nhớ rằng ai là Đầu, là Thân Thể mà trong anh em là chi thể. Hãy nhớ rằng, anh em đã được giật ra khỏi quyền lực của bóng tối, đã được đưa vào ánh sáng và Nước Thiên Chúa” (Bài giảng về Giáng Sinh 1, 3.2: CEC 138,88).

Anh chị em thân mến, Lễ Giáng Sinh là dừng lại và chiêm ngắm Hài Nhi ấy, là Mầu Nhiệm của Thiên Chúa làm người trong khiêm hạ và nghèo khó, nhưng đặc biệt là tiếp đón một lần nữa trong chúng ta Hài Nhi ấy, là Đức Kitô, để sống chính sự sống của Người, để làm sao cho cảm tình, suy nghĩ và hành động của Người trở thành cảm tình, suy nghĩ và hành động của chúng ta. Như vậy, mừng Lễ Giáng Sinh là biểu lộ niềm vui, sự mới mẻ, ánh sáng mà việc Giáng Sinh này đã mang lại toàn thể cuộc sống chúng ta, ngõ hầu chúng ta cũng có thể thành sứ giả của niềm vui, sự mới mẻ thật và ánh sáng của Thiên Chúa cho người khác. Đồng thời, cấu chúc tất cả anh chị em một mùa Giáng Sinh may lành vì sự hiện diện của Thiên Chúa!