Sứ Điệp Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

Giáng Sinh đã trở thành đại lễ chung cho mọi người. Ý nghĩa thâm sâu nhất của lễ Giáng Sinh không chỉ biểu hiện ở giá trị văn hoá, mà đặc biệt hơn, nó chứa đựng chiều kích tâm linh cao cả mà Ngôi Hai Thiên Chúa đem đến trần gian. Sự kiện Giáng Sinh nguyên khởi nói cho chúng ta về nét đặc trưng nhất của Đêm Hồng Ân mà muôn người nô nức mong chờ.

1. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương Ngự Trị

Giữa đêm Bê-lem hiu quạnh năm xưa, chính Con Thiên Chúa đã giáng sinh làm người, được “đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 7b) khiến cho nhiều người thời nay khó lòng tin nổi. Nhưng đó là sự kiện có thực, nói lên hoàn cảnh mà Đấng Cứu Độ đã hạ mình sinh xuống trần gian để cảm thông với nỗi khó khăn bần cùng của con người. Ngài muốn đồng cảm với nhân loại ngay từ tiếng khóc đầu tiên, với muôn ngàn nỗi éo le đặt ra cho một đời người.

2. Giáng Sinh: Công Lý – Tình Thương nối dài

Đến nay, đã hơn hai ngàn năm kể từ đêm đầu tiên thiêng liêng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần “nằm trong máng cỏ” nghèo hèn, đơn sơ, bé nhỏ. Tình thương và công lý của Đấng Nhập Thể “đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2, 11). Chúng ta không đón nhận ân sủng ấy một cách thụ động, mà phải thể hiện thái độ tiếp nhận bằng nỗ lực sống sứ điệp Giáng Sinh.

Tình thương của Thiên Chúa làm người hướng chúng ta tới việc đồng cảm, sẻ chia với những phận người bần cùng, nhỏ bé quanh ta. Đêm Giáng Sinh sẽ nối dài vô tận khi mỗi người tự hoá thân thành những “Hài Nhi Giê Su”, biết nhìn tha nhân với ánh mắt thương cảm, và sẵn sàng cho đi phần đang có riêng mình, vì sự sống và nhân phẩm của anh chị em đồng loại.

Hơn thế nữa, sứ điệp tình thương từ đêm Giáng sinh mà chúng ta kín múc được sẽ thật sinh động khi chúng ta biết vận dụng nó như nền tảng cho việc thực thi công lý và tình thương. Vì không thể có một nền công lý đích thực khi nền “công lý” ấy thiếu vắng tình thương.

Có một câu chuyện kể về một mùa Giáng sinh đáng ghi nhớ như sau: Lúc đó là mùa Ðông năm 1864, một mùa Ðông thật lạnh tại Hiệp chủng quốc.

Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc Hoa Kỳ đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất. Những trận giao tranh giết hại hàng chục ngàn người và những tiểu bang nằm trong vùng trận địa đều chịu cảnh tàn phá đổ nát: nhà cửa bị cháy rụi, nông trại bỏ hoang, đàn bà con nít chạy trốn khỏi nơi lửa đạn, súc vật lang thang đói khát không người săn sóc...Thật là một mùa Ðông lạnh ở ngoài trời mà giá buốt cả trong lòng người.

Trong một trang trại nhỏ ở miền Nam chỉ cách Shiloh - nơi mới xảy ra một cuộc giao tranh ác liệt làm đôi bên tử thương cả chục ngàn quân sĩ - chừng 100 dặm, Sandra Johnson đứng nhìn qua cửa kính ra ngoài trời đầy tuyết bay lả tả. Nàng là một cô gái xinh xắn, dễ thương, tính tình hiền hậu và hay thương người. Sandra mới 16 tuổi nhưng đã sớm biết thế nào là cảnh chiến tranh giết chóc, cảnh gia đình tan nát chia ly, phần vì nàng được nghe người ta kể lại, phần vì nàng đã được chứng kiến ngay trong cuộc sống hàng ngày tại cái tỉnh nhỏ bé của nàng.

Cha Sandra ra đi chiến đấu bên phía Nam quân đã được gần hai năm. Trong khoảng thời gian ấy, chỉ có một lần ông ghé thăm nhà rồi biệt vô âm tín.

Có những buổi chiều khi hoàng hôn xuống, Sandra đã nhớ thật nhiều người cha thân yêu mà ngày còn ở nhà ông thường dắt nàng đi chơi cũng trong những buổi chiều đẹp như vậy.

Những lúc đó, Sandra đã không ngăn được những giọt lệ lăn tròn trên má. Thỉnh thoảng Sandra cũng bắt gặp những giọt lệ như thế trên khoé mắt mẹ nàng mặc dầu Sandra biết mẹ cố giấu những xúc động, không muốn cho Sandra thấy.

Hôm nay đứng nhìn tuyết bay, Sandra lại cảm thấy nhớ cha hơn. Ước gì ông về ngay bây giờ để Sandra sà vào lòng ông mà vòi vĩnh, nũng nịu và để được ông nhìn với ánh mắt đầy yêu thương trìu mến, được ông vuốt ve vỗ về và nhất là được ông kể chuyện chiến trường cho nghe.

Sandra càng nhớ cha khi nàng chợt nghĩ sắp đến lễ Giáng Sinh rồi. Nàng gọi mẹ:

“Má ơi! Chỉ ba ngày nữa là lễ Giáng Sinh rồi đấy má!”

Bà Johnson đang lúi húi trong phòng. Bà lục tìm trong đống đồ lộn xộn bộ tượng Giáng Sinh mà gia đình bà đã có từ lâu, mỗi mùa Giáng Sinh lại lấy ra trưng bày ở giữa nhà. Giọng bà âu yếm:

“Ừ, Sandra, má đang tìm bộ tượng Sinh Nhật đây!”

Hồi chưa có chiến tranh, đồ đạc của mỗi gia đình được xếp dọn đâu đó. Từ dạo xẩy ra nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, tình trạng hỗn loạn xẩy ra thường xuyên, không biết lúc nào. Ðồ đạc được chia ra làm hai loại: thứ quí báu và thiết dụng thì lúc nào cũng sẵn sàng để mang theo lúc chạy. Thứ không cần thiết và nặng nề thì dọn cả vào căn phòng chứa đồ. Bộ tượng Sinh Nhật tuy quí nhưng không thể mang theo mỗi khi hữu sự. Ðành phải bỏ vào trong một chiếc hộp và để trong phòng đồ vậy. Phòng đồ chất đủ thứ lộn xộn, hai mẹ con tìm hoài không ra bộ tượng Sinh nhật. Sandra vừa lục lọi vừa hỏi mẹ:

“Má à, bao giờ ba về? Giáng Sinh này ba có về không?”

Bà Johnson sững sờ trong giây phút. Cổ họng bà nghẹn lại. Bà không trả lời ngay được con gái.

Người chồng yêu quí của bà ra đi đã hai mùa Giáng Sinh rồi. Không biết chàng sống chết ra sao. Trước đây ba tháng, một trận chiến khốc liệt xẩy ra làm cả đôi bên Nam quân và Bắc quân đều tổn hại hàng chục ngàn người. Vô số người bị thương. Bà mong John bị thương và về nhà để bà săn sóc, để bà mãi mãi được gần người chồng yêu quí, Sandra được gần cha. Nhưng trông hoài không thấy chồng về, bà đinh ninh có lẽ chồng bà đã chết trong trận ấy vì nhiều người chết trận quá, người ta chưa kịp báo tin cho bà. Bà vẫn giấu thầm những giọt nước mắt không muốn cho Sandra biết và mỗi khi Sandra hỏi, bà trả lời:”Ba con sắp về!”

Chiến tranh đã tàn phá hết, thiêu hủy hết, ngay cả những nhu yếu phẩm cho đời sống... “Kìa, sao má không trả lời con?”

Bà Johnson bừng tỉnh như ra khỏi giấc mộng. Bà chợt nhớ đến câu hỏi của Sandra:

“À, có lẽ ba con sắp về. Giáng Sinh này ba con sẽ về...”

Giọng Sandra nũng nịu:

“Lúc nào má cũng nói: ba sắp về, ba sắp về... mà chẳng bao giờ ba về. Con không tin được má nữa!...”

Bà Johnson thở dài. Bà biết giải thích với con làm sao? Bà chỉ còn trông cậy vào Chúa, nhất là ngày lễ Giáng Sinh sắp tới. Chúa sẽ thương gia đình bà đưa người chồng yêu quí của bà về với gia đình.

Bỗng Sandra reo lên:

“Má, bộ tượng đây rồi má!”

Hai mẹ con đưa bộ tượng Giáng Sinh ra trưng bày trên một chiếc bàn nhỏ tại phòng khách, chỗ long trọng nhất. Sandra thắp hai ngọn đèn cho bộ tượng rồi đứng ngắm một cách say mê. Căn phòng được bày biện lại và nhờ có bộ tượng Giáng Sinh, trông vui mắt và ấm cúng hẳn lên.

“Má à, còn thiếu cây thông nữa. Má với con ra góc vườn chặt một cành đi.”

Bà Johnson đáp:

“Phải đó, ra chặt lẹ kẻo sắp tối.”

Hai mẹ con đi ra vườn. Bà Johnson xách theo một con dao để chặt cây. Sandra ngắm nghía xong lựa được một cành ưng ý:

“Cành này đẹp đấy má. Má chặt cho con đi!”

Lúc bà Johnson vừa chặt xong cành cây thì có tiếng chuông reo ở cổng. Hai mẹ con ngó qua hàng rào ra ngoài. Hai người đàn ông mặc quân phục Bắc quân cỡi trên hai con ngựa.

Bà Johnson và Sandra bỗng nhiên thấy hai người lạ mặt một cách đột ngột, sợ không còn hồn vía, muốn la lên và chạy, nhưng vì sợ quá lưỡi cứng lại, chân ríu lại, không la cũng không chạy được nữa. Hai mẹ con đành cứ đứng như trời trồng ở đó. Ai còn lạ gì những cuộc tấn công của Bắc quân? Họ đốt phá và hãm hiếp đàn bà con gái. Họ làm tất cả những gì dã man không ai có thể tưởng tượng. Nhưng có lẽ đoán được tâm trạng, hai người đàn ông lên tiếng:

“Bà và cô đừng sợ. Chúng tôi không làm gì bà và cô đâu. Xin cho chúng tôi ngủ nhờ một đêm và cho nước uống, sáng mai chúng tôi sẽ đi.”

Bà Johnson định thần lại. Bà không biết tính sao. Thực sự bà ngại cho hai người lính Bắc quân này vào nhà quá. Ðêm hôm chỉ có hai mẹ con bà, nếu hai người lính “giở trò” thì làm sao? Bà đã lớn tuổi rồi có thể đối phó nhưng Sandra còn nhỏ quá... Bà đưa mắt ngó Sandra. Sandra nghĩ mẹ hỏi ý kiến mình, nàng nói không suy nghĩ:

“Sắp Giáng Sinh rồi má à. Má cứ cho họ ngủ nhờ một đêm đi!”

Hai người đàn ông nghe thế cũng phấn khởi:

“Cô bé nói phải đó. Sắp Noel rồi. Chúng tôi cũng có gia đình nhưng không về thăm nhà được, nhớ nhà quá! Cho chúng tôi ngủ nhờ trong phòng khách một đêm đi. Chúng tôi hứa không làm gì phiền bà và cô.”

Bà Johnson thấy hai người ăn nói có vẻ tử tế lại còn trẻ tuổi. Noel sắp tới, bà không làm được điều gì tốt để dâng lên Chúa sao? Bỗng nhiên bà thấy niềm thương dào dạt trong lòng. Bà liền hăng hái đi mở cổng cho hai người đàn ông.

Sau khi gài then cổng cẩn thận, bà chỉ chỗ cho hai người cột ngựa ở phía vườn sau rồi hướng dẫn họ vào phòng khách. Bà bỏ thêm củi vào lò sưởi và ân cần săn sóc họ.

Hai người lính Bắc quân gỡ súng đạn đang mang trên người ra, đem để ở một góc phòng. Sau đó họ tự giới thiệu với bà Johnson và Sandra.

Một người là Mark Wilson, 30 tuổi, có vợ và một đứa con trai 2 tuổi, đang ở Illinois. Người kia, Tom Harrison mới 21 tuổi còn độc thân và gia đình ở tại Ohio. Hai người có vẻ đói và mệt. Họ bảo bà Johnson họ đã không có gì ăn từ mấy ngày nay.

Bà Johnson cảm thấy ái ngại quá. Bà muốn đãi họ một chút gì cho ấm lòng vì họ nói sáng mai họ sẽ đi sớm.

Chỉ còn một chút đường và bột. Bà dã định khi nào chồng về bà sẽ làm một cái bánh cho chồng ăn và để gia đình mừng ngày đoàn tụ luôn thể. Nhưng nay có khách. Dù họ là những người đang có mối tử thù với chồng bà nhưng bà nghĩ đã cho họ vào ngủ nhờ thì cũng phải đối đãi tử tế với họ. Hơn nữa họ lại là những ngưòi lịch sự, lễ phép, rất kính trọng bà và vui vẻ, nhã nhặn với con gái bà.

“Thôi để John về sẽ kiếm cách khác” bà Johnson tự nhủ.

Liền đó bà bảo hai người đàn ông nằm nghỉ rồi đi lấy chỗ bột và đường cuối cùng, bà bắt đầu làm bánh. Trong lúc nướng bánh, bà nghe Sandra hỏi hai người đàn ông đủ thứ về chién trận, về đời sống vất vả nơi quân ngũ. Bà nhận thấy Sandra và anh chàng lính trẻ có vẻ hợp nhau và quyến luyến nhau lắm.

Lát sau bánh chín, bà Johnson mời mọi người vào bàn. Sandra và bà luôn tay tiếp bánh cho hai người đàn ông. Họ ăn thật ngon lành và dần dần sắc mặt họ hồng lên, tươi tắn, trái với vẻ xanh xám và mệt mỏi lúc trước. Họ tỏ ra rất vui vẻ, sung sướng.

Trời chạng vạng tối. Tiếng chuông lanh lảnh của ngôi nhà thờ gần đó làm không gian bớt tịch mịch hơn. Bà Johnson lặng lẽ làm dấu Thánh giá. Bà nghĩ đến chồng thật nhiều và cầu nguyện cho chàng sớm về.

Bỗng có tiếng chuông rộn ràng ngoài cổng. Mọi người mắt nhìn nhau. Hai người lính Bắc quân thì nghĩ chắc một vài người bạn của họ lại xin vào ngủ trọ nữa. Còn bà Johnson thì không đoán ra ai nhưng bà thấy tim mình đập loạn xạ trong lồng ngực. Bà thầm nghĩ: “Lậy Chúa cho John về.” Nhưng liền đó bà bỏ ý nghĩ đó đi ngay. John về đang lúc có hai người lính Bắc quân trong nhà? Chúa ơi, không thể như thế. Không bao giờ có thể như thế. Tính John xưa nay nóng nảy, nghỉ sao là làm vậy liền. Ắt sẽ có những chuyện không hay xẩy ra.

Bà Johnson bảo hai người đàn ông:

“Các ông cứ tiếp tục ăn uống. Ðể tôi và Sandra ra xem ai gõ cửa giờ này.”

Khi hai mẹ con ra tới cổng thì thấy hai người đàn ông mặc binh phục Nam quân trên lưng hai con ngựa. Bà Johnson giơ cao cây đèn cầm nơi tay, chăm chú nhìn họ rồi rú lên:

“John đó hả? Anh đã về đó sao?”

Tiếng chồng bà:

“Ừ, anh đã về, em lạ lắm sao? Sao không mở cổng ngay cho anh còn đứng đó?”

Chúa ơi, điều mơ ước mong John về đã thành sự thực nhưng hai người lính đang ở trong nhà thì sao đây? Ðầu óc bà Johnson tê liệt, mụ mẫm đi khiến bà cứ đứng trơ ra đó. Lời cầu xin của bà với Chúa đã được Chúa chấp nhận nhưng Chúa không cho nó ở trong hoàn cảnh tốt một tí nào. Chồng bà đang đứng kia và cả người bạn của ảnh nữa, hai người đều có súng và có vẻ như vừa từ mặt trận về. Bà nghĩ ngay đến hai khẩu súng của hai người đàn ông trong nhà.Rồi bà tưởng tượng những gì sẽ xẩy ra khi chồng bà và người bạn bước vào nhà. Bà sẽ nghe đạn nổ dòn, sẽ thấy những thân người gục ngã và máu chảy lênh láng khắp nhà bà. Hoặc có thể, chồng bà sẽ tấn công trước và giết chết hai người lính Bắc quân trong khoảnh khắc.

“Chúa ơi,” Bà rùng mình lẩm bẩm. Những giọt mồ hôi lạnh buốt thấm lưng áo vì bà quá sợ hãi. Nhưng liền lúc đó, Sandra lay lay vai bà:

“Má à, má mở cửa cho ba và ông khách. Cứ cho ba hay sự thực. Má đừng sợ vì Noel sắp tới rồi.”

Thấy lâu quá cổng không đưọc mở, John la lên từ phía ngoài hàng rào:

“Diane, sao em không mở cửa cho anh? Có gì ở trong nhà mình vậy?”

Nhưng bà Johnson vẫn bất động. Bà không biết tính sao? Vì vậy Sandra đã lanh lẹ ra mở cổng và ôm chầm lấy cha nàng:

“Gặp lại ba con mừng lắm. Ba ở nhà luôn chứ ba?”

Người bạn của John đứng đó nhìn cảnh hai cha con John âu yếm nhau.

“Hình như có chuyện gì lạ trong nhà mình phải không Sandra?” Ông Johnson hỏi con gái.

Sandra đáp:

“Con muốn kể cho ba nghe hết nhưng trước nhất ba phải hứa với con ba không làm điều gì, nhất là giết người ta...”

John vô cùng kinh ngạc, ông nhìn con gái:

“Chuyện gì vậy Sandra? Nói mau đi!”

Sandra lúc đó mới kể cho cha nàng nghe về hai người lính Bắc quân trong nhà. Càng nghe ông ta càng tức giận:

“À, bọn đó là kẻ thù không đội trời chung của ba. Ba phải giết hai thằng đó. Bao nhiêu bạn hữu của ba đã bị bọn nó giết thảm thương. Ba phải báo thù.”

Quay về phía bà vợ, ông nói:

“Bà đã làm một lầm lỗi không thể tha thứ. Bà dám tiếp rước kẻ thù của tôi trong nhà. Tôi phải hạ chúng trước, sau sẽ hỏi tội bà.”

Nói là làm, John và người bạn của ông ta, súng trên tay, xăm xăm đi vào nhà. Nhưng bà Johnson đã lanh chân chạy theo chồng và người bạn và cố sức cản họ. Bà năn nỉ chồng:

“Em lạy anh. Ðừng làm thế. Họ là những người tử tế và dễ thương lắm.”

Người chồng càng tức giận hơn, ông ta trừng trừng nhìn vợ:

“Cô tiếp đãi kẻ thù của tôi ở trong nhà rồi bây giờ lại bênh vực chúng, phải không?Tôi không muốn nhìn mặt cô nữa. Cô không phải là vợ tôi.”

Ông ta đẩy bà vợ chúi nhủi ra một bên rồi lại tiếp tục đi về phía ngôi nhà với ý định phải giết bằng được hai người lính Bắc quân. Phải giết chúng ngay lập tức.

Nhưng bà Johnson và Sandra cố sức níu hai người lại. Sandra nói:

“Ba ơi, gần Noel rồi, ba không thể tha cho họ một lần được sao? Ba biết rõ Chúa đâu có thích giết chóc hả ba?”

Sandra đã đánh trúng nhược điểm của cha nàng và người bạn ông ta. Hai người mềm lòng trước lý lẽ vô cùng hợp lý của Sandra. Sau một hồi lưỡng lự, họ cất súng vào bao. Ông Johnson nói:

“Thôi được, vì Giáng Sinh sắp tới rồi không nên giết người. Ba bằng lòng tha cho họ lần này.”

Bà Johnson vô cùng mừng rỡ khi nghe chồng bà nói như thế. Ðược đà, bà nói tiếp:

“Không phải chỉ một lần này nhưng là mãi mãi. Có phải không bao giờ anh muốn trái giới răn của Chúa không? Giết chóc như thế quá đủ rồi anh à!”

Sau đó cả bốn người cùng vào nhà. Bà mẹ và cô con gái vô cùng sung sướng vì đã thuyết phục được chồng và cha của mình và người bạn bỏ ý định giết chóc. Nhưng khi vào tới nhà, họ chẳng thấy hai người lính Bắc quân đâu.

Ông Johnson hỏi vợ:

“Hai người kia đâu em?”

Bà Johnson đoán chừng hai người lính Bắc quân đã chứng kiến vụ “níu kéo” vừa xong, sợ quá nên trốn rồi vì hai khẩu súng của họ cũng không còn đó. Bà ra phía sau nhà gọi lớn:

“Xin anh Mark và anh Tom vô trong nhà. Không có điều gì đáng ngại cả. Ông chồng tôi và bạn ông sẽ không làm gì hai anh đâu.”

Hai người lính Bắc quân từ trong bụi cây chui ra. Họ cũng không mang súng. Bốn người lính, hai phía Bắc quân và hai phía Nam quân cùng niềm nở bắt tay và tự giới thiệu. Họ cùng ngồi vào bàn và thưởng thức nốt cái bánh lúc nãy. Bữa ăn vô cùng thanh đạm nhưng là bữa ăn nhớ đời.

Với những giọt lệ long lanh vì cảm động và nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng rỡ, bà Johnson nói với mọi người:

“Mặc dầu chúng ta mừng lễ Giáng Sinh hơi sớm nhưng tôi rất vui sướng có sự hiện diện của mọi người hôm nay. Tôi mong chiến tranh sẽ sớm chấm dứt và mọi người đều trở nên huynh đệ bởi vì chúng ta cùng đang sống trên một lục địa. Xin Chúa xuống phúc lành cho các anh và gia đình tôi.”

Vào ngày lễ Giáng Sinh năm sau, năm 1865, vừa lúc chiến tranh Nam - Bắc kết thúc, Tom Harrison - người lính trẻ Bắc quân năm ngoái - lại trở lại nông trại của gia đình Johnson. Lần này anh ta không xin nước uống và ngủ nhờ một đêm, nhưng là để xin cưới Sandra.

Từ đó, đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau!

Câu chuyện thật cảm động và làm chúng ta suy nghĩ… Chúng ta đang sống trong bối cảnh y hệt trong câu chuyện, chúng ta tự hỏi mình có thể tha thứ cho nhau như trong câu chuyện hay không? Chúa đến để mang an hòa: an bình và hòa giải. Hiện thực được điều Chúa muốn thật là khó đòi hỏi phải cả đôi bên có thiện chí và thiện tâm mới có thể bắt tay làm hòa và chung sống an hòa. Giáng sinh về chúng ta cầu mong cho quê hương đất nước chúng ta và đặc biệt đồng bào chúng ta biết rộng mở tâm lòng sống an hòa trong tình thương của Hài Nhi thơ bé. Bạn và tôi chúng ta hãy sống Tin mừng yêu thương hòa giải này ngay trong gia đình cộng đoàn chúng ta để tin mừng cứu Chúa được lan tỏa khắp nơi nơi.