Các vị hiệu trưởng các trường Công Giáo tại bang Chhattisgarh, Ấn Độ đã bị gán tội khinh mạn tòa án khi họ quyết định đóng cửa các trường Công Giáo để phản đối tòa án trong vụ xử nữ tu Bridhi Ekka.

Cha Xavier Ekka, giám đốc Giáo Dục của giáo phận Ambikapur, bang Chhattisgarh đã cho thông tấn xã UCAN biết là các vị hiệu trưởng đã phải ra hầu tòa ngày 3/8/2002 vừa qua. Trong phiên tòa này, các vị đã bị gán cho tội khinh mạn tòa án. Các vị lại phải ra hầu tòa lần nữa vào ngày thứ Bẩy 10/8/2002.

Như VietCatholic đã loan tin, hôm thứ Năm 18/7/2002, tòa án tại quận Ambikapur thuộc bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ, đã ra lệnh phạt tù sơ Bridhi Ekka, 56 tuổi, thuộc dòng Ursula, 6 tháng tù giam vì tội đã dám chiêu dụ tín đồ Ấn Giáo trái phép.

Được biết theo một luật đang gây ra rất nhiều tranh cãi, khi một người muốn được rửa tội theo Công Giáo, người đứng ra rửa tội cần phải báo với đồn cảnh sát gần nhất và chờ đợi cho đến khi nào đồn cảnh sát cho phép thì mới được rửa tội cho người muốn xin theo đạo. Thông thường, trong các trường hợp như vậy, cảnh sát sẽ mời người muốn xin theo đạo lên để hăm dọa, kể cả đánh đập để họ từ bỏ ý định muốn xin theo đạo.

Sơ Bridhi Ekka đã rửa tội cho một người đang lúc hấp hối. Sơ đã không báo cáo với cảnh sát và cũng đã không chờ cho đến khi cảnh sát có ý kiến. Đó là lý do tại sao quan tòa bỏ tù sơ.

Ngay sau khi quan tòa kêu án, sơ Bridhi Ekka đã bị lôi ngay vào nhà giam. Cha Henry D'Souza, giám đốc ủy ban Truyền Thông Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ cho biết: "Thật là buồn và đáng kinh ngạc khi một nữ tu là người đầu tiên trở thành nạn nhân của cái luật phi lý này".

Trong những ngày gần đây, cha Xavier Ekka đã được Hội Đồng Giám Mục Ấn ủy thác nhiệm vụ làm sao để sơ Bridhi Ekka được tại ngoại hầu tra trong khi chống án tiếp lên tòa trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cha Xavier xem ra không thành công. Cha cho thông tấn xã Misna biết rằng tòa thượng thẩm bang Chhattisgarh cho cha biết là sơ Bridhi bị tố cáo đã cải đạo cho 94 người Ấn Giáo vào năm 1988. Điều khôi hài là luật mới về cải đạo chỉ mới được đưa ra năm 2001 và không có hiệu lực hồi tố.