Vào lúc 7g45 sáng ngày 31 tháng 10 năm 2011, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận – và Caritas Giáo phận đã khởi hành từ Tòa Giám mục Mỹ Tho để đi cứu trợ Giáo xứ Nước Trong, ở kênh Cây Khế, ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Xem hình ảnh

Giáo xứ Nước Trong thuộc vùng kinh tế mới, ở lưu vực sông Vàm Cỏ Tây, nằm trong vùng trũng của Đồng Tháp Mười, nên hằng năm thường bị ảnh hưởng nặng của lũ lụt. Giáo xứ có khoảng 600 giáo dân, sinh sống trải dài trên 2 xã Thủy Đông và Thuận Nghĩa Hòa. Nhà thờ Nước Trong: phía đông giáp xã Tân Tây, phía Tây giáp thị trấn Thạnh Hóa, phía nam giáp xã Tân Hòa Đông (tỉnh Tiền Giang), phía bắc giáp xã Thuận Nghĩa Hòa. Họ đạo Nước Trong được Đức Cha Phaolô nâng lên Giáo xứ vào ngày 05 tháng 03 năm 2010, và đặt Cha Phaolô Nguyễn Thành Mến làm Cha Sở tiên khởi của Giáo xứ. Trước khi được nâng lên Giáo xứ, họ đạo Nước Trong từng là họ lẻ của các giáo xứ Kinh Cùng và Sông Xoài.

Phái đoàn cứu trợ lần thứ ba này gồm có: Đức Cha, Cha Giám đốc Caritas Giacôbê Hà Văn Xung, Cha Giám đốc Truyền Thông Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Cha G.B. Nguyễn Nhựt Cương, 3 thành viên Caritas của Giáo xứ Chánh Tòa và 2 thành viên Caritas của Giáo xứ Thánh Tâm (Gò Công). Trước khi xe của phái đoàn xuất phát 15 phút, đã có một chiếc xe tải chở hàng cứu trợ gồm gạo và mì gói đi trước. Trên xe có 3 giáo dân của Giáo xứ Chánh Tòa đi theo để khuân vác hàng cứu trợ.

Khi xe của phái đoàn đến thành phố Tân An thì đón thêm Dì Maria Định Thị Mát, Phó Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân An. Sau đó, xe chạy thêm 36 km theo Quốc Lộ 62 hướng đi Tân An–Mộc Hóa để đến xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa. Khoảng 9g5 thì phái đoàn đến nơi đã được hẹn trước, vừa đến nơi đã thấy Cha Sở Phaolô Nguyễn Thành Mến và các ông trong HĐMVGX đón chào và bắt tay từng người trong đoàn. Xe tải đã đến từ trước nên hàng cứu trợ chuyển xuống ghe đã xong, sẵn sàng cho chuyến đi lênh đênh trên sông nước tiến vào một Giáo xứ vùng sâu vùng xa đang ngập lụt cần trợ giúp.

Đức Cha và phái đoàn nhanh chóng thu xếp những lời thăm hỏi gặp gỡ nhau, lần lượt bước xuống chiếc ghe được chuẩn bị sẵn để đến nhà thờ Nước Trong. Chiếc ghe không lớn lắm chở hàng cứu trợ và người đã được nổ máy, xình xịch chậm rãi lướt đi trên mặt nước mênh mông của con kênh dọc theo đường đất dành cho xe 2 bánh. Thật không thể nào phân biệt được đâu là kênh, đâu là ruộng vườn và bờ, vì nhìn đâu cũng thấy toàn nước là nước. Dòng nước đục ngầu phù sa của mùa lũ ở thượng nguồn đổ về, cộng với nước phèn nặng của vùng đất xám cằn cỗi này làm cho dòng nước như đặc quánh lại, dễ tạo nên cảm giác ghê ghê rờn rợn.

Mọi người ngồi trên ghe mở dù ra che nắng. Dù chưa phải giữa trưa hè, nhưng ánh nắng mặt trời chói chang như thêu đốt làm cho mọi người bị ướt đẫm mồ hôi. Người dân nghèo nơi đây cũng khó khăn cực nhọc biết bao để sinh tồn với nước và nắng gay gắt như thế này trong thời gian lũ lụt. Dù nhiều người trong đoàn cứu trợ sinh sống ở thành thị, nhưng họ có vẻ nhanh chóng hội nhập với hoàn cảnh hiện tại nên mọi người chuyện trò rôm rả trên ghe; bởi mọi người trong đoàn đều ý thức công việc từ thiện mình đang làm. Đây chính là cơ hội và là dịp tốt để đồng cảm, chia sẻ và nâng đỡ những anh chị em cùng khốn theo tinh thần Phúc Âm của Chúa; hơn nữa, là người Việt Nam thì ai cũng biết câu “lá lành đùm là rách”, hoặc “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Nước lũ từ thượng nguồn chảy qua Đồng Tháp rồi đến Long An; mặc dù bị ngập sau nhưng mực nước vẫn rất cao, đỉnh lũ bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ của năm 2000. Vì nước dâng quá cao, nên khi ghe chạy ngang qua những cây cầu bắc qua sông, những người trên ghe phải rời khỏi ghe bước lên cầu để nâng nhịp giữa của cây cầu, thì ghe mới tiếp tục chầm chậm đi qua được. Lộ trình của ghe khoảng 3km và mất khoảng 15 phút thì đến nhà thờ Nước Trong.

Khoảng 9g15 thì ghe chở phái đoàn đến Nhà thờ Nước trong. Nhìn từ xa đã thấy thánh giá của tháp chuông nhà thờ nhô lên trên những tán cây tràm. Chung quanh nhà thờ ngập hết không còn một chỗ đất nào nhô lên, chỉ có những cây tràm cao lớn đung đưa xiêu vẹo theo những đợt sóng của ghe tàu đi qua. Xung quanh tháp chuông vừa là Đài Đức Mẹ cũng bị ngập. Đến nhà thờ, chúng tôi đã thấy dân chúng tụ tập trên cây cầy mới xây trước nhà thờ khá đông. Cây cầu này do Cha Sở vận động và xây dựng mới xong, cầu rất cao nên không thể ngập được. Mọi người đứng trên cầu đổ dồn đôi mắt về phía chiếc ghe chở Đức Cha, phái đoàn và hàng cứu trợ đang đến. Dưới nước cũng có một số bà con ở trên xuồng chờ đợi lãnh quà cứu trợ. Ghe của phái đoàn đậu sát chân cầu để chuyển hàng cứu trợ chất lên cầu.

Đức Cha và phái đoàn cứu trợ di chuyển từ ghe sang xuồng ba lá để vào nhà thờ rất gần ở đó. Nhà thờ ở trên tầng hầm nên nhà thờ không bị ngập. Tầng hầm dùng để sinh hoạt đã bị ngập nước hoàn toàn. Nhà Cha Sở và nhà hai Dì thuộc Dòng MTG Tân An bị ngập đến ngang thắt lưng. Cha Sở lên ở trên phòng thánh, còn hai Dì thì kê đồ đạt lên cao và lót ván ở tạm.

Đức Cha vào nhà thờ viếng Chúa, cầu nguyện cho Giáo xứ, thăm Cha Sở, hai Dì và giáo dân. Đến 9g15, Đức Cha, và phái đoàn cùng với Cha Sở, hai Dì và HĐMVGX rời nhà thờ trên những chiếc xuồng đậu trước cửa nhà thờ để đi ra cây cầu cao trước nhà thờ chuẩn bị phát quà. Khi mọi người đã yên vị trên cây cầu, chung quanh là nước mênh mông dễ chạnh lòng xót xa cho dân nghèo vùng lũ, Cha Sở đã giới thiệu Đức Cha và phái đoàn với bà con. Cha cũng cám ơn Đức Cha và phái đoàn đã thương bà con, nên không quản ngại nhiều khó khăn vất vả để đến thăm gặp, động viên và chia sẻ những khó khăn với họ. Tiếp theo lời giới thiệu, Đức Cha và Cha Giám đốc Caritas phát biểu vài lời với mọi người nói lên tình yêu thương, hiệp thông và chia sẻ của Giáo hội dành cho người nghèo và người gặp hoạn nạn với tinh thần Việt Nam “lá lành đùm là rách”. Sau cùng, một vị đại diện chính quyền địa phương nói đôi lời cám ơn Đức Cha và phái đoàn đã có lòng hảo tâm đến với địa phương nghèo để ủy lạo.

Vì cầu chật, nên bà con xếp hàng theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và HĐMVGX từ từ nhận quà. Mỗi phần quà gồm 10kg gạo, một thùng mì gói và bao thư tiền mặt; tổng cộng 300.000VNĐ. Có tất cả 150 phần quà được phân phát. Hơn 2/3 trong số đó được dành cho các gia đình ngoài Công giáo, thể hiện tấm lòng yêu thương của người Công giáo dành cho anh chị em lương dân; đặc biệt biết nhường nhau trong lúc hoạn nạn đó là điều cao quí.

Đến 9g50 thì việc phát quà đã xong. Đức Cha và phái đoàn dùng cơm trưa ở tiền đàng nhà thờ với Cha Sở, hai Dì, quí ông HĐMVGX và đại diện chính quyền địa phương. Cha Sở chiêu đãi Đức Cha và phái đoàn các món ăn bình dân đặc sản của mùa nước nổi như chuột đồng, cháo rắn hổ hành nấu với đậu xanh và đậu phộng. Ngoài ra còn có món gà sao xé phay, gà sao này do Cha Sở nuôi.

Ăn trưa xong, mọi người luyến tiếc chia tay Đức Cha và phái đoàn. Cha Sở và quí ông trong HĐMVGX tiễn và cùng với phái đoàn xuống xuồng ba lá để trở ra Quốc Lộ 62. Phái đoàn rời nhà thờ Nước Trong vào lúc 10g45. Trời vẫn nắng chang chang, những chiếc dù mang theo phát huy hết tát dụng của nó. Chiếc xuồng máy đạp nước nhẹ lướt trên sông, chở theo bao tấm lòng vẫn còn nặng trĩu những nỗi lo cho bà con dân nghèo nơi vùng heo hút gió này.

Ra đến Quốc Lộ 62 lúc 11g5. Đức Cha và phái đoàn chia tay, bắt tay Cha Sở và quí ông trong HĐMVGX. Cha Sở còn chu đáo gởi tặng theo vài con gà sao cho Đức Cha và phái đoàn. Phái đoàn lên xe để về lại Tòa Giám mục. Cha Sở và quí ông trong HĐMVGX theo xuồng máy trở lại vùng sâu ngập lụt với biết bao khó khăn chồng chất, với những người nghèo nhưng cần cù chịu khó và giàu lòng nhân ái.