Chúng ta lại đang giết người đồng loại một lần nữa. Lần này thì tại ngay lãnh thổ mà nhiều người vẫn coi là nơi tọa lạc Vườn Eden xưa, đâu đó giữa hai dòng Tigris và Euphrates. Lần này không tệ hơn muôn vàn những trận thảm sát của thế kỷ trước. Thực tế, nó còn có tính hạn chế hơn là đàng khác. Và người ta bảo rằng làm thế là để tránh giết nhiều người hơn sau này. Điều chắc chắn là: cố ý giết đồng loại mình cũng như giết chính mình vốn là một đặc ơn chỉ dành cho con người mà thôi. Nó là một đặc ân vì con người là sinh vật duy nhất ý thức được cái chết, cái chết của người khác và cái chết của chính mình.

Thi sĩ Đức, Riener Kunze, trong một bài thơ, có viết câu này: “Ngươi không có gì đặc biệt / Ngươi chỉ bám lấy cái đẹp / (Vì) biết rằng một ngày kia ngươi sẽ phải rời bỏ mọi sự”. Cái biết được Kunze nhắc tới bàng bạc mọi khoảnh khắc đời ta. Heidegger đã biến cái biết về sự chết thành chìa khóa giải thích lý thuyết “Dasein” (1). Chỉ khi biết về cái chết ta mới bắt đầu khám phá ra sự sống có nghĩa gì.

Ấy thế nhưng, niềm sợ chết, tuy luôn được giữ kín, đã cô lập mỗi người chúng ta, vì chết không phải là một hành vi tập thể. Mọi người đều phải chết một mình, và bất cứ ai hiểu ra điều đó cũng sẽ không nhìn vào xã hội để có được một ý nghĩa cho cuộc hiện sinh của mình. Vì họ biết rằng một ngày kia họ sẽ lìa bỏ xã hội và xã hội sẽ lìa bỏ họ.

Cái biết về sự chết ấy có tính hết sức lưỡng nghĩa, lưỡng nghĩa đến ngỡ ngàng. Một đàng, nó có khuynh hướng cướp hết ý nghĩa của việc con người làm: mọi điều nhiên hậu sẽ ra vô nghĩa. Đàng khác, cái biết về hữu hạn tính sẽ đem lại cho cuộc hiện sinh cái giá trị vô song của nó. Nếu ta không bao giờ chết, mọi sự sẽ mất hết ý nghĩa của nó.

Mọi sự ta làm hôm nay, ta vẫn có thể làm hoài hoài vào ngày mai. Với những người xây dựng cuộc đời chung trên căn bản tình yêu, 60 năm chỉ là một khoảnh khắc. Họ thức giấc vào hừng đông ngày lễ vàng, vẫn muốn mới thực sự bắt đầu. Nhưng không cùng sao? Điều này hẳn sẽ tức khắc hủy tiêu mọi sự. Biết rằng sẽ có một tận cùng là điều sẽ mở ra cho ta cả một chân trời ý nghĩa…

“Chỉ vì ngươi bám lấy cái đẹp”: đó chính là đặc điểm khác đánh dấu tính nhân bản trong câu thơ của Kunze. Cảm nghiệm cái đẹp nối kết chắt chẽ với cái biết về sự chết. Đây là cảm nghiệm một điều gì đó mà ý nghĩa không phát sinh từ giá trị tự bảo tồn của nó về sinh học, hay từ sự ích lợi của nó đối với người khác, là những người, dù sao, cũng sẽ chết. Ta gọi điều gì đó đẹp vì nó có giá trị ngay trong chính nó. Và trong số những điều đẹp ấy, ta thấy có các cử chỉ và hành động nhân bản, ngay cả khi chúng tỏ ra vô dụng hay bị phí phạm một cách vô tình trên những con người lầm lẫn. Cái đẹp chống lại cơn xóay lốc của phi lý mà việc biết mình sẽ chết đang đe dọa cuốn hút ta vào. Đối với tín hữu, và thực ra đối với cả Platông nữa, nó là tia sáng mờ mờ dự ứng điều gì đó sẽ còn lại sau cái chết.

Xã hội xử lý ra sao với cái chết và diễn trình chết, vốn là cảnh đắm tầu của hữu thể xã hội toàn trị? Ít nhất chính lúc chết, nếu không muốn nói sớm hơn, con người hết còn là thành viên của xã hội như một toàn thể. Nhà nước có thể dùng cái chết để đe dọa, nên không ai mạnh hơn người đã chiến thắng được nỗi sợ chết. Dùng cái chết để đe dọa quả là một thứ vũ khí đáng sợ.

Nhu cầu muốn biến sự đe dọa kia thành thực tại chính là việc đầu hàng (defeat). Văn hóa lễ nghi hóa trong truyền thống Âu Châu về diễn trình chết và chôn cất là một hiện tượng có tính biện chứng giúp xã hội tự tương đối hóa chính nó. Nhờ lồng cái chết vào các hình thức lễ nghi tín ngưỡng (cultic), xã hội đã hội nhập vào nó chính sự vật nó muốn đặt thành nghi vấn. Việc hội nhập này đòi một ý nghĩa tôn giáo. Điều tương đối hóa xã hội cũng sẽ hợp pháp hóa nó. Nhờ nhìn nhận rằng nó không phải là Thiên Chúa, nó cũng có khả năng hiểu ra rằng thẩm quyền của nó là thẩm quyền do Thiên Chúa chế tài.

Niềm tin vào sự sống vĩnh cửu cũng tương đối hóa sự chống đối giữa sự sống và sự chết. Ở Munster, có một con dao lý hình mang hàng chữ: “Khi tôi giơ dao lên, tôi đều chúc người tử tội được sống đời đời”.

Vì thời hiện đại vô thần từ trong cấu trúc, nên họ phải coi sự đối nghịch giữa sống và chết như là tuyệt đối. “Tôi sẽ tiếp tục sống trong con cái tôi” quả là một câu nói trống rỗng đối với một con người tự coi mình như chỉ là một cá thể biệt lập.

Xã hội do đó đã chiến đấu một cách dai dẳng để kéo dài sự sống, chỉ để buộc phải đầu hàng ở cuối đường. Nó thiếu khả năng khai triển ra các nghi lễ thực thụ để tiễn đưa con người ở lúc kết thúc đó vì nó thiếu mọi chân trời cần có để tương đối hóa nó. Hệ quả đầu tiên là khuynh hướng loại cái chết ra khỏi tâm trí. Càng ngày, cái chết càng diễn ra tại một căn phòng khuất nẻo nào đó tại một bệnh viện hay bệnh xá.

Hậu quả là: nỗi sợ chết bị đè nén nhưng thực tế đã gia tăng. Ngày nay, phần lớn người ta đối diện với viễn ảnh về chính cái chết của mình mà chưa hề hiện diện tại cái chết của một người khác. Nhưng rồi lại có một khuynh hướng nữa là muốn âm thầm loại bỏ những người không còn được coi là thành viên của thế giới xã hội nữa.

Hòa Lan là quốc gia đã hợp pháp hóa việc an tử (enthanasia), nhưng đâu có bị loại ra khỏi cộng đồng quốc tế. Trái lại, các bác sĩ nước này tự cho rằng mình mới là các tiền phong trong việc giết người. Và bỗng chốc, dường như sự việc không tiến nhanh đủ.

Định nghĩa mới về sự chết với nghĩa “chết ở não bộ” (brain death) đã giúp người ta quyền được tuyên bố là chết khi một người vẫn còn thở, nhờ thế, tránh được diễn trình chết để người ta còn kịp thu lượm những “phụ tùng” dùng cho người còn sống. Chết không còn xẩy ra ở cuối con đường hấp hối nữa, nhưng do phán quyết của Ủy Ban Harvard, nó xẩy ra ngay ở khúc đầu con đường kia.

Tập quán chôn cất của Do Thái Giáo và Kitô Giáo càng ngày càng bị thay thế bởi thứ tống khứ các xác chết kiểu máy móc như hỏa thiêu chẳng hạn, tránh cái nhìn của công chúng. Và càng ngày, người ta càng tin rằng họ đang làm một việc tốt cho con cái khi họ cắt giảm chi phí bằng cách chôn mình một cách vô danh vào lòng đất. Nghi thức chôn cất người chết, nét đặc trưng cổ xưa nhất dùng để phân biệt con người thông biết tức homo sapiens, đang càng ngày càng biến mất.

Theo ROBERT SPAEMANN, giáo sư triết hưu trí tại Đại Học Munich, Tạp Chí Communio, tháng 10 năm 2003.

Ghi chú

(1) Dasein là thuật ngữ Đức do triết gia Martin Heidegger sử dụng trong tác phẩm “Hữu Thể và Thời Gian” (Being and Time). Chữ hữu thể đây theo nghĩa siêu hình học hay triết học. Thực ra, trước Heidegger, Ludwig Feuerbach cũng đã sử dụng thuật ngữ này rồi, nhưng với nghĩa là hiện hữu, hiện diện. Nó là kết hợp của da-sein, chiểu tự có nghĩa là ở đó.