Đức Thánh Cha Benedict XVI


Bài giảng về phương pháp của Chúa Kitô để mang lại hòa bình

VATICAN, ngày 26 tháng 10, 2011 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói bành trướng vương quốc hòa bình của Chúa Kitô có nghĩa là phải sẵn sàng chịu đau khổ và chịu mất mạng sống trong việc tử đạo.

Đức Thánh Cha trình bầy suy tư này trong nghi thức chuẩn bị cho Ngày Suy Niệm, Đối Thoại và Cầu Nguyện cho Hòa Bình và Công Lý trên Thế Giới, vào thứ năm, một biến cố sẽ tụ tập các vị lãnh đạo của các tôn giáo trên thế giới cũng như những người không có đức tin tại Assisi để kỷ niệm năm thứ 25 của ngày này được khởi xướng lần đầu tiên bởi Chân Phước Gioan Phaolô II.

Vì trời mưa, nghi thức này được tổ chức trong sảnh đường Phaolô VI, và thay thế cuộc triều kiến chung hàng tuần của Đức Thánh Cha ngày thứ Tư.

Đức Thánh Cha trích dẫn chương Chín của Sách Tiên Tri Zachariah trong bài giảng, ghi nhận là lời tiên đoán của ngài cho hay sẽ có một vị vua đến mang lại hòa bình.

Ngài giải thích, vị vua này là Giêsu, "vị vua nghèo khó giữa những người nghèo khó, hiền lành giữa những muốn tìm kiếm sự hiền lành, Bằng cách này, ngài là vua hòa bình, nhờ quyền năng Thiên Chúa, là sức mạnh của sự thiện hảo, sức mạnh của tình yêu."

Đức Thánh Cha nói: "Ngài là Vua, đấng làm cho các chiến xa và kỵ binh phải nhận chìm, Ngài sẽ bẻ gẫy những cánh cung, Ngài là vua sẽ mang lại bình an để hoàn tất trên thập giá bằng cách nối kết thiên đàng và hạ giới, bằng cách kéo một nhịp cầu huynh đệ giữa mọi dân nước. Thập giá là cái cung mới của hòa bình, là dấu chỉ và công cụ của việc hòa giải, tha thứ, hiểu biết, một dấu hiệu của tình yêu mạnh hơn tất cả những bạo lực và đàn áp, mạnh hơn cả thần chết: Thần Dữ bị chinh phục bởi sự lành và tình yêu."

Đức Thánh Cha tiếp: Và để tham gia vào việc mở mang vương quốc này, các Kitô hữu phải chống lại sự cám dỗ là "trở thành những con sói giữa đàn sói."

Ngài tuyên bố: "Không phải bằng quyền lực, hay bạo tàn mà vương quốc hòa bình của Chúa Kitô sẽ được mở mang, nhưng bằng quà tặng của sự tận hiến, bằng tình yêu cho đến chết, ngay cả cho kẻ thù. Chúa Giêsu không chinh phục thế giới bằng sức mạnh của quân lực, nhưng bằng sức mạnh của thập giá, là đảm bảo chính thực cho chiến thắng. Kết quả là, đối với những ai muốn làm môn đệ của Chúa - làm sứ giả của Người - điều này có nghĩa là phải sẵn sàng để chịu tử đạo, sẵn sàng để bỏ mạng sống vì Người, để cho sự lành, tình yêu và hòa bình có thể chiến thắng thế gian. Đây là điều kiện để có thể nói, khi bước vào bất cứ hoàn cảnh nào: 'Bình an cho gia đình này!' (Luca 10.5)."

Lưỡi gươm

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói về bức tượng của Thánh Phaolô trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trên tay có cầm thanh gươm: "Một người không biết về câu chuyện có thể nghĩ rằng ngài là một đại tướng chỉ huy một đạo binh hùng mạnh và chinh phục mọi dân nước bằng lưỡi gươm, chiếm đoạt cho mình danh giá và tài sản bằng máu của người khác. Nhưng thực ra là điều trái nghịch: Thanh gươm ngài cầm là dụng cụ làm cho ngài chết, bằng lưỡi gươm ngài chịu tử đạo và đổ ra chính máu của ngài."

Đức Thánh Cha suy luận là thanh gươm của Thánh Paholô cũng "nhắc đến quyền lực của chân lý, nhiều khi có thể làm tổn thương và đau đớn."

Ngài nói: Và cũng giống như Thánh Phaolô phải chịu đau đớn vì chân lý, phải hy sinh mạng sống mình vì chân lý, "luận lý này cũng đúng cho chúng ta nếu chúng ta muốn là những người kiến tạo vương quốc hòa bình được tiên tri Zachariah tuyên bố và hoàn tất bởi Chúa Kitô. Nhưng chúng ta phải sẵn lòng trả giá bằng sự bị hiểu nhầm, bị chối bỏ và bị áp bức."

Đức Thánh Cha khẳng định: "Không phải thanh gươm của kẻ chiến thắng mới xây dựng được hòa bình, nhưng là lưỡi gươm của người chịu đau đớn, của người biết cách tận hiến mạng sống mình."