Hàn Quốc-Nhật: Vấn đề ‘phụ nữ an ủi’ được thảo luận Liên Hiệp Quốc

Seoul - "Tôi bị đối xử tồi tệ hơn một con vật" là cách thức mà một ‘phụ nữ an ủi’ (tiếng Nhật: 慰安婦 úy an phụ, nói đúng là ‘nô lệ tình dục’) mô tả cuộc đời của bà trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi 200.000 phụ nữ Triều Tiên bị buộc làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật.

Ngày 12-10, Hàn Quốc đưa vấn đề trách nhiệm pháp lý của Nhật đối với vấn đề ‘phụ nữ an ủi’ tại một cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, vấn đề bồi thường chiến tranh phát sinh từ việc Nhật chiếm đóng Triều Tiên đã được giải quyết, với một hiệp định song phương ký kết năm 1965.

Bà Song Shin-do, một ‘phụ nữ an ủi’ trước đây nói: “Tôi đã bị một lính Nhật đâm vào lưng, và vẫn còn có một vết sẹo trên lưng. Những gì họ đã làm là quá dã man. Nếu chính phủ Nhật không giải quyết vấn đề này, tôi sẽ đau khổ mà chết".

Ông Shin Dong-ik, Phó Đại diện thường trực của Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc, nói: “Chính phủ Nhật tuyên bố rằng vấn đề của ‘phụ nữ an ủi’ cho binh lính Nhật đã được giải quyết một cách hợp pháp; tuy nhiên vấn đề này là một tội ác vô nhân đạo, nên không có thể được xem là đã giải quyết thông qua thoả thuận yêu cầu giữa Hàn Quốc và Nhật, và trách nhiệm pháp lý vẫn còn về phía chính phủ Nhật".

Đại biểu của Nhật tại Liên Hiệp Quốc được dẫn lời đã nói: "Chúng tôi thừa nhận rằng vấn đề ‘phụ nữ an ủi’ là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá của phụ nữ. Chúng tôi bày tỏ lời xin lỗi chân thành và sám hối của chúng tôi đối với tất cả các ‘phụ nữ an ủi’ ấy, những người đã chịu nhiều vết thương nghiêm trọng về thể lý và tâm lý".

Tuy nhiên đồng thời, vị đại biểu Nhật nhắc lại lập trường thiết định của Tokyo rằng, vấn đề bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã được giải quyết cách hợp pháp, với Hiệp ước hòa bình San Francisco và thỏa thuận song phương tiếp theo, trong đó có Hiệp ước cơ bản Hàn Quốc-Nhật năm 1965.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, 200.000 phụ nữ Triều Tiên trong độ tuổi 11-25 được tuyển làm làm nô lệ tình dục trong các ‘trạm an ủi’, nơi đó họ đã là nạn nhân của hãm hiếp, cưỡng bức và lạm dụng cả ngày lẫn đêm.

Ngay cả sau khi bán đảo Triều Tiên độc lập, một số phụ nữ bị bỏ lại trong các trạm này, do thành kiến và sự bỏ bê của chính phủ của họ.

Trong số 234 ‘phụ nữ an ủi’ trước đây làm đơn khiếu nại, hơn hai phần ba trong số họ đã qua đời mà không thấy ước muốn của mình được thực hiện, đó là nhìn xem Chính phủ Nhật thực hiện một lời xin lỗi chân thành. (AsiaNews 14-10-2011)

Phạm Kim An