Indonesia: Người Hồi giáo ôn hòa chống lại 300 trang web cực đoan Hồi giáo

Jakarta – Tổ chức Nahdlatul Ulama (NU), tổ chức Hồi giáo ôn hòa quan trọng nhất ở Indonesia, hỗ trợ Chính phủ trong cuộc chiến chống lại sự phổ biến các trang web cực đoan, vốn đề cao thánh chiến.

Trước các cuộc tấn công tự sát gần đây ở Solo, Trung Java và Ambon ở quần đảo Moluccas, chống cộng đồng Kitô hữu, cánh ôn hòa này của quốc gia Hồi giáo đã yêu cầu có một bàn tay sắt đối với công tác tuyên truyền thánh chiến trên mạng Internet.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Tifatul Sembiring đã thông báo rằng trong vòng 12 tháng qua, chính phủ đã ngăn chặn ít nhất 300 trang web có liên quan đến các nhóm cực đoan Hồi giáo, vốn "thúc đẩy các quan điểm và các ý tưởng bóp méo của đạo Hồi".

Ông Kiai Hajj Hasyim Muzadi, cựu chủ tịch của Tổ chức Nahdlatul Ulama (NU), và người kế nhiệm ông và là chủ tịch hiện nay Kiai Hajj Agil Siradj, mạnh mẽ hỗ trợ cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan, xem chúng như "các trang web khiêu dâm" có khả năng "ảnh hưởng đến tâm trí của người dân".

Trong một thông báo ban hành ngày 27-9, ông Siradj yêu cầu ban điều hành "ngăn chặn các trang web nguy hiểm", vốn kêu gọi người Hồi giáo trở thành "các vị tử vì đạo" và người đánh bom tự sát, nhắm vào cộng đồng Kitô hữu ở quần đảo.

Nhà lãnh đạo hiện nay của Tổ chức Nahdlatul Ulama (NU) kết luận: “Các trang web này khuyến khích các thế hệ trẻ đi vào giáo lý sai lầm của Hồi giáo thực sự". Trong lời cảnh báo, ông Agil Siradj cũng nhắc lại cuộc tấn công tự sát ngày 25-9 vào Nhà thờ Bethel ở Solo, Trung Java. Kẻ đánh bom, được xác định là Pino Damayanti, cũng được biết đến với bút danh Amhad Yosepa Hayat, đã dành một số thời gian ngồi trong một quán cà phê internet, trước khi thực hiện hành vi điên rồ đối với nơi thờ phượng Kitô giáo.

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động Sidney Jones, của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), việc chỉ ngăn chặn các trang web này không phải là giải pháp tốt nhất, trong cuộc chiến chống lại trào lưu cực đoan ở Indonesia. Trên thực tế, hạt giống của chủ nghĩa cực đoan và cuộc đấu tranh bạo lực là phổ biến trong các mạng xã hội, hoặc thông qua các tin nhắn điện thoại. Hơn nữa, sự lan truyền thông tin sai lệch, để kích động bạo lực sắc tộc, là một thực tế lâu năm ở Indonesia, cũng được thúc đẩy bởi mức độ thấp của giáo dục và khả năng phán đoán bị hạn chế của nhiều người.

Thời kỳ duy nhất, trong đó Indonesia hưởng một bầu khí tương đối yên bình mà không có xung đột giữa các tôn giáo, là dưới thời tổng thống (và nhà độc tài) Suharto, giữa năm 1967 và 1998. Với uy tín của ông và việc sử dụng vũ lực - quân sự và dân sự - ông đã có thể nắm quyền kiểm soát đất nước, và ngăn ngừa các sự cố và các cuộc tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, việc này phải trả giá là sự giới hạn nhân quyền và quyền dân sự, kết hợp với việc trấn áp các bất đồng chính kiến. (AsiaNews 9-10-2011)

Nguyễn Trọng Đa