Chị thánh Têrêxa khi sống đã gom về cho mình tất cả những gì ngắn ngủi, bé nhỏ, yếu đuối, mỏng dòn, mong manh, nhưng từ ngày chị mất, Giáo Hội đã không ngừng dành cho chị những vinh dự cao cả, lớn lao.

Trong gia đình, chị là em út bé nhỏ. Vào Dòng, chị càng bé nhỏ hơn đến nỗi Mẹ Bề Trên phải băn khoăn không biết bới đâu ra công trạng của chị cho bài điếu văn ngày an táng. Không nổi nang, cũng chẳng làm được việc gì đáng gọi là để đời, ngoại trừ đau ốm quanh năm với căn bệnh lao phổi ngăt nghèo, phải cách ly. Sớm mất mẹ, lại xa cha, chị thánh là một đứa bé mồ côi, bất hạnh dưới mắt người đời. Hơn thế, chết ở tuổi 24 vì đau bệnh, chị thực là người chết yểu, xấu số.

Xem ra những gì mà người đời chê chán, trốn chạy, kinh tởm đều tập trung ở chị: mồ côi, bệnh tật, yếu đuối, chết sớm, ẩn dật, vô danh. Định mệnh an bài và đời chị qủa là một đời người bé nhỏ, yếu đuối, mong manh …

Nhưng chị không gọi mong manh, nhỏ bé, thơ dại, vụng về của đời mình là định mệnh, nhưng cho đó là lựa chọn của ơn gọi làm con. Chị không cho những yếu đuối, bấp bênh, thua thiệt trong đời là bất hạnh, nhưng nhận tất cả như quà tặng của tình cha đầy lòng thương xót.

I. Tình CHA – CON

Đọc tâm sự của chị trong « Một Tâm Hồn », ta thấy :

1. Thiên chúa của chị là một người cha

Người cha tràn đầy tình cha, từng phút giây yêu thương, chăm sóc, âu yếm con mình. Ngưòi cha không biết giận dữ, phẫn nộ, chỉ biết yêu con, thương con, chiều con. Đối với Thiên Chúa, chị không tìm một tương quan nào khác, ngoài tương quan Cha – Con để suốt đời chị mải mê yêu cha và làm vui lòng cha trong mọi sự. Đường nên thánh của chị vì thế rất ngắn, rất dễ, rất nhanh, rất thuận lợi, rất hữu hiệu nhưng rất cao siêu, mầu nhiệm vì đó là đường Tình cha - con. Không đường nào ngắn bằng đường tình, vì chỉ một giây thôi, tình đã là thiên thu, vĩnh cửu; chỉ một nụ cười, ánh mắt thôi đã đủ hiểu nhau, yêu nhau trọn kiếp; chỉ một nụ hôn thôi đã một đời cho nhau không do dự. Đường tình thánh thiện của chị là đường dắt thẳng con người vào cung lòng Thiên Chúa, Đấng đã tự nhận là Tình Yêu. Đường tình của chị cao siêu nhiệm lạ, vì duy nhất con đường này cho con người gọi đúng tên Thiên Chúa và nghe được tiếng Ngài. Chọn đời mình là đường tình, chọn đường tình là lẽ sống, chị thánh đã chọn phần tốt nhất cho đường đời ngắn ngủi, cho mệnh đời mong manh, cho cuộc đời vô thường biến đổi và cho kiếp người trôi nổi bấp bênh của mình.

2. Trong tình cha, chị nhận mình là đứa con bé nhỏ, yếu đuối.

Chị say mê hình ảnh vòng tay cha ôm tròn, bọc kín con thơ dại. Vòng tay cha làm nên đời con, đổi mới đời con, thăng tiến đời con, vì đó là vòng tay cho con tình yêu, an toàn, hạnh phúc. Xác tín mình được yêu, chị bất chấp thiếu sót, lỗi lầm, gìới hạn của mình nhưng lăn xả vào lòng cha nhân hậu. Không thiếu những đêm đen thử thách, những tháng dài khô khan, những cám dỗ nặng nề đã liên tục tấn công lòng cậy trông phó thác và cố tách chị xa khỏi vòng tay phụ tử của Thiên Chúa… nhưng chị đã không để mình rời khỏi bàn tay yêu thương này bằng sống tinh thần đơn sơ phó thác, ngoan ngoãn đợi chờ, và làm mọi sự như ý cha.

Chị cũng đã trải qua những cơn « mệt mỏi chán sống », những đường hầm Đức Tin tăm tối, hun hút dài, những giờ khắc yên lặng, cô đơn đến kinh hoàng, ngộp thở. Như chúng ta, chị có kinh nghiệm khổ đau vì yếu đuối, bệnh hoạn; kinh nghiệm bất xứng vì lầm lỗi, bất toàn; kinh nghiệm mặc cảm vì bất tài, thua kém. Như tấm gương cho chúng ta, chị đã sống tình yêu của đứa con bé nhỏ và phó thác tuyệt đối ở tình cha trên trời.

3. Trong yếu đuối, bé nhỏ, chị muốn thuộc trọn về cha và để cha toàn quyền biến đổi đời mình.

Đây là mục tiêu con đường thơ bé mà chị thánh theo đuổi ; đó là được Thiên Chúa biến đổi toàn diện. Nếu chỉ bé nhỏ, thơ ngây mà không được biến đổi để nên giống Chuá, cha mình thì đường tình của chị sẽ là « đường đi không đến » ; nếu không muốn nói là đường loanh quanh, lòng vòng, chẳng đi đến đâu. Được biến đổi theo ý Cha là ước mơ, mục đích đời chị ; nói đúng hơn, chị muốn được nên một thân, một hình, một sự sống, một cuộc đời với cha, và vui lòng đón nhận mọi cuộc « giải phẫu » dù đau đớn và phải từ bỏ đến mức nào đi nữa. Chị mong đạt cao điểm của tình yêu là trở nên một với người mình yêu : « Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính chúa Kitô sống trong tôi » như thánh Phaolô đã cảm nghiệm. Và suốt đời, mối tình cha – con đã liên lỷ thúc bách chị tự hiến tế bằng đốt cháy ý riêng, thiêu rụi tính háo danh và chôn vùi không thương tiếc những ước mơ trần tục để ở chị sẽ « chẳng còn sự gì của con mà không thuộc về cha ».

Không chỉ xin được biến đổi trong tình yêu, chị thánh còn nuôi tham vọng trở thành « Tình yêu trong Hội Thánh ». Vĩ đại thay tình yêu phi thường trong con người bình thường ! Cao cả thay ước vọng ngất trời trong đời thường ẩn khuất của một nữ tu dòng kín vô danh !

Xin được là « tình yêu trong trái tim của Mẹ Hội thánh », chị Têrêxa đã xác tín và quyết liệt sống niềm xác tín này : « chị được sinh ra để yêu » ; vì thế đời chị là đời yêu thương, tự do của chị là để yêu thương, hạnh phúc của chị chỉ có trong yêu thương, và thiên đàng của chị là miền đất hay vùng trời chỉ còn lại yêu thương. Cũng trong niềm xác tín ấy, chị đã biến mọi khổ đau tinh thần và thể xác nên dấu chỉ, dấu ấn, và chứng từ của tình yêu, một tình yêu đến cùng và mạnh hơn sự chết. Khi buông lỏng đời mình trong tình cha của Thiên Chúa, chị đã thực hiện thành công ước mơ làm tình yêu trong Hội Thánh, nhờ được tan biến, kết hợp trong Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu.

II. Bằng cách nào, chị đã thực hiện con đường tình yêu ?

1. Chị đã lên đường với Giáo Hội

Vì ý thức Đức Kitô, Đấng chị yêu mến và hiến thân là thủ lãnh Giáo Hội. Chính Ngài đã nhận Giáo Hội như hiền thê và sẵn sàng hiến mạng sống cho hiền thê yêu dấu. Là hiền thê của chúa Kitô, Giáo Hội được Chuá yêu thương, giữ gìn, bảo bọc, dù Giáo Hội ấy có yếu đuối, tội lụy, bất trung, thất tín. Được yêu thương, Giáo Hội lên đường và cố gắng từng ngày bước theo Đức Kitô, vị thủ lãnh yêu thương để thương con người, yêu nhân loại, thương những con người yếu đuối của một nhân loại tội lỗi đang cần được cứu độ. Chính trên con đường của Giáo Hội mà đường tình của chị thánh trở thành con đường ngắn nhất, nhanh nhất, dễ gặp gỡ Đức Kitô nhất. Chính với Giáo Hội mà những bước chân trên đường thơ bé của chị thánh trực chỉ dẫn đến Tình yêu đích thực là Đức Kitô. Khi lên đường với Hội Thánh, chị Têrêxa đã xác định chỗ đứng của mình trong Giáo Hội và một cách quyết liệt, chị say mê đặt cho mình một mục tiêu phải đạt là trở nên « Tình Yêu trong trái tim Giáo Hội » (Dans le cœur de l’Eglise, je serai l’Amour). Tự chọn cho mình là « Tình yêu trong trái tim Hội Thánh », chị muốn ôm trọn và trở nên « một » với Giáo Hội vì tình yêu nồng nàn, cháy bỏng muốn dành cho Đức Kitô. Ở trong Giáo Hội để yêu Giáo Hội và cùng Giáo Hội yêu thương, phục vụ con người, chị đã xác định tương quan thiết thân của mình và Hội Thánh, đồng thời sống chết vì liên đới này : Tình yêu của trái tim Giáo Hội. Còn chỗ đứng nào quan trọng hơn trái tim trong con người ? Còn giá trị nào lớn hơn, tinh tuyền, thiết yếu hơn tình yêu trong trái tim ? Và vì yêu, chị đã chọn trái tim, cơ quan « tổng hành dinh » của tình yêu vì giá trị không thể thay thế trong thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, là Giáo Hội của Ngài.

2. Chị không đi một mình, nhưng đồng hành với nhiều người

Chị đồng hành với toàn thể nhân loại không phân biệt thánh thiện, tội lỗi, có đạo, không đạo, giầu nghèo, thân quen, xa lạ. Chị đã đến với nhiều người, nhiều nơi qua cầu nguyện. Chị đã cầu xin ơn phúc cho những người chưa từng gặp, ơn trở lại cho người tử tội không quen biết … Đường tình yêu muôn ngã, muôn nẻo đem đến cho muôn người Tin Mừng được yêu thương. Trên đường tình này, bằng những bước chân « cầu nguyện », chị thánh đã đồng hành với bao tâm hồn trên đường tìm gặp Đức Kitô. Như thế, linh đạo Têrêxa không là đường nên thánh đơn lẻ, cô độc, « một mình một ngựa », nhưng là đường tình có đông người cùng đi, có nhiều người chung vai sát cánh, có cộng đoàn đồng tâm, hiệp lực.

3. Chị đã đi những bước âm thầm, bé nhỏ

Những bước chân tình nhân thường nhẹ nhàng, âm thầm, không huyên náo ồn ào, không trịch thượng, kệch cỡm, không hống hách, kiêu kỳ. Những bước chân nhẹ như lời tỏ tình, êm như tâm sự đêm khuya, kín đáo như nụ hôn đầu đời, vội vã…là những bước kỷ niệm sâu sắc và khó quên nhất trong các thiên tình sử nổi tiếng.

Đường nên thánh của chị Têrêxa cũng là những chấm rất nhỏ, những điểm rất bé chắt chiu từ những hy sinh vụn vặt, từ bỏ li ti, chọn lựa tầm thường. Vì biết chân mình non nớt không thể làm những bước khổng lồ, nên chị chỉ dám cất từng bước một, những bước ngắn nhỏ, chập chững bằng tận tâm với những việc rất bé, bằng quan tâm đến những người rất nhỏ, bằng chu toàn những công tác rất vô vị, không tên. Với những bước « lần mò, phó thác », chị chọn vị thế thấp nhất, không gian nhỏ nhất, quyền lợi ít nhất, vai trò kém nhất để được thực sư trở nên đứa con bé nhỏ luôn cần lòng xót thương. Nhưng chính trong những chọn lựa « bé nhỏ, tí hon, trẻ con » ấy, chị đã chọn Thiên Chúa là Tình yêu tuyệt đối. Nhờ tính tuyệt đối của Tình Yêu mà những gì nhỏ bé nay trở thành vĩ đại ; những gì tầm thường nay trở nên phi thường ; những gì trẻ con đột biến thành sâu sắc ; những kẻ mọn hèn nay được cất nhắc lên cao. Như thế, linh đạo Têrêxa là làm việc nhỏ với tình yêu lớn ; bước từng bước nhỏ với thao thức bao la ; chu toàn những việc tầm thường với trái tim cháy bỏng nhiệt tình ; và điều đáng buồn, phải tránh là tìm làm việc lớn, chuyện lớn với quả tim khô héo, nghèo nàn, cằn cỗi, cạn kiệt yêu thương.

III. Đường nên thánh cho gìới trẻ hôm nay

Chị Têrêxa được tôn vinh là vị thánh trẻ, trẻ nhờ chết sớm; trẻ vì đơn sơ ; trẻ trên « đường nên thánh » thơ ấu. Bên cạnh những lý do vừa kể, chị còn trẻ vì chung một tâm tư, thao thức, khát vọng với người trẻ; nói đúng hơn chị gần gũi người trẻ ở nhiều điểm:

1. Gần người trẻ vì cùng khao khát tình yêu.

Đa cảm, nhậy bén, dễ xúc động như bao bạn trẻ, chị sống trong nôn nao, rạo rực, thúc bách của tình yêu đến nỗi có lúc chị có cảm tưởng trái tim sẽ nổ tung và thân xác sẽ tan ra trăm mảnh vì sức ép qúa mãnh liệt của tình yêu. Như bao ngừời trẻ trước tình yêu, chị đã sống những ray rứt, băn khoăn, những giằng co, quay quắt do tình yêu đòi hỏi. Tâm hồn chị bị thiêu đốt bởi lửa tình và ngọn lửa ấy lúc nào cũng bùng lên dữ dội như muốn đốt cháy cả địa cầu. Như người trẻ say mê, háo hức yêu, chị đắm đuối trong mối tình tinh ròng nhưng vũ bão dành cho Thiên Chúa. Têrêxa đã coi mình « được sinh ra để yêu và chỉ để yêu thôi », ngoài ra chẳng để làm gì khác. Vì thế mà trên từng giòng tâm sự, người ta chỉ thấy chị yêu và nói về tình yêu. Say mê yêu là giá trị đời sống thánh thiện của chị. Mê man cho một tình yêu và sống cho tình yêu ấy là lẽ sống duy nhất của chị và chị đã sống hết mình những điều mình viết và ước mơ.

Tuổi trẻ hôm nay cũng mơ ước yêu và được yêu. Không tình yêu, người trẻ mất lẽ sống và thất vọng tự hỏi : Sinh ra để làm gi ? Sinh ra để nuốt cái trống vắng vô vị của cuộc đời ? Sinh ra để sống cái phi lí của hư không ? Thiếu vắng tình yêu, người trẻ sẽ rơi vào cái vô lý, vô vị và vô nghiã rất « nôn mửa » của cuộc sống.

Têrêxa muốn chia sẻ với bạn cơn sốt yêu của tuổi trẻ và đề nghị được đồng hành với mỗi người trên hành trình tìm gặp Tình Yêu đích thực. Theo chị, ta sẽ gặp trong tình yêu này niềm vui, thứ tha, hồi sinh, biến đổi, an bình để đời mỗi người được tròn đầy ý nghiã, và giá trị của cả hai phương diện nhân loại và thiêng liêng, vì mỗi người « được sinh ra để yêu và được yêu; được sinh ra để hạnh phúc trong tình yêu »

2. Gần người trẻ vì cùng khao khát tự do.

Tự do là lý tưởng của tuổi trẻ. Những người đi đầu trong các phong trào đòi tự do đều là những người trẻ. Họ say mê tranh đấu cho lý tưởng tự do và sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời, sinh mạng cho tự do. « Tự do hay chết » trở thành khẩu hiệu, phương châm của đại đa số người trẻ. Tuổi trẻ thực sự cần tự do sống, tự do nói, tự do hỏi, tự do lắng nghe, tự do hiểu, tự do làm, tự do khám phá, tự do suy tư, tự do lựa chọn…Không tự do, tuổi trẻ sẽ bùng nổ, nổi loạn. Không tự do, người trẻ không lẽ sống. Tự do quan trọng như tình yêu, vì tình yêu cần tự do như đìều kiện ; tự do cần tình yêu như động lực.

a. Têrêxa đã sống ơn gọi làm đứa con tự do

khi « tự do » đến với Thiên Chuá, tự do yêu mến Ngài, tự do tâm sự, trao đổi với Ngài về mọi chuyện, mọi vấn đề mà không chịu một rào cản, một áp lực, một đe dọa, một luật lệ nào ngăn cấm. Tự do đến với Chúa như con đến với cha vì Thiên Chúa của chị là người cha tốt lành, thương yêu, luôn chăm sóc và tôn trọng con mình. Tự do đến với cha là quyền của con, vì con thuộc về cha, vì Thiên Chúa, cha của chị là người cha dễ thương, dễ gần mà bất cứ ai cũng yêu thương được. Với tinh thần tự do trong tình yêu, chị đã không chấp nhận hình ảnh một Thiên Chúa nghiêm nghị chỉ rình rập trừng phạt. Chị viết: « Tôi không thể sợ một Thiên Chúa, Đấng đã trở nên quá bé nhỏ cho tôi… Tôi chỉ có thể yêu Ngài… vì Ngài là Tình Yêu và lòng Thương Xót » (Œuvres Complètes, Lettre 266, p.624). Ở nhà cũng như trong Dòng, Têrêxa đã nghe nhiều về một tôn giáo nặng giáo điều, lạm dụng hình phạt và chuộng hình thức cơ cấu. Chị cũng nghe có một Thiên Chúa quan tòa thẳng tay trừng trị và một tôn giáo hay dùng hoả ngục để nạt nộ, đe loi. Tôn giáo và Thiên Chúa ấy đáng sợ hơn đáng yêu, dễ thịnh nộ báo thù hơn khoan hồng, thương xót. Và người ta không còn muốn tin ở tôn giáo ấy nữa vì ở đó có một thiên chúa độc tài đáng sợ.

Với tự do làm con, chị đã khám phá dung nhan đích thực của Thiên Chúa, cha mình qua Tin Mừng. Chị đã nhận ra dung mạo thực của Thiên Chúa từ lâu bị che dấu, bóp méo, bôi bác, vẽ vời sai lạc để rồi càng ngày hình ảnh Thiên Chuá càng bị tổn thương, phá hủy đến nỗi trở nên xa lạ, dị hợm trước con người.. Với tự do của con cái, chị đã khám phá một Thiên Chúa khác qua Tin Mừng : một Thiên Chúa là cha.

b. Têrêxa đã diễn tả tình yêu của mình đối với Thiên Chúa một cách tự do,

Không cầu kỳ, khách sáo. Chị nói với Chuá như tâm sự với một người tình. Chị chia sẻ không úp mở với Chúa tất cả tâm tư, trạng thái tâm hồn, công việc đời thường, ước mơ, thao thức bằng ngôn từ dễ dãi, đơn sơ, không « hoa lá cành, cải lương bóng gió » hay « rào trưóc đón sau » và tương quan giữa chị với Chuá luôn trực tiếp, trực diện.

3. Gần người trẻ vì luôn lạc quan, hy vọng

Tuổi trẻ là thời tràn đầy nhựa sống. Sở dĩ nhựa sống đầy tràn vì tuổi trẻ luôn lạc quan hy vọng. Lạc quan hy vọng là dấu hiệu của người yêu đời, ham sống ; là nguồn nghị lực của những người đã tìm ra ý nghĩa và giá trị cuộc đời ; là lời hứa vững chắc, đáng tin cậy của những bàn chân đang đi tới ; là bảo đảm an toàn của hạnh phúc cho cộng đồng nhân loại. Đời vui nhờ lạc quan. Người vui nhờ hy vọng. Tuổi trẻ ham vui, thích vui, tìm vui nên lạc quan, hy vọng. Chính trong hy vọng và với tinh thần lạc quan, người trẻ mới có thể đảm đang trách nhiệm gánh vác tương lai ; cũng niềm hy vọng, lạc quan đó cho họ hưng phấn để dấn thân yêu thương, phục vụ.

Chị Têrêxa là người lạc quan trong mọi hoàn cảnh và luôn sống niềm hy vọng. Với chị, mọi biến cố dù bi thảm, trái ý đến đâu cũng không ngoài chương trình quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ muốn sự dữ cho ai. Có lúc Thiên Chúa xem như vắng mặt, bỏ rơi, quên lãng chị…Rơi vào những tình huống tang thương, bẽ bàng mà Têrêxa gọi là những đêm đen Đức Tin, ở đó niềm hy vọng vào Thiên Chuá là cha của chị càng mãnh liệt gia tăng. Chị bám víu vào Đấng chị yêu với niềm hy vọng tuyệt đối để rồi niềm hy vọng trong tình yêu ấy đã là núi đá cho chị nương thân và bến bờ cho chị an bình ngơi nghỉ. Với hy vọng, lạc quan trong Chúa, chị gọi những đêm đen thử thách là thời khắc đợi chờ, như đợi chờ người yêu, đợi chờ an bình, đợi chờ được âu yếm, cưng chiều bởi một Đấng có trái tim và tình yêu lớn hơn trái tim và tình yêu của chị.

Hy vọng là đặc điểm của tình yêu, nên yêu nhau là hy vọng ở nhau. Một ngày không còn cho nhau hy vọng hay không còn là hy vọng của nhau, ngày đó sẽ là ngày tàn của tình yêu, ngày chết của một cuộc tình. Với Têrêxa, « Tình yêu không bao giờ chết », nên niềm hy vọng, cậy trông cũng không bao giờ được phép đầu hàng, đào ngũ. Tình cha không bao giờ cạn, nên hy vọng, lạc quan của con cái không có lý do cháy rụi, tiêu tan. Hơn ai hết, chị thánh đã sống tâm trạng của giới trẻ và cùng với họ bước đi trên đường tình yêu - hy vọng.

Thế giới hôm nay là thế giới cạnh tranh tiêu thụ nên những gì hoành tráng, vĩ đại thường được ưa chuộng, tìm kiếm. Thế giới ấy không còn để tâm đến những con người bé nhỏ, không đem lại lợi nhuận; càng không đoái hoài những chuyện vụn vặt, thường ngày không đổ được vào trương mục những khoản tiền dễ dãi, kếch sù.

Say mê « làm giả, ăn thiệt » và cuộc đời sặc mùi sân khấu, thế giới không còn khả năng và can đảm tìm kiếm và đối diện sự thật, cả những sự thật căn bản về mình và sự thật trong mọi tương quan.

Thế giới tranh giành quyền lực, và kèn cựa từng phân ly ảnh hưởng nên đánh mất khả năng khiêm tốn lắng đọng để nhận ra nét đẹp « bé nhỏ trong những nhỏ bé », những nét đẹp không gì so sánh được như nụ cười của em bé, khóe mắt long lanh của người thiếu nữ lần đầu yêu, dáng đứng trông ngóng con của mẹ già buổi chiều đầu ngõ.

Thế giới thực dụng, vật chất đang đánh mất chính mình vì mải mê « ăn to nói lớn » nên không còn khả năng tinh tế để cảm nhận nét tuyệt mỹ của cánh hoa đồng nội bé bé, xinh xinh, hay nét đơn sơ của lòng tốt nơi chén cơm dưa muối được chuyền tay chia sẻ giữa chị em công nhân nghèo trong nhà trọ tồi tàn khu công nghiệp.

Thế giới kiêu hãnh của những « con ông cháu cha », thế giới ngông cuồng, kiêu sa của các « ông trời, bà chúa » làm sao còn đủ tinh anh để thấy những gì là thanh cao trong giọt mồ hôi của bà cụ quét chợ, những gì là trong sáng trên vầng trán cháy nắng của chú xe ôm.

Thế giới hôm nay đang mất nhiều… cái mất nhiều và lớn nhất chính là tình yêu. Mất tình yêu, thế giới mất hết con người… vì sống « không tình », con người không thể chấp nhận nhau là đồng loại và không nhận mình được sinh ra từ một Tình Yêu, mang chung một hình ảnh Tình Yêu duy nhất. Thiếu tình, thế gìới loài người phải hư vong vì ngòai tình yêu, không gì kết nối, quy tụ, hiệp nhất được con người ; cũng không gì làm con người có thể sống chung hoà bình và đồng hành hạnh phúc. Kinh nghiệm sống cho thấy, một trong những nguyên nhân lớn giết chết tình yêu chính là đánh mất ý thức về giá trị của những việc nhỏ, chuyện nhỏ trong đời thường của hai người yêu nhau. Đời thường với những chuyện nhỏ, việc nhỏ chính là chiếc nôi bảo vệ Tình Yêu, đất tốt cho Tình yêu mọc, khí trời cho tình yêu sống, phân bón cho tình yêu kết trái trổ bông. Không quan tâm những việc nhỏ, chuyện nhỏ trong đời sống của nhau sẽ dẫn đến tình trạng xa nhau, bỏ nhau vì tình yêu không đâm sâu rễ trong đới thường và sẽ bị bật gốc, tróc rễ, chết yểu. Tình yêu sống nhờ lương thực « bé như hạt cơm, nhỏ như giọt sữa », như những con người yêu nhau cần ở nhau những nụ hôn, những âu yếm vuốt ve, những dấu ái chiều chuộng, những ánh mắt cảm thông, những lời ngọt ngào, chia sẻ. Tất cả tuy nhỏ bé, ngắn ngủi, đơn sơ, dễ thực hiện, nhưng là điều kiện không thể thiếu cho Tình yêu sống.

Con người cần tình yêu. Tình yêu cần « tinh tế, nhỏ bé, đơn sơ, ý nhị ». Tình « ăn to nói lớn », khoác lác, nổ banh thây, tan xác người khác hay tình kiêu hãnh, ngông cuồng, sống sượng không thể là tình thật, vì không mang dáng dấp của tình yêu đích thực. Nó chỉ có thể là một trong những thứ tình vờ vĩnh đào mỏ, tình giẫy chết phòng trọ, tình xòng phẳng đôla, tình gỡ gạc đêm vắng, tình chim chuột cuối đường, tình chợ trời chụp giật, tính trồi sụt hối đóai, tình lên xuống kim hoàn, tình lấp liếm dối gian, tình hên xui đen đỏ…

Để có tình yêu đích thực, ta phải lên « Đường » nhỏ bé, đơn sơ, hiền lành ; phải chọn Đường khiêm tốn, phó thác; phải nhập cuộc bằng con Đường kiên nhẫn, hy sinh ; phải đón nhận những đoạn Đường không còn thấy gì ngoài chút ánh sáng cậy trông ; và sau cùng phải nhẹ nhàng bước đi trên Đường với hành trang lạc quan Hy Vọng.

Ngoài con đường tình thơ ấu thiết tưởng sẽ không còn đường nào ngắn hơn, nhanh hơn, dễ hơn, thuận tiện hơn. Đó chính là đường nên thánh rất « bé nhỏ » của thánh trẻ Têrêxa, Lisieux rất nhỏ bé.