Yangon - Sự hiểu biết lẫn nhau và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu: đó là hai nguyên tắc hướng dẫn của khóa huấn luyện thứ hai về đại kết, được tổ chức ngày 20-9 bởi Tổng Giáo Phận Yangon và có sự tham dự của khoảng 100 Kitô hữu Myanmar.

Giới thiệu khóa học, Tổng Giám mục Charles Bo, Tổng giám mục thủ đô cũ của Myanmar, nói về "sự mong muốn và nhu cầu thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”. Theo vị giám chức, hai yếu tố này là chìa khóa để "làm việc với nhau về các vấn đề quan tâm mục vụ và quan tâm xã hội”.

Lời kêu gọi như thế cũng được đưa ra bởi U Tin Maung Win, lãnh đạo của giáo hội Baptist ở thị trấn Nam Dagon, khi ngài nói rằng việc huấn luyện “giúp đối thoại và thảo luận trong các giáo hội Kitô giáo, và cổ vũ công tác trong tương lai".

Trong cuộc họp mặt, các lãnh đạo tôn giáo đã nhiều lần lưu ý tầm quan trọng của sự tham gia cộng đồng Kitô giáo trong việc xây dựng đất nước, vốn đã bắt đầu trên một cuộc hành trình chậm hướng tới các nguyên tắc dân chủ và cải cách kinh tế, sau nhiều thập kỷ của chế độ độc tài quân sự.

Vấn đề này cũng được đề cập bởi Đức Tổng Giám Mục Bo, khi Ngài nói rằng Giáo Hội cần đóng một vai trò tích cực - cùng với các nhà lãnh đạo chính trị - trong việc theo đuổi các thay đổi mong muốn trong đất nước Myanmar trước đây.

Đức Tổng Giám mục tổng giáo phận Yangon phát biểu: “Các nhà lãnh đạo chính trị phải mời các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia lực lượng, để cải thiện tình hình của đất nước”, nhưng ngài nói thêm rằng dường như chính phủ không muốn sự giúp đỡ này. Ngài nói thêm: “Tôn giáo tại Myanmar đã bén rễ sâu trong nền văn hóa của chúng ta. Do đó, các nhân vật lãnh trách nhiệm chính trị cần phải lắng nghe các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của tất cả các tôn giáo".

Cuộc họp, với sự tham dự của hàng trăm vị lãnh đạo Kitô giáo, được tổ chức tại nhà thờ Thiên Chúa Ba Ngôi của Anh giáo, kết hợp với Ngày Quốc tế Hòa Bình được Liên Hiệp Quốc triệu tập.

Daw Yin Yin Maw, Chủ tịch của Hội đồng các Giáo Hội ở Myanmar, đã mời gọi các tín hữu "hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình đất nước". Bà nói: “Chúng ta không còn bị cô lập trong một thời đại của sự thay đổi lớn”. Nhà lãnh đạo Kitô giáo này đánh giá các bước thực hiện là "tích cực", mặc dù "chậm", và đường hướng tương lai "là không rõ ràng lắm". (AsiaNews 23-9-2011)