TRÁI TIM TÌNH YÊU NHẬP THỂ

Trong cuộc đời của chúng ta có hai điều quan trọng nhất, đó là sự sống và tình yêu. Sự sống cho chúng ta hiện hữu trong cuộc đời này. Còn tình yêu cho chúng ta ý nghĩa của sự sống và hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu thiếu một trong hai điều quan trọng nhất đó thì không gọi được là cuộc sống. Bởi lẽ, không có sự sống thì làm sao có sự hiện hữu và sự sống mà mất ý nghĩa thì sống cũng chỉ như chết.

Sự sống là thuộc về Thiên Chúa ban cho, và vì thế, khi con người có mặt ở trong cuộc đời này, họ bắt đầu hấp thụ rất nhiều. Họ hấp thụ về môi trường xung quanh trong lĩnh vực vật chất; họ hấp thụ kiến thức trong lĩnh vực văn hóa, tinh thần; và họ hấp thụ tình yêu trong lĩnh vực thiêng liêng. Bởi vì tình yêu vừa tự nhiên vừa siêu nhiên. Tình yêu cho con người ý nghĩa của đời sống. Có rất nhiều người thất tình mà quyên sinh, vì họ thấy “sống cũng chẳng còn ý nghĩa gì”. Sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản hôm 11.3.2011 vừa qua, có nhiều người đã tìm đến tự tử. Họ thoát được sóng thần, thoát được động đất, nhưng khi họ thấy vắng thiếu tình yêu vì họ đã thấy mình mất tất cả: mất người thân, mất nơi ở, mất hết cả niềm hy vọng... Sống cũng bằng chết nên họ tìm đến cái chết để giải thoát. Điều đó cho chúng ta thấy được rằng: Tình yêu là tố chất quan trọng để tạo nên ý nghĩa của cuộc sống và cho con người sống hạnh phúc giữa gia đình và giữa cuộc đời.

Vắng thiếu tình yêu, cũng như thế giới này vắng thiếu mặt trời, người ta không gọi là ngày mà người ta gọi là đêm. Tình yêu vừa tự nhiên và cũng vừa siêu nhiên. Vì tình yêu không chỉ cho con người ý nghĩa sự sống mà còn cho con người hạnh phúc đời đời nữa.

“Tình yêu Chúa thật vô cùng phong phú
Động mặt trời, tinh tú với không trung” (Dante)
Con biết đâu diễn tả hết cho cùng
Càng yêu mến, càng chấn rung khát vọng
Trong say đắm cảm thấy mình cháy bỏng,
Lúc lao sâu lại thấy chóng trôi qua
Tình yêu gần mà cũng rất thật xa
Luôn sôi sục lại chan hoà êm dịu
Người tình yêu luôn thấy mình gánh chịu
Vết thương lòng vì khó hiểu tình yêu
Rất tự nhiên mà cũng rất cao siêu
Tưởng chiếm trọn mà lại đều không được
Bị thu hút, lao sâu vào chiến cuộc
Tình yêu dần từng bước thắng người yêu
Vết thương lòng từ đó cứ ăn sâu
Người yêu thấy khổ đau vì yêu mến.


Chúng ta diễn tả một vài nét về tình yêu để thấy được rằng, tình yêu gần mà cũng rất thật xa. Chúng ta tưởng chiếm được nhưng mà lại là không được. Vậy thì tình yêu là một khái niệm trìu tượng, mà tình yêu cũng là một điều gì làm cho người ta thực tế những cảm nghiệm của cuộc sống. Nếu chúng ta muốn diễn tả một tình yêu với khái niệm trìu tượng thì không có gì có thể chuẩn mực hơn thánh Gioan – nhà thần học số một đã định nghĩa rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 16). Cho nên tình yêu là một sự sâu thẳm, là một sự vô cùng đến tận Thiên Chúa thì làm sao con người hiểu được. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa sâu thẳm và tận cùng ấy, hôm nay lại mặc lấy con người bằng xương bằng thịt, bằng trái tim tình yêu của con người để con người có thể hiểu được. Đó là ý nghĩa của lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thiên Chúa yêu chúng ta và chúng ta yêu Thiên Chúa. Tình yêu ấy được diễn tả bằng một mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa. Từ ngàn ngàn năm của Cựu Ước, mối tương quan đó được diễn tả bằng những hình ảnh nào là sấm sét trên núi Sinai; nào là ban ngày thì cột mây, ban đêm thì cột lửa để dẫn dân đi trong sa mạc; nào là manna từ trời rơi xuống để nuôi sống dân... Đó là những gì thể hiện tình yêu của Thiên Chúa cho con người. Còn con người thì giết chiên, bò, lừa để lấy máu nó hiến tế cho Thiên Chúa những muốn bày tỏ tình yêu của mình, bởi máu là biểu hiện của sự sống, lấy sự sống của máu chiên bò tượng trưng cho sự sống của mình để tế lễ Thiên Chúa. Những mối tương quan qua lại đó đã diễn ra cả một quá trình lịch sử của Cựu Ước ngàn ngàn năm.

Trong thư Do Thái đã cho chúng ta một công thức tuyệt vời: “Thủa xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Nhưng đến ngày sau hết, tức là những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con” (Dt 1, 1). Như vậy, Thiên Chúa là thiêng liêng, là vô cùng, là sâu thẳm, hôm nay lại mặc lấy xác người ở giữa chúng ta và mang một trái tim của nhân loại. Thực tế đến mức là trái tim ấy bị đâm thủng và chảy những giọt máu với nước đến cuối cùng trên Thập Giá. Như vậy, chúng ta chiêm ngắm từ vô cùng là tình yêu của Thiên Chúa đi đến tận cùng là trái tim nhân loại trong người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô. Bởi vậy, không có nét nào diễn tả tình yêu vừa cao siêu lại vừa rất thực tế; vừa vô cùng sâu thẳm mênh mang lại vừa rõ ràng, cụ thể bằng tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu nhân loại đến mức có thể mở toang trái tim bằng xương bằng thịt của mình trong con người nhân loại để cho chúng ta thấy và đưa chúng ta vào chiều sâu đến mức, gọi là: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha thì con cũng cầu xin cho chúng nên một trong chúng ta” (Ga 17, 23). Làm sao chúng ta có thể hiểu sự sống được hòa nhập vào trong Thiên Chúa Ba Ngôi như vậy? Từ Trái tim đâm thủng máu và nước chảy ra phát sinh các bí tích là kho tàng để trao ban cho Hội Thánh, dễ hiểu là thế, chiêm ngắm được là thế và có thể nắm bắt được là thế. Đến tình yêu là sự sống của chính Thiên Chúa Ba Ngôi đều là tình yêu, đều là tình yêu !. Bởi vậy, người nào nghĩ rằng mình là người có thể trao ban tình yêu cho người khác? Ai có thể nghĩ rằng mình nắm bắt được tình yêu của người khác, hút hồn của người khác, chiếm lòng của người khác... Tất cả chỉ là những khái niệm của cá nhân.

Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta bài học: Đứng trước tình yêu, điều quan trọng nhất là khiêm nhường. Sự khiêm nhường biểu hiện biết mình và biết người. Cho nên Chúa Giêsu mang trái tim của con người thì lời mời gọi chính thức của Người là: “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng” (Mt 11, 29). Chỉ có sự khiêm nhường mới nhận thức được giá trị của tình yêu. Còn mọi tự mãn kiêu căng, mọi trung tâm và cá tính, mọi ốc đảo và ích kỷ đều phá tán tình yêu. Chính vì tình yêu dành cho những ai biết cảm nhận và chỉ có tình yêu mới đáp đền được tình yêu. Cho nên lễ Thánh Tâm hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta đến để chiêm ngắm. Đức Cố Hồng y Fx Nguyễn Văn Thuận đã nói với chúng ta qua Đường Hy Vọng rằng: “Quả tim con không phải bằng đá. Quả tim của con không phải bằng đá. Quả tim của con quí báu vì nó bằng thịt. Hãy can đảm cầm Thánh Giá cả hai tay mà cắm vào đó”( ĐHV 445). Một trái tim bằng thịt, biết nhận thức và hãy cầm Thánh Giá bằng cả hai tay mà cắm vào đó, đó là một trái tim đáp đền tình yêu hiến tế của Đức Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Chỉ có con người mới có được hành vi nhân linh đó. Còn tất cả thế giới này muôn màu muôn vẻ, đẹp mĩ miều bao nhiêu, thế giới động vật phong phú đa dạng bao nhiêu, tất cả cũng chỉ là con số không. Vì vậy, trái tim bằng thịt có cây Thánh Giá ở đó trở thành của lễ hiến tế, Chúa đòi mời chúng ta điều đó. Nên không chỉ là chiêm ngưỡng, không chỉ là diễn tả, không chỉ là lễ nghi mà lễ Thánh Tâm Chúa Giê su mời gọi chúng ta đi vào trong Trái Tim Tình Yêu của Chúa bằng đời sống của mình là hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, bằng một tình yêu để đáp đền tình yêu, cho dẫu tình yêu của chúng ta chỉ là một giọt nước so với biển bao la, một hạt cát trong sa mạc mênh mông. Nhưng hạt cát đó, giọt nước đó, Chúa dạy: “Phải yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn” (Lc 10, 27). Cái “hết” của Thiên Chúa là một cái hết mầu nhiệm lạ lùng đến nỗi Con Thiên Chúa nhập thể làm người vâng lời cho đến chết và chết trên Thập Giá, mở trái tim để chúng ta thấy lại hình ảnh khi tạo dựng Thiên Chúa đã lấy xương sườn của Adam tạo dựng Eva, và hôm nay, từ cạnh sườn bị đâm thâu qua của Đức Giêsu Kitô – được gọi là Adam mới – mà phát sinh ra các bí tích, là Hội Thánh, hiền thê của Chúa Kitô được lãnh nhận từ đó. Chính vì vậy mà chúng ta được mời gọi đi vào trong mầu nhiệm này, mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến tận cùng và Thiên Chúa cũng chỉ mời gọi chúng ta là đáp lại hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn theo giới hạn của chúng ta. Hai cái hết đó làm sao nội dung mà bằng nhau được, nhưng mà hình thức đều là “hết”. Vì vậy, Chúa đánh đổi nội dung lấy hình thức của chúng ta. Chúa đánh đổi tình yêu của Thiên Chúa là sự sống đời đời lấy sự sống mỏng giòn của nhân loại chúng ta. Chúa đổi ánh sáng lấy bóng tối. Chúa đổi Chiên Thiên Chúa để gánh lấy tội trần gian. Chỉ có tình yêu mới làm nên những điều đảo lộn trời đất như vậy.

Ngày hôm nay, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã cho chúng ta hiểu được tại sao nhà thơ Ý Dante lại nói rằng: “Thiên Chúa là tình yêu và chính tình yêu của Chúa đã làm chuyển động mọi tinh tú trong vũ trụ này”. Không những vũ trụ vật chất chúng ta quan sát thấy mà cả vũ trụ thiêng liêng, Thiên Chúa xuống thế làm người để con người có thể đi vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu,
Chúng con không thể hiểu nổi
nhưng chúng con lại cảm nghiệm thấy rõ ràng
và hơn bao giờ hết tình yêu của Chúa.
Vì vậy, xin cho chúng con chỉ còn có biết một điều
là lấy tình yêu nhỏ nhoi của chúng con
đáp đền tình yêu vô cùng của Chúa.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng.
Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.
Lạy Trái Tim Chúa Giê su bị đâm thâu trên Thập Giá
đã đổ máu và nước ra để phát sinh các bí tích cho Giáo Hội
ễin cho chúng con được sống ý nghĩa,
được hưởng hạnh phúc Chúa trao ban
và đạt tới sự sống chiều sâu trong tình yêu thẳm vời
của Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha và Con, và Thánh Thần. Amen.


LM. Phêrô Hồng Phúc