Trên đường về trời, người môn đệ Chúa luôn hướng về Chúa. Có một sức thiêng thường xuyên thu hút lòng họ đến với Chúa. Họ không biết lúc nào sẽ bước vào cõi sau. Nhưng bất cứ lúc nào còn trên cõi đời này, họ vẫn cảm tạ Chúa nhân lành.

Việc cảm tạ của họ nhắc lại những biến cố đời họ. Đặc điểm của những biến cố đó là sự Chúa can thiệp vào đời họ. Sự can thiệp của Chúa được họ cảm nghiệm một cách sống động và riêng tư. Họ nếm được niềm vui linh thiêng của tình yêu Chúa dành cho họ.

Vì đề cập đến tình yêu, họ cảm tạ Chúa một cách thân mật nhẹ nhàng và khiêm tốn. Trong cảm tạ vẫn có sám hối và phó thác.

Ở đây, xin được phép chia sẻ một số khởi điểm, từ đó xuất phát tâm tình cảm tạ.

1. Cảm tạ, vì được Chúa cứu chữa

Cuộc đời người môn đệ Chúa có nhiều quãng rất nguy hiểm. Đã từng đứng trước vực thẳm thất vọng. Đã từng trải qua sóng gió có thể chết chìm. Đã từng bị sư tử, sói dữ săn đuổi để cắn xé. Những trường hợp như thế kéo dài. Tưởng chừng không sao thoát chết. Nhưng họ đã được Chúa cứu. Chúa đến một cách bất ngờ. Chúa cứu một cách lạ lùng. Người môn đệ Chúa như được chạm vào bàn tay vô hình của Chúa. Họ trở về với Chúa mỗi ngày mỗi thiết tha hơn, đó là cốt yếu của lòng cảm tạ.

Họ được cứu chữa không phải một lần. Có thể nói sự cứu chữa của Chúa vẫn được thực hiện mỗi ngày. Bởi vì con người có bao giờ là hết yếu đuối.

Đến đây, xin nói về sự Chúa cứu họ khỏi những hiểm nguy đối với phần rỗi trong bản thân họ.

Xưa, nhiều người đã khoe là họ đã nhân danh Chúa mà nói tiên tri, mà trừ quỷ, mà làm nhiều phép lạ. Thành tích quá nhiều và xem như tốt lành. Nhưng Chúa đã không bằng lòng, hơn nữa Chúa còn mắng trách "Ta không hề biết các ngươi. Hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác" (Mt 7,23). Bởi vì họ không làm theo thánh ý Chúa.

Nay, cái nhìn chủ quan, tự hào về thành tích vẫn còn. Người môn đệ Chúa nhiều khi mắc chứng bệnh đó một cách trầm trọng mà không hay biết. Nhưng Chúa biết, Người đã và đang cứu chữa họ. Không phải mọi môn đệ Chúa đều đón nhận, hoặc có đón nhận nhưng chậm và không trọn vẹn. Vì thế, trong cảm tạ họ vẫn phải sám hối khiêm nhường và xin ơn tỉnh thức, để biết làm mọi việc theo thánh ý Chúa.

Ngoài ra trong con người thường có nhiều sự ác ẩn khuất. Chúng chôn vùi dưới lớp sâu tiềm thức. Những sự ác đó là một chuỗi dài phức tạp, như những tham vọng, những ảo tưởng, những bất mãn, những tổn thương trong các liên hệ, những định kiến, những ghen tương, những tự đắc. Chúng có thể ví như những siêu vi trùng khó phát hiện nhưng phá hoại sức khoẻ thân xác con người một cách tàn bạo. Cũng vậy, những sự ác giấu ẩn chìm sâu trong đáy lòng con người vẫn là một lực lượng xấu có sức đẩy chúng ta sống sai thánh ý Chúa. Chúng cần phải được khống chế. Ai có thể làm chuyện đó?

Thánh Phaolô, sau khi khiêm tốn nói ra cảnh xung đột khốc liệt trong nội tâm mình, đã kết luận: "Tôi là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 7,24).

Đúng vậy, chỉ có Đức Giêsu Kitô mới có thể cứu chúng ta. Các môn đệ Chúa hôm nay phải xác tín sự thực đó. Nhưng biết bao lần chúng ta đã không cộng tác với Đức Kitô trong việc cứu độ đó. Tuy nhiên, Chúa vẫn không ngừng ban ơn cứu độ. Chúng ta hết lòng cảm tạ Chúa. Trong cảm tạ, chúng ta sám hối về những lỗi phạm đến ơn cứu độ. Chúng ta phó thác thiện chí quyết tâm của chúng ta cho Chúa nhân lành.

2. Cảm tạ, vì được Chúa ủi an

Thánh Phaolô viết: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi thương xót, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách" (2 Cr 1,3-9).

Sự ủi an, mà thánh Phaolô nói ở đây là sự ủi an trong những gian nan thử thách. Chứ không phải là sự ủi an trong những thành công.

Các môn đệ Chúa hôm nay cần nhận định về thứ ủi an trong những cơn khổ cực mình gặp. Những khổ cực đó có thể là "những dồn ép, những hoang mang, những ngược đãi, những quật ngã", nói tắt là "chính cuộc thương khó của Chúa Giêsu" mà thánh Phaolô đã nói về chính mình (x. 2 Cr 4,8-10).

Chỉ những ủi an nâng đỡ trong gian khổ mới có sức làm chứng cho Chúa. Niềm ủi an được người môn đệ Chúa cảm nghiệm như một nỗi vui mừng chan chứa. "Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó" (2 Cr 7,4).

Họ vui, vì thấy mình được Chúa ban ơn thêm sức để luôn trung thành với bổn phận Chúa trao, cho dù họ bị đe doạ, chống đối, cản ngăn.

Họ vui, vì thấy mình hèn yếu mà lại được Chúa yêu thương nâng đỡ. Mình chỉ là một chiếc bình sành dễ vỡ, thế mà Chúa lại dùng để đựng một kho tàng vô giá là sứ điệp của tình thương Chúa vô biên vô bờ.

Họ vui, vì những ủi an họ nhận được từ Chúa, lại được họ chia sẻ cho những người khác, để mọi người khổ đau đều đón nhận được hy vọng, tình yêu, ân sủng và sự sống.

3. Cảm tạ Chúa, vì được Chúa sai đi

Người môn đệ Chúa vâng lời Chúa dạy: "Anh em đã nhận được nhưng không, thì cũng hãy cho đi nhưng không" (Mt 10,8). Đó là sai đi.

Điều mà họ muốn cho đi hơn hết là niềm tin cậy tuyệt đối vào Đức Giêsu Kitô. Khi họ nhận được ơn cứu độ và niềm an ủi đỡ nâng, họ đã gặp được Đức Kitô. Được gặp Đức Kitô, họ nhận lãnh được sự cứu độ, sự sống, ân sủng và tình yêu. Họ thấy mình có hy vọng chắc chắn sẽ được về với Cha trên trời.

Vì thế, họ dám quả quyết như thánh Phaolô: "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rơm rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người" (Pl 3,8-9).

Được biết Đức Giêsu Kitô là nhận lãnh một ân huệ lớn lao. Thánh Phaolô viết: "Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để nên vô hiệu" (2 Cr 6,1). Họ nhận thức bổn phận chia sẻ đó là thiêng liêng cao cả và đem lại ơn cứu độ.

Lúc nào họ sẽ thực hiện trách nhiệm chia sẻ đó? Thưa bất cứ lúc nào cũng là thời gian thuận tiện. Người môn đệ Chúa sẽ nói: Ngay bây giờ. Cách chia sẻ sẽ linh động, nhưng bao giờ cũng là làm chứng về Chúa do động lực của Chúa Thánh Thần.

Vì thế, trong cảm tạ Chúa, họ ra đi loan báo Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Họ không ngừng cầu khẩn. Họ tin Chúa đoái nhìn đến họ. "Nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người" (Lc 11,13).

Lạy Chúa, con xin cảm tạ Chúa đã không ngừng thanh luyện con, để đời con sẽ là bài ca cảm tạ đầy những cảm nghiệm về Chúa, có sức làm chứng cho Chúa, dọn đường cho Đức Kitô là Tin Mừng cứu độ.