Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức kỳ thứ 27

Ðại Lễ Chúa Thánh Thần

Lễ Chúa Thánh Thần luôn là đỉnh cao của Ðại Hội Công Giáo Việt Nam tại Ðức mà Hội Ðồng Tuyên Úy, và ban tổ chức Ðại Hội muốn đạt tới.

Lễ Chúa Thánh Thần không những là một Ðại Lễ trong lịch phụng vụ Giáo Hội, kính mừng biến cố các Tông Ðồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong buổi khai sinh Giáo Hội mà còn là một biến cố trong giáo hội ngày nay. Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động và hướng dẫn Giáo Hội cũng như mỗi tín hữu trong cuộc sống hằng ngày, qua việc lãnh nhận các Bí Tích, qua việc học hỏi Lời Chúa, qua các cuộc tĩnh tâm linh thao, qua đời sống cầu nguyện...đặc biệt trong những biến cố lớn của Giáo Hội, như Ðại Hội Công Giáo VN tại Ðức kỳ thứ 27 này.

Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy trên chúng ta những Ơn mà chúng ta tha thiết cầu xin cũng như giúp chúng ta đạt được những mục đích mà Ðại Hội muốn đạt tới.

Trước đại lễ Chúa Thánh Thần, Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo đã thuyết trình về đề tài “Hội Ngộ Niềm Tin“ từ 9g30 tới 10g45 với những suy tư chính yếu về:

-Vấn đề truyền đạt đức tin cho thế hệ mai sau: Thế hệ trẻ ngày nay bị hụt hẫng trong tiến trình trưởng thành vì 4 mối liên hệ chính yếu: gia đình, cộng đoàn, học đường và bạn bè đang gặp khủng hoảng và khó khăn. Do đó cần sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và các cộng đoàn. Đức Ông cũng mời gọi các bạn trẻ hăng hái dấn thân cho Chúa trong ơn gọi linh mục tu sĩ. Mời gọi mỗi gia đình trở thành vườn ươm ơn gọi.

-Vấn đề giáo dục con cái: Cha mẹ phải giáo dục con cái bằng gương sáng, bằng sự hiến diện, bằng hy sinh. Phải cố gắng xây dựng một bầu khí tin yêu trong mối liên hệ giữa con cái- cha mẹ, giữa vợ chồng... Gia đình phải là trường học đức tin đầu tiên.

-Cộng đoàn giáo xứ: là gia đình giáo hội, có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy đời sống đức tin. Sống đạo và hội nhập văn hóa của người Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại cần chú tâm đến 3 yếu tố: Công Giáo, Việt Nam và Địa phương.

-Công tác truyền giáo: đó là ơn gọi và nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu, của mỗi gia đình và cộng đoàn. Là con cháu, chúng ta mang trong mình dòng máu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nên phải trung tín với truyền thống đức tin hào hùng. Cộng ĐỒNG CGVN hải ngoại phải là “bàn chân nối dài của các THÁNH Tử Đạo Việt Nam“

Sau cùng, đức ông cũng trình bầy qua về Tuần Hội Ngộ Niềm Tin tại ROMA vào mùa hè 2003 sắp tới và mời gọi mọi người cầu nguyện và tích cực tham gia.

Riêng với CỘNG Đoàn CGVN tại Đức, Đức Ông đã đặc biệt đưa ra ba thách đố chính:

1. Thách đố hiệp nhất: nối kết hiệp nhất giữa các thành phần Dân Chúa, giữa các gia đình, giữa các cộng đoàn giáo xứ, để cộng tác với các cộng đoàn CGVN tại Âu Châu và trên thế giới.

2. Thách đố 2: cộng tác với các chương trình chung của CĐCGVN hải ngoại

3. Thách đố 3: mời gọi nên thánh.

11giờ trên 3000 tham dự viên đại hội đã có mặt trong hội trường với những y phục trang trọng, nét mặt vui tươi, và như đang đón chờ một sự kiện sắp sửa xảy ra trong đại hội.

Sau phần nguyện kinh, qúy Ðức Ông và qúy Cha đã được các em thiếu nhi, đoàn dâng hoa rước lên lễ đài, nơi sẽ cử hành Ðại Lễ Chúa Thánh Thần. Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo chủ tế thánh lễ đã cùng Ðức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương và 13 cha đã cùng đồng tế Ðại Lễ Chúa Thánh Thần.

Bài ca nhập lễ : Xin Thánh Thần Chúa Hãy Ngự Ðến được cất lên từ ban Thánh Ca đại hội đã hướng tâm hồn mọi tham dự viên đại hội đến với Thiên Chúa, đến với Chúa Thánh Thần. Với lòng cung kính Ðức Ông Giuse đã xông hương bàn thờ, Thánh Giá và tượng Ðức Mẹ Thánh Du La Vang.

Ðội dâng hoa thiếu nhi đã dâng lên Mẹ Maria La Vang những đoá hoa, những ngọn nến rực cháy và với tấm lòng của các em đối với Mẹ La Vang qua lời nguyện của một em thiếu nhi rất cảm động như sau : „ Lạy Mẹ Maria, hôm nay chúng con đến đây dâng những tâm hồn đơn sơ và những bông hoa bé nhỏ. Chúng con yêu mến Mẹ, chúng con chúc tụng Mẹ „

Trước khi cử hành thánh lễ, Ðức Ông chủ tế đã nhớ đến Ðức Thánh Cha Gioan Phalô II đang công du mục vụ tại Croatia và xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ Ngài để cho các sứ điệp Ngài có thể đến được với tâm hồn mọi người. Ðại hội cũng nhớ đến Giáo Hội quê hương Việt Nam thân yêu. Chúng ta cũng nhớ tới tất cả cộng đồng Công giáo VN hải ngoại và đặc biệt nhớ đến các anh chị em công giáo VN tại Ðức Quốc không có mặt nơi đây, nhớ đến các vị cao niên, những người đau ốm, bệnh tật hay đau khổ bất cứ trên phương diện nào. Chúng ta nhớ đến tất cả mọi người và dâng lên Thiên Chúa.

Sau khi Ðại Hội được lắng nghe lời Chúa qua đoạn trích từ Lời Chúa trong Sách Công Vụ Tông Ðồ, Thư Thứ I của thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô, và Lời Chúa qua Tin Mừng theoThánh Gioan. Toàn thể Ðại Hội đã được nghe lời chia sẻ của Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo ghi lại nguyên văn như sau :

„ Như Thầy đã sai các con, như Cha thầy đã sai thầy thế nào, thì Thầy cũng sai các con như vậy.“

Liền sau đó Chúa Giêsu nói: „ Các con hãy nhận lãnh lấy Chúa Thánh Thần “

Chúa ban Thánh Thần của Chúa cho các Môn Ðệ của Ngài để các Môn Ðệ của Ngài sống và có khả năng làm chứng cho Tin Mừng và tiếp tục sứ mệnh mà Chúa đã bắt đầu. Chúa Thánh Thần chúng ta không thấy được. Ví như gió, chúng ta không biết đến từ đâu và đi nơi nào, nhưng mà chúng ta có thể cảm được. Chúng ta không thấy Chúa Thánh Thần nhưng cảm thấy sự hiện diện của Ngài. Ðâu có tình thương yêu là ở đó chắc chắn có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ðâu có sự tha thứ, ở đó có kết qủa của hành động và sự hiện của Chúa Thánh Thần. Ðâu có sự hiệp nhất thương yêu, qúy mến lẫn nhau, ở đó có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

Tôi muốn dùng một hình ảnh ngồ ngộ để ví Chúa Thánh Thần. Thánh Kinh dùng rất nhiều hình ảnh để diễn tả Chúa Thánh Thần. Có một hình ảnh Thánh Kinh không nói, nhưng tôi xin dùng để diễn tả. Tôi ví Chúa Thành Thần như keo, như xi măng. Nếu chúng ta xây một căn nhà mà chỉ xếp những viên gạch này lên viên gạch khác. Một cơn gió động mạnh một cái là căn nhà sẽ đổ. Nhưng giữa các viên gạch nếu có xi măng gắn các viên gạch đó lại với nhau thì cái nhà đó vững chắc. Nói lên sự hiệp nhất của một gia đình, của một cộng đoàn nếu không có Chúa Thánh Thần là nguồn mạch nối kéo các phần tử lại, thì chỉ cần một khó khăn nhỏ cũng đủ làm cho gia đình hay cộng đoàn đó tan vỡ. Chúng ta cầu xin để được có Ơn Chúa Thánh Thần và xin Ngài đến để nối kết chúng ta lại thành một căn nhà mà Chúa có thể đến ngự ở đó được. Và như thế từ từ căn nhà đó sẽ được biến đổi.

Căn nhà nó diễn tả lên người chủ của căn nhà đó. Ðến một nhóm người, đến một gia đình hay một cộng đoàn, chúng ta đôi khi cảm thấy có sự lạnh lẽo, có khi chúng thấy có cái gì đằng đằng sát khí. Nhưng nếu đó là một căn nhà, một cộng đoàn, một gia đình hay một nhóm người quy tụ bởi Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta đến chúng ta cảm thấy được sự ấm áp của tình người tình Chúa.

Và Chúa Thánh Thần đến không phải đến chỉ để hướng dẫn chúng ta mà còn biến đổi chúng ta, cho chúng được sống cuộc sống thần linh. Tuy vẫn còn một hình dánh của một con người nhưng sống đời sống thần linh. Chúng ta lấy một ví dụ để hiểu được… tuy chúng ta là một con người nhưng vì được lãnh nhận Chúa Thánh Thần mà chúng bắt đầu sống cuộc sống thần linh. Ðôi khi chúng ta ăn những thứ trái cây mà ở chợ người ta bán có cam, quýt, bưởi, táo. Nhưng một ngày nào đó có một người làm vườn muốn có một cái chuyện gì lạ thì đi chặt một cành quýt và cấy vào cây cam. Từ từ cành quýt đó đâm rễ và ăn xâu vào thân cây cam và tiếp tục sống thì một hai năm sau chúng ta thấy : trong khi các cành khác của cây cam thì nó trổ ra những trái cam; cái cành quýt mà cấy vào cây cam thì nó làm sinh ra những trái mà ta gọi là quýt-cam, hay cam- quýt. Nó không phải là cam mà cũng không phải là quýt nữa mà nó là cam vẫn là quýt, hay quýt vẫn là cam. Bề ngoài cành cây quýt nó vẫn là hình dạng cành quýt, nhưng mà chính cái thực thể của nó đã được biến đổi là trái quýt mà được cam hoá.

Khi nói đến điều này thì các thánh giáo phụ gọi là : chúng ta đã được thần linh hoá. Là con người mà được kêu gọi sống đời sống thần linh. Đó là ơn gọi đặc biệt của những con cái Chúa mà Chúa muốn ban cho tất cả thế giời này, một chuyện vô cùng quý hoá và lạ lùng. Chúng ta cần phải ra đi để nói cho thế giới biết là : chúng ta tuy là con người mà được kêu gọi sống đời sống thần linh của Chúa. Chắc trong cuộc đời chúng ta, đôi khi chúng ta đã gặp được những con người, gặp thấy họ nói chuyện như một con người mà chúng ta cảm thấy có một sức thần linh từ trong con người đó chuyển sang chúng ta, và sau khi đã nói chuyện với người đó chúng ta cảm thấy lòng mình được an bình xây đắp. Người đó đang sống đời sống thần linh trong con người của họ. Vì vậy Thánh Lễ Hiện Xuống ngày hôm nay cũng mời gọi chúng ta biết mở lòng đón nhận và để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong con người của chúng ta để biến đổi con người của chúng ta, và chúng ta bắt đầu sống đời sống thần linh. Tuy là một con người nhỏ bé hèn mọn, nhưng mà được Chúa ban cho cái ơn lạ lùng là sống đời sống thần linh của Chúa.

Thế thì tất cả các câu hỏi được đặt ra là : làm sao để chúng ta có thể sống đời sống thần linh ? nghĩa là làm sao chúng ta có thể để cho Chúa Thánh Thần có thể hướng dẫn và hành động để biến đổi con người của chúng ta. Câu trả lời mở ra một biên cương mới trong cuộc sống công giáo của chúng ta. Sống đời sống bí tích, sống đời sống cộng đoàn, sống đời sống cầu nguyện, nhưng có một điểm tôi xin được phép nhấn mạnh trong ngày hôm nay, đó là dù sống nào cũng có một nơi Chúa Thánh Thần nói vào lòng mình, đó là lương tâm của chúng ta. Chúa Thánh Thần nói và hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng ta lương tâm của chúng ta, cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa nói trong lương tâm của mình. Nhưng làm sao để có thể nghe được tiếng Chúa nói trong lương tâm. Ngày xưa khi Ðức Hồng Y Martin, giám mục Paris còn sống, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình số 2 của nước Pháp, phóng viên có hỏi ÐHY câu này : „ Kính thưa ÐHY, tại làm sao trong cựu ước, trong qúa khứ Thiên Chúa nói nhiều như vậy, nói với các tiên tri, với dân Chúa, mà ngày hôm nay Chúa như làm thinh không nói nữa.“ Ðức Hồng Y Martin trả lời : „ Không phải vậy, Chúa vẫn còn nói, nhưng ngày nay có qúa nhiều tiếng động ồn ào che lấp lương tâm con người, vì vậy con người không nghe được tiếng của Chúa nữa.“ Tiếng động ồn ào của dục vọng, tiếng động ồn ào của tư lợi, tiếng động ồn ào của tham vọng, và trăm ngàn thứ tiếng động khác, nó che lấp cái tai của con người và làm cho con người không có khả năng nghe được tiếng Chúa nữa.

Vì vậy, nghe được tiếng Chúa cần phải đi vào cuộc hành trình tự do nội tâm, làm cho lòng mình được thanh thản trước tạo vật, làm cho lòng mình được tự do khỏi mọi thứ dục vọng, tham vọng, tư lợi, quyền lợi cá nhân. Và câu kết luận cũng là câu mời gọi: để có thể nghe được tiếng Chúa Thánh Thần, nhất thiết đừng bao giờ làm ngược lại tiếng lương tâm của mình. Khi một người cố ý làm ngược lại tiếng lương tâm của mình, thì từ từ lương tâm sẽ trở thành chai đá và không còn có thể nghe được tiếng Chúa Thánh Thần nói nữa. Và đó là tệ hại và nguy hiểm nhất của cuộc đời con người nói chung, con ngời công giáo nói riêng. Xin Chúa ban cho chúng ta có khả năng biết lắng nghe tiếng Chúa và khả năng đi theo tiếng Chúa. Ðã nghe được tiếng Chúa thì đừng bao giờ làm ngược lại tiếng đó. Chúng ta dâng lời cầu nguyện qua bàn tay bầu cử của Mẹ Maria La Vang là Mẹ của con cái Việt Nam.

Cuộc Tử Nạn Của Chúa Giêsu Kytô lại được diễn ra trong giây phút này, và trên bàn thờ này. Ngài đã tự hiến mình làm lương thực hằng sống cho các tham dự viên đại hội. Các Ðức Ông và các Cha đã ban phát lương thực hằng sống cho các tham dự viên.

Bài Ca Cảm Mến bằng nghệ thuật điêu luyện của cá nhân và của tập thể cộng với sự luyện tập trong thời gian chuẩn bị đại hội đã được Ban Thánh Ca Ðại Hội thay mặt cho Cộng Ðồng Dân Chúa tại Ðức Quốc dâng lên Chúa lời cảm tạ vì những hồng ân Ngưòi đã ban cho từng cá nhân, từng gia đình, từng cộng đoàn chúng ta trong một năm qua kể từ lần đại hội thứ 26 đến nay, cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho Ðại Hội những thời gian, những phương tiện, những cánh tay, những sự cộng tác của mọi người chúng ta để chuẩn bị cho đại hội này, cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã gửi đến Ðại Hội vị lãnh đạo Cộng Ðồng Dân Chúa VN Hải Ngoại là Ðức Ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo, cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã mang đến cho Ðại Hội người bạn lớn trong CÐ Dân Chúa VN Hải Ngoại qua sự hiện diện của Ðức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương và ông Phêrô Nguyễn Quang Vinh đến từ Hoa Kỳ, cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta là những tham dự viên, là Hội Ðồng Tuyên Úy, là BCH Liên Ðoàn, Cộng Ðoàn hay giáo dân, có được thời gian, phương tiện để đến tham dự Ðại Hội.

Một ân sủng lớn của Giáo Hội đã dành cho Ðại Hội là những tham dự viên nào tham dự thánh lễ này, rước Mình Thánh Chúa, đọc kinh Lạy Cha, Kinh Tin Kính sẽ được lãnh nhận Ơn Toàn Xá của Toà Thánh.

Trước khi lãnh Phép Lành Thiên Chúa và Ơn Toàn Xá của Giáo Hội, cha Phao Lô Phạm Văn Tuấn đã thay mặt cho Ðại Hội cám ơn và ông Chủ Tịch Liên Ðoàn đã trao tặng hoa cho ông Thị Trưởng Thành Phố Aschaffenburg, nơi tổ chức đại hội, ông Elsässer.

Cha Phaolô cũng thay mặt cho Ðại Hội cám ơn Ðức Ông chủ tế và để tỏ lòng biết ơn, ông Chủ Tịch LÐCGVN tại Ðức cũng đã thay mặt Ðại Hội trao tặng Ðức Ông một món quà là Tượng Ðức Mẹ La Vang. Cha Tuấn nói với Ðức Ông „ chúng con hy vọng qua mỗi lời kinh Ðức Ông dâng lên Ðức Mẹ La Vang Ðức Ông nhớ đến CÐCG VN chúng con tại đất nước Ðức này.“

Cha Phaolô cũng thay mặt Ðại Hội cám ơn sự thể hiện tình hiệp nhất giữa các cộng đồng Công Giáo VN tại hải ngoại qua sự hiện diện của Ðức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương và ông Phêrô Nguyễn Quang Vinh. Ông Chủ Tịch Liên Ðoàn cũng đã trao tặng Tượng Ðức Mẹ La Vang cho Ðức Ông Phương và ông Vinh.

Ðức Ông Phương cũng đã gửi lời chào mừng qúy cha, qúy tu sĩ nam nữ và tất cả qúy ông bà anh chị em VN ở Ðức Quốc: „ lần đâu tiên tôi sang đây và được chứng kiến những sinh hoạt rất là tốt đẹp, chúng tôi hy vọng rằng Liên Ðoàn Công Giáo Ðức sẽ là một liên đoàn gương mẫu cho tất cả thế giới và sẽ liên kết với Hoa Kỳ rất là thân thương sau này „. Ngài hẹn gặp các tham dự viên trong giờ chia sẻ về những sinh hoạt của CộnG Ðồng Công Giáo Việt nam tại Hoa Kỳ vào sau cơm trua.

Toàn thể Ðại Hội đã cùng nhau đọc kinh Lạy Cha và kinh Tin Kính để chuẩn bị lãnh Ơn Toàn Xá.

Trước khi ban phép lành và Ơn Toàn Xá, Ðức Ông Ðạo đã bầy tỏ lòng xúc động, vui mừng của mình, cám ơn Ðại Hội. Nhiều tràng pháo tay đã biểu hiện lòng cám ơn đối các Cha Tuyên Úy, các qúy vị trong BTC đại hội, BCH Liên Ðoàn và các cộng đoàn, các hội đoàn, ca đoàn các đội dâng hoa, các em thiếu nhi, các em giúp lễ các qúy ông bà anh chị em tham dự đại hội, những người đã tham gia vào việc chuẩn bị cho đại hội.

Toàn thể Ðại Hội đã lãnh nhận phép lành của Thiên Chúa qua tay các Ðức Ông và Các Cha

Trong Danh Chúa Cha - Chúa Con - Và Chúa Thánh Thần

Bài hát „ Sai Ði „ là lời mời gọi các tham dự viên Ðại Hội

Loan Báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá

sau khi đã lãnh nhận Ơn Chúa Thánh Thần

Sau giờ nghỉ và ăn cơm trưa, Đại hội tiếp diễn với các sinh hoạt thể thao dành cho các bạn trẻ, như thi giải túc cầu Đại Hội. Các bạn trẻ khác sinh hoạt qua các trò chơi và bài hát. Riêng các em thiếu nhi cũng sinh hát múa hát với nhau. Những người lớn tuổi đến hội trường để nghe Đức Ông Phanxicô Phạm Văn Phương, Chủ Tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ Tịch LĐCGVN tại Hoa Kỳ đặc trách về giáo dân, chia sẻ về những nét sinh hoạt chính yếu của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam bên đó. Qua đó, các tham dự viên đại hội được biết thêm về Liên Đoàn, về giáo hội Công Giáo tại Mỹ, về 3 dự án đang hình thành: xây dựng nguyện đường Đức Mẹ Lavang bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, dự án xây dựng Trung Tâm Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và sau cùng là dự án Quỹ Yểm Trợ Giáo Hội Việt Nam. Mỗi dự án được dự trù một kinh phí chừng 2 triệu Mỹ Kim.

Riêng về con số thống kê: Đức Ông cho biết hiện nay có khoảng hơn 2 triệu người Việt sinh sống bên Hoa Kỳ, trong số đó có khoảng 450.000 tín hữu Công giáo, với 650 linh mục, 40 phó tế vĩnh viễn, trên 1000 nam nữ tu sĩ và chủng sinh. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam đang bị khủng hoảng, nạn ly dị cao, con cái bị hư hỏng và theo băng đảng nhiều, vì cha mẹ mải mê làm ăn...

Đại hội năm nay cũng là dịp để các đại biểu toàn quốc bầu ban tân chấp hành Liên Đoàn CGVN tại Đức nhiệm kỳ 2003-2005. Kết quả, ông Đinh Kim Tân tái cử chức Chủ Tịch, ông Nguyễn Văn Rị, tái cử chức phó nội vụ, ông Lê Trung Tuấn đắc cử phó ngoại vụ, ông Nguyễn Văn Hóa tái cử chức tổng thư ký, và ông Dương Tấn Thành tái cử chức thủ quỹ.

Vào ban chiều Đại Lễ Chúa Thánh Thần, cũng như mọi năm, là buổi văn nghệ liên hoan “cây nhà lá vườn“ do sự đóng góp của các văn nghệ sĩ tí hon hoặc các ban vũ thanh niên thiếu nữ của các cộng đoàn. Đặc biệt đêm văn nghệ đại hội còn được hai ca sĩ nổi danh đóng góp tiếng hát như món quà tặng...

(Bản tin của TIN YÊU)