Buổi thuyết trình “Tính Hợp Lực Trong Tuổi Trẻ Việt Nam”

Qua trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vào ngày 11/03 vừa qua, cả thế giới đã phải ngưỡng mộ cách người Nhật đối phó với thảm họa. Không một cảnh chen lấn hoảng loạn, không một hành động cướp bóc, người Nhật thể hiện lối sống văn minh của mình bằng sự hợp lực trong cách xử lý mọi vấn đề, kể cả xử lý khủng hoảng phóng xạ hạt nhân. Chính sự hợp lực này là cơ sở để người ta đánh giá rằng nước Nhật sẽ sớm khôi phục từ đổ nát, hoang tàn của thảm họa kép kinh hoàng vừa qua.

Trong xã hội Việt Nam hôm nay, có rất nhiều vấn đề cần phải nói tới, từ kinh tế, giáo dục, y tế đến cách đối nhân xử thế giữa con người với nhau trong xã hội. Trỗi vượt cá nhân hay hợp lực tạo sức mạnh là lựa chọn của mỗi người, nhưng ngày nay giới trẻ lại tìm cách nổi trội chứ không tìm cách hợp quần trong cách giải quyết mọi vấn đề. “Tính hợp lực nơi người Việt Nam còn yếu, nhất là người trẻ”, đó là nhận định của Giám đốc Trung Tâm phát triển nguồn nhân lực Khuê Văn qua kinh nghiệm 16 năm làm tư vấn cho các công ty trong và ngoài nước. Từ những kinh nghiệm thực tế của mình, chiều ngày 02/04/2011 vừa qua, Thạc sĩ Trần Đình Dũng đã chia sẻ đề tài “TÍNH HỢP LỰC TRONG TUỔI TRẺ VIỆT NAM” do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn.

Thầy Trần Đình Dũng đặt vấn đề cho đề tài của mình khởi đi từ bài múa cử điệu đầu giờ: Mọi người hết thức thành tâm, dâng hiến cả tấm lòng, mỗi một người đã làm hết sức mình, nhưng lại không có khoảnh khắc nào để chạm vào nhau, cầm tay nhau, nói với nhau bằng tấm lòng, tình huynh đệ, để cùng nhau hiến dâng tất cả cho Chúa, chứ không chỉ là hiến dâng mỗi con người của mình. Ngay từ chuyện rất đỗi bình thường, là một điệu múa, là một tấm lòng dâng lên Chúa, mỗi người làm nhiệt tình nhưng dường như mỗi người chưa tìm cách kết nối với nhau, dường như mỗi người chưa có được một vô thức, chưa có động lực, một điều gì đó thôi thúc trong lòng là phải cùng làm với nhau. Từ những điều bình thường mỗi người gặp hàng ngày và quy nó ra câu chuyện xã hội, trong câu chuyện tương tác giữa con người với con người, dường như cùng làm với nhau là điểm yếu nhất của người Việt Nam.

Chủ đề về tính hợp lực, tính hiệp lực, hoặc là sự liên kết là một chủ đề rộng lớn, với phạm vi thời gian hạn hẹp, diễn giả chỉ có thể khơi gợi lên và nhìn lại những gì đã có, đang có, từ đó xem xét nên thay đổi những gì, dù là nhỏ bé, để mỗi người sẽ có được điều lớn hơn.

Năm 1969, cả thế giới ngưỡng mộ sự kiện lần đầu tiên nhân loại đặt chân lên mặt trăng, chương trình Apollo, một sự kiện chấn động vang dội địa cầu. Ít người biết rằng người viết chương trình lập quỹ đạo cho phi thuyền bay từ mũi Canaveral ở Floria lên mặt trăng và bay về quả đất chính là một người Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vinh, một bộ óc xuất sắc, đến bây giờ tiến sĩ vẫn tiếp tục làm việc cho NASA.

Xem hình buổi thuyết trình

Đến năm 1980, một sự kiện văn hóa nghệ thuật làm rúng động toàn thế giới: Lần đầu tiên trong lịch sử, một người Á Châu và là người Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin, đó là Đặng Thái Sơn. Cho đến hôm nay, hiện tượng Đặng Thái Sơn vẫn là hiện tượng còn nghiên cứu của Nhật, Trung Quốc và nhiều nước khác kể cả Nga và Ba Lan: Vì sao có một người thanh niên có thể vẽ phím đàn lên giấy, mang giấy đó chui xuống hầm chữ A, trên là máy bay dội bom, nhắm mắt lại để rê từng ngón tay của mình và cảm nhận nhạc Chopin, để từ đó mang tất cả đến với cuộc thi và chiếm giải nhất năm 1980?

Năm 1996, có một người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên thế giới, một người Á Châu và là người Việt Nam ở trong hàng ngũ 3 vị lãnh đạo cao nhất của của tập đoàn Texas Instrument, một tập đoàn có tổng doanh số một năm lớn gấp 6 lần tổng GDP của Việt Nam. Người phụ nữ đó tên là Lê Duy Loan, người con gái rời Việt Nam năm 12 tuổi, đặt chân đến nước Mỹ không hề biết một chữ tiếng Anh, thế rồi trở thành sinh viên xuất sắc nhất, rồi trở thành lãnh đạo cao cấp nhất của một tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ.

Đó là những niềm tự hào mang tên Việt Nam để biết rằng trí tuệ của người Việt Nam không thua bất cứ nước nào trên thế giới, để biết rằng sức mạnh của người Việt Nam to lớn vô cùng. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ làm được điều này? Có một công thức chung là tất cả những bộ óc Việt Nam vĩ đại đang thành công trên thế giới đều được trải qua giai đoạn học và làm việc mà không có người Việt Nam bên cạnh. Có thể đó là sự ngẫu nhiên tình cờ nhưng đôi khi không phải vậy! Nước Nhật qua trận động đất và sóng thần cho mọi người thấy một dân tộc vĩ đại, một dân tộc có kỷ luật, đoàn kết, đi lên từ đống tro tàn. Người Việt Nam cũng có thể tương trợ nhau khi gặp thảm họa, tuy nhiên, tính chia sẻ, tính kỷ luật, tính cộng đoàn chưa chắc được như vậy.

Diễn giả cho hay công việc của mình trong suốt 16 năm là tư vấn cho các công ty trong và ngoài nước, điều làm cho các khách hàng luôn đặt câu hỏi là tại sao cứ mỗi một người Việt Nam là một viên kim cương, nhưng tập trung tất cả những viên kim cương lại với nhau thì không còn sáng nữa mà sẽ mang đến kết quả là sứt mẻ, vì thế, để hạn chế sứt mẻ, người ta cho vào giữa những kim cương một chất vô giá trị, đó là đất sét. Kết quả của cả khối vật thể đó sẽ có tên là đất sét long lanh, chứ không phải kim cương có tạp chất. Điều nhìn thấy rõ ràng nơi các doanh nghiệp là người Việt Nam không hợp tác với nhau: “trên bảo dưới không nghe”, “các phòng ban không hợp tác’, “kinh doanh và tiếp thị luôn tố nhau”, “chúng nó đấu đá nhau kinh lắm”… vân vân và vân vân. Sự phân biệt vùng miền rõ nét nơi cung cách làm việc, miền Bắc, miền Trung, miền Nam, vì cũng là một thông tin chính sách chung nhưng mỗi người làm một kiểu theo ý của mình, “điều mạnh nhất của người Việt là.. mạnh ai người đó làm..”, hoặc “một thằng đạp ga ba thằng đạp thắng”.

Hãy nhớ rằng mình là người Việt Nam, mỗi người cần nỗ lực làm sao cho người Việt mình biết kết nối với nhau, biết yêu thương nhau vì đó là người mình, đồng bào của mình. Nên làm gì cho chúng ta và những thế hệ mai sau tốt hơn?

Chữ International trong tiếng Anh có thể dễ dàng dịch sang tiếng Việt là Quốc Tế, Chữ Intercontinental có thể nhẹ nhàng chuyển ngữ là Liên Lục Địa, Chữ Inter-department có thể tìm được ngay Liên Ban, Liên Phòng, Liên Bộ… Interpol là Cảnh Sát Quốc Tế. Ấy thế mà tìm mãi vẫn không ra từ (word) để dịch chữ Interpersonal. Chỉ có thể giải thích hoặc mô tả, chứ không có từ cho chữ Interpersonal trong tiếng Việt. Tự điển chính thống của Viện Ngôn Ngữ học giải thích là [Interpesonal: đang tồn tại hoặc được làm giữa hai người - trang 889]. Ngôn ngữ bắt nguồn từ nền tảng văn hóa, từ xã hội, từ một nền văn minh, bắt nguồn từ cuộc đời, từ con người và đau lòng thay, dường như trong cuộc sống, xã hội, văn hóa, văn minh của Hồn Việt, hoàn toàn không có khái niệm Interpersonal, và điều này đã phần nào minh chứng rằng trong ngôn ngữ Việt, không có danh/động/tính từ cho chữ Interpersonal. Có người tạm dịch là liên nhân (hoặc liên nhân vị - NV) nhưng chưa chuẩn, chưa toát lên ý nghĩa của nó.

Personal là một người, một cá tính, một cá thể, một chủ thể. Interpersonal là sự liên thông kết nối của những cá thể/chủ thể đó lại với nhau, một cách mặc định vô thức, điều này dường như không tồn tại trong văn hóa Việt. Chả trách Bắc Trung Nam vẫn gầm ghè nhau, Việt trong nước và Việt ngoài nước vẫn loay hoay tìm đến nhau, Việt ngoài nước vẫn bị xé nát từng mảnh với hàng trăm lý do tủn mủn, từng vùng miền vẫn địa phương cục bộ, từng con người trong một tổ chức vẫn không có tiếng nói chung.

Mỗi một người đều có trọn vẹn và đỉnh cao về tài năng, sắc đẹp, sự thông minh, tinh tế, nhạy cảm, sắc sảo, khôn ngoan, hòa đồng, nhân ái, điều mỗi người thiếu là sự kết nối với nhau. Kết nối với nhau bằng cách nào? Chúng ta không thay đổi được xã hội, không thay đổi được chính sách mà cần thay đổi chính bản thân mình. Thay vì học cách nguyền rủa thì nên học cách cám ơn, đó là những bước đầu tiên để có được yếu tố hợp lực. Thông thường người ta thường thấy cái sai, cái xấu nơi người khác một cách nhẹ nhàng, dễ dàng nhưng cần một tấm lòng, một đôi mắt sáng để thấy được cái tốt đẹp ở người đối diện. Khi làm được điều đó là thay đổi chính mình để bước vào thế giới được gọi là hợp lực. Chúa Giêsu đã từng nói trước những người lên án người phụ nữ ngoại tình: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi". Để thay đổi con người mình chỉ cần một chút xíu tỉnh táo và tĩnh tâm.

Ông cha ta để lại những câu nói rất hay qua ca dao, đó là những câu nói mang vào quản lý doanh nghiệp, quản lý nhân sự, mang vào cuộc sống, nếu nhớ và hiểu mà đưa ra thành hành động thì thật là tuyệt.

“Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”;

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”


Nếu nhìn cuộc sống, nhìn người đối diện bằng lăng kính màu đen, thì cái mình nhận được là màu đen, thay một lăng kính màu sáng thì cái nhận được sẽ là màu sáng. Nhưng cuộc đời vẫn là thế, vốn dĩ là thế, có xấu có tốt, không hề thay đổi, chỉ người ta chăm chăm nhìn thấy cái xấu mà không thấy cái tốt nơi người khác nên giữa con người với nhau có một hàng rào ngăn cách.

Mở lòng bao dung để đón nhận sự khác biệt nơi người khác để cùng nhau làm việc hay mang chính mình làm tiêu chuẩn để chọn lọc những cái khác đó xem những gì phù hợp với mình? Tính hợp lực là một đề tài lớn, nó tiềm ẩn đâu đó trong ngôn ngữ, trong lời hát, trong lời ru, trong từng nụ cười, nó không thể cân đong đo đếm được, không định hình được, nhưng tính hợp lực làm cho người ta cảm nhận được nhau. Làm sao để hợp lực khi mà trong cách nói chuyện giữa người Việt Nam với nhau, ở trong nước, ngoài nước, Việt kiều, tất cả đều là người Việt Nam nhưng luôn có sự ngăn cách, phân biệt, kỳ thị từ phân biệt vùng miền, phân biệt giọng nói đối với người trong nước, cho đến phân biệt Việt kiều cũ, Việt kiều mới đối với người ở nước ngoài.

Sự hợp lực không phải là chia sẻ, không phải là cho và nhận, không phải là thông cảm, không phải là yêu thương, mà là chấp nhận người khác, chấp nhận họ là chính họ, cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Khi thực sự mở lòng ra với người khác thì mới có thể nói đến hợp lực. Tính hợp lực của người Việt Nam còn yếu, đừng chất vấn quá khứ tại sao lại thế nhưng cần hành động trong hiện tại và tương lai để dân tộc đi lên. Vì thế mỗi con người Việt Nam cần thay đổi bản thân mình để chấp nhận người khác, đến với người khác, nhất là những người tin vào một Thiên Chúa là Cha chung của tất cả mọi người.

Tuổi trẻ Việt, tương lai của dân tộc, tinh hoa của tổ quốc, là những người bắt đầu nhận thức và khai sáng tính hợp lực, để niềm vui nhân đôi và nỗi buồn giảm nửa, cho một ngày mai của nước Việt mến thương.

Sau phần trình bày của mình, thầy Trần Đình Dũng đã tận tình trả lời những câu hỏi của các tham dự viên. Hợp lực là mở lòng bao dung để đón nhận sự khác biệt nơi người khác, một khán giả đã đặt câu hỏi rằng: “Làm sao giáo dục con cái mình, giáo dục giới trẻ học được cách bao dung để hiểu được người đối diện?”. Thầy cho hay để giáo dục tuổi trẻ hiểu về bao dung, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần phải giáo dục về tính tự tin, khi tự tin thì dễ dàng bao dung. Tự tin để không sợ thất bại, tin vào những gì mình, gia đình mình có, nó không không nằm ở khái niệm vật chất. Tự tin về giá trị của gia đình, về sức mạnh nội tâm, tự tin vì là đức tin của người Công Giáo, những tự tin thuộc về tinh thần, về nội lực, đó là điều cần thiết và là điểm bắt đầu để nói đến sự bao dung. Bao dung là tha thứ, là chấp nhận người khác, là nhìn họ là họ kể cả mặt tốt và mặt xấu, đòi hỏi nội lực. Ngược lại nếu tin vào những thứ bên ngoài, những ảo ảnh hư vô thì đó không phải là tự tin mà là ngạo mạn. Cần nhìn vào những điểm tốt của người trẻ để khuyến khích lòng tự tin nơi nội tâm, và khi người trẻ đã tự tin thì mới có thể bao dung và chấp nhận người khác.

Thầy cũng trả lời về tính hợp lực trong đời sống hằng ngày khi cho hay khi đến một tiệc cưới, bạn trẻ thường gặp những người cũ, nói những câu chuyện cũ và sống với thế giới cũ. Khi nào người trẻ đủ mạnh dạn đến với người mới và nói những câu chuyện mới, giới thiệu về mình, lắng nghe mọi người, bắt đầu xây dựng mối quan hệ hợp lực, thì lúc đó mới bước ra khỏi thế giới riêng của mình, mở rộng vùng an toàn của mình để nhận được những phản ứng từ những người khác qua những câu chuyện, từ đó mở rộng sự hiểu biết của mình, tạo ra sự thú vị trong cuộc sống.

Trong giao tiếp hằng ngày, người ta có thể chạm nhau qua cách bắt tay, bắt tay là cảm nhận, khi đưa tay ra bắt có thể là cách bắt tay hờ hững, ban ơn, khúm núm… có muôn hình vạn trạng trong cách bắt tay, vấn đề là mình bắt tay họ như thế nào. Phàm những gì đã thuộc về con người, thuộc về xã hội thì mối giao thoa giữa người với người không bao giờ có chỉ số tuyệt đối, luôn có biên độ dao động và con người sẽ sống trong biên độ dao động đó, đó là sự thú vị.

Một nữ tu cũng đã đặt câu hỏi: Làm thế nào để những bài học về sự hợp lực được bắt đầu từ giới trẻ Việt Nam để xã hội đi lên như người Nhật? Thầy cho rằng câu hỏi đưa ra một bài toán khó, thầy không dám nhận trọng trách đó nhưng thầy cũng khẳng định rằng mỗi ngày đứng lớp, mỗi ngày làm việc, chia sẻ là làm việc hết khả năng của mình bằng tất cả sự tận tụy. Làm sao để cho giới trẻ Việt Nam được như vậy, điều đó là đòi hỏi sự cộng tác của rất nhiều người, một người không thể làm được và cần tin vào ơn Chúa, sự kỳ diệu của Thiên Chúa Quan Phòng.

Khi tư vấn, huấn luyện cho người trẻ, thầy luôn bắt đầu bằng câu chuyện về nước. Ngày nào người ta cũng phải uống nước, người ta có thể nhịn đói một tuần nhưng nhịn khát chỉ 3 ngày. Ai cũng biết công thức hóa học của nước là H2O, công thức của nó đã cho một bài học về nền tảng của tính hợp lực, 2 chữ H và một chữ O: chữ H đầu tiên là Head: Cái đầu - H thứ 2 là Heart: Trái Tim - O là Objective: mục tiêu, nghĩa là làm gì thì làm hãy nhắm đến mục tiêu, sử dụng tình và lý, tâm và tầm. Có tình và có lý để dẫn mình và mọi người đi đến mục tiêu, nó hóa giải được rất nhiều thứ trong cuộc đời. Với tuổi trẻ, khi uống nước, nhớ đến H2O thì nhớ dùng lý và tình để phục vụ mục tiêu chung, mục tiêu mà mọi người cùng đồng thuận chứ không là mục tiêu của một cá nhân riêng lẻ, vì nếu phục vụ mục tiêu của một con người thì có khả năng người ta sẽ dùng trí khôn để tiêu diệt người khác.

Một bạn rất trẻ đã ra đặt một lúc ba câu hỏi và thầy cũng nhiệt tình trả lời từng câu một:

- Hỏi: Người trẻ làm việc nhóm thì cần hợp lực nhưng khi nếu chỉ một người muốn hợp lực nhưng các thành viên khác không muốn thì phải làm sao?

Đáp: Nếu chỉ một, hai người hợp lực còn những người khác không hợp lực thì đó là một sự sàng lọc tự nhiên để tìm ra người dẫn đầu nhóm. Nếu tất cả mọi người không hợp lực mà mình xuôi theo mọi người thì mọi người như nhau và đó là sự chết dần của một nhóm. Bắt buộc trong nhóm phải có một người nổi trội, người này có năng lượng làm việc gấp 3 lần người khác để kéo những người còn lại đi theo. Người trưởng nhóm cần sử dụng lời nói, cách giao tiếp một cách khôn ngoan, động viên tinh thần, vực những người mất tinh thần lên và biết khen những người làm việc đạt kết quả

- Hỏi: Khi tiếp xúc với một người mới, thì nên bắt đầu như thế nào để hợp lực?

Đáp: Cần xác định rõ mình thích nói với họ câu chuyện mình muốn nói hay nói với họ câu chuyện mà họ muốn nghe. Người mới thường bỡ ngỡ, muốn tham gia hệ thống, muốn tìm hiểu, muốn hòa nhập. Công việc của mình là phải giúp họ những việc này. Luôn luôn đặt quyền lợi của những người đó trước tiên, chứ không phải là quyền lợi của mình. Hãy cho họ cái lợi về mặt tinh thần chứ không phải tìm cái lợi về cho mình, đó mới là hợp lực.

- Hỏi: Khi hợp lực với nhau thường lúc đầu có tinh thần làm việc rất hăng hái, sau đó thì cứ đuối dần, mất đi sự hợp lực và tinh thần, làm thế nào để giữ cho không bị mất tinh thần?

Đáp: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo, trưởng nhóm, người này phải biết khôi hài, dí dỏm, hay sáng tạo, tìm hiểu tại sao lại đuối tinh thần. Đây là người biết lúc nào dùng tình, lúc nào dùng lý, lúc nào ủng hộ, lúc nào điều khiển, lúc nào kéo, lúc nào đẩy để đạt tới mục tiêu.

Một bạn nữ trẻ hỏi về kỹ năng làm việc nhóm khi có nhiều ý kiến trái ngược nhau?

Thầy trả lời rằng chìa khóa để giải bài toán về tính hợp lực khi làm việc nhóm chính là TCS. Tất cả những gì làm việc trong đội nhóm luôn có chữ T, là Time, yếu tố thời gian, khi nào bắt đầu và kết thúc. C là Communication, giao tiếp, nghe nói đọc viết, cần thông tin để biết bắt đầu và kết thúc, mục tiêu, ai làm cái gì, ở đâu, ra sao, báo cáo cho ai, như thế nào thì mới bảo đảm được kết quả. Chữ S là Sincere, sự thành thật, khi trung thật với nhau thì mọi người làm được việc hết.

Một bạn nam có ý hướng đi tu đặt câu hỏi với nhiều trăn trở về cách phục vụ trong Giáo Hội: Tại sao cùng làm việc cho Chúa nhưng tại sao nhiều người có cái tôi lớn quá?

Thầy đáp rằng đôi khi cần nhìn cuộc sống với một mắt tỉnh và một mắt tĩnh. Khi một người nói rằng yêu mình thì chắc chắc sẽ có người khác ghét mình, đó là sự cân bằng, ở đâu cũng có yêu ghét. Khi đang làm việc trong giáo xứ, tất cả mọi người đều làm việc cho Chúa, phục vụ cho Giáo Hội, phục vụ giáo dân, trong đó có một vài thành viên cái tôi của họ lớn quá. Khi thấy hiện tượng, cần tìm hiểu hiện tượng là tại sao cái tôi của họ lớn. Có thể là do họ tự ti, họ muốn thể hiện hoặc họ có nhu cầu được công nhận. Vì thế cần phải làm sao cho họ cảm thấy họ được công nhận: phải ghi nhận, công nhận thành quả của họ trong nhóm, càng cố gắng che giấu, càng cố gắng khỏa lấp, cào bằng càng làm cho người ta bực tức. Cần có cách sống, thái độ sống phù hợp trong cách làm việc.

Đề tài hợp lực là đề tài rộng, nó tựa như đại dương, từng thành viên nhỏ tham dự buổi thuyết trình chỉ đang ở ven bờ nghịch nước chứ chưa thực sự đi sâu vào đại dương. Đại dương thì bao la, sâu và giông tố, vấn đề là hãy học cách nắm tay nhau, liên thông, chia sẻ với nhau trong nhóm, đó là điểm khởi đầu của hợp lực.

Sàigòn, ngày 08 tháng Tư năm 2011,

Tạ Ân Phúc