Philippines: Giáo hội Công giáo cố gắng cứu vãn tiến trình hòa bình trên đảo Mindanao

Cotabato – Ngày 5-4, Đức Giám mục Jose Colin Bagaforo, giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Cotabato, Philippines, kêu gọi chính phủ đi đến một giải pháp tức thời cho các xung đột vũ trang ở tỉnh Maguindanao, nằm ở Khu vực tự trị Hồi giáo Mindanao ở (ARMM).

Có ít nhất 11 người đã bị giết hại ngày chủ nhật 3-4, trong một cuộc đụng độ giữa các thành viên của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) (1) và binh lính của tỉnh trưởng tỉnh Maguindanao, ông Esmael "Toto" Mangudadatu. Phong trào đòi độc lập nói rằng họ muốn bảo vệ người dân chống lại đội quân riêng của tỉnh trưởng, vì đội quân này đã tham gia vào việc cướp bóc (2). Quân đội liên bang đã được triển khai trong khu vực, và khoảng 200 gia đình đã được sơ tán trong các trại của chính phủ.

Trong hơn bốn mươi năm qua, khu vực này ở miền nam Philippines, nơi có phần lớn dân chúng là người Hồi giáo ở quần đảo, sống trong bầu khí của cuộc nội chiến lâu dài, bị ngắt quãng bởi các cuộc ngừng bắn tạm thời theo sau vụ thảm sát liên tôn và cách giải quyết quyền lợi giữa các gia tộc đối thủ. Ngoài các nhóm vũ trang tự xưng thuộc MILF, quân đội Philippines còn chống lại nhóm Abu Sayyaf, liên kết với phong trào al-Qaeda, Đội quân mới của nhân dân (cộng sản) và các nhóm khác nhau gần với chủ nghĩa khủng bố và băng nhóm tội phạm. Các đội quân riêng thuộc các gia tộc mạnh phát triển mối hận thù, gia tăng sự mất an ninh tại Mindanao, đặc biệt ở các vùng đất của ARMM.

Giám mục Bagaforo nói: “Chúng tôi mời chính quyền tỉnh Maguindanao để xem xét tất cả các giải pháp nhằm ngăn chặn sự leo thang bạo lực". Ngài nhấn mạnh rằng tiến trình hòa bình đang trở lại có thể bị phá vỡ một lần nữa, hiện đã suy yếu do bối cảnh vụ kiện liên quan đến các người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát ở Maguindanao (3), và các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực tự trị Hồi giáo.

Ngày 14-3 qua, ông Teresita Quintos-Deles, người chịu trách nhiệm về phía chính quyền, khẳng định rằng "tiến trình hòa bình đã không bao giờ đạt được các tiến bộ quan trọng", kể từ khi nó đã được chính thức khởi sự vào năm 2009. Trong tiến trình hòa bình, ông đã tuyên bố rằng một lịch trình đã được ấn định, vạch ra các cuộc thương lượng trong 18 tháng giữa các bên, nhằm thực hiện các điều chỉnh cần thiết về pháp lý và hiến pháp, việc giải giới cho các nhóm nổi loạn được ấn định cho mùa hè năm 2012.

Một bước tiến lớn dường như đã đạt tới vào ngày 30-3 qua, nhân cuộc gặp gỡ tại thành phố Davao giữa các thủ lĩnh phiến quân Moro và các giám mục Công giáo. Cuộc gặp này đã được Đức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo, tổng giáo phận Cotabato, và là Chủ tịch của Hội đồng các giám mục và giáo sĩ Hồi giáo (BUC), đánh giá là “lịch sử” (4). Từ ngày 6-3, các thủ lĩnh MILF đã thực hiện một loạt tham vấn của các bên liên quan khác nhau trong tiến trình hòa bình, để "giải thích các vấn đề căn tính Moro" và thuyết phục họ ủng hộ kế hoạch về một Nhà nước Hồi giáo ở Mindanao.

Hội nghị cấp cao này đã được tổ chức bởi Hội các dân tộc Mindanao (MPC), một tập hợp của nhiều phong trào bản địa, các Kitô hữu, Bangsamoro (Moro) và người Hồi giáo ủng hộ hòa bình. Được thành lập vào năm 2001 và làm việc chặt chẽ với Hội đồng các giám mục và giáo sĩ, MPC đã tham gia tích cực vào nhiều lệnh ngừng bắn và tổ chức các cuộc đàm phán giữa các bên.

Trả lời các giám mục đảo Mindanao khi các ngài vấn nạn về vấn đề “hóc búa” của "miền đất tổ tiên", hòn đá chính gây trở ngại giữa chính phủ Manila và MILF (5), ông Mohagner Mohagner Iqbal Iqbal, người phụ trách các cuộc đàm phán hòa bình cho MILF, đã trả lời rằng các định chế của Giáo Hội Công Giáo sẽ được tôn trọng và không đất đai nào của các Kitô hữu sẽ bị tịch thu, nếu các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ đạt kết quả.

Hồi tháng 8-2008, trong khi Tòa án tối cao bác bỏ Bản ghi nhớ của Thoả thuận về Miền đất tổ tiên (MOA), một dự án nhằm khai sinh một nhà nước Hồi giáo Bangsamoro, nhiều Kitô hữu bị sát hại, nhà cửa bị đốt nhà và tài sản bị tịch thu bởi các nhóm MILF. "Xin đừng sợ hãi cho giáo phận của các ngài, vì đòi hỏi của chúng tôi không liên quan đến tài sản và các định chế của Giáo Hội", ông Mastura Datu Michael, cựu nghị sĩ và hiện là thành viên của Ủy ban đàm phán hòa bình cho MILF, khẳng định với Giám mục Orlando, giáo phận của ngài phải chịu đựng nạn bạo động năm 2008, và ngài nói lên mối âu lo của các tín hữu.

Về phần mình, Đức Tổng Giám mục Fernando Capalla, tổng giáo phận Davao, đã đặt câu hỏi với các đại diện của MILF về việc tổ chức các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp cho nhà nước Bangsamoro tương lai, nhất là về sự áp dụng của Luật Hồi giáo sharia, sự tự do tín ngưỡng, hiệp hội và tôn giáo. Ngài cũng yêu cầu làm rõ về đề nghị của MILF để xây dựng một "đài tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực", ngài nhấn mạnh rằng các nạn nhân này phải thuộc cả hai cộng đồng. Ông Mohagner Iqbal trả lời rằng cần phải hiểu đài tưởng niệm này như một biểu tượng của "sự hoà giải sau xung đột", trong khuôn khổ một tiến trình chữa lành cho những người đã đau khổ từ lâu.

Về vấn đề các cuộc trao đổi này, Đức Tổng Giám Mục Orlando Quevedo nói rõ “đây là một cuộc tham vấn”, chứ không chấp nhận hoặc từ chối các quy định cụ thể. Ngài nói: “Các giám mục chúng tôi có mặt, trước hết là để lắng nghe và đưa ra nhận xét. "

Chú thích:

(1) Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã giương cao ngọn cờ đấu tranh cho quyền tự trị của người Hồi giáo đảo Mindanao, sau khi hòa bình được ký kết năm 1996 giữa chính phủ Manila và Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF). Cuộc nội chiến, bắt đầu trong thập niên 1960, giữa các phiến quân Moro và quân đội Philippines, đã có hơn 160. 000 người thiệt mạng. Xem EDA 409, 490, 491, 501 ('Để hiểu hơn’ xin xem “Mindanao : la paix insaisissable”), 511, 518, 519, 520, 521, 527, 534, 535

(2) Tỉnh Maguindanao là một trong những nơi bị tác hại nhất bởi hiện tượng đội quân tư nhân (có 132 đội quân trong cả nước), tùy thuộc vào các chính trị gia địa phương, chính thức để bảo vệ người dân chống lại nhóm khủng bố trong khu vực. Vụ thảm sát ở Maguindanao hồi tháng 11-2009 đã khơi dậy cuộc tranh luận về việc trừng phạt các gia tộc, vốn duy trì lực lượng dân quân, thường được bảo vệ bởi chính phủ thời Tổng thống Gloria Arroyo.

3) Ngày 23-11-2009, 57 người, trong đó có nhiều phụ nữ và nhà báo, đã bị giết trong một cuộc phục kích bởi khoảng một trăm tay súng, làm tay sai cho gia tộc uy quyền Ampatuan, đồng minh của Tổng thống Arroyo, trong đó có một thành viên làm thống đốc Khu vực trị trị Hồi giáo Mindanao. Các nạn nhân thuộc về gia tộc đối thủ và vừa đề cử ông Datu Ismael Mangudadatu làm ứng cử viên tỉnh trưởng tỉnh Maguindanao. Người bị cáo buộc chính, ông Andal Ampatuan Jr, hiện được cho là phạm tội giết người, và khoảng một trăm người khác.

(4) Hội đồng các Giám mục và giáo sĩ Hồi giáo là thừa kế của Diễn đàn các giám mục và giáo sĩ Hồi giáo, được lập năm 1996 để thành lập một cuộc đối thoại Hồi giáo-Kitô giáo ở Mindanao. Hội đồng, thực hiện các hoạt động phối hợp với Manila, tổ chức thường xuyên các cuộc tham vấn (Konsult Mindanaw) với các cộng đồng địa phương. Hiện nay hội đồng qui tụ 24 giám mục Công giáo, 18 giám mục và mục sư Tin Lành, và 26 giáo sĩ Hồi giáo. Xem EDA 405 ('Tài liệu và văn kiện': “Une expérience de dialogue islamo-chrétien aux Philippines : la Conférence des évêques et des oulémas” của Linh mục Michel Gigord MEP), 505, 525

(5) "Miền đất tổ tiên" có nghĩa là lãnh thổ sẽ được nhượng cho “Khu vực tự trị Hồi giáo Mindanao” thành lập năm 1990, được mở rộng cho các cộng đồng có thể gia nhập để tạo ra một "Thực thể pháp nhân Bangsamoro” (BJE). Năm 2003, một cuộc đình chiến đã được ký kết giữa chính phủ Manila và MILF, theo đó chính phủ Philippines đã công nhận MILF có "quyền tự quyết" ở phía tây nam đảo Mindanao. Chính phủ Manila đã chấp nhận một thỏa thuận sơ bộ, qui định các phương thức của Khu vực tự trị Hồi giáo tương lai, “Bản ghi nhớ của Thoả thuận về Miền đất tổ tiên” (MOA-AD), văn bản này không bao giờ được ký kết, vì Tòa án Tối cao đã phán quyết nó là vi hiến vào ngày 5-8-2008. Quyết định này đã gây ra một làn sóng bạo lực chống Kitô hữu và sự di cư của hơn 600.000 người. (Eglises d'Asie, 6-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa