Tại bệnh viện thuộc trường đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ, đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân mau chóng được hồi phục. Người vẽ kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một thợ chụp hình ở tiểu bang California. Ông đã chứng kiến cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần của phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng. Các bác sĩ cho biết, vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ những triệu chứng của bệnh tâm thần.

Với cánh cửa sổ nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm giúp cho bệnh nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.

Con người cũng như vạn vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho sự sống của thân xác, mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm cho cin người cô đơn và sợ hãi. Có nhiều thứ bóng tối trong cuộc sống quanh ta, bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của đam mê… Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và càng trở nên bệnh hoạn. Chúng ta cần có ánh sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại trong tâm hồn

Isaia từ ngàn xưa đã nhìn thấy một hài nhi được sinh ra đêm nay, như ánh sáng bừng lên trong đêm tối. Người xuất hiện như một trẻ thơ, nhưng đồng thời Người cũng là “Vị Cố Vấn kỳ diệu, Thiên Chúa huy hoàng, người cha muôn thuở, ông vua thái bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền và cảnh thái bình vô tận của nhân loại, vì những gì Thiên Chúa đã hứa đều sẽ thực hiện. Chính Người sẽ mở mắt cho ta đang lần đi trong bóng tối của sự chết.

Những người đầu tiên được vui mừng khi Chúa sinh ra là các mục đồng bé mọn. Theo Thánh Luca thuật lại, thì các em là những người đầu tiên được Thiên Sứ báo tin mừng Chúa Cứu Thế đã sinh ra, và các em vội vã đến thờ lạy Người.

Bài Tin Mừng Lc 2, 1-14 có hai phần rõ ràng. Phần trên kể lại sự kiện trên bình diện loài người, việc Chúa sinh ra rất chân thực. Nhưng phần sau, Luca đã lấy ánh sáng của đức tin siêu nhiên, để nhắc bảo ta nhận biết Hài Nhi vừa sinh ra là Thiên Chúa. Và như vậy, ta phải nhìn nhận nơi Con Trẻ thành Bêlem cả nhân tính lẫn thiên tính.

Khi kể lại việc Chúa sinh ra trên bình diện loài người, Luca làm cho người ta thấy Đức Kitô thật là một con người, đã sinh ra trong thời gian và không gian nhất định khi phải chấp nhận một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đó là dưới thời César-Augustô và Quirinitô bấy giờ là tổng trấn Syri. Sự việc xảy ra vào đúng lúc kiểm tra dân số. Chúa đã giáng sinh tại một địa điểm ở Bêlem thuộc xứ Giuđê, trong hoàn cảnh hai ông bà Giuse và Maria không tìm được quán trọ, nên phải đặt Hài Nhi chỗ máng ăn của súc vật. Rõ ràng không ai có thể phủ nhận bản tính loài người nơi Đức Kitô. Nhưng đồng thời khi kể lại câu chuyện lịch sử ấy, Luca còn để ý đến khía cạnh Tin Mừng Cứu độ nơi Hài Nhi Giêsu. Việc Chúa giáng sinh mang ơn cứu độ đến, đã xảy ra trong hoàn cảnh khó nghèo và như bị chèn ép, bỏ rơi, hất hủi. Nhưng Người sẽ xây dựng lại hạnh phúc cho loài người từ thân phận nghèo hèn, đói rét ấy. Xác quyết như vậy cũng chưa đủ, trong phần còn lại của bài Tin Mừng, Luca còn giới thiệu với chúng ta Hài Nhi nằm trong máng ăn của súc vật chính là Thiên Chúa đã giáng trần, vì ánh sáng của Thiên Chúa phủ trên Người và bao nhiêu thiên thần đang thờ lạy xướng ca.

Đời sống con người từ lâu chỉ lẩn quẩn trong cảnh chém giết, bóc lột lẫn nhau. Nay Đấng Cứu Thế kỳ diệu đến mang lại hòa bình và tình thương cho nhân loại. Người bẻ gãy mọi ách nô lệ không bằng sức mạnh nhưng bằng thiên tính mà Gioan đã định nghĩa là Tình Yêu.

Thánh vịnh 95 mời gọi chúng ta cũng hát mừng Thiên Chúa, vì Người đã chiến thắng, để cứu chuộc chúng ta. Người người cùng vạn vật hãy tung hô Người. Và với tâm tình vui tươi phấn khởi, Thánh Phaolô đã nhìn Chúa đến như nguồn ân sủng, như Đấng Cứu Tinh đến giải thoát chúng ta khỏi mọi gian ác, khiến chúng ta tràn trề hy vọng hạnh phúc bất diệt. Ngài cũng kêu mời chúng ta hãy để ơn Chúa Cứu Thế hướng dẫn ta từ bỏ những ham muốn thế tục và ích kỷ, tập sống công bình bác ái ở đời này, để xứng đáng đi đến niềm trông đợi hạnh phúc vinh quang.