Suy niệm Giáng Sinh 2010:

Giá trị chân chính của các gia đình Kitô giáo


Ðại lễ Giáng Sinh, ngày sinh nhật của Ðức Giêsu Kitô, cũng là một đại lễ của gia đình, một dịp mà mọi thành viên của gia đình từ khắp nơi cùng về xum họp, cùng trao tặng cho nhau quà cáp và cùng chúc cho nhau những điều may mắn tốt đẹp nhất.

Vì thế, không phải là một việc ngẫu nhiên, nếu Giáo Hội dâng hiến ngày Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Giáng Sinh để tôn kính Thánh Gia Thất Na-da-rét. Giáo Hội muốn cho chúng ta có dịp đánh giá lại các giá trị và ý nghĩa của gia đình, của gia đình Kitô giáo chúng ta, một cách đúng đắn và khách quan hơn.

Vâng, không có nơi nào con người lại sống gần gũi và gắn bó chặt chẽ với nhau cho bằng cuộc sống trong gia đình. Gia đình là nơi hằng ngày người ta gặp gỡ nhau, ăn uống với nhau, nói chuyện với nhau và người ta cũng quan tâm lo lắng cho nhau, nếu người ta muốn.

Dĩ nhiên, những kinh nghiệm về gia đình rất khác biệt nhau: Người này thì lấy làm vui mừng sung sướng về những giờ phút được gặp gỡ, họp mặt trong gia đình, còn kẻ khác lại coi đó như một điều nặng nề khó chịu, bất đắc dĩ. Vì lý do bất đồng quan điểm, bất đồng ý kiến, hay vì những lý do không đâu, người ta dễ hạch sách và bắt bẻ lẫn nhau, cãi cọ và giận dỗi nhau.

Nhưng rồi mọi người lại làm hòa và lại vui vẻ truyện trò với nhau. Và họ làm vậy không vì do ai đòi hỏi bắt buộc, nhưng vì mỗi người cảm thấy đó là điều tốt cho mình và cho cả gia đình, nhất là tình yêu và sự gắn bó máu mủ ruột thịt là sức mạnh thiêng liêng, là động lực chính giúp họ thực hiện được chuyện đó.

Qua đó, một điều hoàn toàn quá hiển nhiên là trong cuộc sống con người, gia đình quả là một cái chi vô cùng cao vời quý giá, chứ không phải như bất cứ một đoàn thể hay một nhóm người nào đó mà chúng ta có thể chấp nhận tham gia hay không tùy ý được.

Không! Gia đình luôn luôn phải là nơi chốn đầu tiên hiện thực cuộc sống liên đới Kitô giáo, là nơi chốn đầu tiên giúp con người cảm nghiệm được thế nào là làm người, thế nào là sống sứ mệnh làm người của mình! Gia đình là nơi con người tìm gặp được tình yêu, sự che chở chắc chắn và phẩm giá của mình.

Ðối với đứa trẻ nhỏ, gia đình trước hết là một thế giới mà trong đó nó được lớn lên và tập làm người, tập cười, tập nói và cả tập khóc nữa, và là nơi nó được chấp nhận và được đón nhận như một nhân vị! Vâng, đứa trẻ khám ra được thế giới ngoại cảnh và đồng loại trước tiên là nhờ mẹ nó, nhờ cha nó và nhờ anh chị em của nó, và từ đó nó học hỏi được con người phải sống chung với nhau thế nào, dĩ nhiên tiệm tiến từng bước nhỏ một! Trong gia đình và nhờ gia đình, đứa bé lãnh hội được tất cả: Sự sống, sự tồn tại, tình yêu, sự tha thứ. Gia đình thực sự là ngôi trường tốt nhất, đào tạo cho ta nên người, giúp ta học biết được tình yêu là gì, tại sao và làm thế nào con người cần phải làm hòa với nhau.

Không có một ảnh hưởng nào có thể đâm rễ sâu được trong lòng con người cho bằng ảnh hưởng giữa cha mẹ và con cái. Ảnh hưởng đó không dễ dàng một sáng một chiều bị xóa bỏ được. Tất cả chúng ta là con cái của cha mẹ chúng ta. Dĩ nhiên đứa trẻ vẫn có những tư duy và lối sống riêng biệt.

Nhưng nếu chúng ta đề cập đến các «gia đình Kitô giáo», thì điều đó có ý nghĩa gì? Làm thế nào để người ta có thể nhận ra được đó là một gia đình Kitô giáo? Có dấu hiệu nào để nhận diện một gia đình Kitô giáo không?

Khi một gia đình tự nhận là Kitô giáo thì theo nguyên tắc người ta có thể nhận ra được qua dấu chỉ này là khi gia đình đó trở thành một nơi để cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người được cụ thể hóa, là một nơi sứ điệp Phúc Âm được tiếp tục loan báo và cuối cùng là một nơi công cuộc phục vụ tha nhân luôn được thực thi một cách hăng hái.

Như thế, gia đình Kitô giáo không chỉ là một nơi con người lớn lên, nhưng là lớn lên một cách đúng đắn và nỗ lực sống theo Thần Khí Ðức Giêsu, Ðấng duy nhất có thể bảo đảm hạnh phúc cho cuộc sống gia đình. Dĩ nhiên, các gia đình Kitô giáo cũng không được chuẩn chước khỏi phải đối mặt với những khó khăn vất vả và những đau khổ của cuộc sống, nhưng nhờ vào đức tin, nhờ vào sự thâm tín Kitô giáo sâu xa của mình, họ có thể đứng vững được trong các thử thách ngặt nghèo như thế. Ðó là sự khác biệt.

Ðúng vậy, Ðức Giêsu không hề hứa với các Kitô hữu chúng ta là nếu chúng ta tin vào Người, nếu chúng đi nhà thờ đọc kinh xem lễ, nếu chúng ta cầu nguyện cùng Người, thì chúng ta sẽ không còn gặp phải những khó khăn vất vả trong cuộc sống nữa, sẽ không còn đau khổ nữa và sẽ đạt được thành công trong mọi việc.

Tuyệt đối không! Nếu không, sẽ không còn đức tin nữa và đời sống tôn giáo của chúng ta chỉ còn là một dịch vụ thương mại, là một sự trao đi đổi lại, không hơn không kém. Ðức tin Kitô giáo chỉ bảo đảm cho chúng ta điều này là trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống chúng ta sẽ luôn tìm gặp được niềm hy vọng mới, sức mạnh mới và sự can đảm mới cho cuộc sống, nếu chúng ta biết phó thác hoàn toàn vào tình thương của Cha trên trời. Trong những cơn hoạn nạn, trong những thử thách khó khăn, trong các đau khổ, v.v…những người Kitô hữu có một đức tin đầy xác tín, bao giờ cũng tìm ra được giải pháp hợp lý, bao giờ cũng tìm ra được lối thoát dẫn tới ánh sáng của niềm hy vọng, và do đó họ không bao giờ bị thất bại đổ vỡ; hay nói đúng hơn, sự thất bại đối với người có đức tin không phải là lý do khiến họ dừng lại và bỏ cuộc, nhưng càng can đảm bắt đầu lại và hăng hái tiến lên phía trước. Nhờ có đức tin sống động và sâu xa, họ lại có được can đảm bắt tay làm hòa với nhau và trao cho nhau những mỉm cười thông cảm, sau những va chạm và cãi cọ.

Hôm nay, nhân dịp Đại lễ Giáng Sinh và lễ kính Thánh Gia Thất Na-da-rét, gương mẫu của các gia đình, chúng ta lại một lần nữa thử đánh giá một cách đúng đắn các giá trị và ý nghĩa của chính gia đình chúng ta. Ðể nhờ thế, gia đình chúng ta luôn luôn là điểm hẹn của tình yêu, của niềm hân hoan và của sự bảo đảm chắc chắn cho mọi thành viên của gia đình - mặc dù mỗi người trong họ vẫn có tâm tự nguyện vọng và ý kiến khác nhau, mặc dù vẫn có những va chạm và cãi cọ - bởi vì gia đình đã được xây dựng trên nền tảng chắc chắn của đức tin và đã được Thiên Chúa chúc phúc!