Chuyện Bác Chuyện Em: Chiếu Bí!

...— Hồi xưa Chúa Giêsu cũng là một tay đánh cờ tướng đấy.…

□ Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Bác và em ăn cơm chiều vừa xong, hai bên rủ nhau ra sân đình, đánh cờ tướng. Mới được khoảng dăm phút, em tự nhiên hét to, tay đập mạnh xuống bàn cờ gỗ,

— Chiếu!

Bác trả miếng,

— Này chiếu thì đây lên tượng.

Em rút pháo sang bên trái, giọng quyết liệt,

— Lên tượng thì đây lại kéo pháo. Chiếu tiếp!

Bác trả miếng,

— Rỗi chuyện! Chiếu tiếp thì đây lại xuống sĩ.

Em không buông tha,

— Xuống sĩ! Này, thì xuống sĩ! Đây kéo xe xuống cho bay luôn bộ đồ lòng. Chiếu tiếp!

Bác giọng hờn mát,

— Gớm, ông đánh cờ mà cứ làm như đánh giặc!

Em đổ thêm dầu vào lửa,

— Lại cáu gắt mắm tôm rồi! Thua thì nhận đi cho cao cờ.

Bác nửa chữa thẹn, nửa mắng vốn,

— Ông học ở đâu ra mà có cái nước pháo đến là rùng rợn. Nổ vang cứ y như pháo nổ ngày Tết!

Em mặt tỉnh bơ bơ,

— Quan bác không phải ăn nói mát mẻ đến thế. Học ở đâu ra, ở Chúa ra chứ còn ở đâu ra.

Bác làm mặt nghiêm,

— Ăn nói linh tinh nhé.

Em cười nho nhỏ,

— Bác đừng có nói! Hồi xưa Chúa Giêsu cũng là một tay đánh cờ tướng đấy. [1]

Bác đe dọa,

— Ông ăn nói vớ vẩn. Cha cụ nghe được, đứt lưỡi bây giờ!

Em cãi lại,

— Ơ hay, nghe chưa rõ chuyện mà cứ xấn xổ nói át tiếng của người ta. Này, Chúa Nhật vừa rồi có đi dự một ván lễ hay không?

Em tiếp tục,

— Sao không trả lời. Cái mặt lại cứ ngớ ngẩn như gái ngồi phải cọc như thế kia!

Em tố tới,

— Thôi chết rồi! Lại trốn lễ nữa rồi, có đúng không?

Bác càu nhàu, cố gắng gỡ hòa tỷ số,

— Ông thì cứ ăn nói như cha cụ trên tòa. Mà cụ đã dậy bao nhiêu lần rồi, nhưng vẫn cứ chứng nào tật nấy. Thánh lễ Misa mà cứ nằng nặc một hai nói là ván lễ. Cứ làm như ván cờ.

Em mặt bơ bơ,

— Thì thánh lễ. Mà em hỏi nhưng bác vẫn chưa trả lời. Bác có đi lễ hôm Chúa Nhật vừa rồi hay không? Nếu đi thì bác đã biết chuyện Chúa đánh cờ tướng ra sao rồi.

Bác nghi ngờ,

— Gớm, đến là khổ! Cứ làm như mật thám thời tây. Thì đấy, ông nói đi...

Em giọng cha cụ,

— Này nhé, đang cơm lành canh ngọt tự nhiên mấy ông Sadducee ngứa mình kéo tới đền thờ bày cờ triệt, tính chiếu bí Chúa.

Bác nóng nảy ngắt lời,

— Chiếu bí Chúa, mà chiếu như thế nào?

Em càu nhàu,

— Gượm hẵng, em nói chửa xong… Bộ bác quên rồi sao? Tuần rồi Phúc Âm kể chuyện bẩy ông lấy đúng một cô... Việt Nam mình thì có chuyện Ông Táo. Hai ông lấy đúng một bà. Nhưng người Do Thái thì lại có chuyện bẩy người, mà đây lại là bẩy anh em.

Bác như vỡ nhẽ,

— Ừ, ông nói đúng. Cái người Do Thái cũng lạ nhỉ, tự nhiên ở đâu lại chui ra cái vụ anh em trong nhà đàn đúm, xúm lại với nhau lấy cùng một bà. Mà mấy ông Sadducee là thuộc trường phái chi vậy cà?

Em giải thích,

— Bác ơi, cái này là phong tục của xứ người ta từ thời ông Môisen (Deut 25:5). Đối với mình thì là lạ, nhưng đối với người ta thì chỉ là chuyện tiếp nối dòng dõi.

Bác hỏi tới,

— Còn người Sadducees?

Em ra vẻ rành rẽ,

— Người Sadducees thì khác, họ cũng là hàng tư tế, nhưng lại không tin có đời sau. Đối với họ, chết là hết. Cho nên mấy họ mới bày ra câu chuyện bẩy anh em cưới cùng một bà để chiếu bí Chúa.

— Chiếu bí ai không chiếu lại nhắm ngay Chúa. Thua chắc…

— Thế thì nó mới ra chuyện. Thoạt đầu cứ tưởng là gài cờ triệt để bẻ mặt Chúa. Nhưng hóa ra lại bị phản đòn, chưa hết lại còn bị Chúa mắng cho mấy mắng.

— Gài cờ triệt?

Em phân tích,

— Chuyện là như thế này, sau khi kể xong chuyện, họ mới hỏi Chúa, “Vào ngày sau hết, khi người ta sống lại, cái bà này sẽ là vợ của ai trong bẩy người?”

Bác gật gù,

— Nghe cũng có lý. Thế rồi Chúa “phản đòn” như thế nào?

— Thì Chúa nói chỉ có trần gian thiên hạ mới cưới hỏi rộn ràng. Còn những người sống lại, họ trở nên giống như các thiên thần; cho nên đâu còn có cái vụ dựng vợ gả chồng ở cõi đời sau.

Bác vỡ nhẽ,

— À! Thì ra là thế. Còn Chúa mắng? Mắng như thế nào?

— Mắng như thế nào? Thì Chúa mắng ngay mặt mà lại ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đến là quê! Chúa nói sao các ông dốt như thế, chính Môisen cũng đã từng lên tiếng xác nhận chuyện người chết sống dậy đó. Trong sa mạc, chính Môisen đã gọi Giavê Thiên Chúa “là” Chúa của tổ phụ Abraham, của tổ phụ Isaac, và của tổ phụ Jacob đấy.

Bác chép miệng, nhìn chung quanh như sợ có người nghe lén,

— Tình thật, chỗ này là tớ hơi lạc. Chúa Nhật vừa rồi, lúc nghe cha giảng tới cái đoạn này, tớ chẳng hiểu gì hết, cứ y như vịt nghe sấm…

Em nói rành rọt từng câu,

— Vâng, chuyện là như thế này. Khi ông Môisen gặp gỡ Chúa nơi bụi gai, lúc đó cả ba ông tổ đều đã chết hết rồi, nhưng Thiên Chúa vẫn giới thiệu Ngài “‘là’ Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, Chúa của tổ phụ Jacob” (Exodus 3:6, 15; Luke 20:37). Như vậy rõ ràng Giavê là Thiên Chúa của những sống chứ đâu phải của những kẻ đã chết.[2]

Em vỗ tay xuống đùi một cát đét,

— Mà bác xem đấy, thiệt đúng là Chúa, mở đầu câu chuyện mấy ông thần nước mặn lôi luật Môisen ra làm mối, cột câu chuyện bẩy anh em lấy cùng một bà (Luke 20:28). Tới phiên Chúa, Chúa cũng lại dùng chính ngay chuyện ông Môisen để mắng mấy ông Sadducee mấy mắng. Cái này ta gọi là gậy ông đập lại lưng ông, thế là bên kia tịt ngòi, ngồi im như ngậm bị thóc.

Bác châm chọc,

— Hay nhỉ, nhìn mặt cứ y như người dở hơi mà sao Kinh Thánh lại rành rẽ đến thế. Khai thật đi, có phải tu xuất hay không?

Chọc đúng ngay nọc, em lãng lãng chuyện,

— Bác cứ thừa giấy vẽ voi! Thôi dựng lại bàn cờ mới đi.

Bác gật gù,

— Được, để coi kỳ này ai bày cờ, ai chiếu bí ai...

www.nguyentrungtay.com

_________________________________

chú thích

[1] Xin đọc Đức Giêsu Giải Thế Cờ Bí

[2] Trong Sách Xuất Hành, Giavê Chúa hiện ra trong bụi cây, và Ngài giới thiệu với Môisen, “Ta là Thiên Chúa của cha ông ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Jacob (Exodus 3:6, 3:15). Trong bản tiếng cổ Do Thái, câu, “Ta là Thiên Chúa của…” nằm ở thể hiện tại, không phải quá khứ. Chúa Giêsu đã sử dụng thuật ngữ khi Ngài trích câu 3:6 và 3:15 của sách Xuất Hành. Ý Đức Giêsu muốn nói chính Môisen cũng không viết là “Thiên Chúa [đã là] Thiên Chúa của…” nhưng mà “Thiên Chúa [là] Thiên Chúa của…” Trong văn phạm tiếng Việt, thuật ngữ của câu Luca 20:37 không được minh họa rõ nét.